Mục lục
Thông thường, trẻ sẽ có dấu hiệu muốn làm quen với các loại thực phẩm mới từ 6 tháng tuổi, và ăn dặm cho bé 6 tháng đóng vai trò rất quan trọng trong việc bổ sung chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ. Vì vậy trong thời điểm này, bố mẹ giúp bé 6 tháng làm quen với ăn dặm như thế nào là hợp lý ? Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây về việc giúp cho bé bắt đầu ăn dặm.
1. Giúp bé 6 tháng làm quen với ăn dặm
1.1 Khi nào có thể cho trẻ ăn dặm
Theo khuyến nghị của WHO thì khi trẻ được 6 tháng tuổi chính là thời điểm thích hợp nhất để mẹ bắt đầu cho con làm quen với thức ăn. Các dấu hiệu cho thấy con của bạn đã sẵn sàng ăn dặm ngoài mốc thời gian về tháng tuổi như sau :
- Trẻ đã cứng cổ, giữ thẳng đầu được
- Trẻ có thể tự ngồi tốt hoặc ngồi mà không cần quá nhiều sự trợ giúp
- Trẻ có thể tự cầm nắm và đưa đồ vật vào mồm được.
Việc bắt đầu cho trẻ ăn dặm quá sớm hay ăn dặm không đúng cách sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đường ruột của trẻ. Do hệ tiêu hóa của trẻ chưa đủ khả năng tiêu hóa, hấp thu tinh bột cũng như các chất dinh dưỡng khác khiến cho trẻ dễ bị khó tiêu, gặp phải các tình trạng rối loạn tiêu hóa. Lâu dần có thể khiến trẻ có cảm giác sợ ăn, chán ăn, dẫn đến tình trạng trẻ chậm lớn, không tăng cân và nguy hiểm hơn là suy dinh dưỡng. Ngoài ra, những trẻ nhạy cảm sẽ tăng khả năng dị ứng thức ăn hơn.
Có 3 phương pháp ăn dặm phổ biến cho các mẹ lựa chọn là: Ăn dặm truyền thống; ăn dặm BLW; ăn dặm kiểu Nhật. Mỗi phương pháp đều có ưu nhược điểm riêng nên mẹ cần cân nhắc hoàn cảnh gia đình và công việc của mẹ để lựa chọn cho con phương pháp phù hợp.
1.2 Nguyên tắc cần tuân thủ khi cho bé 6 tháng làm quen với ăn dặm
- Kết thúc đúng thời điểm: Trong quá trình cho trẻ ăn, mẹ không nên ép trẻ ăn hết toàn bộ khẩu phần thức ăn của trẻ. Không cho trẻ ăn khi trẻ chưa thực sự đói, và nên dừng lại khi trẻ đã có biểu hiện no. Thêm nữa, mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài trong 30 phút, nếu trong khoảng thời gian đó, con không chịu hợp tác thì mẹ cũng nên dừng bữa ăn lại khi đã đủ 30 phút và cho trẻ ăn thêm vào lần sau.
- Cho trẻ ăn thức ăn từ lỏng đến đặc: Bởi trước đó trẻ chỉ hoàn toàn ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức nên khi cho con làm quen với ăn dặm mẹ cũng nên cho con khoảng thời gian để con thích nghi dần với những thay đổi mới lạ. Các món ăn chuẩn bị cho trẻ phải mềm, dễ nhai, dễ nuốt do trẻ chưa mọc răng hoặc mọc rất ít răng.
- Cho trẻ ăn từ ít đến nhiều: Những bữa ăn đầu tiên, mẹ chỉ nên cho con ăn vài thìa, sau một thời gian con quen dần thì bắt đầu tăng dần lượng thức ăn. Hơn nữa, dạ dày của trẻ cũng chưa thể chứa được quá nhiều thức ăn và hệ tiêu hóa cũng chưa có thời gian thích nghi.
