Mục lục
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Lan Hương - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Sữa mẹ là nguồn chất dinh dưỡng đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Việc vắt sữa (hút sữa) giúp trẻ vẫn có sữa để uống, để mỗi lần vắt sữa không bị đau và được nhiều sữa thì cần có cách vắt sữa hoặc cách hút sữa mẹ đúng cách.
1. Thời điểm nên bắt đầu hút sữa là khi nào?
Trong vòng 6 tháng đầu đời, trẻ được nuôi hoàn toàn bằng cách bú mẹ trực tiếp là lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mà bạn cần phải vắt sữa, như:
- Trẻ chưa thể bú hay ngậm bắt núm vú tốt
- Vú bạn bị căng sữa hay tắc ống dẫn sữa
- Bạn không thể ở bên cạnh trẻ trong thời gian dài, vì bạn cần quay trở lại làm việc và học tập sau khi sinh.
- Bạn muốn gia tăng lượng sữa.
2. Số lần vắt sữa bao nhiêu là phù hợp?
Nếu phần lớn thời gian bạn cho trẻ bú được trực tiếp và thi thoảng mới bú bình, thì bạn chỉ cần vắt một vài lần một ngày. Tốt nhất hãy thử vắt sữa vào buổi sáng hoặc khi bạn cảm thấy ngực bị căng sữa.
Nếu bạn cho trẻ bú bằng cách vắt sữa hoàn toàn? Hãy vắt sữa theo nhu cầu của trẻ. Nếu trẻ ăn 8-12 lần một ngày, bạn cần phải vắt ít nhất 8 lần để cung cấp đủ nhu cầu của trẻ.
Số lần vắt sữa sẽ không có con số cố định hoặc quy tắc nhất định, điều này phụ thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng từ trẻ. Các lần vắt sữa không nên cách nhau quá 5 tiếng. Bạn nên vắt sữa 2 hoặc 3 giờ một lần trong thời kỳ sơ sinh.
Ngoài ra, bạn cần phải hút sữa ít nhất hai lần vào ban đêm để giúp thiết lập nguồn cung cấp sữa tốt.
3. Lượng sữa mỗi lần hút bao nhiêu là đủ?
Theo thời gian trẻ lớn lên, lượng sữa trẻ cần mỗi lần bú sẽ thay đổi. Thậm chí có thể thay đổi theo ngày.
Ở những ngày đầu sau sinh, bạn chỉ cần hút một lượng nhỏ lượng sữa non. Sữa non là những giọt sữa đầu tiên, rất bổ dưỡng.
Sau tuần đầu tiên, trẻ cần khoảng 50 - 80ml sữa/lần hút. Mỗi lần hút cách nhau khoảng 2 đến 3 giờ. Tuy nhiên, trường hợp sinh đôi hoặc sinh ba thì lượng sữa cần hút phải tăng gấp đôi.
Một tháng sau sinh, trẻ cần khoảng 700 – 900ml sữa mỗi ngày. Để đảm bảo nhu cầu của trẻ, mỗi lần hút sữa được khoảng 80 – 110 ml sữa/lần và nên cách nhau từ 3 – 4 giờ/lần.
4. Chọn lựa phương pháp hút sữa mẹ đúng cách
Với mỗi cách hút sữa mẹ sẽ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ và có những ưu, nhược điểm riêng.
4.1 Vắt sữa bằng tay
Vắt sữa bằng tay cần sử dụng bàn tay hoặc ngón tay để vắt sữa, sữa vắt ra chứa vào bình hoặc dụng cụ lưu trữ. Phù hợp với trẻ mới sinh được 1-2 tuần tuổi, khi nhu cầu sử dụng sữa của trẻ chưa cao.
4.2 Máy hút sữa
Máy hút sữa sử dụng lực hút để hút sữa ra khỏi bầu ngực, có hai loại máy: loại bằng tay và loại chạy bằng điện.
