Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thực hiện gây mê ở bệnh nhân tăng đường máu hay gây mê ở người bệnh tiểu đường là một vấn đề khá phổ biến trên lâm sàng. Ngoài nắm vững quy trình thực hiện và các vấn đề liên quan đến chuyên ngành gây mê, bác sĩ gây mê hồi sức còn cần hiểu rõ về bệnh lý đái tháo đường và các biến chứng cũng như nguyên tắc điều trị cơ bản của đái tháo đường. Việc ứng dụng kiến thức của nhiều chuyên ngành giúp đảm bảo an toàn và hiệu quả trong suốt quá trình gây mê ở người bệnh tiểu đường.
1. Tổng quan về bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh lý mạn tính thường gặp trong cộng đồng. Đặc trưng của bệnh là sự tăng nồng độ glucose trong máu. Thông thường, glucose trong máu được vận chuyển vào bên trong tế bào để chuyển hóa tạo năng lượng nhờ vào insulin được tiết ra từ các tế bào tụy nội tiết. Ở bệnh nhân đái tháo đường, tuyến tụy không tiết đủ insulin cho cơ thể hoặc insulin được sản xuất bình thường nhưng không có tác dụng lên các receptor. Đây chính là cơ chế chính của bệnh đái tháo đường.
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường khá đa dạng trên lâm sàng vì với nồng độ glucose cao trong máu, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng trên các hệ cơ quan khác nhau của cơ thể. Ở các trường hợp điển hình, người mắc bệnh đái tháo đường sẽ có các biểu hiện đặc trưng mang tính gợi ý bao gồm uống nhiều, khát nhiều, tiểu nhiều, ăn nhiều, sụt cân không rõ lí do. Để chẩn đoán xác định các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường, các xét nghiệm định lượng nồng độ glucose trong máu lúc đói, xét nghiệm dung nạp đường glucose và nồng độ HbA1C sẽ được chỉ định. Bệnh tiểu đường được chia làm hai loại cơ bản: đái tháo đường type 1 hay đái tháo đường phụ thuộc insulin do tuyến tụy sản xuất không đủ và đái tháo đường type 2 hay bệnh đái tháo đường không phụ thuộc insulin do tình trạng đề kháng insulin ở mô ngoại biên. Ngoài ra, bệnh đái tháo đường còn được phát hiện trong thời gian mang thai, được gọi là đái tháo đường thai kỳ.
2. Những lưu ý khi tiến hành gây mê ở người bệnh tiểu đường
Chỉ số cần quan tâm đầu tiên ở bệnh nhân đái tháo đường là nồng độ glucose có trong máu. Tăng đường huyết là một biến chứng nguy hiểm. Những bệnh nhân được kiểm soát đường huyết tốt trước khi phẫu thuật có tiên lượng tốt hơn. Tuy nhiên, hạ đường huyết mới thực sự là rối loạn nguy hiểm nhất. Mức đường huyết của người bệnh trước khi thực hiện gây mê và phẫu thuật cần đạt trong giới hạn từ 4,5 mmol/l đến 7,0 mmol/l. Việc nhịn ăn trước khi tiến hành gây mê ở người bệnh tiểu đường nên được hạn chế trong thời gian ngắn. Biến chứng hôn mê nhiễm acid ceton hoặc các acid béo tự do khác có thể xuất hiện nếu người bệnh được yêu cầu nhịn ăn quá lâu. Người bệnh nên được cung cấp glucose bằng đường tĩnh mạch phối hợp với insulin và Kali để kiểm soát đường máu trong 1 giờ trước mổ.
Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường cần đến các cơ sở y tế trước thời điểm tiến hành phẫu thuật ít nhất từ 24 đến 48 giờ. Lịch mổ cho những đối tượng này nên được lên vào buổi sáng.
Với biến chứng xuất hiện ở các mạch máu nhỏ và các đầu mút dây thần kinh ngoại biên, người bệnh đái tháo đường cần được phòng ngừa tình trạng loét đè ép. Khi đặt người bệnh lên bàn mổ, lưu ý chèn êm vào những điểm tì đè như vùng chẩm, khuỷu tay, vùng cùng cụt,...
