Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Lồng ruột là một tình trạng khẩn cấp cần phải cấp cứu ngoại khoa, thường gặp nhiều ở trẻ em. Trong đó, chỉ định phẫu thuật tháo lồng ruột là một loại thủ thuật thường dùng để điều trị tình trạng này nếu như phương pháp tháo lồng bằng hơi thất bại. Thủ thuật này được tiến hành như thế nào và quá trình gây mê để tháo lồng ruột có gây khó chịu cho trẻ em hay không?
1. Tìm hiểu về lồng ruột
Lồng ruột xảy ra phổ biến ở trẻ em, là hiện tượng một đoạn ruột bất thường chui vào trong lòng của đoạn ruột kế tiếp. Các nguyên nhân gây ra tình trạng bệnh lý lồng ruột thường đến từ sự mất cân đối giữa kích thước, áp lực hồi tràng và van hồi manh tràng, hoặc do viêm hạch mạc treo ruột, viêm đường hô hấp gây ho nhiều...
Dấu hiệu để nhận biết tình trạng lồng ruột ở trẻ là:
- Bị đau bụng theo cơn, đối với trẻ nhỏ, những cơn đau này sẽ gây ra các cơn khóc thét dữ dội và thường xuất hiện đột ngột.
- Trẻ xoắn vặn người và ngừng chơi, bỏ bú mẹ... khi bị đau.
- Ở giai đoạn đầu, trẻ sẽ nôn ói thức ăn. Càng về sau, trẻ có thể nôn ra dịch xanh/dịch vàng... tùy theo mức độ lồng ruột; cùng với đó có thể là tình trạng trẻ đi ngoài ra máu.
Nếu như cha mẹ phát hiện sớm và đưa bé đến bệnh viện sớm, các bác sĩ có thể tiến hành cấp cứu bằng cách tháo lồng bằng hơi. Tuy nhiên, nếu trẻ đến bệnh viện muộn hoặc thủ thuật tháo lồng bằng hơi không thành công, tùy theo tình hình của bé mà bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật tháo lồng ruột.
2. Phẫu thuật tháo lồng ruột là gì?
Trong hầu hết trường hợp, các bác sĩ sẽ cố gắng gỡ các chỗ tắc trong đoạn ruột bằng cách bơm hơi vào đường tiêu hóa. Đây được gọi là phương pháp tháo lồng ruột bằng hơi. Tuy nhiên, không phải lúc nào giải pháp này cũng thành công.
Lúc này, phẫu thuật tháo lồng ruột sẽ được tiến hành. Các bác sĩ sẽ phẫu thuật tháo hoặc cắt bỏ đoạn ruột bị lồng, sau đó sử dụng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
Nếu như các bác sĩ đề nghị phẫu thuật, phụ huynh không nên bác bỏ đề nghị này. Cần phải biết rằng tình trạng lồng ruột ở trẻ nếu không được điều trị sẽ dẫn đến hoại tử đoạn ruột gây nhiễm trùng máu, đe dọa đến tính mạng của bé.
3. Quy trình thực hiện phẫu thuật tháo lồng ruột
Phương pháp điều trị ngoại khoa được áp dụng từ năm 1871 đến nay và được chứng minh là có thể điều trị hiệu quả chứng lồng ruột. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả cao, một quy trình đúng tiêu chuẩn là cần thiết.
- Gây mê: kỹ thuật gây mê được áp dụng cho thủ tục tháo lồng ruột là gây mê nội khí quản.
- Đường phẫu thuật: có thể phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở
- Tiến hành tháo lồng ruột.
- Cắt ruột thừa nếu cần thiết và cố định hồi tràng vào manh tràng, manh tràng vào thành bụng phía bên phải.
Khi thực hiện phẫu thuật này cần chú ý:
- Nếu đoạt ruột lồng bị hoại tử, bác sĩ cần phải cắt nối ruột ngay lập tức hoặc không tùy theo tình trạng ổ bụng và ruột.
- Khi ổ bụng không bị viêm phúc mạc và quai ruột hoạt động tốt, cần nối ruột ngay.
- Trường hợp ổ bụng bị viêm phúc mạc, cần dẫn lưu 2 đầu ruột ra bên ngoài.