Máy hút sữa bằng tay rất tiện dụng, phù hợp với những tuần đầu sau sinh, vì lúc này trẻ chưa cần lượng sữa nhiều. Máy hút bằng điện, phù hợp nếu bạn cần một nguồn sữa lớn khi bạn quay trở lại làm việc hoặc bạn cho con bú sữa bình hoàn toàn. Các dòng máy hút sữa được ưa thích hiện này đều hoạt động theo 3 giai đoạn: mát -xa, kích sữa, hút sữa, mô phỏng như quá trình bé bú, giúp kích thích sữa mẹ tiết ra và bảo vệ bầu ngực của mẹ tốt nhất. Với nhiều cấp độ hút và chế độ linh hoạt cho phép chọn chế độ hút đơn (1 bên ngực) hoạt hút đôi (2 bên ngực cùng lúc), sản phẩm đã mang lại sự thoải mái tối đa khi sử dụng. Tuy nhiên cần lưu ý vệ sinh các phần của máy hút sữa giữa các lần sử dụng.
5. Hút sữa mẹ đúng cách
5.1 Vắt sữa mẹ bằng tay
- Trước khi bắt đầu, hãy đảm bảo rằng bạn rửa tay thật sạch. Bạn cũng sẽ cần một hộp đựng đã được khử trùng, bình bú.
- Hãy chọn một chỗ ngồi và tư thế ngồi thoải mái để quá trình vắt sữa được dễ dàng hơn. Đặt hộp đựng trong tầm với.
- Trước khi vắt sữa hãy massage ngực đúng cách (đảm bảo rằng tay bạn ấm). Bắt đầu bằng những động tác vuốt dài từ nách, hướng về phía núm vú.
- Tiếp theo, khum tay theo hình chữ C gần khu vực bên ngoài của núm vú. Ngón tay và ngón cái của bạn phải đối diện nhau - nếu bạn tưởng tượng rằng vú của bạn là một chiếc đồng hồ, ngón tay cái của bạn sẽ ở vị trí 12 giờ và ngón tay của bạn ở vị trí 6 giờ.
- Ấn ngón cái và ngón trỏ một cách nhẹ nhàng vào các xoang chứa sữa phía dưới quầng vú. Tránh ép vào núm vú. Ấn rồi thả ra. Có thể cần vài phút để sữa mẹ chảy ra.
- Vắt một bên khoảng 3-5 phút cho đến khi bạn nhận thấy dòng sữa chảy chậm lại, hãy di chuyển tay xung quanh vú để bạn đang vắt sữa từ một khu vực khác (đặt ngón tay và ngón cái ở vị trí 11 giờ và 5 giờ) và lặp lại quy trình.
- Khi bạn đã vắt hết sức có thể từ một bên vú, hãy lặp lại quá trình này bên vú còn lại. Sau đó chuyển trở lại vú đầu tiên.
- Thời gian để vắt sữa kéo dài khoảng là 20-30 phút.
5.2 Sử dụng máy hút sữa bằng điện
Mặc dù mỗi máy hút có những đặc điểm riêng, nhưng các bước cơ bản sẽ giống nhau đối với từng loại. Bạn nên luôn đọc hướng dẫn sử dụng khi sử dụng máy hút lần đầu tiên.
- Trước khi bắt đầu, hãy rửa tay thật sạch và kiểm tra tất cả các bộ phận của máy hút, đảm bảo nó hoạt động bình thường và tất cả các bộ phận của máy hút sữa đều sạch sẽ được tiệt trùng trước khi sử dụng
- Chọn một tư thế thoải mái. Massage ngực trước khi hút giúp thu được nhiều sữa hơn.
- Đặt phễu hút vào xung quanh quầng vú với núm vú của bạn phải ở giữa. Phễu hút phải vừa vặn, không gây đau, nếu không nên đổi một kích thước khác. Kích thước phễu hút phải lớn hơn núm vú của bạn từ 3 đến 4 mm. Căn giữa và ấn nhẹ.
