Mục lục
Bài viết được duyệt chuyên môn cùng Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan - Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Việc sử dụng hormone tăng trưởng ở người để điều trị bệnh lần đầu tiên cách đây 45 năm. Lạm dụng thuốc kích thích tăng trưởng như một loại hormone tăng chiều cao hay nhằm tăng sức mạnh cơ bắp ngày càng phổ biến nhưng luôn ẩn chứa nhiều hiểm họa khôn lường.
1. Hormone tăng trưởng của con người là gì?
Hormone tăng trưởng ở người (GH) là một chất điều chỉnh sự phát triển và trao đổi chất của cơ thể. GH được tạo ra bởi tuyến yên, nằm ở đáy não. Tác dụng của hormone tăng trưởng là giúp trẻ cao lớn hơn (còn gọi là tăng trưởng tuyến tính), tăng khối lượng cơ và giảm lượng mỡ trong cơ thể. Ở cả trẻ em và người lớn, GH giúp kiểm soát sự trao đổi chất của cơ thể - quá trình mà các tế bào biến đổi thức ăn thành năng lượng và tạo ra các chất khác cần thiết cho cơ thể.
Nếu trẻ em hoặc người lớn có quá nhiều hoặc quá ít GH thì đều có thể gặp vấn đề về sức khỏe. Thiếu hụt hormone tăng trưởng (quá ít GH) có thể được điều trị bằng cách tiêm hormone tăng trưởng tổng hợp. Đôi khi, GH còn được sử dụng bất hợp pháp cho các mục đích phi y tế, tức lạm dụng để đạt mục tiêu thể chất cường tráng một cách bất hợp pháp.
2. Liệu pháp hormone tăng trưởng được sử dụng khi nào?
Các tổ chức y tế trên thế giới đã có sự đồng nhất trong chấp thuận điều trị hormone tăng trưởng dạng tiêm trong các tình trạng cụ thể như sau:
Ở trẻ em, việc tiêm hormone tăng trưởng được sử dụng để điều trị:
- Thiếu hormone tăng trưởng;
- Các tình trạng trẻ chậm tăng trưởng khiến tầm vóc thấp (thấp hơn trẻ em cùng tuổi), chẳng hạn như bệnh thận mãn tính, hội chứng Turner và hội chứng Prader-Willi.
Ở người lớn, tiêm hormone tăng trưởng được sử dụng để điều trị:
- Thiếu hormone tăng trưởng từ thời thơ ấu
- Mất mô cơ do nhiễm HIV
- Hội chứng ruột ngắn
Ngoài những chỉ định bệnh lý nêu trên, việc tự ý tiêm thuốc kích thích tăng trưởng không có ý kiến của các chuyên gia nội tiết được xem là lạm dụng và có thể bị truy tố trong các trường hợp vi phạm.
3. Hormone tăng trưởng bị lạm dụng như thế nào?
Đôi khi, người bình thường có thể sử dụng hormone tăng trưởng một cách bất hợp pháp để ngăn chặn hoặc đảo ngược tác động của lão hóa hoặc để cải thiện hiệu suất thể thao.
Một số vận động viên tin rằng dùng thuốc kích thích tăng trưởng, thậm chí còn dùng phối hợp với steroid, sẽ mau chóng đạt được kết quả mong muốn trong nỗ lực xây dựng cơ bắp, tăng sức mạnh và giảm mỡ trong cơ thể.
Bên cạnh đó, không ít vận động viên cũng sử dụng insulin để tăng tác dụng cơ bắp khi tiêm hormone tăng trưởng mặc dù biết rằng hình thức này rất nguy hiểm vì sẽ làm giảm lượng đường trong máu, nhất là khi tập luyện gắng sức.
4. Những hiểm họa khôn lường khi tự ý tiêm thuốc kích thích tăng trưởng
Bệnh nhân luôn có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ khi tiêm hormone tăng trưởng dù tuân thủ đúng chỉ định của chuyên gia nội tiết và được theo dõi, đánh giá hiệu quả, điều chỉnh liều thuốc thường xuyên. Ở các trường hợp tự ý tiêm thuốc kích thích tăng trưởng, các rủi ro này có thể tăng lên rất nhiều lần, về tần suất cũng như mức độ mắc phải.
Các tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng trong thời gian ngắn bao gồm đau khớp và cơ, tích nước và sưng khớp. Khi dùng kéo dài, thuốc kích thích tăng trưởng sẽ gây ra bệnh tiểu đường, hội chứng ống cổ tay, đau khớp và cơ mạn tính, huyết áp cao...
Nếu hormone tăng trưởng được tiêm bằng kim tiêm chung, mọi người có thể bị phơi nhiễm với HIV, AIDS hoặc viêm gan cũng như các bệnh lây truyền qua đường máu khác. Dùng liều cao hormone tăng trưởng trong thời gian dài có thể thúc đẩy mắc bệnh tim hay hình thành các khối u ác tính mới hoặc kích hoạt các tế bào ung thư trở lại vốn đã được điều trị triệt căn.
Trẻ em được tiêm hormone tăng chiều cao không đúng theo chỉ định có thể mắc chứng dậy thì sớm, tốc độ cao của trẻ sẽ nhanh hơn bạn bè cùng tuổi nhưng đĩa sụn tăng trưởng cũng đóng lại sớm hơn nên chiều cao trưởng thành cũng không cải thiện so với dự đoán. Tuy vậy, các trẻ này còn phải đối diện với những bệnh lý xương khớp mãn tính trong tương lai, như đau khớp gối, đau khớp háng, vẹo cột sống, dáng đi khập khiễng... rất khó điều chỉnh.
Trên thị trường bất hợp pháp, hormone tăng trưởng được mua bán có thể chứa các thành phần không rõ nguồn gốc và có khả năng gây hại. Ví dụ, nếu dùng hormone tăng trưởng có nguồn gốc từ mô người, người dùng có nguy cơ phát triển một tổn thương não gây tử vong được gọi là bệnh Creutzfeldt-Jakob, một tình trạng tương tự như bệnh bò điên.
Tóm lại, hormone tăng trưởng tổng hợp được xem là liệu pháp an toàn và hiệu quả khi được sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý tiêm hormone tăng trưởng như một loại hormone tăng chiều cao ở trẻ nhỏ hay tăng thành tích thi đấu cho vận động viên được xem là lạm dụng hay bất hợp pháp và có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Trong khi đó, một người lớn khỏe mạnh hoàn toàn có thể cải thiện sức khỏe và thể chất của mình bằng chế độ ăn uống và tập thể dục. Còn nếu cha mẹ lo lắng trẻ em chậm phát triển, nghi ngờ thiếu hụt hormone tăng trưởng thì cần đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám.
Ghi chú: Bài báo này nằm trong chương trình Nâng cao nhận thức về Bệnh chậm tăng trưởng của Hệ thống Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec, với sự hỗ trợ của Novo Nordisk
- Những sai lầm khiến con bỏ lỡ “giai đoạn vàng” phát triển chiều cao
- Trẻ tăng trưởng chậm: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán
- Có phải tập thể dục tăng chiều cao?