Hỏi
Chào bác sĩ,
Bác sĩ cho em hỏi gây mê nội khí quản ở bà bầu bị động kinh được chỉ định khi nào? Quy trình gây mê như thế nào? Em cảm ơn bác sĩ tư vấn.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Hồng Dương - Khoa Ngoại tổng hợp & Gây mê, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Gây mê nội khí quản ở bà bầu bị động kinh được chỉ định khi nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Động kinh là một rối loạn của hệ thống thần kinh trung ương (thần kinh) trong đó hoạt động của não bị thay đổi, gây ra co giật hoặc thời gian hành vi và cảm giác bất thường và đôi khi là mất ý thức trong thời gian ngắn. Gây mê nội khí quản là một kỹ thuật gây mê toàn thân, có đặt ống (ống nội khí quản) vào trong lòng khí quản để duy trì sự thông thoáng của đường hô hấp, dễ dàng kiểm soát hô hấp trong suốt quá trình phẫu thuật.
Như vậy gây mê nội khí quản được chỉ định để mổ lấy thai cho sản phụ có tiền sử bệnh động kinh, sản phụ bị bệnh động kinh chưa được điều trị hoặc điều trị chưa ổn định, dễ xảy ra các cơn co giật do hiện tượng hoạt động bất thường trong hệ thống thần kinh trung ương; Sản phụ có cơn co giật động kinh trong chuyển dạ.
Quy trình gây mê nội khí quản cho mổ lấy thai ở sản phụ bị động kinh được tóm tắt như sau: (Được thực hiện tại cơ sở y tế có đủ phương tiện gây mê - hồi sức và con người có chuyên môn, thành thạo kỹ thuật về Gây mê hồi sức)
Chuẩn bị:
- Trang thiết bị: Phương tiện soi và đặt ống nội khí quản, máy gây mê kèm thở,...
- Các phương tiện theo dõi: HA, ECG, SpO2, độ mê, độ giãn cơ,...
- Hệ thống hút khi cần thiết.
- Các phương tiện hỗ trợ và xử trí khi gặp sự cố lúc đặt ống nội khí quản.
- Thuốc: Các thuốc gây mê, giảm đau, giãn cơ, hồi sức,... Các thuốc hỗ trợ cầm máu sản khoa,...
- Chuẩn bị các phương án xử trí sự cố trong quá trình đặt ống khởi mê, duy trì mê và thoát mê, rút ống nội khí quản,...
- Phân công vị trí công việc của từng người tham gia cuộc gây mê phẫu thuật từ lúc đặt nội khí quản đến khi rút ống nội khí quản.
Tiến hành khởi mê, đặt ống nội khí quản và duy trì mê theo từng bước của quy trình gây mê nội khí quản cho mổ lấy thai. Lưu ý:
- Sản phụ luôn có chỉ định đặt ống nội khí quản khó, dạ dày đầy.
- Các loại thuốc sản phụ dùng để điều trị động kinh như Carbamazepine, Phenytoin, Valproate, Phenobarbital, gabapentin hay lamotrigine,...
- Sử dụng thuốc mê: nên tránh dùng các thuốc có khả năng gây động kinh (Ketamin và methohexital).
- Việc dùng liều cao kéo dài atracurium, cisatracurium hoặc meperidin bởi khả năng gây động kinh đã được nhận thấy do các chất chuyển hóa laudanosin và normeperidin.
- Giảm tiểu cầu hoặc thiếu máu do suy tủy, buồn ngủ, chóng mặt, trầm cảm do tác dụng phụ của thuốc chống động kinh.
- Thuốc Sevorane có tính chất gây động kinh cao hơn Isoflurane.
- Điều trị cơn co giật khi đặt nội khí quản có thể dùng benzodiazepine.
- Dẫn mê có thể dùng thiopental và succinylcholine, duy trì oxy, nitrous oxide và isoflurane.
- Sản phụ dùng thuốc Phenytoin thường đề kháng với Vecuronium, không đề kháng với Atracurium.
Quá trình thoát mê, rút nội khí quản lưu ý dễ xảy ra cơn co giật.
Nếu bạn còn thắc mắc về gây mê nội khí quản ở bà bầu bị động kinh, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
- Đặc điểm cơn co tử cung trong chuyển dạ
- Khởi phát chuyển dạ: Khi nào được chỉ định?
- Các yếu tố tiên lượng cuộc đẻ