Hỏi
Chào bác sĩ,
Năm nay, em 31 tuổi. Em bị lưu thai 1 lần do mất tim thai khi đi xét nghiệm máu, chỉ tiêu thời gian Thromboplastin hoạt hóa từng phần (APTT): Thời gian Thromboplastin từng phần hoạt hóa (APTT): 24,1(20 - 40), tỷ lệ APTT (bệnh/ chứng): 0,78 (0,85 - 1,2). Bác sĩ cho em hỏi kết quả xét nghiệm APTT thế nào là nguy hiểm? Có phải em bị tăng đông máu không? Đó có phải là nguyên nhân dẫn đến thai lưu không thưa bác sĩ? Em cảm ơn bác sĩ.
Mai Phương Thảo (1990)
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Thùy Nhung - Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Kết quả xét nghiệm APTT thế nào là nguy hiểm?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Xét nghiệm APTT là xét nghiệm để khảo sát các yếu tố đường đông máu nội sinh. Bình thường tỷ lệ APTT (bệnh/chứng) là 0,85 - 1,2. Kết quả 0,78 cho biết thời gian APTT rút ngắn. APTT có thể rút ngắn trong các trường hợp:
- Phản ứng pha cấp (phản ứng viêm) sẽ làm tăng yếu tố VIII đông máu.
- Tăng đông tiên phát và tăng đông thứ phát: Do tăng nồng độ và hoạt độ của các yếu tố đông máu.
- Trở ngại trong thu thập mẫu máu dẫn đến hoạt hóa đông máu ngay trong ống thu thập.
- Tình trạng rối loạn tăng đông máu cũng là 1 nguyên nhân gây thai chậm phát triển, thai lưu.
Trường hợp của bạn, bác sĩ khuyên bạn cần phải khám bác sĩ Sản khoa kiểm tra nguyên nhân gây thai lưu là gì. Bác sĩ Sản khoa sẽ phân tích cho bạn có rất nhiều nguyên nhân gây thai lưu. Ngoài ra, cần phải xác nhận chắc chắn việc lấy mẫu làm xét nghiệm APTT trước đây là không có trở ngại gì (lấy mẫu lâu gây hoạt hóa đông máu trong ống thu thập), loại trừ những nguyên nhân gây phản ứng pha cấp làm APTT rút ngắn. Khi đã loại trừ các yếu tố đó, bạn nên thực hiện các xét nghiệm kiểm tra các đột biến gen gây hội chứng tăng đông di truyền như: Đột biến yếu tố V Leiden, prothrombin G20210A,...
Nếu bạn còn thắc mắc về xét nghiệm APTT, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
- Chỉ số D - Dmer và ý nghĩa lâm sàng
- Các xét nghiệm đông cầm máu cần biết
- Xét nghiệm APTT là gì và khi nào cần thực hiện?