Mục lục
Hạ đường máu do cường insulin ở trẻ em là bệnh cảnh cấp cứu nhi khoa. Biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh là hạ đường máu với tổn thương não và có thể dẫn đến tử vong cho trẻ nếu không được điều trị kịp thời.
1. Hạ đường máu do cường Insulin ở trẻ là gì?
Hạ đường huyết ở trẻ (PHHI), còn có các tên gọi khác cường insulin ở trẻ em, cường insulin tính chất gia đình hoặc quá sản tế bào đảo nguyên phát (nesidioblastosis). Bệnh được định nghĩa là tình trạng bài tiết insulin quá mức cho dù đường máu thấp. Hạ đường máu ở trẻ sơ sinh là nguyên nhân hàng đầu gây ra hạ đường huyết nặng, tái diễn ở nhũ nhi. Nếu không được điều trị đúng, kịp thời những cơn hạ đường huyết ở trẻ kéo dài liên tục sẽ làm nguyên nhân chính gây nhiều tổn thương vĩnh viễn như không thể hồi phục hệ thần kinh trung ương, di chứng tâm thần kinh nặng, tàn phế đứa trẻ sau này và thậm chí là tử vong.
2. Phương pháp điều trị bệnh hạ đường máu do cường Insulin
2.1. Nguyên tắc điều trị bệnh
- Hạ đường huyết ở trẻ kéo dài đòi hỏi phải truyền đường hay glucose hoặc cho ăn thường xuyên, liên tục để duy trì mức đường huyết an toàn.
- Điều trị cho trẻ bị hạ đường huyết trong trường hợp này, cần duy trì qua đường tĩnh mạch dung dịch glucose ưu trương và cung cấp qua đường tiêu hóa.
- Dùng các thuốc làm tăng lượng đường trong máu và phẫu thuật cắt tụy gần toàn bộ nếu tổn thương lan toả tiểu đảo tụy và loại bỏ tổn thương khu trú .
- Mục tiêu của điều trị bệnh hạ đường huyết ở trẻ là duy trì nồng độ đường trong máu của trẻ ở trên ngưỡng 3,8 mmol/l, để tránh biến chứng não do hạ đường huyết quá mức.
2.2. Phẫu thuật cắt tụy với trẻ cường Insulin
- Điều trị ngoại khoa được chỉ định nếu điều trị nội khoa không duy trì được hoặc có thể xác định được một tổn thương riêng biệt.
- Sự khác biệt giữa tổn thương khu trú và lan tỏa là rất quan trọng để lựa chọn trong can thiệp phẫu thuật. Nếu một tổn thương khu trú được tìm thấy trước hoặc trong quá trình phẫu thuật, nó có thể được cắt bỏ tại chỗ mà không cần cắt bỏ tụy.
- Phương pháp phẫu thuật được đề nghị là lấy nhiều mẫu sinh thiết từ các phần khác nhau của tuyến tụy. Nếu tìm thấy các nhân tế bào beta bất thường trong tất cả các mẫu bệnh phẩm có nghĩa là một tổn thương lan tỏa, và sẽ có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ tụy. Tuy nhiên, nếu chỉ có một mẫu chứa nhân tế bào beta bất thường thì đây là một tổn thương khu trú.
- Những bất thường trong mẫu sinh thiết có thể gặp như tăng kích thước đáng kể hoặc hình dạng bất thường như hình lưỡi liềm, hình trứng của các tế bào beta.
- Ở trẻ hạ đường máu sơ sinh, phẫu thuật thường được thực hiện ngay trong vòng 2 tháng đầu đời.
- Các biến chứng sớm có thể gặp sau mổ như chảy máu và nhiễm trùng vết thương. Các biến chứng muộn của điều trị ngoại bao gồm suy tụy ngoại tiết và không dung nạp glucose hoặc đái tháo đường.
3. Chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng với hạ đường huyết ở trẻ
- Cần cho trẻ ăn đầy đủ 3 bữa chính và 3 bữa phụ mỗi ngày mục đích duy trì mức glucose huyết thanh ở mức an toàn.
- Không để trẻ nhịn ăn nguyên nhân là do sẽ khiến lượng đường trong máu bị hạ nhanh chóng.
- Cho trẻ ăn chế độ giàu protein, carbohydrate cao vì chúng cung cấp nguồn glucose kéo dài để kìm hãm sự giải phóng insulin liên tục.
- Luôn cho trẻ cầm theo những đồ ăn cung cấp đường nhanh như viên glucose, gel glucose, nước ép trái cây, kẹo cứng hoặc đường để dự phòng hạ đường huyết ở trẻ.
- Nếu trẻ bị nôn mửa hoặc tiêu chảy dai dẳng trong thời gian dài, ba mẹ cần chủ động đưa trẻ nhập viện và có thể cho ăn liên tục bằng ống thông mũi dạ dày.
- Khi trẻ tham gia các hoạt động cần hoạt động gắng sức thì cần cung cấp lượng carbohydrate lên.
- Ở nhà, cha mẹ cần phải có máy đo đường huyết và nắm được cách sử dụng để theo dõi nồng độ glucose cho trẻ.
4. Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Hạ đường máu cường insulin ở trẻ em là tình trạng cấp cứu nhi khoa hiếm gặp. Cha mẹ cần lưu ý khi con mới sinh ra nặng cân (> 4kg) với những biểu hiện lừ đừ, li bì, bú kém, suy hô hấp, co giật,...thì cần nhanh chóng đưa con đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để được thăm khám, xét nghiệm, chẩn đoán xác định. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra những phương án điều trị bệnh thích hợp, kịp thời cứu sống trẻ.
- Khâu vết thương: Mất bao lâu để chỉ tự tiêu?
- Làm thế nào để liền vết thương nhanh?
- Quá trình liền vết thương diễn ra thế nào?