17-01-2024 14:05

Khái niệm cơ bản về chứng ngủ ngáy

Khái niệm cơ bản về chứng ngủ ngáy

Các số liệu thống kê cho thấy chứng ngủ ngáy rất phổ biến, nhưng mức độ nghiêm trọng và tác động đến sức khỏe từng người là khác nhau. Thỉnh thoảng ngáy nhẹ sẽ không đáng lo, nhưng ngủ ngáy nhiều kèm theo một số dấu hiệu khác có thể cảnh báo chứng rối loạn hô hấp nghiêm trọng liên quan đến giấc ngủ.

1. Vì sao lại ngủ ngáy?

Ngáy là tiếng kêu lục cục và rung động của các mô gần đường thở ở phía sau cổ họng. Trong khi ngủ, các cơ thả lỏng, thu hẹp đường thở, và khi chúng ta hít vào - thở ra, không khí di chuyển khiến các mô rung rinh rồi phát ra tiếng động.

Một số người ngủ ngáy nhiều hơn do kích thước và hình dạng của cơ và mô ở cổ. Một số trường hợp mô giãn quá mức hoặc đường thở bị thu hẹp có thể dẫn đến ngủ ngáy. Các yếu tố góp phần tăng nguy cơ ngủ ngáy bao gồm:

  • Béo phì
  • Uống rượu
  • Sử dụng thuốc an thần
  • Nghẹt mũi mãn tính
  • Amidan lớn, lưỡi lớn hoặc vòm họng mềm
  • Lệch vách ngăn hoặc polyp mũi
  • Hàm nhỏ hoặc bị thụt vào trong
  • Thai kỳ.

Mặc dù mọi người ở mọi lứa tuổi - kể cả trẻ em, đều có thể ngủ ngáy, nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở người lớn tuổi. Đàn ông ngủ ngáy nhiều hơn phụ nữ.

Ngáy là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng không phải tất cả những người ngủ ngáy đều mắc tình trạng này. Ngưng thở khi ngủ là một tình trạng rối loạn hô hấp, trong đó đường thở bị tắc nghẽn hoặc xẹp xuống khi đang ngủ, dẫn đến khó thở tái phát từng cơn. Tiếng ngáy liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ thường lớn và có âm thanh giống như một người đang nghẹt thở, khịt mũi hoặc thở hổn hển.

Hội chứng này làm rối loạn giấc ngủ, phá vỡ sự cân bằng của oxy và carbon dioxide trong cơ thể. Còn tình trạng ngáy nhẹ có thể xảy ra thường xuyên nhưng không dẫn đến những tác động khác.

béo phì
Béo phì có thể gây ra tình trạng ngủ ngáy nhiều

2. Ngủ ngáy có hại không?

Ngủ ngáy có hại không phụ thuộc vào loại, mức độ nghiêm trọng và tần suất ngáy ngủ. Cụ thể:

  • Ngáy nhẹ và không thường xuyên là điều bình thường, bạn không cần phải làm xét nghiệm hoặc điều trị y tế. Tác động chính của việc ngáy nhẹ chỉ là ảnh hưởng đến người cùng giường hoặc cùng phòng, khiến họ bị làm phiền bởi tiếng ồn bất chợt trong đêm.
  • Ngủ ngáy nhiều là hơn 3 đêm/ tuần, với tần suất đủ để làm phiền người nằm ngủ gần bạn. Tuy nhiên, ngủ ngáy nhiều thường không phải là vấn đề về sức khỏe nếu không có dấu hiệu gián đoạn giấc ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ. Khi đó, bạn có thể cần làm các xét nghiệm chẩn đoán.
  • Ngáy liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ là đáng lo ngại đối với sức khỏe. Nếu không được điều trị, tình trạng này có thể tạo ra những tác động lớn đến giấc ngủ và sức khỏe tổng thể. Ngưng thở khi ngủ không được kiểm soát dễ khiến bạn buồn ngủ vào ban ngày, từ đó dẫn đến các tình huống nguy hiểm. Đây cũng là nguyên của một số tình trạng nghiêm trọng, bao gồm các vấn đề tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường, đột quỵtrầm cảm.

3. Khi nào cần khám bác sĩ về chứng ngủ ngáy?

Đa số các trường hợp ngủ ngáy là lành tính, nhưng bạn cần phải đến gặp bác sĩ nếu có dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ:

  • Ngủ ngáy nhiều hơn 3 đêm mỗi tuần
  • Tiếng ngáy rất to hoặc khó chịu
  • Ngáy kèm theo âm thanh thở hổn hển, nghẹt thở hoặc khịt mũi
  • Bắt đầu bị béo phì hoặc tăng cân
  • Buồn ngủ vào ban ngày
  • Thiếu tập trung hoặc tinh thần kém nhạy bén
  • Đau đầu và nghẹt mũi vào buổi sáng
  • Huyết áp cao
  • Nghiến răng vào ban đêm
  • Thường xuyên đi tiểu đêm.

Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn cần phải giải quyết vấn đề với bác sĩ để xem có cần làm xét nghiệm hay điều trị không.

Người ngủ ngáy nhiều cần thăm khám bác sĩ khi có triệu chứng bất thường
Người ngủ ngáy nhiều cần thăm khám bác sĩ khi có triệu chứng bất thường

4. Cách để biết mình có bị ngáy khi ngủ một mình

Nếu không được nghe người khác nói, hầu hết những người ngủ ngáy không biết mình mắc phải tình trạng này. Đây cũng là một phần lý do tại sao chứng ngưng thở khi ngủ thường được chẩn đoán sai.

Nếu bạn ngủ một mình, cách tốt nhất là lắp đặt một thiết bị ghi âm. Bạn có thể dùng một máy ghi âm hoặc một ứng dụng trong điện thoại thông minh. Tốt nhất nên tiến hành ghi âm nhiều đêm vì có thể không phải đêm nào bạn cũng ngáy ngủ. Tuy nhiên cách này không hỗ trợ chẩn đoán chứng ngưng thở khi ngủ.

Nếu giải pháp này không khả thi, bạn cần chú ý các dấu hiệu khác cho thấy giấc ngủ của mình bị gián đoạn, chẳng hạn như thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày, mệt mỏi, khó chú ý hoặc suy nghĩ, thay đổi tâm trạng không rõ nguyên nhân.

5. Phương pháp điều trị ngáy ngủ

Việc điều trị như thế nào sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân vì sao lại ngủ ngáy và các vấn đề mà tình trạng này gây ra. Bác sĩ sẽ phân tích ưu và nhược điểm của các phương pháp điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân.

Đối với những người mắc chứng ngủ ngáy không thường xuyên, có thể không cần điều trị trừ khi ngáy làm phiền giấc ngủ của người sống cùng. Trong những trường hợp đó, các phương pháp điều trị có xu hướng đơn giản và ít xâm lấn hơn. Trong khi đó, những người bị chứng ngưng thở khi ngủ thường phải điều trị can thiệp nhiều hơn.

Một số loại phương pháp điều trị bao gồm:

5.1. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống có thể giúp ngừng ngáy và đôi khi có thể không cần đến các phương pháp điều trị khác. Ngay cả khi chỉ định các biện pháp chữa trị khác, bác vẫn thường khuyến khích bạn kết hợp với thay đổi lối sống để tăng hiệu quả. Ví dụ về những thay đổi này bao gồm:

  • Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân hoặc béo phì là những yếu tố nguy cơ chính gây ra chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Vì vậy giữ cân nặng hợp lý là một bước quan trọng để chống lại chứng ngủ ngáy.
  • Hạn chế uống rượu và thuốc an thần: Rượu là tác nhân gây ngủ ngáy thường xuyên và các loại thuốc an thần cũng có thể gây ra chứng ngủ ngáy.
  • Điều chỉnh tư thế ngủ: Nằm ngửa khi ngủ dễ khiến đường thở bị tắc nghẽn. Muốn quen với việc ngủ ở một tư thế khác có thể sẽ mất thời gian, nhưng đây là một sự thay đổi hữu ích. Bạn có thể cân nhắc dùng các thiết bị hỗ trợ giấc ngủ chuyên dụng. Một số chuyên gia khuyên bạn nên khâu một quả bóng tennis vào sau áo sơ mi để bạn không thể nằm ngửa khi ngủ.
  • Nâng cao đầu giường: Nâng cao phần trên cùng của giường có thể làm giảm ngáy. Để đạt được hiệu quả, bạn cần phải nâng cao toàn bộ tấm đệm chứ không đơn thuần là sử dụng thêm gối.
  • Giảm nghẹt mũi: Thực hiện các biện pháp để loại bỏ dị ứng hoặc các nguyên nhân khác gây nghẹt mũi có thể chống lại chứng ngủ ngáy. Dụng cụ thông hơi có thể giúp mở đường mũi của bạn trong đêm, cũng như làm giãn nở mũi bên trong.

5.2. Đeo máng chống ngáy (Anti-Snoring Mouthpieces)

Máng chống ngáy giúp giữ lưỡi hoặc hàm của bạn ở vị trí ổn định để không chặn đường thở khi ngủ. Có hai loại máng chống ngáy ngủ:

  • Thiết bị nâng cao hàm dưới: Thiết bị này giữ cho hàm dưới không bị thụt lùi về phía sau. Nhiều loại có thể điều chỉnh linh hoạt để vừa vặn, thoải mái với bạn và mạng lại hiệu quả cao hơn.
  • Thiết bị giữ Lưỡi: Giúp giữ lưỡi không bị trượt về phía cổ họng của bạn.

Trong khi đó, máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) vẫn được xem là phương pháp điều trị tiêu chuẩn vàng cho chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, một số người cảm thấy đeo thiết bị này gây khó chịu, đặc biệt nếu máy kêu to hoặc chật chội. Đối với những bệnh nhân không chịu được máy CPAP, họ có thể yêu cầu trang bị máng chống ngáy riêng. Các thiết bị nâng cao hàm dưới đã được chứng minh là có hiệu quả không chỉ với chứng ngủ ngáy, mà còn hỗ trợ chứng ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ đến trung bình.

Đeo máng chống ngáy là lựa chọn cho người ngủ ngáy nhiều
Đeo máng chống ngáy là lựa chọn cho người ngủ ngáy nhiều

5.3. Bài tập miệng

Các cơ xung quanh đường thở bị chùng lại sẽ khiến bạn ngủ ngáy nhiều hơn. Thực hiện bài tập tăng cường sức mạnh miệng, lưỡi và cổ họng giúp xây dựng cơ miệng khỏe mạnh để giảm ngáy. Các bài tập miệng chống ngáy đã cho thấy hiệu quả tích cực ở những người mắc chứng ngáy nhẹ với điều kiện tập hàng ngày trong khoảng thời gian 2 - 3 tháng.

5.4. Phẫu thuật

Hiếm khi bác sĩ cần chỉ định phẫu thuật để điều trị chứng ngáy ngủ hoặc ngưng thở khi ngủ. Lựa chọn này chỉ được tính đến khi các phương pháp khác đều không hiệu quả. Phẫu thuật giúp tạo hình, mở rộng đường thở bằng cách loại bỏ các mô lân cận, giải quyết polyp mũi, lệch vách ngăn hoặc các tắc nghẽn khác của đường mũi.

Nếu bạn ở cùng giường hoặc cùng phòng với người ngủ ngáy nhiều, sử dụng nút tai có thể hỗ trợ bạn ngủ ngon hơn và tránh được căng thẳng trong gia đình. Máy tạo tiếng ồn trắng, ứng dụng tiếng ồn trắng hoặc thậm chí là quạt cũng có thể giúp át tiếng ngáy nhẹ.

Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, sleepfoundation.org, webmd.com

XEM THÊM:
  • Các nguyên nhân khiến trẻ nghiến răng khi ngủ
  • Nghiến răng ở trẻ nhỏ có cần can thiệp?
  • Ngáy ngủ và nguy cơ gây đột tử

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan