Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Ngọc Chương - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Thân nhiệt ở trẻ sơ sinh cần được theo dõi, kiểm tra thường xuyên hàng ngày. Vì đó là cách đơn giản và tốt nhất để nhận biết được những dấu hiệu bất thường ở cơ thể trẻ. Từ đó các bà mẹ có thể phòng tránh và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.
1. Theo dõi thân nhiệt trẻ sơ sinh
Thân nhiệt trẻ sơ sinh:
- Nhiệt độ bình thường của trẻ: Trong khoảng 36,5°C – 37,2°C (nhiệt độ được cặp nách). Trẻ sơ sinh có thể bị hạ thân nhiệt ngay cả khi vào mùa hè, từ đó trẻ dễ bị các bệnh như viêm phổi. Do đó cần cho trẻ nằm trong phòng thoáng, nhiệt độ phòng 28-30°C (>25°C), đủ ánh sáng. Không quấn trẻ quá kỹ dễ làm cho trẻ sốt, viêm da, và viêm phổi,...
- Nếu nhiệt độ của trẻ >37,5°C: Cho trẻ nằm trong phòng thoáng, nới lỏng quần áo, dùng khăn ấm chườm cho trẻ ở các vị trí bao gồm: trán, nách, bẹn. Theo dõi sát nhiệt độ của trẻ. Nếu >38,5°C đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.
- Nếu nhiệt độ <36°C: Ủ ấm tích cực cho trẻ bằng chăn hoặc bằng phương pháp da kề da.
Đo nhiệt độ cơ thể trẻ sơ sinh ở các điểm khác nhau, nếu thấy trong các thông số hiển thị sau có nghĩa là trẻ vẫn bình thường:
- Đo hậu môn: Thân nhiệt trẻ sơ sinh từ 36,6 – 38°C
- Nếu đo ở tai: Thân nhiệt trẻ sơ sinh từ 35,8 – 38°C
- Hoặc, đo ở miệng: Thân nhiệt trẻ sơ sinh từ 35,5 – 37,5°C
- Đo ở nách: Thân nhiệt trẻ sơ sinh từ 34,7 – 37,3°C.
Để đảm bảo nhiệt độ cơ thể luôn trong trạng thái trao đổi bình thường, tốt nhất thân nhiệt của trẻ sơ sinh phải luôn duy trì ở mức từ 36-37°C. Nếu thân nhiệt chênh lệch với mức này, hoặc tăng thêm 1°C hoặc giảm xuống 1°C đều rất nguy hiểm. Chẳng hạn nếu thân nhiệt bé 38°C là sốt nhẹ và trên 39°C là sốt cao. Tất cả những mức nhiệt này đều được đo từ hậu môn của trẻ và nó sẽ có sự chênh lệch nhỏ so với các điểm khác trên cơ thể.
=>> Thông tin hữu ích từ Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec: Cách đo thân nhiệt khi trẻ bị sốt
Bình thường, nhiệt độ đo được ở khoang miệng luôn thấp hơn so với nhiệt độ ở hậu môn từ 0,3 -0,5°C. Trong khi đó, nhiệt độ ở nách và cổ luôn thấp hơn so với khoang miệng từ 0,3 -0,5°C. Như vậy, nếu đo thân nhiệt trẻ sơ sinh thì đo ở hậu môn là cho kết quả chính xác hơn cả vì đó là mức nhiệt cơ bản để đảm bảo mọi hoạt động của cơ thể đang trong trạng thái bình thường.
2. Cách đo thân nhiệt cho trẻ sơ sinh
Có nhiều phương pháp đo thân nhiệt cho trẻ. Thường thì đo nhiệt độ ở hậu môn là phương pháp chính xác nhất. Tuy nhiên, cha mẹ cũng có thể do nhiệt độ ở miệng cho trẻ trên 4 tuổi, đo nhiệt độ ở tai cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Đo thân nhiệt ở nách là phương pháp ít chính xác nhất nhưng lại rất thuận tiện cho các bà mẹ, đặc biệt là đối với trẻ dưới 3 tháng tuổi. Nếu nhiệt độ ở nách dưới 37,2°C thì phụ huynh nên sử dụng thêm phương pháp đo thân nhiệt ở hậu môn.
Trong các điểm đo thân nhiệt trên cơ thể của trẻ sơ sinh thì hậu môn là nơi lấy được chỉ số nhiệt chính xác nhất. Lứa tuổi thích hợp để đo nhiệt theo vị trí này chính là các bé từ 6 tuần tuổi trở xuống. Với các bé từ 5 tuần trở lên, có thể đo thân nhiệt ở nách vì mức chênh lệch nhiệt độ so với hậu môn chỉ là 0,2°C.
Cha mẹ nên sử dụng nhiệt kế điện tử thay cho nhiệt kế thủy ngân vì nó có giá không cao, phổ biến và an toàn hơn. Thủy ngân rất độc, nếu nhiệt kế bị vỡ dễ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Dưới đây là các phương pháp đo thân nhiệt cho trẻ:
2.1 Đo thân nhiệt ở nách
- Giữ nhiệt kế ở nách trẻ (cần lau khô nách trước khi đo).
- Bảo trẻ giữ nhiệt kế bằng cách ép sát khuỷu tay vào ngực trong khoảng 4 – 5 phút.
2.2 Đo thân nhiệt ở miệng
Phương pháp này không nên thực hiện khi trẻ đã ăn hoặc uống đồ nóng trong vòng 30 phút. Khi thực hiện, phụ huynh làm như sau:
- Rửa nhiệt kế bằng nước lạnh và xà bông rồi rửa sạch lại với nước.
- Đặt đầu nhiệt kế vào dưới lưỡi của trẻ, bảo trẻ giữ nhiệt kế bằng môi, giữ môi kín xung quanh nhiệt kế.
- Giữ nguyên nhiệt kế: Với nhiệt kế thủy ngân trẻ cần giữ trong khoảng 3 phút và với nhiệt kế điện tử trẻ chỉ cần giữ dưới 1 phút.
2.3 Đo thân nhiệt ở tai
Phương pháp này không áp dụng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Nếu trẻ vừa ở ngoài trời lạnh vào thì bạn cần đợi tối thiểu 15 phút rồi mới thực hiện đo nhiệt độ. Ống tai và bệnh ở tai sẽ không ảnh hưởng tới kết quả hiển thị nhiệt độ cơ thể trẻ. Đo thân nhiệt ở tai được thực hiện như sau:
- Kéo tai ngoài của trẻ trước khi đặt nhiệt kế vào.
- Giữ đầu dò nhiệt kế ở trong tai của trẻ trong vòng 2 giây.
2.4 Đo thân nhiệt ở hậu môn
- Cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nằm úp sấp trong lòng người lớn.
- Thoa một chút chất bôi trơn (ví dụ vaseline) vào phần cuối nhiệt kế.
- Nhẹ nhàng đặt nhiệt kế vào hậu môn trẻ cho tới khi phần đầu bạc của nhiệt kế không còn thấy nữa (khoảng 0,6 – 1,3cm bên trong hậu môn).
- Giữ nguyên nhiệt kế: Đợi khoảng 2 phút đối với nhiệt kế thủy ngân và 1 phút đối với nhiệt kế điện tử.
3. Cách xử lý khi thân nhiệt của trẻ sơ sinh bất thường
Không khó để mẹ nhận ra con mình đang nóng hay lạnh hơn bình thường. Bằng cách kiểm tra chân và tay bé, mẹ sẽ nhanh chóng biết được con đang bị lạnh. Khi bé bị nóng, không chỉ mồ hôi mà đôi môi bé cũng đỏ và khô hơn thường lệ, đây là một chỉ báo rõ ràng để mẹ nhận biết. Tùy vào từng trường hợp, mẹ cần đưa ra những bước xử lý thích hợp.
- Nếu thân nhiệt của bé thấp hơn 36,5°C thì mẹ cần ủ ấm ngay cho em bé.
- Nếu thân nhiệt bé cao hơn 37,5°C, bé đang bị nóng. Mẹ cần để bé ở nơi thoáng mát, bỏ bớt chăn cũng như quần áo dày, lau mát cơ thể, cho trẻ bú nhiều hơn, uống thêm nước nếu cần và tiếp tục theo dõi nhiệt độ cho trẻ.
- Khi nhiệt độ cao hơn 38°C nghĩa là trẻ đang bị sốt. Mẹ cần lau mát, lấy khăn ấm chườm cho trẻ ngay, có thể dùng thuốc hạ sốt nếu cần và sớm đưa trẻ đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
Trẻ sơ sinh luôn cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt. Thân nhiệt của trẻ sơ sinh cũng có sự khác biệt so với người trưởng thành. Cha mẹ hay người chăm sóc cần lưu ý điều này và theo dõi thân nhiệt của trẻ mỗi ngày để trẻ có được sự chăm sóc thích hợp nhất.
Để phòng tránh các bệnh lý mà trẻ sơ sinh hay mắc phải, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Đồng thời bổ sung thêm thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B,... giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường đề kháng để trẻ ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Vì sao cần bổ sung Lysine cho bé?
Vai trò của kẽm - Hướng dẫn bổ sung kẽm hợp lý
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.
- Những vị trí đo thân nhiệt xác định trẻ bị sốt
- Những điều cần nhớ khi dùng điều hòa cho bé
- Những vấn đề cần chú ý trong chăm sóc khi trẻ xuất viện về nhà sau sinh