Mục lục
- 1. 1. Tìm hiểu về phẫu thuật cắt dạ dày
- 2. 2. Các kỹ thuật phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày
- 3. 3. Gây mê phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày được tiến hành ra sao?
- 4. 4. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện gây mê – phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày?
- 5. 5. Sau khi phẫu thuật cắt dạ dày, bệnh nhân cần lưu ý điều gì để thúc đẩy quá trình hồi phục?
- 6. Đánh giá
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Phẫu thuật cắt dạ dày là một phẫu thuật lớn dùng để điều trị các bệnh lý đặc biệt liên quan đến dạ dày hoặc hỗ trợ giảm cân, cải thiện sức khỏe.Trong đó gây mê hồi sức là bước không thể thiếu khi phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày.
1. Tìm hiểu về phẫu thuật cắt dạ dày
Cắt dạ dày là loại phẫu thuật dùng để cắt bỏ một phần hoặc cắt toàn bộ dạ dày, thường được tiến hành sau khi các phương pháp điều trị bảo tồn khác không đem lại hiệu quả. Phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày thường được áp dụng để điều trị một số bệnh lý nghiêm trọng như:
- Ung thư dạ dày.
- Các u dạ dày lành tính.
- Viêm loét dạ dày hoặc thủng dạ dày.
- Béo phì.
Đối với thủ thuật cắt toàn bộ dạ dày, bác sĩ cần phải tiến hành nối thực quản (loại cơ quan có dạng hình ống, đi từ miệng xuống dạ dày) với ruột non. Thao tác này sẽ giúp bệnh nhân có thể tiêu hóa bình thường.
2. Các kỹ thuật phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày
Hiện nay, để thực hiện cắt dạ dày, tùy theo tình trạng của bệnh nhân như sức khỏe, giai đoạn bệnh..., các bác sĩ có thể chọn một trong hai kỹ thuật phẫu thuật chính sau:
- Mổ hở: bác sĩ sẽ rạch một đường ngoài bụng và sau đó tiến hành cắt một phần/toàn bộ dạ dày. Sau khi cắt dạ dày, bác sĩ cần nối các vị trí còn lại với nhau bằng các dụng cụ chuyên dụng. Phương pháp mổ hở là một loại phẫu thuật truyền thống và có tính phổ biến cao. Tuy nhiên, phương pháp này sẽ để lại sẹo, gây đau nhiều cũng như có nhiều nguy cơ rủi ro/biến chứng sau phẫu thuật hơn.
- Phẫu thuật nội soi: phương thức phẫu thuật cắt dạ dày nội soi đã được áp dụng nhiều tại các bệnh viện. Ở phương thức này, các bác sĩ chỉ rạch một đường nhỏ trên vùng bụng và đưa các dụng cụ bơm hơi, phẫu thuật vào ổ bụng để tiến hành cắt bỏ dạ dày. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như độ chính xác cao, an toàn, ít đau và ít để lại sẹo hơn so với phương pháp mổ hở.
3. Gây mê phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày được tiến hành ra sao?
Gây mê là một giai đoạn chuẩn bị quan trọng trước khi phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày. Kỹ thuật gây mê được chỉ định trong trường hợp này thường là gây mê nội khí quản kết hợp với các biện pháp gây tê vùng để giảm đau nhất trong và sau mổ.
Kỹ thuật này sẽ gây mê toàn thân bệnh nhân, đồng thời đặt nội khí quản. Thao tác này sẽ hỗ trợ việc kiểm soát hô hấp của bệnh nhân trong suốt thời gian tiến hành phẫu thuật cũng như giai đoạn hồi sức sau phẫu thuật.
Thuốc và phương tiện cần chuẩn bị trước khi gây mê
Các loại thuốc gây mê gồm có:
- Thuốc ngủ: các loại thuốc mê tĩnh mạch như propofol, thiopental, ketamin, etomidate..., thuốc mê bốc hơi sevofluran, isoflurane...
- Thuốc giảm đau: sufentanil, morphin, fentanyl...
- Các loại thuốc giãn cơ như succinylcholin, rocuronium, vecuronium...
- Các thuốc gây tê để giảm đau như: Ropivacain, Chirocain, Bupivacain...
Phương tiện kỹ thuật gây mê gồm có:
- Hệ thống máy gây mê, nguồn oxy bóp tay, các loại máy theo dõi chức năng sống như ECG, huyết áp động mạch, nhiệt độ, nhịp thở, EtC02, theo dõi độ đau SPI, theo dõi độ mê BIS, theo dõi độ giãn cơ NMT hoặc TOF, máy phá rung tim, máy siêu âm để gây tê vùng giảm đau...
