Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đặng Thị Thùy Trang - chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Sau khi cắt amidan, người bệnh cần được chăm sóc cẩn thận để thúc đẩy chữa lành vết thương trong họng, giảm đau đớn và nguy cơ chảy máu. Dưới đây là những hướng dẫn theo dõi sau cắt amidan.
1. Chế độ ăn uống
Sau cắt amidan, cảm giác đau sẽ khiến bạn hạn chế trong việc ăn uống. Tuy nhiên bạn cần phải uống đủ nước. Việc này sẽ thúc đẩy quá trình lành thương, giảm nguy cơ chảy máu và ngăn ngừa mất nước.
Bên cạnh đó, bạn cần phải tuân thủ chế độ ăn lỏng hoặc mềm trong vài ngày sau phẫu thuật cắt amidan. Ăn súp, bột, cháo xay nhuyễn và uống sữa, nước, chia thành nhiều bữa nhỏ thường xuyên trong ngày. Không uống nước cam hoặc nước bưởi cũng như các loại nước ép trái cây, vì chất acid trong đó có thể làm tổn thương cổ họng của bạn.
Sau vài ngày, vết thương giảm sưng đau, bạn có thể từ từ chuyển sang ăn thức ăn đặc hơn. Thực phẩm mềm như kem, sữa chua, bánh pudding,... là những gợi ý phù hợp nếu muốn thay thế cho cháo, cơm nhuyễn. Tránh thức ăn nóng, cay hoặc cứng, có cạnh sắc, chẳng hạn như khoai tây chiên, vì có thể làm tổn thương vùng amidan.
2. Các hoạt động thể chất
Sau phẫu thuật cắt amidan, hầu hết bệnh nhân nên được nghỉ ngơi trong phòng một hoặc hai ngày và có thể bắt đầu vận động nhẹ nhàng sau ba hoặc bốn ngày nếu cơ thể hoàn toàn cảm thấy thoải mái. Mọi hoạt động thể chất mạnh, nặng ngay sau phẫu thuật không được khuyến khích vì có nguy cơ tổn hại đến sự lành vết thương. Một số trường hợp cần can thiệp xâm lấn trong khi cắt amidan, mất máu nhiều thì có thể mất hai đến ba tuần để có thể phục hồi hoàn toàn.
Trong khoảng thời gian này, bạn nên nghỉ dưỡng tại nhà, hạn chế nơi đông người và tránh tiếp xúc những người đang bị cảm, viêm họng hoặc cúm. Phòng nghỉ nên sử dụng điều hòa giúp làm ẩm và làm dịu cổ họng cho bạn.
3. Vấn đề giảm đau
Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật, đôi khi có thể lên đến 10 ngày, cảm giác đau nhiều, dai dẳng ở cổ họng là điều khó tránh khỏi. Tình trạng này có thể thuyên giảm bớt bằng cách sử dụng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol. Tuy nhiên, tránh dùng thuốc có chứa aspirin, ibuprofen hoặc thuốc chống viêm khác trong ít nhất hai tuần đầu tiên, vì sẽ có nguy cơ gây chảy máu.
Nếu bạn bị đau khi ăn hoặc khi ngủ, hãy uống thuốc giảm đau trước để thuốc nhanh chóng khởi phát tác dụng, giúp bạn dễ chịu hơn.
Ngoài ra bạn cũng có thể chườm túi đá lạnh vùng cổ, điều này ghi nhận thấy hiệu quả đáng kể. Để thực hiện, bạn nên đặt đá viên nhỏ lấy ra từ tủ lạnh vào một túi nilon kín, quấn khăn thấm nước bên ngoài và nhẹ nhàng đặt túi nước đá lên phía trước cổ họng của mình.
4. Sốt
Sau mổ, tình trạng sốt nhẹ, dưới 38 độ C thường gặp và có thể giải quyết với paracetamol. Đồng thời, người bệnh nên được nghỉ ngơi tại giường, hạn chế vận động và chú ý uống đủ nước.
Tuy nhiên, nếu sốt kéo dài hơn hai ngày hoặc nếu sốt cao hơn, sốt không hạ được, hãy nghi ngờ khả năng bạn đã bị nhiễm trùng và nên tái khám sớm.
5. Vấn đề chảy máu
Chảy máu sau phẫu thuật không phải là vấn đề hiếm gặp và nó có thể kéo dài đến hai tuần sau đó. Hầu hết các trường hợp chỉ là chảy máu lượng rất ít và thậm chí bạn chỉ có thể phát hiện ra điều này khi nhìn thấy một chút máu trên lưỡi.
Ngược lại, nếu bạn chảy máu lượng nhiều hay có khạc nhổ, ho hoặc nôn ra máu hoặc chảy máu không ngừng thì cần quay trở lại phòng cấp cứu ngay lập tức.
Để ngăn ngừa chảy máu sau cắt amidan, cần chú ý vào loại thức ăn, tránh uống chất lỏng hoặc ăn thực phẩm nóng, cay hoặc có cạnh sắc để tránh để bị tổn thương khi nhai, nuốt. Không hút thuốc hoặc đi đến các khu vực có khói thuốc, mùi kích ứng... vì có thể khiến bạn bị kích ứng, tạo phản xạ ho, khạc, làm chảy máu nhiều hơn.
Nhẹ nhàng đánh răng và súc miệng theo chỉ dẫn của bác sĩ trước khi ra viện. Tránh sử dụng nước quá nóng khi tắm hoặc rửa mặt. Cố gắng không ho, hắt hơi hoặc xì mũi. Hãy báo với bác sĩ của bạn nếu bạn bị cảm lạnh hoặc dị ứng để được trợ giúp.
6. Thời điểm cần đến khám lại
Quay trở lại phòng cấp cứu càng sớm càng tốt nếu bạn có các dấu hiệu sau:
- Họng cứng, sưng đau và không thuyên giảm với thuốc giảm đau thông thường;
- Chảy máu đỏ tươi từ mũi hoặc miệng hoặc chảy máu đột ngột nặng hơn;
- Cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc có thể ngất xỉu khi ngồi dậy hoặc đi đứng;
- Không thể ăn hay uống được gì qua miệng;
- Có mủ hoặc máu chảy xuống cổ họng;
- Thay đổi giọng nói;
- Tình trạng cứng và sưng đau lan ra vùng mặt, cổ;
- Khó thở và khó nuốt ngày càng tăng dần;
- Sốt cao hay sốt kéo dài.
Tóm lại, cắt amidan là một phẫu thuật có mức ảnh hưởng lớn đến sức khỏe toàn thân. Sau khi can thiệp, người bệnh phải được theo dõi sát, đảm bảo thành công cho cuộc mổ.
Việc lựa chọn phương pháp phẫu thuật cũng rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều tới khả năng hồi phục của người bệnh. Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park hiện áp dụng Kỹ thuật cắt amidan, nạo VA bằng Coblator. Ưu điểm của kỹ thuật này là thời gian phẫu thuật nhanh, không mất máu, cầm máu tốt, ít bị bỏng sau mổ, không sưng, quá trình hậu phẫu nhẹ nhàng. Với Coblator, người bệnh ít đau hơn rất nhiều so với phẫu thuật truyền thống và phẫu thuật bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, có thể hồi nhanh sau 4 - 5 ngày điều trị.
- Nhận diện u vòm họng lành tính
- Ngủ ngáy và lợi ích của phẫu thuật chữa ngáy với Coblator
- Amidan quá phát có hội chứng ngưng thở trong lúc ngủ