Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Dùng bút tiêm hormone tăng trưởng là cách điều trị thiếu hụt hormone tăng trưởng cho trẻ tại nhà mà cha mẹ có thể thực hiện được. Bằng cách tiêm dưới da hormone tăng trưởng tái tổ hợp theo hướng dẫn sử dụng với liều đã được bác sĩ nội tiết nhi khoa tính toán để trẻ vẫn có cơ hội trưởng thành như bạn bè cùng trang lứa.
1. Điều trị hormone tăng trưởng là gì?
Hormone tăng trưởng là một loại hormone protein được tạo ra bởi tuyến yên để giúp trẻ em phát triển. Ở những trẻ đã được xác định chậm tăng trưởng, sau khi được bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi thăm khám, xét nghiệm và có chỉ định dùng hormone tăng trưởng với liều cụ thể do bác sĩ quyết định, bố mẹ sẽ được tư vấn và huấn luyện cách tiêm hormone tăng trưởng tái tổ hợp mỗi ngày, một lần trong ngày tại nhà. “Tái tổ hợp” có nghĩa là loại hormone tăng trưởng này được tạo ra trong phòng thí nghiệm tương tự như hormone tăng trưởng của con người. Nhờ đó, liệu pháp tiêm hormone tăng trưởng cần được duy trì cho đến khi quá trình tăng trưởng hoàn thành, thường là nhiều năm, giúp trẻ trưởng thành một cách toàn diện, tự nhiên và an toàn nhất. Điều cần lưu ý là trẻ cần được thăm khám định kỳ theo hẹn của bác sĩ nhi nội tiết để có thể điều chỉnh liều thuốc tiêm phù hợp theo chỉ định của bác sĩ.
Các chỉ định được sử dụng để điều trị với bút tiêm hormone tăng trưởng bao gồm:
- Trẻ em chậm phát triển do lượng hormone tăng trưởng thấp hoặc không có.
- Trẻ em có tầm vóc thấp lùn và mắc hội chứng Noonan, hội chứng Turner, hoặc sinh ra còn nhỏ so với tuổi thai và không bắt kịp tốc độ tăng trưởng khi 2 tuổi đến 4 tuổi.
- Trẻ em mắc chứng lùn vô căn.
- Trẻ em không lớn mắc hội chứng Prader-Willi.
2. Hướng dẫn sử dụng bút tiêm hormone cho trẻ chậm tăng trưởng
Cha mẹ cần đọc hướng dẫn sử dụng chi tiết đi kèm với bút tiêm hormone tăng trưởng trước khi tự thực hiện cho trẻ tại nhà.
Các chế phẩm của bút tiêm hormone tăng trưởng có nhiều liều lượng khác nhau. Bác sĩ nội tiết nhi khoa sẽ kê đơn liều lượng phù hợp với tình trạng bệnh lý của trẻ. Đồng thời, bác sĩ sẽ tiêm trên cơ thể trẻ để cho cha mẹ quan sát cũng như giám sát sự thực hành thuần thục trước khi cha mẹ có thể tự tiêm cho trẻ tại nhà.
Luôn quan sát tính chất của thuốc bằng mắt thường trong bút tiêm trước khi tiêm. Không tiêm khi thấy thuốc không đồng nhất như kết tủa, vón cục hay phân lớp.
Bút tiêm hormone tăng trưởng được sử dụng bằng cách tiêm dưới da. Vùng tiêm có thể chọn là mặt sau của cánh tay trên, bụng, mông hoặc đùi. Đồng thời, cần luân phiên thường xuyên các vị trí tiêm để tránh hiện tượng teo mô mỡ.
Để tránh mũi tiêm gây đau cho trẻ trong các lần tiêm đầu tiên, có thể áp dụng thủ thuật gây tê tại chỗ bằng cách chườm đá lạnh hay bôi kem, gel gây tê cục bộ.
Cần nhớ một bút tiêm hoocmone tăng trưởng chỉ dành cho một cá nhân sử dụng. Tuyệt đối không dùng chung bút và kim tiêm với người khác, ngay cả khi kim đã được thay đổi nhằm tránh nguy cơ nhiễm trùng.
3. Cách bảo quản bút tiêm hormone tăng trưởng tại nhà
Trước khi sử dụng bút tiêm hormone tăng trưởng lần đầu tiên:
- Bảo quản bút tiêm hormone tăng trưởng mới, chưa sử dụng trong tủ lạnh từ 2 độ C đến 8 độ C nhưng không đóng băng.
- Để bút tiêm hormone tăng trưởng tránh ánh sáng trực tiếp.
- Không sử dụng bút tiêm hormone tăng trưởng đã được đông lạnh hoặc ở nhiệt độ ấm hơn 25 độ C hay sau ngày hết hạn in trên hộp và bút.
Sau khi mỗi lần dùng bút tiêm hormone tăng trưởng cần:
- Bảo quản bút tiêm hormone tăng trưởng còn lại trong tủ lạnh từ 2 độ C đến 8 độ C và sử dụng trong vòng 4 tuần, hoặc
- Bảo quản bút tiêm hormone tăng trưởng còn lại ở nhiệt độ phòng không quá 25 độ C và sử dụng trong vòng 3 tuần.
Luôn chú ý giữ bút tiêm hormone tăng trưởng cũng như các loại thuốc khác ngoài tầm với của trẻ em.
4. Cách hỗ trợ trẻ tự tiêm hormone tăng trưởng
Tiêm hormone tăng trưởng là một việc lặp đi lặp lại mỗi ngày và kéo dài đến hết tuổi trưởng thành. Do đó, khi lớn hơn, trẻ sẽ đến lúc sẵn sàng tự điều trị cho chính mình.
Đây là một bước thực sự tích cực và cho phép trẻ trở nên độc lập hơn và cũng cảm thấy kiểm soát được tình trạng của mình hơn. Các hướng dẫn sau có thể giúp cha mẹ cho trẻ làm quen dần với việc tự tiêm hormone tăng trưởng:
- Tham gia: Khi trẻ đã sẵn sàng, hãy giao cho trẻ trách nhiệm quản lý sử dụng hormone tăng trưởng cho bản thân mình - lấy bút tiêm hormone tăng trưởng từ tủ lạnh, chuẩn bị liều lượng, đưa ra thời gian biểu của riêng trẻ để trẻ có thể thực hiện hầu hết các công việc đó một cách độc lập.
- Trao đổi: Luôn nói chuyện với bác sĩ theo dõi của trẻ trước khi đưa ra quyết định cho phép trẻ tự sử dụng hormone tăng trưởng tại nhà.
- Dạy: Nói với trẻ về kỹ thuật sử dụng và bất kỳ lưu ý nào cha mẹ đã học được để làm cho vết tiêm bớt đau hơn.
- Thực hành: Sử dụng một loại trái cây chắc như cam hoặc mận với một thiết bị kim dự phòng từ bác sĩ. Thực hành theo cách này sẽ giúp trẻ tự tin hơn trước khi tiêm lần đầu.
- Kỹ thuật: Hướng dẫn trẻ đâu là vị trí tốt nhất để tự tiêm - đó có thể là đùi và bụng, vì có nhiều chất béo hơn và ít đầu dây thần kinh hơn. Đồng thời, cần nhắc nhở trẻ điều quan trọng của việc luân phiên vị trí tiêm hàng ngày.
- Gây tê cục bộ: Dạy trẻ cách gây tê vùng trước khi tiêm bằng cách sử dụng đá viên hoặc kem, gel gây tê cục bộ.
- Tham gia cộng đồng: Tìm hiểu và tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội tham gia hội thảo với những trẻ khác cũng điều trị bút tiêm hormone tăng trưởng. Điều này sẽ cho phép trẻ đặt câu hỏi và nhận được sự hỗ trợ của bạn bè.
- Dạy trẻ các kỹ thuật thư giãn: Những kỹ thuật này sẽ giúp giảm căng thẳng và bất kỳ chứng sợ kim tiêm tiềm ẩn nào, như các bài tập thở và giãn cơ có hướng dẫn.
Chỉ khi cha mẹ cảm thấy trẻ trưởng thành về mặt nhận thức và đã sẵn sàng để có thể bắt đầu học cách tự tiêm cho chính mình, hãy nhớ:
- Khuyên con nên tiêm khi cơ thể được nâng đỡ, như ngồi hoặc nằm với một chiếc gối bên dưới vùng tiêm.
- Khuyến khích và động viên trẻ trong lần tự tiêm đầu tiên và vài lần sau đó.
- Khen ngợi trẻ về kỹ thuật và khả năng tự tiêm chính mình.
- Thường xuyên hỏi thăm về cảm giác của trẻ thấy cơ thể đang diễn ra như thế nào.
Đôi khi những lần tiêm đầu tiên của trẻ có thể không diễn ra suôn sẻ như mong đợi. Vì vậy, đảm bảo rằng cha mẹ luôn sẵn sàng để có thể giúp trẻ khi cần. Nếu có vấn đề gì, cha mẹ hãy cố gắng cùng trẻ thảo luận để xác định và đưa ra các đề xuất, giúp các lần tiêm sau thuận lợi hơn. Cha mẹ cần luôn cố gắng kiên nhẫn và thấu hiểu để có thể mang lại cho trẻ sự tự tin tuyệt đối cần thiết.
Trong trường hợp trẻ không thể học được cách tự tiêm cho chính mình, hãy xem xét nguyên nhân có thể là do đâu và nguyên nhân là gì. Vấn đề này cần được thảo luận giữa cha mẹ và con cái hay cả với bác sĩ nội tiết nhi khoa. Vì trẻ đang lớn lên để tự tin và có trách nhiệm hơn về sức khỏe của chính mình từng ngày, việc sử dụng bút tiêm hormone tăng trưởng là thử thách cơ bản trẻ cần phải vượt qua.
Tóm lại, bút tiêm hormone tăng trưởng là cách thức cơ bản trong điều trị và theo dõi tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng ở trẻ nhỏ. Khi cha mẹ thực hiện đúng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nội tiết, trẻ sẽ trở lại đường cong tăng trưởng bình thường để đạt được chiều cao như mong đợi cũng như giảm thiểu các tác dụng phụ tiềm ẩn.
Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk
Nguồn tham khảo: gosh.nhs.uk, growingup.net, medicalnewstoday.com
- Các kỹ thuật tiêm chích cơ bản trong y khoa
- Tìm hiểu kỹ thuật tiêm dưới da
- Tại sao phải tiêm mông?