Mục lục
Kẽm là một vi chất dinh dưỡng quan trọng trong sự tăng trưởng của trẻ. Hơn nữa, vai trò của kẽm cũng giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và hệ thống thần kinh. Đó là lý do vì sao cần cho trẻ uống kẽm hay bổ sung thực phẩm giàu kẽm vào trong chế độ ăn uống hàng ngày. Khi biết kẽm có tác dụng gì và cách cung cấp lượng kẽm đầy đủ cho trẻ, cha mẹ mới có thể đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.
1. Kẽm là gì? Kẽm có tác dụng gì?
Kẽm là một khoáng chất vi lượng mà hơn 70 loại enzym đều cần để điều chỉnh quá trình tiêu hóa và trao đổi chất trong cơ thể. Trẻ em bị thiếu kẽm sẽ tăng nguy cơ gặp phải các khuyết tật và bất thường về tăng trưởng, điều này làm kẽm trở thành chất dinh dưỡng quan trọng trong mọi chế độ ăn uống. Ngoài ra, vai trò của kẽm cũng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển thích hợp của các cơ quan sinh sản ở trẻ em.
Những lợi ích của kẽm đối với trẻ nhỏ:
- Kẽm là chất chống oxy hóa, có nghĩa là giúp giảm sự hình thành các gốc tự do trong cơ thể và giúp ngăn chặn các gốc tự do có khả năng gây hại cho các tế bào khác cùng trong cơ thể.
- Kẽm hỗ trợ sức khỏe làn da, duy trì tính toàn vẹn và đàn hồi cho lớp biểu bì. Điều này còn bao gồm hỗ trợ làn da của trẻ maU tái tạo, duy trì cấu trúc da và hỗ trợ chữa lành vết thương nhẹ, mau lành khi trẻ bị té ngã.
- Kẽm hỗ trợ sức khỏe của mắt, giúp duy trì thị lực cho trẻ.
- Kẽm hỗ trợ chức năng cho hệ thống miễn dịch. Hệ thống miễn dịch là cơ chế bảo vệ có sẵn, được thiết kế để giúp xua đuổi các loại vi trùng không mong muốn xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Do đó, kẽm giúp hỗ trợ điều này, duy trì chức năng hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và giảm nguy cơ mắc bệnh.
Các vai trò bổ sung của kẽm: Ngoài những chức năng hữu ích được đề cập ở trên, kẽm còn giúp hỗ trợ chức năng hệ thần kinh, duy trì dẫn truyền thần kinh, duy trì chức năng nhận thức, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển lành mạnh ở trẻ nhỏ.
2. Nhu cầu kẽm theo độ tuổi
Các viện Y học và dinh dưỡng trên khắp thế giới đã thống nhất mức độ hấp thụ đầy đủ cần thiết của kẽm cho trẻ sơ sinh đến 6 tháng là 2 mg mỗi ngày. Đối với trẻ sơ sinh lớn hơn, trẻ em và người lớn, nhu cầu kẽm theo độ tuổi được xác định như sau:
- Trẻ sơ sinh và trẻ em từ 7 tháng đến 3 tuổi, nhu cầu kẽm là 3 mg / ngày
- Trẻ từ 4 đến 8 tuổi, nhu cầu kẽm là 5 mg / ngày
- Trẻ từ 9 đến 13 tuổi, nhu cầu kẽm là 8 mg / ngày
- Trẻ em gái từ 14 đến 18 tuổi, nhu cầu kẽm là 9 mg / ngày
- Trẻ em trai từ 14 tuổi trở lên, nhu cầu kẽm là 11 mg / ngày
Bên cạnh đó, mức hấp thụ trên, hay lượng tối đa an toàn để bổ sung kẽm cho những đối tượng chưa dùng kẽm dưới sự giám sát y tế là:
- Trẻ sơ sinh đến 6 tháng, lượng kẽm tiêu thụ không vượt quá 4 mg / ngày
- Trẻ từ 7 đến 12 tháng, lượng kẽm tiêu thụ không vượt quá 5 mg / ngày
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi, lượng kẽm tiêu thụ không vượt quá 7 mg / ngày
- Trẻ từ 4 đến 8 tuổi, lượng kẽm tiêu thụ không vượt quá 12 mg / ngày
- Trẻ từ 9 đến 13 tuổi, lượng kẽm tiêu thụ không vượt quá 23 mg / ngày
- Trẻ từ 14 đến 18 tuổi, lượng kẽm tiêu thụ không vượt quá 34 mg / ngày
- Người lớn từ 19 tuổi trở lên (bao gồm cả mang thai và cho con bú), lượng kẽm tiêu thụ không vượt quá 40 mg / ngày
Tuy nhiên, khi cần bổ sung kẽm nhằm mục đích để điều trị và ngăn ngừa các bệnh khác, liều lượng kẽm được chỉ định sẽ tùy theo từng trường hợp.
3. Làm sao để bổ sung kẽm cho trẻ?
Kẽm là một khoáng chất thiết yếu có vai trò quan trọng đối với cơ thể con người. Theo đó, việc bổ sung một lượng kẽm lành mạnh cho trẻ cần thực hiện mỗi ngày, thông qua thuốc bổ sung kẽm cùng với các sinh tố thiết yếu khác hoặc thực phẩm giàu chất kẽm.
Sau đây là danh sách mười thực phẩm giàu kẽm hàng đầu. Tuy nhiên, nếu trẻ nghi ngờ đang bị thiếu kẽm, hãy nhớ rằng thực phẩm động vật là nguồn cung cấp kẽm tốt hơn thực phẩm thực vật.
- Hải sản: Hàu, cua và tôm hùm
- Thịt bò và thịt cừu
- Mầm lúa mì
- Rau bina và các loại lá xanh khác như lá rau dền, lá đinh lăng
- Hạt bí và bí, hạt hướng dương, hạt chia và hạt lanh
- Các loại ngũ cốc và hạt khác như hạt điều, hạt thông, quả hồ đào, hạnh nhân, đậu phộng và quả phỉ
- Ca cao và sô cô la
- Thịt lợn nạc nấu chín và thịt gà
- Đậu
- Nấm
Theo đó, mặc dù thực phẩm có nguồn gốc thực vật có kẽm, nhưng chúng ở liều lượng thấp và thường không đủ để đáp ứng lượng khuyến nghị hàng ngày. Vì vậy, trẻ cần được khuyến khích ăn những miếng bánh mì nguyên hạt đã được tăng men và các thực phẩm làm từ đậu nành để tăng lượng khoáng chất này cho trẻ. Các loại ngũ cốc và ngũ cốc nguyên hạt tăng cường kẽm là những lựa chọn khác cho trẻ không ăn thịt và các sản phẩm từ sữa.
Bên cạnh đó, nếu đang có kế hoạch bổ sung kẽm cho con, đây là một số điều cha mẹ nên biết:
- Lượng kẽm cung cấp quá nhiều có thể gây thừa kẽm, cơ thể sẽ gặp các tác dụng phụ như nôn, buồn nôn, tiêu chảy và đau bụng, sốt và hôn mê.
- Liều lượng kẽm cao ở trẻ em có liên quan đến việc tăng mức cholesterol trong máu, mức HDL thấp và nhiễm trùng tái phát.
- Thuốc bổ sung kẽm có thể tương tác với các loại thuốc khác như thuốc ức chế miễn dịch, thuốc huyết áp và thuốc kháng sinh.
- Trẻ em dưới 18 tuổi không được khuyến cáo sử dụng chất bổ sung kẽm không kê đơn trừ khi được bác sĩ kê đơn.
- Không sử dụng kẽm qua đường mũi để bổ sung kẽm vì có liên quan đến chứng mất khứu giác.
Vì vậy, cha mẹ luôn tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình hoặc chuyên gia dinh dưỡng được chứng nhận trước khi chọn sử dụng chất bổ sung kẽm cho trẻ em vì trẻ có thể gặp các tác dụng phụ nêu trên khi sử dụng quá liều khoáng chất này.
Thêm vào đó, nên chú ý bổ sung đồng thời các vi chất thiết yếu khác giúp hàm lượng các chất cân đối, hài hòa cũng như hỗ trợ nhau trong những quá trình phản ứng chuyển hóa các chất trong cơ thể.
Tóm lại, vai trò của kẽm là vô cùng thiết yếu trong sự phát triển và củng cố hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể. Khi có một chế độ ăn đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm, nguy cơ thiếu kẽm là khó mắc phải. Tuy nhiên, khi trẻ mắc các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp, tiêu chảy hay tổn thương trên da, cha mẹ nên bổ sung kẽm cho trẻ, với hàm lượng cân đối để đảm bảo sự phát toàn diện trong những năm tháng đầu đời.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Bổ sung kẽm an toàn cho bà mẹ và trẻ em
- Lysine là gì? Lợi ích và tác dụng phụ
- Các loại axit amin thiết yếu gồm những loại nào?