17-01-2024 10:08

Hội chứng thận hư: Những điều cần biết

Hội chứng thận hư: Những điều cần biết

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy - Bác sĩ Nội thận - Lọc máu - Ghép thận - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hội chứng thận hư là một rối loạn ở thận làm cơ thể bài tiết quá nhiều protein qua nước tiểu. Hội chứng thận hư xảy ra khi màng lọc của cầu thận bị viêm và tổn thương (đơn vị lọc của thận). Màng lọc cầu thận có tác dụng lọc máu trong cơ thể khi đi qua thận.

1. Tổng quan về hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư xảy ra khi những đơn vị lọc của thận (cầu thận) bị tổn thương. Tổn thương này cho phép protein (chất đạm) – bình thường được giữ lại trong huyết tương – rò rỉ vào nước tiểu với số lượng lớn, làm giảm lượng protein trong máu của bạn. Vì protein trong máu giúp giữ nước trong lòng mạch máu, nay số lượng protein giảm thấp trong máu dẫn đến nước từ mạch máu sẽ dịch chuyển vào trong các mô lân cận dẫn đến sưng nề, hay còn gọi là phù. Tình trạng phù này thấy rõ ở chân khi bạn đứng hoặc ở mi mắt, mặt khi bạn thức dậy vào sáng sớm. Thậm chí, tình trạng phù chân này có thể xảy ra ở mọi thời điểm trong ngày, hoặc phù ở những phần khác của cơ thể. Bạn cũng có thể thấy nước tiểu của mình có nhiều bọt hơn bình thường do lượng lớn protein trong đó.

2. Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng thận hư

  • Tiểu đạm đại lượng (>3.5gam/ 24 giờ)
  • Phù xung quanh mắt, mặt, bàn chân, mắt cá hoặc bụng
  • Tăng cân nhanh (do ứ nước)
  • Nước tiểu nhiều bọt
  • Không ngon miệng
  • Tăng cholesterol máu, giảm protein, albumin máu
Tăng cholesterol thường gặp ở người cao tuổi
Một trong số các triệu chứng của hội chứng thận hư đó là tăng cholesterol máu, giảm protein, albumin máu

3. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng thận hư

Hội chứng thận hư có thể có nguyên nhân hoặc nguyên phát (không rõ nguyên nhân):

  • Nguyên phát: Các sang thương có thể có (chẩn đoán qua sinh thiết thận) như Sang thương tối thiểu, xơ chai cầu thận khu trú từng vùng, bệnh thận màng, bệnh thận IgA...
  • Nhiễm trùng, nhiễm virus (viêm gan B, C, HIV...), nhiễm ký sinh trùng
  • Bệnh hệ thống: Lupus ban đỏ...
  • Đái tháo đường, tăng huyết áp
  • Một số loại ung thư

4. Chẩn đoán hội chứng thận hư

Các xét nghiệm cần thực hiện để chẩn đoán hội chứng thận hư gồm:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu cần cho chẩn đoán xác định hội chứng thận hư (đạm niệu 24 giờ, điện di đạm máu, đạm niệu, bộ mỡ) và xác định nguyên nhân nếu có.
  • Siêu âm thận và xét nghiệm chức năng thận.
  • Đa số cần làm sinh thiết thận để xác định loại sang thương thận, nguyên nhân (trừ khi bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp lâu năm và không có nguyên nhân nào khác được nghĩ đến).
  • Xét nghiệm gen do một số bệnh thận có tính chất di truyền.
xét nghiệm máu tầm soát ung thư đại tràng
Xét nghiệm máu và nước tiểu cần cho chẩn đoán xác định hội chứng thận hư và xác định nguyên nhân nếu có

5. Điều trị hội chứng thận hư

Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn để giảm lượng muối và nước ứ trong người, giảm thải đạm qua nước tiểu và giảm cholesterol trong máu. Ngoài ra bác sĩ còn cho thuốc ức chế hệ miễn dịch để giảm phản ứng viêm tại cầu thận, thuốc này không được ngừng đột ngột và cần chỉnh liều tùy theo tình trạng và giai đoạn bệnh, do đó bạn cần tái khám đúng theo hẹn. Một số trường hợp bệnh diễn tiến nặng dẫn đến suy thận nặng, bác sĩ có thể cho bạn chạy thận tạm thời chờ thận hồi phục. Trường hợp thận không hồi phục thì bạn phải tiến hành chạy thận chu kỳ hoặc ghép thận.

Bạn có thể giúp cho việc điều trị của bản thân bằng cách:

  • Giảm lượng muối ăn vào theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc ăn lạt sẽ được duy trì suốt càng lâu càng tốt.
  • Hạn chế lượng nước uống hoặc trong thức ăn nếu bạn vẫn còn phù. Theo dõi cân nặng hàng ngày để biết mình đã giảm hay tăng cân.
  • Bạn cần theo chế độ ăn giảm protein nếu có tình trạng suy thận.
  • Kiểm soát tốt huyết áp và đường huyết. Vì huyết áp và đường huyết cao có hại cho thận.
  • Giảm cân nếu bị thừa cân. Vì béo phì có thể gây tăng huyết áp và đái tháo đường, có hại cho thận.
  • Bạn có thể thảo luận với bác sĩ tiết chế dinh dưỡng về lượng nước bạn có thể dùng hàng ngày, chế độ ăn phù hợp cho bạn.
  • Không hút thuốc, uống rượu bia, tập thể thao thường xuyên.
  • Thảo luận với bác sĩ thận của bạn trước khi dùng thuốc kê toa từ bác sĩ khác hoặc thuốc không kê toa, vitamin, khoáng chất, thuốc giảm cân hoặc những thực phẩm chức năng cho thể thao.
  • Nếu cần làm chẩn đoán hình ảnh có tiêm thuốc, cần yêu cầu làm xét nghiệm chức năng thận của bạn trước thực hiện.
  • Thảo luận với bác sĩ về ngừa thai và thai kỳ nếu là bệnh nhân nữ.
  • Không bỏ hẹn tái khám với bác sĩ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám, sàng lọc bệnh lý tiết niệu giúp cho khách hàng có thể phát hiện sớm các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Khi lựa chọn Gói khám, sàng lọc bệnh lý tiết niệu tại Vinmec, khách hàng sẽ được:

  • Khám chuyên khoa ngoại tiết niệu
  • Siêu âm hệ tiết niệu
  • Định lượng PSA toàn phần
  • Định lượng PSA tự do
  • Cấy nước tiểu

Để giúp phát hiện sớm khả năng có thể mắc các bệnh tiết niệu. Đặc biệt là các bệnh lý về tiền liệt tuyến (phì đại lành tính tiền liệt tuyến, ung thư tiền liệt tuyến) và các bệnh lý sỏi tiết niệu.... từ đó giúp khách hàng có những biện pháp dự phòng bệnh.

Nguồn tham khảo: kidney.org

XEM THÊM:
  • Vì sao xuất hiện protein trong nước tiểu?
  • Biến chứng của viêm cầu thận mạn tính
  • Mất bao lâu để viêm cầu thận cấp tiến triển thành viêm cầu thận mạn?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan