17-01-2024 12:43

Hướng dẫn chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt

Hướng dẫn chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt

Thiếu máu do thiếu sắt được coi là dạng thiếu máu dinh dưỡng phổ biến nhất ở trẻ em. Tuy nhiên, bệnh lý này hoàn toàn có thể phòng ngừa được khi cha mẹ có những hiểu biết nhất định về cách chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt tại nhà, bắt đầu từ bước đơn giản nhất là lựa chọn thức ăn lành mạnh giàu chất dinh dưỡng cho trẻ trong từng bữa ăn hoặc các chế phẩm chứa sắt bổ sung.

1. Bổ sung thuốc sắt cho trẻ

Để chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt thành công ngay từ giai đoạn trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cần xác định liều lượng và lịch trình điều trị sắt đường uống thích hợp song song với việc áp dụng các điều chỉnh chế độ ăn uống cùng với bổ sung sắt và theo dõi đáp ứng điều trị.

Liều khuyến nghị để bổ sung bằng đường uống cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị thiếu máu thiếu sắt là 3–6 mg / kg / ngày sắt nguyên tố. Ferrous sulfate thường được khuyến cáo cho trẻ là với liều 3 mg / kg sắt một hoặc hai lần mỗi ngày (tổng liều tối đa hàng ngày, 150 mg sắt nguyên tố). Sắt nguyên tố chiếm 20% lượng sắt sunfat. Ferrous fumarate và ferrous gluconate là các dạng muối sắt uống khác với hàm lượng sắt nguyên tố khác nhau. Nên cho trẻ uống thuốc sắt giữa các bữa ăn và tốt nhất là uống với nước trái cây vì hấp thu sắt sulfat tăng lên khi uống với nước trái cây hơn là với sữa hoặc các chất lỏng khác. Một cách khác cũng để hấp thu sắt tối đa là nên dùng 30–45 phút trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau bữa ăn.

Các tác dụng phụ khi cho trẻ uống thuốc sắt là không dung nạp qua đường tiêu hóa với liều lượng cao, răng và nướu của trẻ bị ố màu xám (đặc biệt là khi dùng dưới dạng chế phẩm dạng lỏng), đôi khi còn gây ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và dễ bị nhiễm trùng.

2. Thay đổi chế độ ăn uống

Thay đổi chế độ ăn uống là cần thiết không chỉ để ngăn ngừa thiếu sắt, bổ sung thêm liệu pháp uống sắt mà còn là nguyên tắc cơ bản trong việc chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng. Những thay đổi chế độ ăn uống sau đây được khuyến nghị cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị thiếu máu thiếu sắt đã được chẩn đoán:

Trẻ sơ sinh không nên được cho ăn bằng sữa bò chưa pha hoặc sữa công thức có hàm lượng sắt thấp. Nếu trẻ không được bú mẹ hoặc bú mẹ một phần thì nên cho trẻ bú sữa công thức có bổ sung chất sắt. Trẻ sơ sinh được nuôi bằng sữa bò có thể bị thiếu sắt do mất máu đường ruột do viêm đại tràng do protein sữa bò gây ra. Thiếu chất bổ sung sắt trong sữa bò sẽ góp phần vào tình trạng thiếu sắt.

Khi phát hiện hoặc nghi ngờ thiếu sắt ở trẻ trên 12 tháng, lượng sữa bò nên được giới hạn ở mức 600 ml / ngày. Uống nhiều sữa bò có thể làm tăng nguy cơ thiếu sắt. Hơn nữa, việc cai sữa cho trẻ bú bình cũng được khuyến khích. Nếu tình trạng thiếu máu thiếu sắt vẫn tồn tại và xét nghiệm thấy phân dương tính với máu, nên cho trẻ ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm sữa. Trong những trường hợp này, trẻ cần được bổ sung một lượng canxi thích hợp trong chế độ ăn (thức ăn giàu canxi).

Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên sửa đổi chế độ ăn uống của trẻ để tăng lượng sắt có thể tiêu thụ qua đường tiêu hóa. Trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên cần được bổ sung lượng sắt phù hợp từ thức ăn dặm. Chế độ ăn uống nên có ngũ cốc tăng cường chất sắt, thực phẩm giàu vitamin C và thịt xay nhuyễn.

chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt
Chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt bằng cách thay đổi chế độ ăn uống hàng ngày

3. Theo dõi đáp ứng điều trị

Hiệu quả của việc bổ sung sắt trong quá trình chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt là cần phải đánh giá theo dõi định kỳ, nhằm để xác nhận rằng thiếu máu là do thiếu sắt đơn thuần và điều trị được thực hiện với liều lượng và thời gian chính xác. Sau 4 tuần điều trị, trẻ nên làm lại công thức máu toàn bộ. Bên cạnh đó, trẻ nên được thực hiện đánh giá thiếu máu thiếu sắt khi trẻ hoàn toàn khỏe mạnh và không bị nhiễm virus có thể gây giảm huyết sắc tố cấp tính.

Nếu hemoglobin tăng ít nhất 1 g / dl sau 4 tuần bổ sung sắt qua đường uống, nên tiếp tục điều trị và đánh giá lại hemoglobin sau mỗi 2-3 tháng cho đến khi hemoglobin đạt giá trị bình thường. Liệu pháp sắt nên được tiếp tục thêm 2-3 tháng để thay thế các hồ dự trữ sắt. Việc ngừng điều trị đột ngột có thể dẫn đến tái phát chứng thiếu máu thiếu sắt.

Nếu trẻ thiếu máu thiếu sắt không có đáp ứng thích hợp sau 4 tuần điều trị, nên đánh giá thêm về tình trạng thiếu máu. Các nguyên nhân có thể gây ra thiếu máu thiếu sắt dai dẳng hoặc tái phát là điều trị không hiệu quả, mất máu, kém hấp thu hoặc chẩn đoán không chính xác. Cha mẹ nên tham vấn ý kiến bác sĩ xem liệu chế phẩm sắt đã được sử dụng với liều lượng và thời gian thích hợp chưa, liệu các thay đổi chế độ ăn uống của trẻ đã đáp ứng đủ chưa.

4. Xem xét liệu pháp bổ sung sắt qua đường tiêm

Liệu pháp bổ sung sắt qua đường tiêm dành riêng cho những bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt dạng nặng không dung nạp với các chế phẩm uống, đáp ứng kém với việc bổ sung bằng đường uống, tuân thủ điều trị kém hoặc kém hấp thu.

Đối tượng thường là các trẻ em mắc những bệnh lý đường tiêu hóa mãn tính như bệnh viêm ruột có thể cần điều trị bằng đường tiêm sắt, vì chúng thường không dung nạp được các chế phẩm bổ sung sắt bằng đường uống.

5. Cân nhắc chỉ định truyền máu

Truyền máu hiếm khi được đặt ra ở trẻ em bị thiếu máu thiếu sắt. Việc truyền máu không được coi là cần thiết ngay cả khi có nồng độ hemoglobin 4–5 g / dl nếu trẻ vẫn trông có vẻ khỏe mạnh.

Chỉ nên truyền máu khi có nhu cầu khẩn cấp để phục hồi khả năng vận chuyển oxy, tức là trong trường hợp thiếu máu mất bù trầm trọng. Trong khi đó, thiếu máu thiếu sắt đơn thuần thường tiến triển dần dần và trong thời gian đủ dài để cho phép các cơ chế bù trừ để duy trì thể tích nội mạch.

chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt
Ngoài chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt thì việc truyền máu có thể được cân nhắc ở một số trẻ

6. Các cách phòng ngừa khi chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt

Nhiều khuyến nghị về phòng chống thiếu máu thiếu sắt đã thống nhất với các phương pháp tiếp cận được sử dụng rộng rãi bao gồm sử dụng thực phẩm tăng cường chất sắt trong chế độ ăn của trẻ, cho trẻ bú sữa công thức giàu chất sắt, chỉ cho trẻ uống sữa bò từ 12 tháng tuổi, sàng lọc tình trạng thiếu sắt và dự phòng sắt ở trẻ sơ sinh.

Theo đó, các trẻ sơ sinh không được bú sữa mẹ cần được cung cấp đủ lượng sắt từ sữa công thức có bổ sung sắt. Trong khi đó, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nên nhận được một nguồn bổ sung sắt dưới dạng chất bổ sung sắt hoặc thức ăn bổ sung với liều lượng sau:

  • Trẻ bú mẹ đủ tháng nên được bổ sung sắt từ khi được 4 tháng tuổi (1 mg / kg / ngày, tối đa 15 mg) cho đến khi trẻ có đủ thức ăn bổ sung giàu sắt trong chế độ ăn.
  • Trẻ sơ sinh bú mẹ thiếu tháng nên được bổ sung sắt bắt đầu từ 2 tuần tuổi (2-4 mg / kg / ngày, tối đa 15 mg) trong suốt năm đầu đời (dưới dạng chất bổ sung hoặc sữa công thức tăng cường chất sắt).

Bắt đầu từ 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh nên được cho ăn một bữa giàu vitamin C (rau xanh, trái cây và nước trái cây) hàng ngày để tăng cường hấp thu chất sắt. Sau 6 tháng tuổi, nên bổ sung thịt vào khẩu phần ăn của trẻ như một phần trong chăm sóc trẻ suy dinh dưỡng nói chung, thiếu máu thiếu sắt nói riêng. Sắt heme trong thịt và cá có giá trị sinh học cao hơn sắt nonheme trong rau và ngũ cốc. Đồng thời, việc kết hợp thực phẩm heme với thực phẩm nonheme cũng tăng khả năng hấp thụ sắt qua đường ruột.

Không nên cho trẻ sơ sinh uống sữa bò non cho đến khi trẻ được 12 tháng tuổi. Nồng độ canxi cao hơn trong sữa bò sẽ ức chế sự hấp thụ sắt. Trẻ từ 1–5 tuổi nên uống ít hơn 600 ml sữa mỗi ngày. Vì thế, việc chăm sóc trẻ 4 tuổi suy dinh dưỡng không đơn giản là uống nhiều sữa. Bên cạnh đó, trẻ nên bổ sung đủ thực phẩm chứa sắt để đáp ứng nhu cầu sắt hàng ngày. Trẻ em không ăn ít nhất 2 hoặc 3 loại thực phẩm giàu chất sắt mỗi ngày có thể không đủ lượng sắt và có thể cần bổ sung sắt đường uống.

Tóm lại, sắt đóng một vai trò thiết yếu trong nhiều chức năng sinh lý của cơ thể và thiếu máu thiếu sắt là tình trạng thiếu dinh dưỡng phổ biến nhất trên thế giới. Việc chăm sóc trẻ thiếu máu thiếu sắt cần bắt đầu sớm ngay từ giai đoạn bào thai, trẻ sơ sinh bú mẹ, tăng cường thức ăn có sắt trong bữa ăn dặm và tránh dùng sữa bò trước 1 tuổi. Đồng thời, trẻ cần được xét nghiệm máu định kỳ từ 9-12 tháng tuổi, như một công cụ sàng lọc có giá trị nhất và khuyến nghị bổ sung chất sắt cho trẻ em có các yếu tố nguy cơ thiếu sắt.

XEM THÊM:
  • Thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ thiếu máu
  • Trẻ hơn 7 tháng chưa biết bò, chưa mọc răng cần bổ sung gì?
  • Trẻ mỏi mắt, khó ngủ sau khi bổ sung sắt có phải tác dụng của thuốc không?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan