Mục lục
Bài viết bởi Thạc sĩ Đặng Thị Thanh Tùng - Kỹ thuật viên Tâm lý - Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Hầu hết các cha mẹ khi dẫn trẻ tự kỷ đi chơi, tham gia các hoạt động gia đình cùng bạn bè, người thân là một nỗi ám ảnh lớn. Tuy nhiên, nếu cha mẹ ý thức được tầm quan trọng của chuyến thăm viếng này sẽ giúp nuôi dưỡng “thời gian trưởng thành”, dạy trẻ tự kỷ nhiều điều, hỗ trợ, khuyến khích lớn về mặt tình cảm.
Việc xây dựng, gìn giữ các mối quan hệ tương tác đối với bạn bè, người thân là rất quan trọng với gia đình và trẻ. Tuy nhiên không phải cuộc viếng thăm nào cũng dễ dàng với cả trẻ và cha mẹ.
Vậy để thực hiện được chuyến viếng thăm này, cha mẹ và trẻ tự kỷ cần chuẩn bị những gì? Một vài gợi ý nho nhỏ dưới đây hy vọng giúp cha mẹ có được những kỹ năng để giáo dục trẻ tự kỷ thật tốt.
1. Cha mẹ cần lập danh sách những thứ mình sẽ mang theo trong chuyến đi
Trong chuyến viếng thăm đó, cha mẹ cần lưu ý, tránh việc quên các đồ dùng đặc biệt như: thức ăn, đồ uống, những đồ chơi, vật dụng mà trẻ yêu thích hay những bộ quần áo để thay cho trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần nói chuyện trước với người bạn, người thân (nơi mình đến thăm) về tình trạng của con mình và giải thích để họ hiểu, đồng thời có thể hỗ trợ cho mình và con khi cần.
Ví dụ: cháu mấy tuổi, giới tính nam hay nữ, cháu hiện đang có điểm mạnh, khó khăn gì? Mình sẽ đến thăm và sẽ có thể cần người thân/bạn bè hỗ trợ gì? Ví dụ: hỗ trợ người chăm trẻ ăn, hỗ trợ hợp tác khi trẻ có hành vi la hét, hoảng sợ....
2. Chia sẻ trước với trẻ về chuyến đi
Cha mẹ hãy nói chuyện và dạy trẻ về chuyến thăm bằng câu chuyện hoặc bằng lịch trình thông qua hình ảnh:
Ví dụ: Nói với trẻ tự kỷ về việc chúng ta sẽ cần làm gì trước khi đi ra khỏi nhà, sẽ mặc gì khi đi chơi đến nhà người thân, chúng ta sẽ đi bằng phương tiện gì đến đó hay đi bộ,...
Cha mẹ cũng có thể miêu tả sơ qua về nơi trẻ sắp đến và các hoạt động diễn ra ở đó như: sẽ đến nhà bác A hoặc bác B gì đó, con sẽ được làm hoạt động chơi cùng anh/chị. Sau đó được ăn chung cùng gia đình, rồi nghỉ trưa, đến chiều con sẽ được 30 phút xem phim chung, sau đó được chơi tự do, đến 4h chiều mình về nhà....
Lịch trình càng chi tiết càng dễ hiểu với trẻ. Nếu trẻ có ngôn ngữ thì hãy hướng dẫn bằng cách kể một câu chuyện về cuộc đi chơi sắp diễn ra và hướng dẫn cách đáp ứng cảm xúc phù hợp của trẻ, hỏi trẻ thích gì và không thích gì?
Nếu trẻ chưa có ngôn ngữ thì chúng ta có thể xây dựng lịch biểu bằng hình ảnh để giúp trẻ dễ hình dung hơn khi chuẩn bị một cuộc đi thăm người bạn, người thân. Theo đó, cha mẹ có thể cho trẻ cầm lịch trình biểu đó đi theo để chúng có thể nhìn vào đó thực hiện tiếp chuyến đi. Cách này cũng phòng cho trẻ tránh bị quên hoặc dễ hoảng loạn mất định hướng khi không nhớ hoặc không biết việc gì sẽ diễn ra tiếp theo.
XEM THÊM: Chương trình giáo dục đặc biệt điều trị trẻ tự kỷ
3. Dạy trẻ về cách hình dung về toàn bộ cuộc viếng thăm
Trẻ tự kỷ có thể dễ dàng chấp nhận đi ra khỏi nhà cùng cha mẹ đến nơi thăm viếng. Theo đó, cha mẹ cũng cần đồng hành cùng trẻ suốt quá trình đến thăm nhà bạn, nhà người thân bằng cách theo sát và giới thiệu cho trẻ về nơi mới.
Ví dụ: khi đến nhà người thân cha mẹ có thể giới thiệu với trẻ về ngôi nhà, các thành viên và nói về các phòng có trong nhà. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng có thể dạy những điều trẻ được phép, không được phép, nên hay không nên làm trong suốt thời gian diễn ra cuộc viếng thăm này.
4. Nhờ sự giúp đỡ của những người thân
Nếu được những người thân giúp đỡ và hướng dẫn đầy đủ thông tin sẽ giúp trẻ tự kỷ có những trải nghiệm tuyệt vời không phải ở nhà mình. Theo đó, cha mẹ cũng giáo dục trẻ tự kỷ được rất nhiều điều về lịch trình, thời gian biểu, dạy con cách tương tác với người lạ. Đặc biệt, trẻ cũng học được các hoạt động trong cuộc sống thường ngày.
Qua đó, trẻ cũng biết được rất nhiều về các mối quan hệ: cách tương tác, chấp nhận tương tác với người khác ở môi trường mới, học được các kỹ năng cần thiết khi đến nơi lạ lẫm.
Sau một vài lần đi thăm nhà người bạn, người thân, trẻ sẽ dần quen và thoải mái hơn khi làm quen với môi trường xung quanh mình mà không còn cảm giác hoảng loạn, khó chịu nữa.
Với lòng yêu thương, sự kiên trì cùng sự nỗ lực cha mẹ thì con sẽ có được những phút giây thư giãn ý nghĩ và bổ ích thay vì cuộc chiến vật lộn với con khi ở môi trường lạ. Đây cũng chính là động lực để cha mẹ và con có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc, tương tác, hình thành nhiều đức tính tốt, phát triển bản năng hơn nữa ở trẻ tự kỷ.
- Vai trò của ngôn ngữ trị liệu trong điều trị trẻ tự kỷ
- Vai trò của trị liệu tâm lý trong điều trị trẻ tự kỷ
- Năm phát triển thứ hai của con bạn