Mục lục
Mọi người đều biết kẽm là khoáng chất cần thiết cho sức khỏe não bộ. Đặc biệt là vùng đồi hải mã (trung tâm bộ nhớ của não bộ) có chứa lượng kẽm rất cao. Nhưng có thể bạn chưa biết, kẽm và vitamin B6 giúp dẫn truyền thần kinh hoạt động tốt hơn.
1. Vai trò của kẽm đối với dẫn truyền thần kinh
Trong cơ thể con người, kẽm là nguyên tố vi lượng, nó chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tuy nhiên, vai trò của nguyên tố kẽm đối với sức khỏe là rất quan trọng. Một trong những vai trò đó là phát triển và cải thiện não bộ.
Theo các nghiên cứu đã được tiến hành, trung tâm bộ nhớ của não có chứa một lượng lớn kẽm. Nó là nguyên tố cần thiết cho sự phát triển của não bộ, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.
Còn ở người trưởng thành, kẽm giúp cải thiện sức khỏe của não bộ, phục hồi sau chấn thương, bệnh lý. Kẽm và vitamin B6 có tác dụng thúc đẩy hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ.
Kẽm tập trung nhiều ở hệ thần kinh, có khoảng 1,5% tổng lượng kẽm trong toàn bộ cơ thể, nó giúp ổn định hoạt động của các tế bào thần kinh, giúp duy trì phát triển trí não, trí nhớ và giúp giảm căng thẳng lo âu. Nếu cơ thể được cung cấp đầy đủ kẽm, đặc biệt với trẻ em, nó sẽ giúp cho trẻ có khả năng tư duy, trí nhớ tốt.
Tuy rằng kẽm đảm nhiệm những vai trò quan trọng như vậy nhưng các biểu hiện của tình trạng thiếu kẽm lại diễn ra thầm lặng, tiềm tàng, khó chẩn đoán, dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác. Các biểu hiện của tình trạng thiếu kẽm có thể bao gồm: Mất cảm giác thèm ăn, rụng tóc, suy giảm chức năng hệ miễn dịch, tiêu chảy, tổn thương ở da và mắt, trẻ chậm tăng trưởng và chứng bất lực ở nam giới.
Theo số liệu điều tra toàn quốc của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, thì tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em dưới 5 tuổi lên tới 82%. Do tình trạng thiếu kẽm diễn biến thầm lặng, nên khi được phát hiện thì nó đã gây ra những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng trong thời gian dài. Chính vì vậy việc dự phòng thiếu kẽm thông qua chế độ ăn là việc làm cùng quan trọng
Thực phẩm có chứa nhiều kẽm chủ yếu là các loại hải sản như tôm, cua, hàu, ghẹ, các loại thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt dê, lòng đỏ trứng gà... Bên cạnh đó, do kẽm không được dự trữ lâu dài trong cơ thể để có thể “dùng dần” do vậy bạn cần đảm bảo chế độ ăn hàng ngày có đủ kẽm.
2. Vai trò của vitamin B6 đối với dẫn truyền thần kinh
Vitamin B6 còn có tên gọi khác là pyridoxine, nó là một vitamin thuộc nhóm vitamin B phức tạp. Vitamin này có vai trò quan trọng trong rất nhiều chức năng của hệ thần kinh, gan và cà các bộ phận có lớp sừng.
Việc bổ sung đầy đủ vitamin B6 vô cùng quan trọng, giúp cho cơ thể duy trì các chức năng thể chất, tâm lý, hỗ trợ quá trình trao đổi chất, giúp hoạt động của gan được ổn định và giúp cho da, tóc, móng chắc khỏe hơn.
Ngoài ra, các dẫn xuất từ vitamin B6 cũng có vai trò hỗ trợ các chức năng thần kinh, chức năng tuần hoàn và cả trao đổi chất trong cơ thể. Chính vì vậy, khi cơ thể bị thiếu loại vitamin này, bạn sẽ có cảm giác mệt mỏi và khó chịu, thậm chí trong một số trường hợp có thể dẫn đến trầm cảm.
Vitamin B6 giúp tạo ra chất dẫn truyền thần kinh, bao gồm cả serotonin và dopamine, đây là những sứ giả hóa học quan trọng trong não. Loại vitamin này cũng giúp điều chỉnh việc sử dụng năng lượng trong não.
Một số nghiên cứu đã cho thấy việc thiếu vitamin B6 có thể liên quan đến suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. Một số nghiên cứu cũng đã gợi ý rằng người lớn tuổi có lượng vitamin B6 trong máu cao hơn sẽ có trí nhớ tốt hơn.
Tóm lại, có rất ít bằng chứng cho thấy việc bổ sung vitamin B6 giúp cải thiện nhận thức hoặc tâm trạng ở những người bị hoặc không bị sa sút trí tuệ, nhưng nó lại vô cùng quan trọng, giúp cho cơ thể duy trì các chức năng thể chất, tâm lý, hỗ trợ quá trình trao đổi chất, giúp hoạt động của gan được ổn định và giúp cho da, tóc, móng chắc khỏe hơn. Do đó, bổ sung kẽm và vitamin B6 đầy đủ sẽ giúp dẫn truyền thần kinh hoạt động tốt hơn.
- Tác hại khi thừa hoặc thiếu vitamin B6
- 9 dấu hiệu và triệu chứng thiếu vitamin B6
- Vitamin B6 và bệnh đa dây thần kinh