17-01-2024 11:09

Giang mai có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai

Giang mai có thể lây từ mẹ sang con qua nhau thai

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Trẻ bị bệnh giang mai bẩm sinh do nhiễm trùng từ người mẹ mắc bệnh giang mai truyền qua nhau thai hoặc lây truyền qua đường sinh nở. Giang mai bẩm sinh có thể gây tử vong cho hoặc dị tật cho thai nhi sau khi sinh. Do đó, cần tiến hành các biện pháp phòng ngừa bệnh giang mai lây từ mẹ sang con.

1. Thế nào là bệnh giang mai bẩm sinh?

Bệnh giang mai là bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Đây là bệnh chủ yếu lây truyền qua đường tình dục do không sử dụng các biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục.

Người mẹ bị giang mai có thể lây truyền cho thai nhi thông qua nhau thai, gây nhiễm trùng bào thai, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Trong quá trình mang thai, thai nhi sẽ bị lây nhiễm giang mai từ mẹ và khi chào đời trẻ đã mắc bệnh giang mai bẩm sinh. Trẻ sơ sinh cũng bị nhiễm bệnh từ mẹ khi được sinh ra bằng phương pháp sinh thường.

2. Bệnh giang mai lây từ mẹ sang con như thế nào?

Phần lớn các triệu chứng giang mai ở phụ nữ đang mang thai rất khó nhận ra do không rõ rệt như phụ nữ không mang thai, nên thường không được phát hiện kịp thời.

Bệnh giang mai lây từ mẹ sang con
Phần lớn các triệu chứng giang mai ở phụ nữ đang mang thai rất khó nhận ra

Phụ nữ mang thai bị giang mai có những đặc điểm bệnh lý lâm sàng khác biệt như nốt săng giang mai của thời kỳ thứ nhất khi khu trú ở phần môi nhỏ của âm hộ có kích thước lớn hơn so với bình thường.

Bên cạnh đó, các tổn thương của giang mai thời kỳ thứ hai thường không có đặc điểm riêng nên rất khó phát hiện. Do đó, người mẹ dễ truyền bệnh cho thai nhi và gây ra giang mai bẩm sinh. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, trong 4 năm đầu tiên mắc bệnh giang mai, nếu phụ nữ không được điều trị sẽ có nguy cơ lây nhiễm cho thai nhi cao.

Bệnh giang mai lây từ mẹ sang con xảy ra từ tháng thứ 4 và 5 của thai kỳ bởi khoảng thời gian này nhau thai cho phép máu của người mẹ dễ dàng trao đổi với máu của thai nhi, chính điều này đã tạo cơ hội để xoắn khuẩn giang mai có thể xâm nhập vào thai nhi qua mạch máu rốn và lây bệnh.

3. Biểu hiện của bệnh giang mai bẩm sinh

Trẻ bị bệnh giang mai bẩm sinh do người mẹ mang thai lây truyền sẽ bị bệnh giang mai dưới nhiều thể khác nhau, gồm thể giang mai bẩm sinh sớm và giang mai bẩm sinh muộn. Tùy theo mức độ nhiễm bệnh nặng hay nhẹ mà các biểu hiện của bệnh giang mai bẩm sinh sẽ có những nét khác nhau.

3.1 Biểu hiện của bệnh giang mai bẩm sinh sớm

  • Bệnh giang mai bẩm sinh sớm thường xuất hiện trong 2 năm đầu đời của trẻ;
  • Với mức độ nhẹ, trẻ bị giang mai bẩm sinh lúc mới sinh trông có vẻ bình thường nhưng sau vài ngày hoặc từ 6 đến 8 tuần sau sẽ xuất hiện những tổn thương giang mai tương tự như biểu hiện bệnh giang mai thời kỳ thứ hai: bọng nước ở lòng bàn tay và bàn chân, vết nứt ở mép hoặc quanh lỗ mũi, chảy nước mũi lẫn máu, khó thở...;
  • Đặc biệt, trong 6 tháng đầu sau khi sinh, trẻ bị nhiễm bệnh giang mai bẩm sinh có thể gặp chứng viêm xương và sụn ở các xương dài với những biểu hiện như: xương to, đau các đầu xương, làm trở ngại vận động các chi hay viêm xương sụn giả liệt Parrot - với triệu chứng đau ở đầu xương dài về đêm do đầu xương rời khỏi thân xương, dẫn đến liệt;
  • Khi trẻ được 2 tuổi có thể xuất hiện chứng viêm xương và màng xương ở các đốt ngón tay, ngón chân.

