Mục lục
Khám bàn chân tiểu đường được xem là một bước quan trọng, giúp những người mắc đái tháo đường ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe bàn chân. Điều này cũng giúp hạn chế được các biến chứng bàn chân tiểu đường có thể xảy ra, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và thậm chí bao gồm cả tính mạng của người bệnh.
1. Khám bàn chân tiểu đường là gì?
Nhìn chung, những người mắc bệnh tiểu đường thường có nguy cơ cao gặp phải một loạt các vấn đề về sức khỏe bàn chân. Việc khám bàn chân tiểu đường sẽ giúp bác sĩ kiểm tra xem những người mắc bệnh đái tháo đường có đang bị nhiễm trùng, chấn thương hay có các bất thường về xương không.
Các tình trạng như tổn thương dây thần kinh (bệnh thần kinh) và lưu thông máu kém thường được xem là những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra các vấn đề về bàn chân của người mắc bệnh tiểu đường.
Bệnh thần kinh có thể gây ra các biến chứng bàn chân tiểu đường, bao gồm: Tình trạng tê, ngứa ran hoặc thậm chí mất cảm giác ở bàn chân. Điều này có thể khiến bạn dễ bị mắc các chấn thương ở chân như vết phồng rộp, vết chai hoặc vết loét mà không nhận ra sự hiện diện của chúng.
Mặt khác, tình trạng lưu thông máu kém ở bàn chân cũng có thể khiến bệnh nhân tiểu đường khó chống lại sự nhiễm trùng chân và làm cho vết thương lâu lành. Khi bệnh tiểu đường kết hợp với loét chân hay các chấn thương khác sẽ khiến cho quá trình chữa lành vết thương trở nên lâu hơn và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng.
Nếu nhiễm trùng ở bàn chân không được điều trị sớm, nó có thể trở thành một biến chứng bàn chân tiểu đường nguy hiểm đến mức bạn buộc phải cắt cụt bàn chân để giữ lại tính mạng cho mình.
Vì những lý do trên, các chuyên gia khuyến nghị bạn nên khám bàn chân tiểu đường thường xuyên, kết hợp chăm sóc tại nhà nhằm giúp ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
2. Vì sao nên khám bàn chân tiểu đường?
Những người mắc bệnh đái tháo đường nên đi khám bàn chân tiểu đường ít nhất mỗi năm một lần. Bạn có thể cần phải đi khám thường xuyên hơn nếu bàn chân có bất kỳ các triệu chứng nào sau đây:
- Tê
- Ngứa ran
- Đau đớn
- Sưng tấy
- Cảm giác bỏng rát
- Đau và cảm thấy khó khăn khi đi lại.
Bạn cũng nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu nhận thấy các dấu hiệu nghiêm trọng của biến chứng bàn chân tiểu đường sau đây:
- Các vết cắt, phồng rộp hoặc vết thương khác ở chân không lành sau vài ngày
- Vết thương ở chân có cảm giác ấm nóng khi chạm vào
- Đỏ xung quanh vết thương ở chân
- Vết chai có máu khô ở bên trong
- Vết thương ở chân có màu đen và nặng mùi. Đó có thể là dấu hiệu của chứng hoại thư, gây ra chết mô. Nếu không được điều trị kịp thời, chứng hoại thư có thể dẫn đến nguy cơ cắt cụt bàn chân và thậm chí là tử vong.
3. Quy trình khám bàn chân tiểu đường
Khám bàn chân tiểu đường có thể được thực hiện dưới quy trình sau đây:
3.1 Đánh giá chung
Bác sĩ sẽ khai thác một số thông tin về lịch sử sức khoẻ của bạn cũng như bất kỳ các vấn đề nào trước đây bạn gặp phải ở bàn chân.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể tìm hiểu xem nguyên nhân nào gây chai, loét hoặc mụn nước ở bàn chân bạn, chẳng hạn như do đi giày chật.
3.2 Đánh giá da liễu
- Tìm hiểu về các vấn đề da khác nhau ở chân bệnh nhân tiểu đường, bao gồm nứt nẻ, khô, mụn nước, chai sần và loét
- Kiểm tra móng chân của bệnh nhân có vết nứt hoặc nhiễm nấm không?
- Kiểm tra các kẽ ngón chân xem có dấu hiệu nhiễm nấm không?.
3.3 Đánh giá thần kinh
Thường bao gồm các bài test sau đây:
- Kiểm tra monofilament: Chải một sợi nylon mềm monofilament lên bàn chân và các ngón chân của bệnh nhân tiểu đường nhằm kiểm tra độ nhạy khi chạm vào bàn chân.
- Âm thoa và kiểm tra cảm nhận hình ảnh (VPT): Bác sĩ sẽ đặt một âm thoa hoặc thiết bị đặc biệt lên bàn chân và ngón chân của bạn để xác định xem liệu bạn có cảm nhận được độ rung của máy hay không.
- Kiểm tra pinprick: Bác sĩ sẽ nhẹ nhàng chọc đáy bàn chân của bạn bằng một chiếc đinh ghim nhỏ nhằm xem cảm nhận của bạn.
- Phản xạ mắt cá chân: Sử dụng vồ gõ chân gõ nhẹ lên mắt cá chân của bệnh nhân tiểu đường.
3.4 Đánh giá cơ xương khớp
Giúp tìm kiếm những bất thường về hình dạng cũng như cấu trúc của bàn chân tiểu đường.
3.5 Đánh giá mạch máu
Thường được thực hiện nếu bạn có các triệu chứng của tuần hoàn máu kém. Bác sĩ sẽ sử dụng siêu âm Doppler nhằm đánh giá tình trạng lưu thông máu ở chân bạn.
4. Điều trị các vấn đề về chân ở bệnh nhân tiểu đường
Nếu phát hiện có bất kỳ vấn đề bất thường nào ở bàn chân, bạn nên thực hiện khám bàn chân tiểu đường thường xuyên hơn. Tình trạng bàn chân do bệnh tiểu đường gây ra có thể biểu hiện ở nhiều mức độ nghiêm trọng. Do đó, việc phòng ngừa là cách bảo vệ tốt để tránh các biến chứng bàn chân tiểu đường, tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được.
Khi phát hiện sớm các bệnh lý ở chân trước khi tiểu đường biến chứng mạch máu có thể giúp cho việc điều trị ít xâm lấn và hiệu quả hơn. Bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để xác định kế hoạch điều trị tốt cho mình.
Nếu được chẩn đoán sớm, các tình trạng hoặc biến chứng bàn chân tiểu đường nghiêm trọng có liên quan đến loét và biến dạng xương sẽ được điều trị bằng phương pháp bó bột, giúp bảo vệ bàn chân và giúp chúng nhanh lành.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị bạn mang nẹp hoặc giày chuyên dụng để điều trị cho vết loét ở bàn chân.
Đối với các vết loét nghiêm trọng hơn ở chân có khả năng cao cần đến sự can thiệp của phẫu thuật. Thông qua phẫu thuật, vết loét sẽ được cắt bỏ và làm sạch những vùng bị ảnh hưởng khác. Quá trình hồi phục sau khi phẫu thuật loại bỏ vết loét có thể mất từ vài tuần đến vài tháng.
Các phương pháp điều trị khác cho những vấn đề ở bàn chân của bệnh nhân tiểu đường có thể bao gồm:
- Điều trị nhiễm trùng chân bằng các loại thuốc kháng sinh
- Phẫu thuật giúp điều trị dị tật xương.
Hiện nay, không có phương pháp điều trị cụ thể cho tình trạng tổn thương dây thần kinh ở bàn chân, bác sĩ có thể cho bệnh nhân tiểu đường áp dụng một số cách giúp giảm đau và cải thiện chức năng bàn chân, bao gồm kem dưỡng da, dược phẩm hoặc vật lý trị liệu nhằm giúp tăng khả năng giữ thăng bằng và sức mạnh cho bàn chân.
5. Tự quản lý và phòng ngừa các vấn đề về chân do tiểu đường
Kiểm soát bệnh tiểu đường sẽ giúp làm giảm nguy cơ phát triển các tình trạng nghiêm trọng ở chân. Bạn có thể tự quản lý bệnh tiểu đường thông qua các cách sau đây:
- Thường xuyên theo dõi lượng đường huyết
- Tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp cho người tiểu đường
- Chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết và theo sự chỉ định của bác sĩ
- Tập thể dục mỗi ngày
- Thường xuyên khám bàn chân tiểu đường
Ngoài ra, các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ cũng khuyến cáo bạn nên thực hiện một số bước sau đây nhằm giúp ngăn ngừa những biến chứng bàn chân tiểu đường nguy hiểm, bao gồm:
- Tiến hành tự kiểm tra bàn chân hàng ngày để theo dõi xem có bất kỳ sự thay đổi nào ở bàn chân hay không
- Đi khám bàn chân tiểu đường định kỳ để được đánh giá chân một cách chuyên nghiệp
- Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường thông qua xét nghiệm đường huyết, chế độ ăn uống, thuốc men và tập thể dục
- Đi giày có kích cỡ vừa vặn với bàn chân, hoặc sử dụng nẹp chỉnh hình dành riêng cho bàn chân bạn
- Làm sạch chân mỗi ngày và thoa kem dưỡng ẩm nhẹ, không có mùi thơm lên bàn chân, tuy nhiên cần tránh thoa ở các kẽ ngón chân.
- Tránh đi chân trần và cắt móng chân thường xuyên
- Không nên sử dụng các sản phẩm có thể làm mài mòn da bàn chân
- Giúp máu lưu thông đến bàn chân nhiều hơn bằng các bài tập hàng ngày, điều này cũng giúp làm giảm các nguy cơ khiến tiểu đường biến chứng mạch máu.
- Không hút thuốc lá.
Điều quan trọng là phải theo dõi bạn chân của bạn mỗi ngày và báo cáo bất kỳ sự thay đổi nào cho bác sĩ biết ngay lập tức để làm giảm mức độ nghiêm trọng có thể xảy ra của tình trạng này.
Nguồn tham khảo: Healthline.com, Medlineplus.gov
- Ảnh hưởng rượu bia đến tim bạn
- Thuốc Glumetza: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng
- Tế bào gốc trung mô từ mô mỡ từ chuột bị béo phì ngăn ngừa được sự tăng cân và tăng đường huyết