Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trọng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó làm tắc nghẽn mạch máu nuôi tinh hoàn. Xoắn tinh hoàn ở trẻ em là một cấp cứu niệu khoa khẩn cấp, chiếm tỉ lệ khoảng 1/4000 nam giới dưới 25 tuổi và là một trong những nguyên nhân thường gặp trong các nguyên nhân gây mất tinh hoàn ở nam giới.
1. Xoắn tinh hoàn là gì?
Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây sưng và đau. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh. Do đó, bệnh nhân cần được phẫu thuật cấp cứu trong vài giờ đầu. Nếu để quá muộn, tinh hoàn có thể bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ.
Xoắn tinh hoàn thường xảy ra khi tinh hoàn chưa cố định ở túi bìu và di chuyển bất thường, đặc biệt khi tinh hoàn nằm trong ống phúc tinh mạc. Xoắn tinh hoàn có thể tự tháo.
Có 3 loại xoắn tinh hoàn:
- Xoắn cả bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn và mào tinh: Loại xoắn này gặp là chủ yếu;
- Xoắn tinh hoàn đơn thuần: Khi có sự bất thường về cố định mào tinh - tinh hoàn và có một mạc treo giữa mào tinh với tinh hoàn, tinh hoàn có thể bị xoắn quanh mạc treo. Loại xoắn này ít gặp hơn;
- Xoắn phần phụ của mào tinh - tinh hoàn: Loại này cũng ít gặp và triệu chứng lâm sàng không nặng nề như hai loại trên.
Bệnh thường có thể xảy ra mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất ở tuổi thanh thiếu niên (từ 2 đến 10 tuổi). Tỷ lệ mắc bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ em từ 25-50% đối với trẻ sinh đôi mà trẻ là con thứ hai. Bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ thường gặp ở tuổi sơ sinh hoặc tuổi dậy thì (10-15 tuổi). Xoắn tinh hoàn trẻ em có thể xảy ra trước, trong và sau sinh.
2. Triệu chứng xoắn tinh hoàn ở trẻ em
Bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh có các biểu hiện như:
- Trẻ sinh ra đã thấy tinh hoàn to, không đau, sờ thấy rắn đều, da ở bìu đỏ sẫm hoặc nhợt, mất nếp nhăn hoặc một bên bìu rỗng do tinh hoàn bị xoắn có thể đã tiêu đi từ trước (vắng tinh hoàn).
- Với trẻ sơ sinh và bú mẹ chưa tự xác định được vị trí đau thì có biểu hiện quấy khóc nhiều.
- Sốt có thể xảy ra sau khi tinh hoàn bị xoắn vài giờ.
Ở trẻ lớn hơn, xoắn tinh hoàn có các biểu hiện cấp tính:
- Đau dữ dội, đột ngột ở một bên hoặc hai bên bìu, một số trẻ có kèm theo đau bụng dưới, buồn nôn và nôn. Trẻ sơ sinh chỉ có quấy khóc, bỏ bú, phù nề và đỏ da bìu.
- Đau, sưng vùng nếp bẹn bên không có tinh hoàn kèm đau vùng bụng dưới (ở bệnh nhân tinh hoàn ẩn).
- Bệnh nhân có thể có sốt hoặc không sốt, không có tiền sử chấn thương bìu, không có triệu chứng tiểu khó, tiểu rắt.
- Nếu phát hiện ở giai đoạn muộn bệnh nhân có thể có sưng, đau và đỏ da vùng bìu, không cho sờ vùng bìu.
3. Xoắn tinh hoàn ở trẻ em có nguy hiểm không?
Xoắn tinh hoàn trẻ em thường để lại những hậu quả nặng nề. Nguyên nhân là do mạch máu bị nghẽn vì vậy tinh hoàn không được nuôi dưỡng, rất dễ dẫn đến tổn thương. Nếu chậm được chẩn đoán và điều trị, tinh hoàn có thể bị hoại tử thành mủ hoặc hoàn toàn teo đi trong vài tháng. Bệnh nhân có nhiều nguy cơ vô sinh, nhất là các trường hợp thừng tinh 2 bên tinh hoàn đều lần lượt bị xoắn... Nhiều trường hợp xoắn tinh hoàn trẻ em chữa trị khi tinh hoàn đã bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ. Trẻ bị cắt bỏ một tinh hoàn sẽ giảm 50% khả năng sinh con. Đặc biệt khi trưởng thành, chuyện chỉ còn một tinh hoàn trong bìu sẽ ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của trẻ.
Bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ là tối cấp cứu, phải khám và mổ tháo xoắn tinh hoàn càng sớm thì khả năng bảo tồn được tinh hoàn càng cao (tốt nhất là dưới 12 tiếng tính từ khi có hiện tượng đau, sưng bìu - theo nghiên cứu của thế giới). Nếu không được mổ tháo xoắn kịp thời, bệnh nhân không những không giữ được tinh hoàn mà còn ảnh hưởng tới chức năng sinh sản sau này.
Hiện nay, có rất nhiều phương tiện chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng để phát hiện xoắn tinh hoàn, song không có phương pháp nào là tuyệt đối. Xoắn tinh hoàn đôi khi rất khó phân biệt với viêm tinh hoàn và viêm mào tinh hoàn, cần phải phẫu thuật thăm dò. Với tiến bộ của gây mê hồi sức hiện nay thì phẫu thuật mở bìu thăm dò là phẫu thuật đơn giản và an toàn.
Phẫu thuật tháo xoắn sẽ giúp phục hồi việc cung cấp máu cho tinh hoàn. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng ngăn ngừa xoắn tinh hoàn tái phát bằng cách cố định tinh hoàn, đồng thời đề phòng xoắn thừng tinh bên đối diện bằng cách cố định tinh hoàn đối diện. Riêng với trường hợp xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, không cần phẫu thuật gấp để cố định tinh hoàn còn lại; có thể trì hoãn việc này trong vài tháng. Khi đã phẫu thuật tháo xoắn thừng tinh, trẻ vẫn có nguy cơ thiếu dinh dưỡng và teo thứ phát tinh hoàn liên quan nên cần được kiểm tra lại sau 6 tháng.
Để phòng tránh bệnh xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh, bố mẹ cần kiểm tra bìu của bé thường xuyên. Nếu thấy bìu thỉnh thoảng bị trống chỉ có một bên thì cha mẹ cần phải đưa đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.
Là lĩnh vực trọng điểm của hệ thống Y tế Vinmec, Khoa Nhi luôn mang lại sự hài lòng cho Quý khách hàng và được các chuyên gia trong ngành đánh giá cao với:
- Quy tụ đội ngũ y bác sĩ về Nhi khoa: gồm các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ), giàu kinh nghiệm, từng công tác tại các bệnh viện lớn như Bạch Mai, 108.. Các bác sĩ đều được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có tâm - tầm, am hiểu tâm lý trẻ. Bên cạnh các bác sĩ chuyên khoa Nhi trong nước, khoa Nhi còn có sự tham gia của các chuyên gia nước ngoài (Nhật Bản, Singapore, Úc, Mỹ) luôn tiên phong áp dụng những phác đồ điều trị mới nhất và hiệu quả nhất.
- Dịch vụ toàn diện: Trong lĩnh vực Nhi khoa, Vinmec cung cấp chuỗi các dịch vụ khám - chữa bệnh liên hoàn từ Sơ sinh đến Nhi và Vaccine,... theo tiêu chuẩn Quốc tế để cùng bố mẹ chăm sóc sức khỏe bé từ khi lọt lòng đến tuổi trưởng thành
- Kỹ thuật chuyên sâu: Vinmec đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị các căn bệnh khó trong Nhi khoa hiệu quả hơn: phẫu thuật thần kinh - sọ, ghép tế bào gốc tạo máu trong điều trị ung thư.
- Chăm sóc chuyên nghiệp: Ngoài việc thấu hiểu tâm lý trẻ, Vinmec còn đặc biệt quan tâm đến không gian vui chơi của các bé, giúp các bé vui chơi thoải mái và làm quen với môi trường của bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
- Xoắn tinh hoàn ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Điều trị thoát vị bẹn: Nên mổ nội soi hay mổ hở?
- Thoát vị bẹn (Hernia): Những câu hỏi hay gặp