Mục lục
Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Tiến Ngọc - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Huyết khối tĩnh mạch não là bệnh lý hiếm gặp trên lâm sàng, tỷ lệ thường khoảng 3-4 ca/ 1 triệu ca. Khi tĩnh mạch bị thuyên tắc sẽ gây ứ trệ tuần hoàn trong hệ tĩnh mạch, hậu quả dẫn đến phù nề, tăng áp lực nội sọ và xuất huyết não. Huyết khối tĩnh mạch não thường xảy ra ở trẻ em và thiếu niên.
1. Cơ chế gây huyết khối tĩnh mạch não
Tỷ lệ tử vong do huyết khối tĩnh mạch não xảy ra sau tiêm vắc-xin Covid-19 có thể lên đến 40%, cao hơn gấp 10 lần so với huyết khối tĩnh mạch thông thường.
Khác với cơ chế gây huyết khối tĩnh mạch não thông thường là do nguyên nhân nhiễm trùng hoặc sử dụng thuốc có thể gây tăng đông máu...Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra hội chứng VITT (Vaccine-Induced Immune Thrombotic Thrombocytopenia) ở những bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch não sau tiêm vắc-xin Covid-19.
Đặc điểm của hội chứng VITT bao gồm:
- Huyết khối tĩnh mạch hoặc động mạch ở não, lách, chủ bụng, gan, hoặc chi.
- Giảm số lượng tiểu cầu (<150.000/mm3);
- Tiêm vắc-xin (AstraZeneca hoặc Johnson & Johnson) trước đó khoảng 4-30 ngày;
- Test ELISA kháng thể kháng phức hợp heparin và yếu tố 4 tiểu cầu (PF4 "HIT" heparin-induced thrombocytopenia) dương tính (dù bệnh nhân hoàn toàn không sử dụng heparin);
- Đa số các bệnh nhân có tình trạng bình thường trước đó.
Giống như hội chứng giảm tiểu cầu do heparin, mặc dù giảm số lượng tiểu cầu nhưng tình trạng xuất huyết lại ít gặp thường xuyên, thay vào đó là các biến cố huyết khối thuyên tắc mạch máu. Nguyên nhân là do việc phóng thích quá mức yếu tố 4 tiểu cầu PF4 đã gây ra sự hoạt hóa tiểu cầu và quá trình đông máu sau đó.
2. Cần chú ý gì sau tiêm vắc-xin Covid-19?
Sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 trong vòng khoảng 4-30 ngày, nếu bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ huyết khối tắc tĩnh mạch não như: Đau đầu một cách bất thường, nhìn mờ hay nhìn đôi, co giật, yếu chi, rối loạn tri giác...thì cần xét nghiệm công thức máu xem số lượng tiểu cầu (thường giảm < 150.000/mm3) không? Nếu số lượng tiểu cầu giảm không rõ và không thể loại trừ thì nên lặp lại xét nghiệm này sau đó. Nếu triệu chứng lâm sàng vẫn diễn tiến và không có nguyên nhân khác (cần lưu ý khi số lượng tiểu cầu giảm ≥ 50% so với xét nghiệm trước đó) thì hãy làm ngay xét nghiệm D-Dimer (thường tăng >2000 mcg/ml) và chụp hình ảnh học não bằng CT-CTV hoặc tốt hơn là MRI-MRV với chất tương phản càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, có thể cần làm thêm các xét nghiệm miễn dịch đặc hiệu khác như: Xét nghiệm phóng thích serotonin hoặc xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng phức hợp PF4-heparin.
3. Điều trị huyết khối tĩnh mạch não sau tiêm vắc-xin Covid-19
Nên khởi động điều trị huyết khối tĩnh mạch não sớm khi được chẩn đoán (lâm sàng và hình ảnh học). Việc điều trị chậm trễ sẽ làm tăng tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân.
Một số khuyến cáo trong điều trị hiện nay:
- Không sử dụng heparin không phân đoạn, kể cả heparin trọng lượng phân tử thấp nếu có các thuốc kháng đông khác (điều này khác biệt so với huyết khối tĩnh mạch não thông thường);
- Không nên truyền tiểu cầu cho người bệnh vì như vậy có thể tạo thêm huyết khối;
- Sử dụng kháng đông “Non-Heparin” được xem là điều trị đầu tay: Có thể sử dụng thuốc ức chế trực tiếp thrombin hoặc yếu tố xa đường tĩnh mạch hoặc uống (đơn giản nhất là Rivaroxaban, Apixaban và Dabigatran).
- Các điều trị khác: Immunoglobulin, Rituximab và thay huyết tương...
- Mở sọ giải áp khi bệnh nhân có hội chứng tăng áp lực nội sọ rõ, ảnh hưởng tri giác.
- Chỉ định can thiệp nội mạch trong các trường hợp huyết khối xoang tĩnh mạch não nói chung cần có sự cân nhắc và ý kiến chuyên gia Nội và Ngoại thần kinh. Thực tế, các nghiên cứu chưa chứng minh được lợi ích rõ ràng của việc can thiệp nội mạch và có thể tăng biến chứng, tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
Để bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa biến chứng, khi phát hiện những triệu chứng huyết khối tĩnh mạch não thì người bệnh cần phải đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chuyên khoa Thần kinh thăm khám. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những đơn vị y tế điều trị các bệnh lý thần kinh uy tín nhất tại Việt Nam. Khoa Nội Thần kinh tại Vinmec có chức năng khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị những bệnh lý có liên quan đến yếu tố thần kinh, bao gồm các chứng đau đầu, hội chứng tiền đình, hội chứng tiểu não, sa sút trí tuệ,... Phương pháp điển hình của khoa là dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch và động mạch cho các trường hợp tai biến, cùng với việc kết hợp với các phương tiện cận lâm sàng như đo điện não, điện cơ ST Scan, MRI,...
Thăm khám bệnh lý thần kinh tại Vinmec, khách hàng sẽ được:
- Thăm khám bởi đội ngũ chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm như: Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Phương, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa, Bác sĩ Vũ Duy Dũng...
- Trang thiết bị tối tân, sánh ngang với các bệnh viện lớn trên thế giới: Máy chụp cộng hưởng từ không tiếng ồn hiện đại nhất Đông Nam Á; hệ thống PET/CT và SPECT/CT 16 dãy giúp phát hiện sớm những tổn thương của cơ quan thần kinh ngay cả khi chưa có triệu chứng bệnh.
- Ứng dụng các kỹ thuật điều trị chuyên sâu tiên tiến nhất trên thế giới trong điều trị.
- Tìm hiểu về huyết khối tĩnh mạch nội sọ
- Huyết khối tĩnh mạch não: Chẩn đoán và điều trị
- Hỏi đáp về COVID-19 với phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh– Phần 2