- Cho trẻ ăn đa dạng các nhóm thức ăn: Cân bằng giữa các nhóm chất bột đường - đạm - chất béo - vitamin và khoáng chất giúp bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho con phát triển tốt nhất. Các loại thực phẩm phải sạch, có nguồn gốc, được chế biến hợp vệ sinh để không gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa còn non yếu của trẻ.
- Thêm 1 chút dầu ăn khi nấu cho trẻ để giúp hòa tan các vitamin A, vitamin D, vitamin E, vitamin K và các chất khác cho cơ thể dễ hấp thu.
- Không ngậm thìa của trẻ khi cho trẻ ăn vô tình sẽ làm lây nhiễm một số bệnh lây qua đường hô hấp cho trẻ.
1.3 Các lưu ý về chất dinh dưỡng cần nhớ
Ngoài việc tiếp tục cho trẻ bú 2 - 3 cữ hãy ghi nhớ những thông tin sau về một số chất dinh dưỡng chính như: Sắt, protein, canxi, DHA, folate và choline; tại sao chúng lại quan trọng và chúng có thể được tìm thấy trong những loại thực phẩm nào.
- Sắt rất quan trọng để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt, có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển nếu không được điều trị. Sắt là một thành phần quan trọng của tế bào hồng cầu và được tìm thấy thường xuyên nhất trong các sản phẩm thịt, mặc dù nó cũng có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm như bột yến mạch hoặc ngũ cốc tăng cường, đậu xay nhuyễn và rau bina.
- Canxi rất quan trọng đối với sức khỏe của xương và răng, quá trình đông máu, thông tin thần kinh, kích thích tố, co cơ, và các quá trình khác. Các nguồn canxi tốt cho trẻ mới bú của bạn bao gồm: Sữa mẹ, sữa công thức cho trẻ sơ sinh, sữa chua; rau xanh xay nhuyễn như cải xoăn, cải thìa và rau bina, cũng như đậu xay nhuyễn.
- DHA rất quan trọng cho sự phát triển của não bộ và sự phát triển khỏe mạnh. DHA là chất béo omega 3 không bão hòa có thể được tìm thấy trong cá nhiều dầu (cá hồi, cá mòi, cá hồi vân), sữa mẹ, sữa công thức bổ sung cho trẻ sơ sinh và các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác.
- Choline rất quan trọng đối với chức năng của tế bào và hỗ trợ sức khỏe não bộ. Đối với em bé của bạn mới bắt đầu quá trình ăn dặm, cải bắp xay nhuyễn, rau bina, súp lơ và đậu là những nguồn cung cấp choline dồi dào. Rau bina và cải thìa nghiền nhuyễn hoạt động tốt nhất khi kết hợp với một số thực phẩm khác (táo, yến mạch, bơ), sau đó bạn có thể cho trẻ nấu chín mềm và cắt nhỏ khi trẻ đã sẵn sàng để hoàn thiện các cấu trúc.
- Protein là một thành phần quan trọng của da, tóc, móng, cơ, máu và xương của chúng ta. Sữa mẹ và sữa công thức là nguồn cung cấp giàu protein. Ngoài ra, còn có các thực phẩm khác như: Sữa chua; đậu xay nhuyễn, đậu phụ xay nhuyễn và hạt quinoa.
2. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi hấp dẫn, dễ hấp thu
2.1 Cách chế biến thực phẩm cho từng chế độ ăn dặm
- Ăn dặm truyền thống: Khởi đầu là bột hoặc cháo trộn cùng một loại rau, củ đã được luộc chín và xay nhuyễn, bắt bột của trẻ chỉ hơi sệt đặc hơn sữa mẹ một chút để trẻ dần làm quen
- Ăn dặm kiểu Nhật: Thức ăn đầu tiên là cháo hoặc bột loãng tỷ lệ 1 : 10 (1 phần cháo 10 phần nước) hoặc củ, quả hấp rồi đem nghiền nhuyễn trộn cùng nước dashi.
- Ăn dặm bé chỉ huy: Thức ăn cho trẻ nên được cắt với độ dài khoảng 2 ngón tay người lớn được đem hấp hoặc luộc nhưng lưu ý không quá mềm để trẻ có thể cầm nắm được.
Tất cả thức ăn chế biến cho trẻ trong giai đoạn này với bất kỳ phương pháp ăn dặm nào cũng đều không nêm nếm mắm, muối hay bất kỳ gia vị nào khác.
2.2 Các loại thực phẩm không tốt cho trẻ
Với một thực đơn ăn dặm có đầy đủ các nhóm thực phẩm đa dạng, đặc biệt là củ, quả, các mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ theo sắc cầu vồng. Nếu trẻ không thích một loại thức ăn nào đó, mẹ đừng vội loại nó ra khỏi thực đơn mà thỉnh thoảng hãy cho thêm chúng vào bữa ăn của trẻ nhưng ghi nhớ không bắt ép trẻ phải ăn chúng.
Tuy nhiên không phải tất cả mọi loại thực phẩm trẻ đều có thể ăn được. Dưới đây là một số loại thực phẩm được các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị không được dùng cho trẻ :
- Mật ong : Chống chỉ định hoàn toàn cho trẻ dưới 1 tuổi
- Muối và các sản phẩm có chứa nhiều muối
- Đường và các loại nước ngọt, nước đóng chai, bánh kẹo...
- Sữa tươi, lạc, trứng
- Các hạt tròn nhỏ dễ gây hóc nghẹn.
2.3 Thực đơn cho trẻ ăn dặm 6 tháng tuổi
A - Ăn dặm truyền thống
- 6 giờ sáng: Bú mẹ hoặc bú sữa ngoài khoảng 150ml - 200 ml
- 9 giờ sáng: Cho trẻ ăn bột (hoặc cháo rây) với các công thức khác nhau: Bột thịt lợn, bột thịt gà, bột sữa, bột trứng
- 10 giờ bữa phụ: Có thể dùng các loại hoa quả: 1/3 quả chuối, 50 gam đu đủ chín, 1/3 quả hồng xiêm, 50 gam xoài
- 12 giờ trưa một cữ sữa: Sữa mẹ hoặc sữa công thức – 150 ml
- 14 giờ chiều: Ăn nhẹ bơ nghiền, sữa chua
- 16 giờ chiều: Cữ bột, có thể lựa chọn bột sữa, bột thịt lợn, bột thịt gà
- 19 giờ tối: Một cữ bú khoảng 150ml - 200ml
B - Ăn dặm bé chỉ huy (BLW)
- Rau củ quả (Cà rốt, su su, đậu,đỗ, củ cải, bông cải, khoai lang...) : Cắt thành từng khúc nhỏ vừa tay trẻ rồi luộc/hấp đến khi chín nhừ
- Thịt gà luộc: thịt gà sau khi được làm sạch đem luộc/hấp thật nhừ rồi xẻ nhỏ thành từng sợi
- Bơ: Cắt quả bơ thành 4 – 6 phần theo chiều dọc để trẻ tự cầm ăn
- Lòng đỏ trứng: Chiên hoặc luộc rồi cho bé ăn bằng thìa/dĩa
- Hoa quả: Chuối, việt quất, táo, dâu, bơ....
3. Các vấn đề thường gặp khi cho trẻ 6 tháng ăn dặm
3.1 Dị ứng đồ ăn
Khi bạn cho con bạn ăn bất kỳ loại thực phẩm nào cũng cần phải lưu ý đến dấu hiệu dị ứng thức ăn: Tiêu chảy, nôn, phát ban, đau dạ dày đột ngột...
Thường các loại thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ như: Đậu nành, đậu phộng, lúa mì, các loại hạt... Tôn trọng nguyên tắc thử dị ứng thực phẩm là cho con ăn ít một và ăn liên tục trong ít nhất 2 ngày.
Bên cạnh đó, tình trạng không dung nạp thực phẩm cũng là một mối lo ngại hàng đầu ở trẻ nhỏ, thậm chí còn phổ biến hơn so với dị ứng thực phẩm, gây ra các triệu chứng như đầy hơi và chướng bụng.
Nếu con bạn có nguy cơ cao bị dị ứng thực phẩm hay không dung nạp thực phẩm, bạn nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để xét xét kỹ lưỡng thực phẩm nào là an toàn đối với bé.
3.2 Trẻ đau bụng
Đa phần trẻ bị đầy bụng hay nôn là do trẻ ăn quá nhiều hoặc nuốt phải nhiều hơi trong quá trình ăn hay thức ăn không phù hợp với tiêu hóa của trẻ. Mẹ có thể xử lý tình trạng này bằng cách cân đối lại lượng thức ăn cung cấp cho trẻ, vỗ ợ hơi đúng cách sau khi trẻ uống hoặc bú sữa.
Nếu trẻ 1 - 2 ngày không đi đại tiện nhưng vẫn ăn ngoan, ngủ ngoan, chơi ngoan thì mẹ cũng không phải quá lo lắng, chỉ là con chưa có nhu cầu đi mà thôi.
3.3 Trẻ bị táo bón
Với các trẻ mới bắt đầu ăn dặm thường có các biểu hiện của táo bón như sau: Lâu đi đại tiện, bụng cứng, chướng bụng, biếng ăn, lúc đi đại tiện hay quấy khóc, phân cứng lổn nhổn.Nguyên nhân có thể do hệ tiêu hóa của trẻ chưa thích nghi được với sự thay đổi của việc tiêu thụ thức ăn không phải là sữa. Hay còn một nguyên nhân nữa là do cách chế biến của mẹ, thức ăn cho trẻ quá đặc, ít chất xơ.Mẹ có thể khắc phục bằng cách điều chỉnh lại công thức nấu, loãng hơn và bổ sung thêm nhiều rau củ; xoa bụng cho trẻ dễ đi đại tiện hơn.
3.4 Sặc hay khóc khi ăn
Đây là những hiện tượng hoàn toàn bình thường ở những trẻ mới bắt đầu ăn dặm. Nguyên nhân chính là do trẻ đang dần tập phản xạ nuốt, phản xạ đóng nắp thanh quản khi ăn chưa hoàn thiện nên rất dễ gây sặc.Để khắc phục bằng cách mẹ cho trẻ ăn ít một, miếng nhỏ hơn, ngồi tại chỗ ăn, sử dụng các loại thìa, cốc uống phù hợp với độ tuổi của trẻ.Nếu trẻ bị sặc thức ăn dạng lỏng, sử dụng các dụng cụ hút an toàn để hút sạch các thức ăn còn lại ở miệng mũi để thông thoáng đường thở cho trẻ đồng thời không gây ứ đọng gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa.Với trường hợp trẻ bị nghẹt thở do thức ăn rắn, cần bình tĩnh sơ cứu không dùng tay móc họng trẻ sẽ khiến thức ăn đi sâu hơn gây khó khăn cho việc xử lý.
Ngoài ra, trong độ ăn dặm bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, crom, vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao, cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Cũng theo các chuyên gia về dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năngnên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng nhấn mạnh về vai trò của kẽm sinh học; cha mẹ nên tìm hiểu và bổ sung kẽm cho trẻ đúng cách vào các mốc thời điểm thích hợp, tránh tình trạng thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ.
Ngoài kẽm, cha mẹ cũng cần bổ sung cho trẻ các vitamin và khoáng chất quan trọng khác như lysine, crom, vitamin nhóm B,... giúp con ăn ngon, có hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt.
- Ăn dặm tự chỉ huy có thực sự tốt?
- Hướng dẫn vỗ lưng ợ hơi cho bé sau khi bú
- Sự phát triển của trẻ sơ sinh trong năm đầu tiên