Mục lục
- 1. 1. Estrogen như thế nào là bình thường?
- 2. 2. Estrogen và não bộ
- 3. 3. Estrogen và hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome - PMS)
- 4. 4. Estrogen và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder - PMDD)
- 5. 5. Estrogen và trầm cảm sau sinh
- 6. 6. Estrogen và trầm cảm tiền mãn kinh
- 7. 7. Estrogen và trầm cảm sau mãn kinh
- 8. Đánh giá
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Lê Khắc Hiệu - Bác sĩ sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Estrogen là một nội tiết tố sinh dục, gắn liền với người phụ nữ trong các khía cạnh khác nhau. Mối liên quan giữa estrogen và cảm xúc của phụ nữ đã được khẳng định ở nhiều nghiên cứu.
Cho đến nay có thể khẳng định estrogen có mối liên quan mật thiết với cảm xúc của phụ nữ. Trầm cảm và rối loạn lo âu ảnh hưởng tới phụ nữ ở độ tuổi sinh sản nhiều hơn so với nam giới hoặc phụ nữ sau mãn kinh. Estrogen cũng có mối liên hệ với những rối loạn cảm xúc đặc trưng chỉ có ở nữ giới, như hội chứng tiền kinh nguyệt hay trầm cảm sau sinh. Nhưng cách thức tác động của estrogen lên cảm xúc thì lại là một bí ẩn.
1. Estrogen như thế nào là bình thường?
Bắt đầu từ tuổi dậy thì, hai buồng trứng của nữ giới bắt đầu giải phóng lượng estrogen thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Ở giữa chu kỳ, nồng độ estrogen tăng đột biến và đạt đỉnh, kích thích quá trình rụng trứng. Sau đó nồng độ estrogen sẽ đột ngột tụt thấp. Trong khoảng thời gian còn lại, nồng độ estrogen sẽ tăng và giảm từ từ.
Nồng độ estrogen bình thường sẽ dao động rất lớn. Sự dao động này không chỉ giữa hai người phụ nữ trong cùng một ngày của chu kỳ kinh, mà còn giữa hai ngày khác nhau của chu kỳ kinh trên cùng một người phụ nữ. Nồng độ estrogen thực tế đo được không có giá trị tiên đoán sự thay đổi của cảm xúc.
2. Estrogen và não bộ
Estrogen là tác nhân lớn ảnh hưởng tới cảm xúc, bởi hoạt động của estrogen hiện diện gần như ở mọi nơi trong cơ thể, bao gồm cả phần não bộ chịu trách nhiệm về cảm xúc.
Một số tác động của estrogen bao gồm:
- Tăng cường serotonin và số lượng thụ cảm thể của serotonin ở não bộ.
- Tác động lên sự sản xuất và hiệu quả của endorphin - một chất có tác dụng mang lại cảm giác tích cực.
- Bảo vệ các dây thần kinh trước các tổn thương, và rất có thể có vai trò trong việc điều hòa sự phát triển thần kinh.
Những tác động trên của estrogen có ý nghĩa thế nào với mỗi cá nhân phụ nữ là không thể tiên đoán trước được. Hoạt động của estrogen quá phức tạp để có thể hiểu một cách tường tận, ví dụ như trái ngược với tác động tích cực của estrogen lên não bộ, cảm xúc của nhiều phụ nữ đã cải thiện sau khi họ mãn kinh, mà thời điểm này thì nồng độ estrogen của họ lại rất thấp.
Một số chuyên gia tin rằng một số phụ nữ nhạy cảm hơn trước sự thay đổi bình thường của estrogen trong chu kỳ kinh nguyệt, và chính sự thay đổi của nồng độ estrogen trong những năm tháng sinh sản này là nguyên nhân khiến cảm xúc của những phụ nữ đó thay đổi.
3. Estrogen và hội chứng tiền kinh nguyệt (premenstrual syndrome - PMS)
Có thể có đến 90% số phụ nữ sẽ trải qua các triệu chứng khó chịu trước khi bước vào kỳ kinh nguyệt. Nếu các triệu chứng đủ nặng tới mức gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống thì khi đó hội chứng tiền kinh nguyệt được xác định. Thông thường các căn cứ để nhận biết hội chứng tiền kinh nguyệt bao gồm:
- Các triệu chứng về thể chất và cảm xúc xảy ra một cách đáng tin cậy trong vài ngày trước khi người phụ nữ liên tiếp ra kinh.
