Mục lục
Bài viết bởi Bác sĩ Phạm Quốc Thành - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Hội chứng truyền máu song thai (TTTS) hay còn gọi là Twin-twin transfusion syndrome -TTTS xảy ra trong thai kỳ khi người mẹ mang thai cặp song sinh cùng trứng và cùng chia sẻ một bánh nhau.
1. Hội chứng truyền máu cho nhận (TTTS) là gì
Hội chứng truyền máu song thai xảy ra trong trường hợp có hiện tượng kết nối mạch máu bất thường được hình thành trong nhau thai và tình trạng phân phối máu không được đồng đều ở giữa các thai nhi xảy ra. Điều này dẫn đến một em bé mà đứa trẻ sinh đôi này được gọi là thai nhi cho, sẽ truyền máu qua các động mạch đến bánh nhau, và không nhận được đủ lượng máu có chứa chất dinh dưỡng và oxy trở lại từ bánh nhau thông qua tĩnh mạch. Trong khi đó đứa trẻ còn lại là thai nhi nhận, sẽ được nhận nhiều máu thông qua tĩnh mạch hơn, so với lượng máu mà em bé còn lại truyền đi thông qua các động mạch. Do đó, thai nhi cho sẽ thường có kích thước nhỏ hơn và bị thiếu oxy, cũng như chất dinh dưỡng. Trong khi đó thai nhi nhận sẽ nhận được nhiều máu nên hệ tuần hoàn luôn luôn phải làm việc dẫn đến quá tải, làm suy giảm chức năng tim mạch.
Đây là một tình trạng rất nguy hiểm cho cả hai thai nhi. Hội chứng truyền máu song thai do sự nối các động mạch và tĩnh mạch dẫn đến sự mất cân bằng huyết động giữa thai cho và thai nhận. Hơn nữa TTTS còn được biết đến bởi sự chênh lệch thể tích giữa hai buồng ối, đa ối và thiểu ối (TOPS)
Khi mắc hội chứng truyền máu song thai nếu không được điều trị thì 90-100% thai sẽ chết. Còn nếu một trong hai thai chết thì 25% thai còn lại bị di chứng thần kinh nặng nề. Tỷ lệ mắc hội chứng truyền máu song thai là 0,1-1,9/1000 trẻ sinh ra.
2. Siêu âm phát hiện Dấu hiệu thai kỳ song thai MCMA như thế nào?
Siêu âm thai là một xét nghiệm quan trọng để phát hiện, đánh giá và theo dõi các dấu hiệu song thai, đặc biệt phát hiện dấu hiệu thai kỳ song thai MCMA:
2.1 Quản lý thai nghén
Điều quan trọng nhất trong song thai là XÁC ĐỊNH SỐ LƯỢNG BÁNH NHAU vào thời điểm siêu âm sàng lọc QUÝ I.
Song thai một bánh nhau: dấu chữ T
Song thai hai bánh nhau: dấu lamda (ʎ)
Ở quý II các dấu hiệu này không rõ ràng vì thế không nên bỏ lỡ giai đoạn sàng lọc QUÝ I. Nếu người làm siêu âm KHÔNG CHẮC CHẮN về số lượng bánh nhau, cần mời HỘI CHẨN để khẳng định số lượng bánh nhau.
Đánh dấu vị trí của mỗi thai dựa vào vị trí bên phải – trái, trước – sau, trên – dưới.
Đo chiều dài kênh cổ tử cung để tiên đoán sinh non.
Siêu âm mỗi 2 TUẦN từ tuần thứ 16 đến cuối thai kỳ đối với song thai một bánh nhau để phát hiện sớm các biến chứng.
Siêu âm đánh giá cân nặng, chỉ số khoang ối sâu nhất, bàng quang thai nhi, Doppler động mạch rốn, động mạch não giữa để phát hiện các biến chứng.
Siêu âm tim thai chi tiết, đặc biệt ở thai nhận hay gặp bệnh cơ tim phì đại và hẹp đường thoát thất phải vì quá tải tuần hoàn.
2.2. Các dấu hiệu dự báo TTTS
Ở quý 1:
- Chênh lệch chiều dài đầu mông
- NT > bách vân vị 95 hoặc chênh lệch > 20% giữa 2 thai
- Đảo ngược hoặc mất sóng a ống tĩnh mạch.
