Mục lục
Kẽm là một nguyên tố vi lượng có vai trò quan trọng với nhiều chức năng, hoạt động của cơ thể. Thông qua đường tiêu hóa, ruột non hấp thu kẽm và thực hiện quá trình chuyển hóa. Để đảm bảo cơ thể hoạt động thông suốt và nhịp nhàng, nguy cơ thiếu kẽm cần được quan tâm và tích cực phòng tránh.
1. Vai trò của Kẽm
Kẽm là một nguyên tố vi lượng hỗ trợ hoạt động của 100 loại Enzyme trong cơ thể. Tế bào nào cũng cần có kẽm, nhưng chất này tập trung nhiều nhất ở xương và cơ. Do liên quan đến hầu hết các loại enzyme nên kẽm cũng tham gia nhiều hoạt động khác nhau trong cơ thể như:
- Chuyển hóa năng lượng
- Tổng hợp protein và các thành phần của men tiêu hóa
- Hỗ trợ sự chuyển hóa của Insulin
- Hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch, tăng tốc độ lành của vết thương
- Hấp thu và vận chuyển vitamin
- Trung hòa các gốc oxy hóa
- Góp phần ảnh hưởng đến quá trình tạo tinh dịch và nội tiết tố sinh dục
- Ảnh hưởng đến khả năng tri giác và nhận thức
- Tác động đến sự phát triển của thai nhi
2. Sự hấp thu và chuyển hóa
Kẽm chủ yếu được đưa vào cơ thể qua đường tiêu hóa, hấp thu kẽm ở ruột non và thực hiện quá trình chuyển hóa. Do vậy, những người có bệnh lý đường tiêu hóa rất dễ có nguy cơ thiếu kẽm. Tuy nhiên các biểu hiện của thiếu kẽm lại rất thầm lặng, khó chẩn đoán và dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.
Thiếu kẽm có thể liên quan đến các tình trạng bệnh lý như:
- Chậm phát triển tâm thần, thể chất (rối loạn thần kinh, suy dinh dưỡng...)
- Các bệnh về mắt, tóc, da và niêm mạc
- Bệnh lý dạ dày - ruột (tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, chướng bụng đầy hơi...)
- Suy giảm chức năng sinh dục
- Cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn
- Vết thương lâu lành
- Phát triển bệnh lý tim mạch
Khác với sắt, đồng, vitamin A, kẽm không có cơ quan dự trữ rõ ràng trong cơ thể, chính vì vậy khoảng 1,5% tổng lượng kẽm trong toàn cơ thể tích tụ ở hệ thần kinh trung ương. Người bệnh lưu ý là quá trình chuyển hóa và hấp thu kẽm sẽ cạnh tranh trực tiếp với quá trình hấp thu sắt, đồng. Do vậy không bổ sung kẽm cùng lúc với chất sắt, đồng mà nên ăn hoặc uống cách nhau tối thiểu 2 tiếng.
3. Nhu cầu bổ sung kẽm hàng ngày
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay tình trạng thiếu kẽm trong cộng đồng cao hơn so với thiếu sắt và đã để lại nhiều hậu quả không tốt, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai, đang cho con bú và trẻ nhỏ.
Dựa trên tiêu chí khuyến nghị dinh dưỡng (RDA) hàng ngày của Mỹ, lượng kẽm cần bổ sung dao động trong khoảng 8 - 25mg, tuy nhiên liều lượng này sẽ được điều chỉnh tùy vào lứa tuổi, đối tượng. Ví dụ trẻ em nên được bổ sung nhiều kẽm hơn người lớn do tốc độ tăng trưởng nhanh, cơ thể cần hấp thu kẽm để tổng hợp protein và các chất. Ngoài ra nam giới cũng bị “hao hụt” kẽm qua lượng tinh dịch, nên cần bổ sung kẽm trong khẩu phần ăn hàng ngày cao hơn so với phụ nữ.
Vì cơ thể người không tự sản sinh được nguyên tố vi lượng quan trọng này, cũng như không có nơi dự trữ kẽm nên cách tốt nhất là nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất kẽm hàng ngày (ví dụ: các loại hải sản có vỏ như hàu, sò, tôm, ốc, cua biển...). Kẽm cũng xuất hiện nhiều trong các thực phẩm có nguồn gốc động vật (thịt heo, bò, gan, gia cầm...) hoặc các loại hạt như: dầu ăn, hạt bí ngô, đậu nành, đậu đỗ....
Hàm lượng kẽm có trong sữa mẹ tương đối thấp nên mặc dù tỷ lệ hấp thu kẽm từ sữa mẹ khá cao (khoảng 60%) nhưng cũng chỉ đảm bảo được từ 10% đến 30% nhu cầu kẽm của trẻ nhỏ. Đặc biệt với đối tượng trẻ nhỏ, ngoài kẽm, cha mẹ cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Hy vọng với những chia sẻ trên bạn đã biết được về cơ chế của hấp thu kẽm cũng như cách bổ sung kẽm tốt và hiệu quả nhất.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Bổ sung kẽm an toàn cho bà mẹ và trẻ em
- Bà mẹ và trẻ nhỏ dễ bị thiếu kẽm
- Bảng nhu cầu khuyến nghị vitamin và chất khoáng trong khẩu phần 1 ngày của Viện dinh dưỡng