Mục lục
Một số nam giới có quan niệm sai lầm rằng nếu sức khỏe vẫn ổn định, khỏe mạnh thì không cần đến gặp bác sĩ. Tuy nhiên sức khỏe đàn ông tuổi 40 trở đi thường có xu hướng suy giảm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Việc đi khám và kiểm tra định kỳ có thể giúp phát hiện sớm và xử lý kịp thời những bệnh lý này. Dưới đây là một số gợi ý chăm sóc sức khỏe cho đàn ông 40 tuổi trở đi.
1. Giảm căng thẳng
Đối với nhiều nam giới, áp lực về sự nghiệp, tài chính và gia đình có thể khiến đàn ông 40 tuổi - 50 tuổi lâm vào cảnh căng thẳng kéo dài. Trong khi đó, căng thẳng lại là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim. Bệnh tim mạch cũng thường xảy ra ở nam giới sớm hơn so với phụ nữ và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nam giới tuổi từ 45 đến 54. Lời khuyên cho đàn ông 40 tuổi là hãy tìm cách giải tỏa căng thẳng trong đời sống và công việc thông qua các hoạt động lành mạnh như tập thể dục, yoga, thiền định...
2. Tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ
Trong khi phụ nữ hay có thói quen chủ động khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 1 lần/năm thì nam giới lại thường chủ quan hơn về thể trạng của chính mình. Tuy nhiên khi đến tuổi trung niên, sức khỏe đàn ông tuổi 40 cần được chú ý và chăm sóc thường xuyên hơn. Nếu khỏe mạnh bạn có thể đi khám 2-3 năm/lần, tuy nhiên nếu thuộc nhóm nguy cơ và cao tuổi hơn, nên tăng tần suất khám sức khỏe định kỳ xuống 1 năm/lần.
3. Chú ý kiểm soát vòng bụng
Một số nam giới có xu hướng tăng vòng bụng khi bước vào độ tuổi trung niên trong khi nhiều nghiên cứu đã phát hiện tình trạng béo bụng có yếu tố dự báo bệnh tim và tiểu đường. Tình trạng tăng cân khá phổ biến ở đàn ông 40 tuổi trở lên, nên bạn cũng có thể mắc các bệnh như huyết áp cao và chỉ số cholesterol cao.
Nếu thực hiện kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bác sĩ có thể giúp bạn đánh giá nguy cơ mắc các bệnh lý nghiêm trọng từ sớm, đồng thời sàng lọc các vấn đề sức khỏe mà bạn có thể không biết mình mắc phải.
Ngoài ra, để giảm nguy cơ mắc các bệnh lý trên, đàn ông 40 tuổi nên thiết lập các thói quen lành mạnh như tập thể dục thường xuyên, tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng và khoa học.
4. Thực hiện các sàng lọc sức khỏe quan trọng
Cứ 5 năm một lần, tất cả nam giới từ 20 tuổi trở lên đều nên kiểm tra cholesterol định kỳ. Riêng đàn ông 40 tuổi (hoặc trẻ hơn) nếu có vấn đề về cân nặng, ít hoạt động thể chất hoặc có thành viên trong gia đình mắc bệnh tiểu đường thì nên chủ động tầm soát bệnh tiểu đường. Nếu chỉ số đường huyết ở mức khỏe mạnh thì lặp lại xét nghiệm 3 năm/ lần.
Một yếu tố nữa mà nam giới trung niên cũng cần chú ý là nguy cơ cao huyết áp. Người lớn trên 40 tuổi nên kiểm tra huyết áp cao hàng năm để bảo vệ bản thân khỏi bệnh đột quỵ và bệnh tim.
Ngoài ra, từ tuổi 45 trở đi (hoặc sớm hơn nếu có nguy cơ cao), nam giới cũng được các chuyên gia khuyến nghị nên tầm soát ung thư ruột kết.
Mặc dù khó tránh khỏi những yếu tố liên quan đến di truyền, nhưng phần lớn đàn ông 40 tuổi có thể giảm nguy cơ phát triển nhiều bệnh bằng cách chủ động tiêm tất cả các loại vắc-xin khuyến nghị cho người trưởng thành và thực hiện tầm soát các bệnh lý nguy cơ. Nam giới dưới 50 tuổi không có vấn đề sức khỏe cụ thể nào có thể chỉ cần đi khám sức khỏe định kỳ 2-3 năm/lần nhưng với những người lớn tuổi hơn và thuộc nhóm nguy cơ nên chủ động đến gặp bác sĩ ít nhất mỗi năm/ lần để được thăm khám cụ thể.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com
- Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe dự phòng cho nữ giới tuổi 50
- Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe dự phòng cho nam giới 20-30 tuổi
- Chăm sóc sức khỏe dự phòng cho nam giới ở mọi lứa tuổi