Ở quý 2:
- Chênh lệch chu vi vòng bụng
- Nếp gấp màng ối
- Dây rốn bám màng ở thai cho
- Mật độ bánh nhau giảm âm ở phần thai cho
2.3. Chẩn đoán xác định:
TTTS được chẩn đoán trước sinh bằng siêu âm, gồm 2 tiêu chuẩn:
- (1) Song thai 1 bánh nhau
- (2) Một thai đa ối (MPV >8cm) VÀ một thai thiểu ối (MPV<2cm)
Nếu chỉ có chênh lệch nước ối mà không đủ tiêu chuẩn (2) thì khả năng diễn tiến thành TTTS chỉ <15%.
Mặc dù chênh lệch phát triển (>20%) và thai chậm tăng trưởng trong tử cung (EFW<10%) thường có thể đi kèm TTTS, nhưng đây không phải là tiêu chuẩn chẩn đoán. Chẩn đoán phân biệt có thể bao gồm Thai chậm tăng trưởng chọn lọc (sIUGR), hoặc có thể chỉ 1 thai có bất thường lượng nước ối.
Hội chứng thiếu máu đa hồng cầu (TAPS) được định nghĩa thiếu máu ở thai cho (MCA PSV >1.5 MoM) và đa hồng cầu ở thai nhận (MCA PSV <1 MoM).
TTTS có thể xảy ra ở đa thai mà có chứa song thai 1 nhau.
TTTS trong song thai 1 nhau – 1 ối (MCMA) biểu hiện bằng đa ối, không có thiểu ối.
Trong thai kỳ song thai MCMA, chuỗi dấu hiệu đa ối – thiểu ối sẽ không được phát hiện, chẩn đoán TTTS được dựa vào việc phát hiện các dấu hiệu lâm sàng khác của hội chứng này, như đa ối (khoang ối lớn nhất ≥ 8 cm trước 20 tuần hoặc ≥ 10 cm sau 20 tuần), chênh lệch kích thước của bàng quang (không quan sát thấy bàng quang ở thai cho và giãn bàng quang của thai nhận), bất thường phổ Doppler của một trong 2 thai.
Kiểu thông nối khác thường trong bánh nhau song thai MCMA với các mạch máu động mạch – động mạch kích thước lớn hơn so với song thai MCDA, có thể đưa đến TTTS cấp tính, làm cho thai tử đột ngột, điều này giải thích cho tỷ lệ tử vong cao trong MCMA.
3. Tại sao Hội chứng truyền máu cho nhận ở song thai một bánh nhau, một buồng ối nguy hiểm?
Hội chứng truyền máu song thai là một cấp cứu sản khoa cần được điều trị kịp thời. Hậu quả khi mắc hội chứng truyền máu song thai là:
- Đẻ non
- Nhiễm trùng ối, đa ối
- Suy tim thai nhận, do bị suy tim nên thai nhận sẽ chết
- Thiếu máu, thiếu oxy thai cho dẫn tới chết do suy bánh rau hoặc do thiếu máu mãn tính.
- Nguy cơ tổn thương hệ thần kinh là 25% cho thai còn lại.
Hội chứng truyền máu cho nhận ở song thai một bánh nhau, một buồng ối cần thiết đánh giá, theo dõi định kỳ để đưa ra các chẩn đoán sớm, can thiệp sớm nhất để đảm bao an toàn cho thai nhi.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có:
- Hệ thống máy siêu âm hiện đại, chuyên dụng với các phần mềm dùng cho siêu âm đánh giá thai.
- Hệ thống lưu trữ để so sánh sự phát triển hay biến đổi của thai trong các thời gian khác nhau
- Bác sỹ siêu âm nhiều kinh nghiệm cùng đội ngũ bác sỹ sản khoa sẽ theo dõi, tư vấn và can thiệp kịp thời ở các giai đoạn phát triển của thai nhi
Ngoài ra, bệnh viện Vinmec có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:
- Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao
- Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
- Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
- Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện.
- Mang thai dễ mắc bệnh lao, vì sao?
- Hội chứng Anti-phospholipid: Lâm sàng và chỉ định xét nghiệm
- Hội chứng kháng Phospholipid (APS) với phụ nữ mang thai