Mục lục
“Kem chống nắng quang phổ rộng là gì” đôi khi gây bối rối cho nhiều chị em khi lần đầu lựa sản phẩm này. Chỉ khi hiểu ý nghĩa và tác dụng của kem chống nắng phổ rộng để biết cách lựa chọn, kem chống nắng mới phát huy tác dụng bảo vệ da khỏi tia cực tím từ mặt trời, qua đó giúp ngăn ngừa ung thư da, lão hóa da sớm và cháy nắng.
1. Kem chống nắng quang phổ rộng là gì?
Mặt trời phát ra bức xạ điện từ ở các bước sóng khác nhau, bao gồm tia hồng ngoại, ánh sáng nhìn thấy, tia cực tím và tia X. Ban đầu, kem chống nắng được thiết kế để chống lại tia UVB, nguyên nhân gây da cháy nắng, nhưng có rất ít mối quan tâm đối với tia UVA, vốn được cho là có ích khi tạo ra làn da rám nắng một cách "khỏe mạnh".
Tuy nhiên, ngày nay, tia UVA đã được biết cũng là yếu tố gây hại cho làn da và góp phần vào quá trình lão hóa da sớm cũng như dẫn tới một số dạng ung thư da. Lúc này, một loại kem chống nắng quang phổ rộng tốt sẽ bảo vệ da khỏi hầu hết các tia UVA và UVB từ ít nhất là 370nm đến 280nm. UVC không phải là vấn đề đáng lo ngại vì nó không xuyên qua tầng ôzôn và do đó không đến được làn da. Mặt khác, ảnh hưởng của ánh sáng xanh đối với làn da của con người cũng là một mối quan tâm ngày càng tăng.
Xem thêm:
- Chọn kem chống nắng: Ngoài chỉ số SPF, vì sao cần chú ý chỉ số PA?
- Cách chọn sữa rửa mặt tốt nhất để giảm mụn
2. Tác dụng của kem chống nắng phổ rộng
- Bảo vệ da khỏi ánh sáng xanh
Đây là một trong những tác dụng của kem chống nắng phổ rộng. Ánh sáng xanh còn được gọi là ánh sáng nhìn thấy năng lượng cao (HEV), đây là phần gần nhất của quang phổ ánh sáng nhìn thấy với tia cực tím. Các bước sóng dài hơn này (hơn tia UV) thâm nhập sâu hơn vào da để tạo ra collagen và elastin. Ánh sáng HEV có đủ năng lượng để tạo ra các gốc tự do gây hại cho tế bào da và gây lão hóa da sớm, với những biểu hiện như nếp nhăn, mất độ đàn hồi và da sạm màu.
HEV là loại ánh sáng phát ra từ ti vi, máy tính, điện thoại di động và bóng đèn LED cùng với bóng đèn huỳnh quang. Mặc dù lượng phát thải từ các thiết bị này ít hơn nhiều so với ánh sáng mặt trời, ngày càng có nhiều lo ngại về loại tiếp xúc với các thiết bị này.
Dù vậy, mọi người có thể bảo vệ da khỏi tác hại của ánh sáng HEV bằng các sản phẩm có chứa khoáng chất và chất chống oxy hóa. Lúc này, kem chống nắng quang phổ rộng gốc khoáng, chẳng hạn như những loại có oxit kẽm, vật lý chặn ít nhất một số ánh sáng nhìn thấy được đến da trong khi kem chống nắng hóa học không ngăn chặn được. Mặt khác, các sản phẩm có chứa oxit sắt khoáng (chẳng hạn như nhiều loại kem chống nắng có màu) cũng giúp bảo vệ làn da khỏi ánh sáng HEV.
Cơ chế của chất chống oxy hóa là bảo vệ làn da khỏi ánh sáng xanh trong kem chống nắng quang phổ rộng là bằng cách loại bỏ các gốc tự do được tạo ra bởi ánh sáng xanh, tia cực tím, ô nhiễm không khí và các tác nhân môi trường khác, giúp làn da giữ được vẻ trẻ trung, mịn màng tự nhiên.
- Bảo vệ da khỏi UVA
Đây là tia mặt trời có bước sóng dài 320-400nm. Tia UVA không bị kính, mây hoặc tầng ôzôn ngăn cản và do đó chúng chiếm phần lớn bức xạ UV đến bề mặt Trái đất. Tia UVA có cường độ như nhau quanh năm và chúng xâm nhập vào da sâu hơn (vào lớp hạ bì, lớp thứ 2 của da), gây lão hóa hình ảnh, tổn thương do hoạt chất, khiến da nhăn nheo, sần sùi, có nhiều sắc tố. Đồng thời, UVA còn góp phần gây ra các bệnh ung thư da bao gồm cả khối u ác tính.
Chính vì thế, tác dụng của kem chống nắng phổ rộng với thành phần hoạt chất oxit kẽm khoáng sẽ đặt trọng tâm giúp bảo vệ da khỏi tia UVA một cách toàn diện hơn.
- Bảo vệ da khỏi UVB
Đây là tia mặt trời có bước sóng ngắn 290-320 nm, hầu hết bị tầng ozon hấp thụ. Tia UVB có các cường độ khác nhau, tùy thuộc vào vị trí của mặt trời và có thể bị giảm đi bởi các đám mây. Tia UVB chỉ xuyên qua lớp biểu bì (da bên ngoài) gây cháy nắng và được coi là nguyên nhân chính gây ra ung thư biểu mô tế bào đáy và tế bào vảy, đồng thời là một yếu tố quan trọng gây ra khối u ác tính.
Thành phần chống nắng hoạt tính là oxit kẽm trong các sản phẩm kem chống nắng phổ rộng nói riêng hay toàn bộ các kem chống nắng nói chung, đều có hiệu quả với tất cả các bước sóng của tia UVB.
- Bảo vệ da khỏi UVC
Đây là tia mặt trời có bước sóng cực ngắn 200-290nm. Tia UVC bị ngăn bởi oxi trong khí quyển của tầng ôzôn và không đến được bề mặt Trái đất với lượng đáng kể. UVC rất có hại cho làn da, với bước sóng nhỏ hơn tiếp theo là tia X, nhưng chúng chỉ là mối đe dọa đối với các phi hành gia và phi công bay cao.
Tuy vậy, kem chống nắng quang phổ rộng với chất lượng thực sự có phổ rộng thậm chí có thể ngăn chặn cả tia UVC.
2. Tại sao yếu tố “kem chống nắng phổ rộng” lại quan trọng?
Vậy tại sao bảo vệ da khỏi cả tia UVA và UVB lại quan trọng? Tia UVB khiến da bị cháy nắng. Vì vậy, bảo vệ da khỏi UVB sẽ giúp tránh cháy nắng và các cơn đau liên quan đến bỏng da. Tia UVB cũng đóng một vai trò trong quá trình lão hóa da và ung thư da. Một điều cần biết về tia UVB là chúng ít phổ biến hơn vào mùa đông, buổi sáng và buổi tối. Nhưng như bất kỳ ai bị cháy nắng vào cuối ngày hoặc mùa đông, khi đi trượt tuyết, da vẫn cần được bảo vệ.
Không giống như UVB, tia UVA phổ biến như nhau trong suốt cả năm và vào mọi thời điểm trong ngày. Chúng thực sự chiếm 95% bức xạ UV đến trái đất. Trên hết, mặc dù chúng không gây cháy nắng nhưng chúng lại là nguyên nhân gây ung thư da và lão hóa da. Do đó, da luôn đòi hỏi cần dùng kem chống nắng phổ rộng để có được sự bảo vệ toàn diện nhất.
3. Chỉ số SPF liên quan như thế nào đến khái niệm “phổ rộng”?
Đối với kem chống nắng quang phổ rộng, chỉ số chống nắng SPF của những sản phẩm này thường cũng được dùng như một thước đo tương đối về mức độ bảo vệ của khái niệm “phổ rộng".
Tuy nhiên, SPF chỉ có ý nghĩa liên quan đến việc bảo vệ da khỏi tia UVB. Vì vậy, mặc dù không phải là thước đo chính xác về khả năng bảo vệ khỏi tia UVA nhưng chỉ số SPF cao hơn sẽ giúp da được bảo vệ khỏi tia UVA tốt hơn so với cùng một công thức kem chống nắng có chỉ số SPF thấp hơn. Dù vậy, trên thực tế, để một sản phẩm được dán nhãn “phổ rộng”, kem chống nắng đó luôn được yêu cầu ít nhất cần có SPF 15.
4. Cách lựa chọn và sử dụng kem chống nắng quang phổ rộng hiệu quả
Các sản phẩm kem chống nắng phổ rộng sẽ có nhãn in trên bao bì, cho thấy đây là một loại kem chống nắng bảo vệ khỏi bức xạ UVA và UVB. Hơn nữa, các bác sĩ da liễu khuyên nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng với ít nhất là SPF 30 nếu người dùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài. Ngoài ra, kem chống nắng có SPF 15 cũng cần được sử dụng thường xuyên hàng ngày và SPF 30 hoặc cao hơn cho những ngày ở ngoài trời.
Dưới đây là một số mẹo khác để sử dụng kem chống nắng quang phổ rộng một cách hiệu quả:
- Lắc kem chống nắng trước khi thoa để các thành phần được hòa trộn.
- Luôn thoa kem trên da trước 30 phút khi ra ngoài.
- Luôn thoa lại kem chống nắng ít nhất 2 giờ một lần hoặc khi ra khỏi nước. Điều này cần tuân thủ cho dù sử dụng kem chống nắng với bất kỳ SPF nào.
- Những người dễ bị bỏng da hơn nên thoa lại kem chống nắng thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, người dùng không nên chủ quan chỉ dựa vào kem chống nắng quang phổ rộng mà cần lưu ý các chi tiết giúp tránh nắng an toàn như sau:
- Nhanh chóng ra khỏi vùng có ánh nắng mặt trời; đi vào trong nhà hoặc tìm bóng râm để giảm tiếp xúc.
- Mặc quần áo bảo hộ - quần áo dài, rộng rãi che kín da.
- Đội mũ, đeo kính râm và thoa son dưỡng môi có SPF để bảo vệ các bộ phận trên cơ thể (da đầu, mắt, môi, v.v.) mà kem chống nắng không thể che phủ.
Tóm lại, các thông tin mô tả một sản phẩm kem chống nắng có thể hơi khó hiểu đối với người bắt đầu. Tuy nhiên, có hai điều quan trọng nhất cần nhớ là nên lựa chọn kem chống nắng quang phổ rộng thì mới có khả năng bảo vệ da khỏi tia UVB, UVA và luôn sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF 15 trở lên. Lúc này, việc thoa kem chống nắng mới có thể giúp giảm nguy cơ ung thư da, giúp da khỏe mạnh và ngăn ngừa bỏng rát một cách hiệu quả.
- Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về kem chống nắng
- Làn da đang chịu tác động từ ánh sáng xanh như thế nào?
- Tác dụng của Avobenzone trong kem chống nắng