- Đèn soi thanh quản, bóng bóp, ống hút, mặt nạ, ống nội khí quản các cỡ...
- Lidocain 10% và Salbutamol dạng xịt.
Một số phương tiện khác để dự phòng trường hợp đặt nội khí quản khó như mask thanh quản, ống soi phế quản mềm, kìm mở miệng, bộ mở khí quản, mở màng giáp nhẫn...
4. Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện gây mê – phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ dạ dày?
Trước khi phẫu thuật, bệnh nhân cần được khám tiền mê ít nhất vài ngày trước phẫu thuật. Lần khám tiền mê này sẽ bao gồm: kiểm tra kết quả các cận lâm sàng cơ bản (như: XQuang tim phổi, siêu âm, điện tim), xét nghiệm máu, bổ sung thêm các xét nghiệm khác nếu cần thiết và đánh giá tổng quát tình trạng sức khỏe của người bệnh (dựa trên độ tuổi, bệnh lý kèm theo, tình trạng tâm lý...), trao đổi về các biện pháp gây mê, gây tê sẽ áp dụng giúp bệnh nhân được an tâm, chuẩn bị kỹ lưỡng, điều trị ổn định các bệnh lý đi kèm nhằm đảm bảo an toàn và đủ khả năng chịu đựng cho cuộc gây mê phẫu thuật.
Đêm trước khi phẫu thuật và sáng hôm sau, bệnh nhân phải tắm bằng dung dịch sát khuẩn. Cũng từ đêm trước khi phẫu thuật này, bệnh nhân phải nhịn ăn uống (trong thời gian bao lâu sẽ được bác sĩ hướng dẫn đầy đủ) và chỉ uống các loại thuốc cần thiết cho phẫu thuật – gây mê (như thuốc an thần, các thuốc điều trị bệnh lý có sẵn sau khi đã được bác sĩ tham khám, kiểm tra và hướng dẫn sử dụng).
Đối với trường hợp bị hẹp môn vị, bệnh nhân phải rửa dạ dày trước khi tiến hành gây mê – phẫu thuật.
5. Sau khi phẫu thuật cắt dạ dày, bệnh nhân cần lưu ý điều gì để thúc đẩy quá trình hồi phục?
Thông thường, bệnh nhân cần ở lại bệnh viện khoảng 4-7 ngày sau khi phẫu thuật cắt dạ dày, đặc biệt là trường hợp cắt toàn bộ dạ dày hở. Thời gian này, các bác sĩ có thể thực hiện các kỹ thuật giảm đau sau mổ, đặt một ống xuyên suốt từ mũi đến dạ dày nhằm loại bỏ chất lỏng, hạn chế cơn buồn nôn, giúp nhanh lành vết thương của bệnh nhân. Về dinh dưỡng, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân ăn theo hình thức truyền tĩnh mạch. Điều này sẽ được thực hiện cho đến khi bệnh nhân có thể ăn uống bình thường.
Việc hồi phục sau khi cắt dạ dày cần có một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, chế độ ăn uống cần được điều chỉnh như sau:
- Các bữa ăn trong ngày cần được chia nhỏ thành nhiều bữa.
- Không nên ăn thực phẩm giàu chất xơ.
- Tăng cường thực phẩm giàu acid amine, sắt, canxi, vitamin C và vitamin D.
Nhìn chung, cắt toàn bộ dạ dày là một loại phẫu thuật lớn nhằm điều trị các bệnh lý phức tạp. Do đó, việc tiến hành phẫu thuật này cần phải được cẩn thận trong từng khâu, ngay cả khâu chuẩn bị. Vì vậy, bạn cần đến các bệnh viện uy tín và có đầy đủ thiết bị gây mê – phẫu thuật nhằm tăng cao hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn.
Để hạn chế tối đa biến chứng trong và sau quá trình phẫu thuật, hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa hệ thống máy móc, thiết bị gây mê phẫu thuật hiện đại đạt chuẩn vào công tác thăm khám, chẩn đoán, gây mê và điều trị các bệnh lý liên quan đến dạ dày, tiêu hóa. Với đội ngũ Y bác sĩ giàu chuyên môn, được đào tạo bài bản thực hiện sẽ đem lại hiệu quả điều trị tối ưu, hạn chế tối đa biến chứng cho Quý khách hàng.
- Trường hợp nào cần cắt dạ dày?
- Cắt dạ dày nội soi điều trị viêm loét dạ dày tá tràng: Những điều cần biết
- Xử lý thế nào khi bị xuất huyết tiêu hóa nhiều lần?