- Nếu sử dụng máy vắt bằng điện, ban đầu hãy bật nó ở áp lực hút thấp, tăng dần cho đến khi đạt áp lực hút cao nhất mà bạn cảm thấy thoải mái. Hút mỗi bên vú từ 15 đến 20 phút.
- Sau khi kết thúc hút sữa bằng máy, bạn nên vắt sữa bằng tay để làm rỗng vú tốt hơn.
- Có thể sử dụng máy hút đôi để tiết kiệm thời gian.
Nếu bạn không chắc chắn nên sử dụng máy hút sữa như thế nào để đạt hiệu quả, hãy liên hệ với chuyên gia tư vấn để nhận được hỗ trợ.
5.3 Sử dụng máy hút sữa bằng tay
Đảm bảo tất cả các bộ phận của máy hút sữa đều sạch sẽ và được tiệt trùng trước khi sử dụng. Đọc hướng dẫn sử dụng để làm quen với quy trình. Tìm một nơi yên tĩnh để hút sữa. Sau đó, hãy làm theo các bước chung sau.
- Rửa tay để đảm bảo sạch sẽ.
- Đầu tiên bạn sẽ vắt sữa bằng tay. Xoa bóp nhẹ nhàng từng bên.
- Khi đã kích thích vú của mình, hãy đặt một núm vú vào giữa phễu chụp vú của máy bơm và đặt nó nằm ngang với vú của bạn.
- Bóp máy vắt một cách nhịp nhàng, bắt chước chu kỳ bú của con bạn.
- Thực hiện tương tự các bước trên ở bên ngực còn lại. Di chuyển qua lại giữa hai vú để hút được nhiều sữa.
- Vắt sữa bằng tay để kết thúc.
6. Hướng dẫn vệ sinh các bộ phận máy hút sữa
- Đọc sách hướng dẫn sử dụng máy để biết hướng dẫn vệ sinh cụ thể tùy theo mỗi loại máy hút sữa. Ngoài ra, bạn cần vệ sinh máy hút sau mỗi lần sử dụng bằng nước ấm, xà phòng.
- Bắt đầu bằng tháo rời các bộ phận của máy vắt và kiểm tra xem có bị hư hỏng gì không và thay thế nếu cần.
- Rửa sạch các bộ phận máy có tiếp xúc với sữa mẹ. Đơn giản chỉ cần để dưới vòi nước để rửa sạch bỏ sữa.
- Để làm sạch bằng tay, hãy đặt máy hút vào bồn rửa. Đổ đầy nước nóng và xà phòng vào, cọ sạch mọi thứ bằng bàn chải sạch. Rửa lại bằng nước sạch và để mọi thứ tự khô.
- Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi, cân nhắc đun sôi các bộ phận của máy vắt để vệ sinh do hệ thống miễn dịch của bé chưa trưởng thành. Bạn chỉ cần làm điều này một lần một ngày. Đặt các bộ phận của máy vắt vào nồi và đổ đầy nước. Đun sôi nước và để các bộ phận này sôi trong 5 phút. Dùng kẹp sạch để lấy các bộ phận ra.
Để giúp duy trì nguồn sữa từ mẹ luôn dồi dào cho bé yêu, các mẹ nên kết hợp cho con bú trực tiếp, điều này sẽ kích thích sữa bài tiết sữa nhiều hơn. Khi bé bú mẹ ngoài việc miệng ngậm vú, tay chân sờ người mẹ cũng sẽ tăng thêm tình cảm mẹ con. Ngoài lựa chọn cách hút sữa mẹ đúng cách, thì sữa mẹ sau khi vắt cũng cần phải bảo quản sữa đúng cách như vậy mới đảm bảo sữa có chất lượng tốt nhất cho bé.
- Nên vắt sữa mẹ bằng tay hay bằng máy?
- Bao lâu sữa về 1 lần? Khoảng cách giữa các cữ bú thế nào là hợp lý?
- Những thực phẩm có thể khiến bạn mất sữa