4. Kỹ thuật gây mê nội khí quản trước khi tháo lồng ruột được tiến hành như thế nào?
Do đối tượng hầu hết là trẻ em, rất khó hợp tác trong quá trình gây mê trước khi phẫu thuật tháo lồng ruột nên cần phải được tiến hành cẩn thận dưới sự đồng ý của gia đình và hợp tác của trẻ (nếu có thể).
Quy trình gây mê nội khí quản cho trẻ em cần phải được tiến hành theo đầy đủ các bước sau.
4.1. Chuẩn bị
Về phía nhân sự, bệnh viện cần phải có đầy đủ các bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa Gây mê – Hồi sức, và được huấn luyện, đào tạo về gây mê hồi sức trong phẫu thuật nhi khoa.
Về phía bệnh nhân:
- Cần được thăm khám trước khi gây mê và phẫu thuật để phòng ngừa các rủi ro, nguy cơ biến chứng trong và sau phẫu thuật.
- Bệnh nhân cần được thăm khám, thuyết phục để hợp tác (nếu có thể) với bác sĩ và điều dưỡng trong quá trình gây mê.
- Nếu như cần thiết, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc an thần, gây ngủ trước khi đưa vào phòng phẫu thuật.
4.2. Tiến hành chung
Trong hầu hết các trường hợp, kĩ thuật gây mê nội khí quản được lựa chọn, một số bước sau cần được tiến hành trước bước khởi mê, gồm:
- Bệnh nhân ở tư thế nằm ngửa và thở Oxy 100% trong khoảng 3-5 phút trước quá trình khởi mê.
- Lắp máy và thiết lập các đường truyền.
- Nếu cần thiết có thể sử dụng các loại thuốc tiền mê.
- Đánh giá các nguy cơ nôn ói, trào ngược, co thắt thanh khí phế quản, đặt nội khí quản khó.
4.3. Khởi mê
- Thuốc ngủ: Thuốc mê tĩnh mạch như propofol, etomidate, ketamin..., hay thuốc mê bốc hơi như sevofluran.
- Thuốc giảm đau: phổ biến nhất là thuốc họ morphin như: fentanyl hoặc sufentanil...
- Thuốc giãn cơ tùy theo cơ địa và tính chất cuộc mổ...
- Kiểm tra điều kiện đặt ống nội khí quản của bệnh nhân: phải ngủ sâu và có đủ độ giãn cơ.
- Đặt ống nội khí quản: thường có 2 kỹ thuật chính là theo đường miệng hoặc đường mũi.
4.4. Duy trì mê
Suốt quá trình phẫu thuật, các bác sĩ vẫn sẽ duy trì mê bằng các loại thuốc mê tĩnh mạch, thuốc mê bốc hơi, thuốc giảm đau cũng như thuốc giãn cơ khi cần thiết giúp cho người bệnh luôn ngủ êm, không đau, đạt trạng thái cân bằng nhất cho cuộc phẫu thuật. Ngoài ra, hô hấp cũng sẽ được kiểm soát bằng máy gây mê chuyên dụng. Kèm theo đó là các phượng tiện theo dõi chuyên nghiệp, hiện đại khác tùy theo khả năng của từng bệnh viện.
Nhìn chung, phẫu thuật tháo lồng ruột là một phương pháp cơ bản trong việc điều trị tình trạng lồng ruột ở trẻ, và thường là giải pháp sau cùng khi những cách điều trị trước không đem lại hiệu quả. Trong đó, quá trình gây mê nội khí quản trước phẫu thuật phải tiến hành cẩn thận và đầy đủ để bệnh nhi có thể trải qua cuộc phẫu thuật một cách êm ái, an toàn nhất.
Hiện nay nguyên nhân gây lồng ruột ở trẻ vẫn chưa được tìm ra nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu. Cách tốt là phụ huynh nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện sớm lồng ruột, tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra. Theo đó, khi thấy trẻ có dấu hiệu đau bụng từng cơn, biểu hiện bằng cơn khóc thét đột ngột, dữ dội, trẻ ưỡn người, nôn ói, bỏ bú, xoắn vặn, ngừng chơi,... thì cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đi khám. Các bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán cận lâm sàng để chẩn đoán xác định và có biện pháp can thiệp kịp thời cho trẻ.
- Bơm hơi tháo lồng điều trị lồng ruột trẻ em
- Tháo lồng ruột dưới hướng dẫn của chụp số hóa xóa nền
- Các triệu chứng cảnh báo tắc ruột