Một số bệnh nhân mắc đồng thời các bệnh khác cần được lưu ý và đánh giá kỹ lưỡng vì những nguy cơ trong cuộc mổ cao hơn như:
- Bệnh lý tim mạch: bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim, tăng huyết áp
- Bệnh lý thận mãn tính
- Liệt dạ dày
Các thuốc sử dụng trong gây mê ở người tăng đường máu có thể kích thích hệ nội tiết theo kiểu đáp ứng tăng tiết catecholamin và làm tăng đường máu. Ngoài ra, một trong những tác dụng không mong muốn khác của gây mê là giảm lượng máu tuần hoàn đến gan đưa đến giảm bài xuất glucose ở các tế bào ngoại vi.
3. Cần chuẩn bị gì trước khi gây mê ở người bệnh tiểu đường?
Gây mê ở người bệnh tiểu đường là một kỹ thuật phức tạp và có nhiều nguy cơ, vì thế trước khi thực hiện người bệnh cần được thăm khám và chuẩn bị kỹ lưỡng.
Quy trình khám tiền mê ở người bệnh tiểu đường cần được tiến hành tuần tự, bao gồm phân nhóm bệnh tiểu đường, đánh giá biến chứng của bệnh lên các cơ quan khác trong cơ thể, phác đồ đang điều trị, hiệu quả điều trị, phát hiện tình trạng nhiễm trùng nếu có.
Khi thăm khám lâm sàng cần chú ý đến các biểu hiện gợi ý tình trạng bất thường của hệ mạch máu như đau hai chi dưới, dấu đi lặc cách hồi, tê rần, dị cảm, thiểu dưỡng hai chi dưới, da khô, lông rụng, nghe tiếng thổi ở các mạch máu lớn trong cơ thể.
Ngoài xét nghiệm đường máu đói cơ bản, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác để cung cấp các thông tin chi tiết hơn về tình trạng sức khỏe của người bệnh bao gồm đường huyết no sau ăn, nồng độ HbA1C, xét nghiệm chức năng thận gồm ure, creatinin, siêu âm doppler mạch máu, siêu âm tim, xét nghiệm microalbumin nước tiểu, ceton nước tiểu, công thức máu, biland chức năng đông máu.
Giá trị đường huyết trước mổ cần được điều chỉnh về mức ổn định. Nếu phải tiến hành mổ cấp cứu sớm hoặc bệnh lý khiến bệnh nhân phẫu thuật cũng chính là nguyên nhân gây tăng đường máu, người bệnh cần được điều chỉnh nồng độ glucose máu đồng thời trong lúc tiến hành gây mê và phẫu thuật. Tất cả các thuốc điều trị đái đường dạng uống phải được ngưng vào buổi sáng hôm mổ. Nếu glucose máu cao thì phải sử dụng Insulin đường tiêm để điều chỉnh Glucose máu nhanh.
Sau mổ cần có sự phối hợp tốt giữa phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê và bs chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường để điều trị cho người bệnh nhằm kiểm soát tốt đường máu và đem lại hiệu quả tốt cho người bệnh. Cho người bệnh ăn uống trở lại ngay khi có thể và tiếp tục uống thuốc điều trị đái đường.
NB cần khám sức khỏe định kì để phát hiện sớm tình trạng tăng đường máu. Tại Bệnh viện Vinmec chúng tôi thường xuyên tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc cho tất cả các nhóm đối tượng. Chúng tôi sử dụng bơm tiêm lấy máu chân không giúp giảm đau khi lấy máu; hệ thống máy móc xét nghiệm hiện đại tân tiến nhất cho kết quả nhanh, chính xác. Do bệnh đái đường thường gây biến chứng trên thận, tim và hệ thần kinh nên khi khám sàng lọc, các BS chuyên khoa sẽ giúp đánh giá chức năng thận, chức năng tim, thần kinh để điều trị kịp thời.
- Nguy cơ của gây tê ngoài màng cứng
- Gây mê nội khí quản phẫu thuật đóng các lỗ rò niệu đạo
- Khi gây mê phẫu thuật lõm lồng ngực có biến chứng không?