3.2 Biểu hiện của bệnh giang mai bẩm sinh muộn

  • Bệnh giang mai bẩm sinh muộn thường xuất hiện khi trẻ trên 3 tuổi, thậm chí có khi đến 5 - 6 tuổi hoặc ở tuổi trưởng thành mới có biểu hiện bệnh. Lúc này, bệnh có biểu hiện giống giang mai thời kỳ thứ ba hoặc thứ hai. Có trường hợp bệnh không có triệu chứng lâm sàng nên còn gọi là thời kỳ giang mai kín;
  • Để chẩn đoán bệnh giang mai bẩm sinh phải dựa vào kết quả xét nghiệm huyết thanh dương tính hoặc căn cứ vào các biểu hiện như: viêm mống mắt xuất hiện ở tuổi dậy thì bắt đầu bằng triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng, chói mắt ở một bên rồi sau đó lan ra cả hai bên, có thể dẫn đến mù mắt;
  • Bị viêm khớp gối nước ở cả hai bên, không đau, xuất hiện một cách lặng lẽ từ 10 - 20 tuổi;
  • Bị điếc ở cả hai tai bắt đầu từ 10 tuổi, thường kèm theo chứng viêm mống mắt kẽ;
  • Tổn thương xương với biểu hiện thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, xương chày lưỡi kiếm.

4. Bệnh giang mai bẩm sinh nguy hiểm thế nào?

  • Nếu thai nhi bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai một cách ồ ạt, thai nhi sẽ không sống được và có nguy cơ bị sảy thai vào tháng thứ 5-6 của thai kỳ;
  • Nếu thai nhi bị nhiễm xoắn khuẩn giang mai ở mức độ nhẹ hơn thì có thể sẽ bị sinh non và cũng rất khó sống sót.

5. Cách phòng tránh bệnh giang mai bẩm sinh

Thực tế đã ghi nhận phần lớn những trường hợp người phụ nữ mang thai bị bệnh giang mai thời kỳ thứ nhất và thứ hai đều sinh ra những đứa trẻ bị giang mai bẩm sinh, nguy hiểm nhất là nhiều trẻ sơ sinh đã tử vong khi vừa mới chào đời hoặc ít lâu sau đó.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người phụ nữ mang thai bị bệnh giang mai thời kỳ kín, thì trẻ sinh ra có thể không bị bệnh giang mai bẩm sinh hoặc bị một thể bệnh giang mai riêng nhẹ hơn và không có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng sau khi được sinh ra.

Do đó, để phòng tránh trẻ bị bệnh giang mai bẩm sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lai của trẻ, cần nghiêm túc thực hiện các lưu ý sau:

  • Đến các cơ sở y tế để khám và thực hiện các xét nghiệm trước khi lập kế hoạch mang thai và sinh con;
Bệnh giang mai lây từ mẹ sang con
Khám tiền sản trước khi mang bầu để phòng tránh bệnh giang mai bẩm sinh
  • Sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục an toàn như bao cao su;
  • Khám thai định kỳ trong 18 tuần đầu tiên của thai kỳ, bởi giai đoạn này có thể phát hiện được bệnh. Theo các nghiên cứu, khi thai nhi càng lớn thì nguy cơ bệnh giang mai lây từ mẹ sang con càng tăng cao và dễ gây ra hậu quả nghiêm trọng;
  • Thực hiện xét nghiệm máu ít nhất 3 lần trong thai kỳ. Lần thứ nhất được thực hiện trước tuần thứ 4 của thai kỳ, lần thứ hai được thực hiện vào tháng thứ 6 và lần thứ ba vào tháng thứ 9 của thai kỳ;
  • Đối với những người mẹ nghi ngờ bị lây nhiễm bệnh giang mai do quan hệ tình dục trong thời kỳ thai nghén, để phòng tránh bệnh giang mai lây từ mẹ sang con cũng cần thực hiện những xét nghiệm cần thiết để phát hiện kịp thời và có cách xử trí phù hợp;
  • Nếu phát hiện bệnh sớm, người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để quá trình điều trị cho trẻ có tiến triển tốt, tránh các hậu quả không mong muốn sau này.

Bệnh giang mai càng chữa trị sớm thì càng có hiệu quả và không để lại biến chứng. Do đó, để phòng tránh bệnh giang mai bẩm sinh cho thai nhi, người mẹ mang thai cần khám thai định kỳ và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Virus corona có thể lây từ mẹ sang con không?
XEM THÊM:
  • Bệnh giang mai ủ bệnh trong bao lâu?
  • Những điều cần biết về xét nghiệm giang mai
  • Đặc điểm xoắn khuẩn giang mai

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan