Mục lục
Cứng gối tư thế duỗi hoặc gập là tình trạng hạn chế biên độ gấp của khớp gối. Tình trạng không duỗi thẳng được chân hoặc chân không gập được hết có thể gặp sau chấn thương, sau phẫu thuật... và dù ở mức độ nào mất duỗi gối đều ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
1. Nguyên nhân gây mất gập và mất duỗi khớp gối
Động tác duỗi gối có liên quan đến hệ thống cơ - xương - khớp phức tạp, cụ thể là cơ tứ đầu đùi bám vào xương bánh chè trong khi đó xương bánh chè nối với lồi củ chày qua gân bánh chè. Động tác gập gối quá mạnh trong khi cơ tứ đầu đùi vẫn đang co sẽ gây tổn thương đến các cấu trúc này dẫn đến: đứt gân tứ đầu đùi, đứt gân bánh chè, gãy lồi củ chày, gãy xương bánh chè. Ở người khỏe mạnh, các cấu trúc này cần một lực đáng kể để làm tổn thương, đặc biệt là hệ thống gân thường rất khỏe, vì vậy xương bánh chè có xu hướng gãy trước khi đứt gân.
Tuy nhiên, nhóm người sau đây có nguy cơ cao bị đứt gân gồm: tuổi cao, thoái hóa khớp, sử dụng một số loại thuốc nhất định (kháng sinh fluoroquinolones, nhóm corticosteroid), đái tháo đường, béo phì, cường cận giáp, bệnh đa dây thần kinh, lạm dụng thuốc có tác dụng tương tự steroid. Các tổn thương thường xuất phát từ chấn thương nhẹ, gân cơ tứ đầu đùi có xu hướng dễ bị chấn thương hơn nhiều so với gân bánh chè, đặc biệt ở người lớn tuổi.
Những chấn thương ở dây chằng khớp gối (đứt, rách) trong khi chơi thể thao, bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động hoặc té ngã trong sinh hoạt...gây ra tình trạng đầu gối không gập được.
Mặt khác, ở những bệnh nhân sau khi tái tạo dây chằng chéo trước đã làm được hầu hết các sinh hoạt hằng ngày (như đi lại, gập duỗi gối, leo cầu thang bậc thấp...) tại thời điểm hơn 4 tháng sau phẫu thuật. Lúc này gối đã gập duỗi gần như hoàn toàn, nhưng nếu bệnh nhân vẫn không duỗi thẳng được chân hoặc chân không gập được hết nghĩa là:
- Khớp gối bị mô xơ nhiều;
- Hoặc dây chằng đặt không đúng tư thế gây mất duỗi gối và mất gập gối;
- Hoặc sụn chêm bị rách nhưng chưa được xử trí đúng mức gây kẹt khớp;
Một số trường hợp do bệnh nhân tập luyện quá nhiều, xoa bóp, chườm nóng sau mổ gây rối loạn dinh dưỡng khiến gối bị sưng, đau âm ỉ và đau nhiều về đêm.
2. Triệu chứng đi kèm mất gập và mất duỗi khớp gối
Bên cạnh tình trạng không duỗi thẳng được chân hoặc chân không gập được hết, bệnh nhân còn có thể gặp các biểu hiện sau:
- Vùng bị tổn thương đau và sưng;
- Bệnh nhân bị đứt gân hoàn toàn sẽ không đứng được, không thể duỗi thẳng chân trong tư thế nằm ngửa hoặc không duỗi được gối trong tư thế ngồi;
- Xuất hiện các biến chứng như mất vận động, yếu.
3. Chẩn đoán nguyên nhân gây ra tình trạng không duỗi thẳng được chân hoặc chân không gập được hết
Kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh:
- Chụp X quang;
- MRI.
Thăm khám khớp gối để xác định cấu trúc bị tổn thương:
- Đứt gân cơ tứ đầu đùi: xương bánh chè lệch xuống dưới có thể sờ thấy;
- Đứt gân bánh chè: Xương bánh chè lệch lên trên;
- Gãy ngang xương bánh chè: sờ được khoảng trống ở giữa 2 mảnh xương bị gãy;
- Thăm khám dây chằng.
4. Làm gì khi không duỗi thẳng được chân hoặc chân không gập được hết?
Có thể thấy có rất nhiều nguyên nhân khiến gối mất vận động, không duỗi thẳng được chân hoặc chân không gập được hết, các bác sĩ cần thăm khám cụ thể để phát hiện đúng nguyên nhân và tìm ra hướng điều trị triệt để cho bệnh nhân.
Chỉ định tập luyện để cải thiện vận động sẽ được hướng dẫn nếu cần thiết sau khi bác sĩ đã chẩn đoán chính xác nguyên nhân khiến gối mất vận động, không duỗi thẳng được chân hoặc chân không gập được hết. Vì vậy, khi xuất hiện tình trạng này bệnh nhân nên đến các phòng khám chấn thương chỉnh hình uy tín để được thăm khám chính xác.
Phương pháp phẫu thuật để điều trị các tổn thương cơ chế duỗi gối được chỉ định khi cần thiết: phẫu thuật cứng gối theo phương pháp JUDET được chỉ định khi cứng duỗi gối ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh, biên độ gấp gối nhỏ hơn 60 độ hoặc người bệnh có biên độ lớn hơn 60 độ nhưng có nhu cầu cải thiện biên độ gấp gối.
- Sơ cứu nạn nhân chấn thương cột sống
- Phân độ chấn thương cột sống theo Frankel
- Tầm quan trọng của sơ cấp cứu