Mục lục
Ngay cả khi cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc, một số người vẫn không hay mỉm cười hoặc lấy tay che miệng khi cười. Lí do là họ không tự tin với hàm răng của mình và đây là một trong những lý do nên đi gặp bác sĩ chỉnh nha.
1. Bác sĩ chỉnh nha làm những gì?
Bác sĩ chỉnh nha là bác sĩ nha khoa được đào tạo nâng cao về kỹ năng điều chỉnh để hàm răng di chuyển. Họ sẽ chỉnh lại hàm răng của bạn vốn đang khấp khểnh trở nên thẳng hàng hơn, khỏe mạnh hơn.
Lý do hàng đầu để cả người lớn và trẻ em đi gặp bác sĩ chỉnh nha là để điều trị tình trạng răng lệch lạc (còn gọi là lệch khớp cắn). Các bác sĩ chỉnh nha sẽ giúp làm thẳng răng và cải thiện khớp cắn của bạn bằng cách điều chỉnh 2 hàng răng ăn khớp với nhau và xương hàm thẳng đẹp hơn.
Bác sĩ nha khoa sẽ sử dụng mắc cài, khay niềng răng và các thiết bị khác để giúp tạo lực cho răng di chuyển. Ngoài ra, họ cũng sử dụng các khí cụ niềng răng để giữ răng vào đúng vị trí.
2. Vì sao nên đi gặp bác sĩ chỉnh nha?
Răng khấp khểnh, mọc chen chúc, thừa răng,... có thể gây sâu răng, các bệnh nướu răng hay thậm chí là mất răng. Đó là do các răng mọc chồng lên nhau, rất khó làm sạch ở các khe kẽ. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân bị lệch khớp cắn thì có thể gây ra các vấn đề khi ăn nhai và nói chuyện.
Trước các vấn đề trên, người bệnh nên đi gặp bác sĩ chỉnh nha. Sau khi chỉnh nha, hàm răng bệnh nhân sẽ thẳng hơn và điều trị để có khớp cắn chuẩn.
3. Khi nào nên đi khám răng, chỉnh nha?
Khám răng lúc nào tốt nhất? Điều này phụ thuộc vào từng độ tuổi cụ thể. Đó là:
3.1. Khám răng ở trẻ em
Mặc dù hầu hết mọi người đều cho rằng khi bước sang tuổi thiếu niên thì mới nghĩ tới việc chỉnh nha. Tuy nhiên, Hiệp hội Chỉnh nha Hoa Kỳ (AAO) cho biết, Các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi khám chỉnh nha trước khi trẻ được 7 tuổi. Điều này giúp:
- Bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề về sự phát triển của hàm răng trẻ (khi răng sữa vẫn còn);
- Mặc dù răng của bé có vẻ thẳng khi quan sát từ bên ngoài nhưng đôi khi có thể có những vấn đề nhỏ chỉ nha sĩ mới phát hiện được;
- Việc kiểm tra giúp xác định xem khớp cắn của trẻ có ổn hay không. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể theo dõi các vấn đề bất thường về sức khỏe răng miệng của trẻ để trị liệu ngay hoặc nghị điều trị vào một thời điểm thích hợp sau này;
- Phát hiện và điều trị sớm, ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe răng miệng nghiêm trọng hơn;
- Giúp giảm nguy cơ chấn thương răng miệng cho trẻ, sửa các thói quen không tốt cho răng miệng, cải thiện ngoại hình của bé, chỉnh vị trí của các răng vĩnh viễn, giúp trẻ có nụ cười khỏe đẹp.
Ngoài ra, có những vấn đề ở trẻ như rụng răng sữa sớm hoặc muộn, tưa lưỡi, thở bằng miệng, mút tay,... đều có thể được điều trị nhờ chỉnh nha. Nếu bạn nhận thấy trẻ có bất kỳ triệu chứng nào như trên thì nên đưa bé đi khám. Cần chú ý, tầm soát sớm không có nghĩa là phải điều trị ngay lập tức. Thực tế, hầu hết trẻ em bắt đầu chỉnh nha khi trẻ được 9 - 14 tuổi.
3.2. Khám răng ở người lớn
Nếu bạn tự ti với nụ cười của mình thì bạn nên đi gặp bác sĩ chỉnh nha ngay lập tức. Đừng nghĩ rằng chỉnh nha chỉ dành cho trẻ em. Trên thực tế, có khoảng 20% bệnh nhân chỉnh nha hiện nay là người lớn. Tại sao ngày càng có nhiều người trưởng thành đi chỉnh răng? Đó là vì:
- Điều trị chỉnh nha có thể thành công đối với mọi lứa tuổi. Đặc biệt, các bệnh nhân lớn tuổi thường hoàn toàn tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, với sự xuất hiện của các phương pháp niềng răng thẩm mỹ như mắc cài mặt trong, khung sứ trong suốt,... rất khó để người đối diện biết bạn có đang đeo thiết bị chỉnh nha hay không. Vì vậy, nếu bạn lo lắng rằng niềng răng bằng mắc cài kim loại có thể gây ảnh hưởng tới hình ảnh của mình thì hãy lựa chọn về những phương pháp niềng răng thẩm mỹ hơn;
- Điều trị chỉnh nha giúp răng thẳng hàng, dễ làm sạch hơn, ít bị bào mòn hơn. Khớp cắn tốt hơn cũng giúp bạn không gặp khó khăn khi nhai nuốt và nói chuyện. Bạn sẽ có một hàm răng khỏe mạnh, không lo lắng tới các vấn đề như sâu răng, ê buốt răng,...
Ngoài vấn đề thẩm mỹ, bạn nên đi gặp bác sĩ chỉnh nha ngay khi có băn khoăn về sự sắp xếp của răng hay vấn đề về khớp cắn. Đó là các triệu chứng: Khó khăn khi cắn, nhai, nói; răng bị nhô ra, chen chúc hoặc không đúng vị trí,... Đồng thời, thở bằng miệng, nghiến răng, không khép môi thoải mái được, mỏi hàm,... cũng là dấu hiệu bạn cần điều trị chỉnh nha.
Bệnh nhân trưởng thành đi chỉnh nha phổ biến thuộc nhóm tuổi 26 - 44 tuổi. Tuy nhiên, cũng có những người ở độ tuổi 60 - 70 vẫn niềng răng. Phương pháp điều trị cho từng bệnh nhân sẽ không giống nhau và thời gian thường kéo dài 1 - 3 năm.
Như vậy, trẻ em nên đi gặp bác sĩ chỉnh nha trước khi được 7 tuổi để được kiểm tra sức khỏe răng miệng và điều trị sớm các bệnh lý nha chu. Người trưởng thành cũng nên đi khám nha sĩ nếu gặp các vấn đề về thẩm mỹ hoặc mắc bệnh nướu răng, lệch khớp cắn,...
Nguồn tham khảo: aaoinfo.org, discoverortho.ca, webmd.com
- Đau do viêm tủy răng
- Đừng lạm dụng tẩy trắng răng
- Tại sao bị sâu răng không được tẩy trắng răng?