- Các triệu chứng tự biến mất sau khi kinh trong chu kỳ hết hoàn toàn, và không xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào khác.
- Các triệu chứng thực sự gây cho cá nhân các vấn đề rắc rối (chẳng hạn như ở nơi làm việc, ở trường học, hoặc trong các mối quan hệ).
- Đã loại trừ tất cả các nguyên nhân khác, bao gồm cả thuốc điều trị, chất kích thích, rượu và các tình trạng sức khỏe khác.
Chướng bụng, phù tay hoặc chân, căng ngực là các triệu chứng thực thể thường gặp. Xúc cảm bị cường điệu quá mức, trầm cảm, giận dữ và dễ bị kích thích, hoặc rối loạn lo âu và thu hẹp tương tác xã hội cũng có thể xuất hiện. Có khoảng từ 20% tới 40% số phụ nữ có thể mắc hội chứng tiền kinh nguyệt ở một vài thời điểm nào đó trong đời.
4. Estrogen và rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder - PMDD)
Cùng với hội chứng tiền kinh nguyệt, những phụ nữ mắc rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt thường xuất hiện các triệu chứng của cảm xúc tiêu cực trước khi bước vào kỳ kinh nguyệt. Một số chuyên gia nhận định rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt là một thể nặng của hội chứng tiền kinh nguyệt.
Trong rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt, các triệu chứng về cảm xúc ở mức độ nghiêm trọng hơn, và thường lấn át các triệu chứng về thể chất. Sự nhiễu loạn về cảm xúc đủ nặng để gây ra các vấn đề rắc rối trong cuộc sống thường ngày. Ước tính khoảng 3% tới 9% nữ giới trải qua rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt.
Estrogen tỏ ra có liên quan đối với những nhiễu loạn về cảm xúc này, tuy nhiên cơ chế chính xác như thế nào thì vẫn còn là bí ẩn. Nồng độ estrogen ở những phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt hầu hết luôn ở mức bình thường. Rất có thể lí do dẫn tới rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt nằm ở sự tác động của estrogen lên khu vực não bộ chịu trách nhiệm về cảm xúc. Những phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt cũng có thể chịu tác động nhiều hơn từ sự biến thiên bình thường của nồng độ estrogen trong chu kỳ kinh nguyệt.
5. Estrogen và trầm cảm sau sinh
Sự xuất hiện của cảm giác buồn chán sau khi sinh nở thường gặp đến nỗi nó được nhìn nhận là bình thường. Tuy nhiên, khoảng từ 10% tới 25% số phụ nữ trong 6 tháng đầu tiên sau khi sinh nở trải qua rối loạn trầm cảm nặng (major depression). Sự sụt giảm đột ngột nồng độ estrogen sau sinh dường như là nguyên nhân chính, tuy nhiên điều này chưa bao giờ được chứng minh.
Trầm cảm sau sinh được điều trị giống như các loại trầm cảm khác, với thuốc chống trầm cảm, các liệu pháp hoặc kết hợp cả hai. Điều chỉnh với estrogen tỏ ra là một phương pháp tiềm năng có thể kết hợp với các trị liệu sẵn có hiện nay.
6. Estrogen và trầm cảm tiền mãn kinh
Trong những tháng năm tiền mãn kinh, nồng độ estrogen cực kì biến thiên và không thể dự đoán được. Ước tính có thể lên tới 10% phụ nữ tiền mãn kinh trải qua trầm cảm mà nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự bất ổn của nồng độ estrogen. Một số nghiên cứu gợi ý sử dụng miếng dán estrogen ngoài da có thể giúp cải thiện tình trạng trầm cảm trong thời kỳ tiền mãn kinh, nhưng nó hiện chưa phải là một điều trị chuẩn, và trong những nghiên cứu này thuốc chống trầm cảm không được sử dụng.
7. Estrogen và trầm cảm sau mãn kinh
Tại thời điểm mãn kinh, nồng độ estrogen tụt xuống mức rất thấp, và thật ngạc nhiên là sử dụng estrogen đường uống lại không cải thiện được tình trạng trầm cảm sau mãn kinh. Trong các thử nghiệm đánh giá liệu pháp nội tiết tố thay thế quy mô lớn, những phụ nữ được sử dụng estrogen báo cáo lại các vấn đề sức khỏe tâm thần tương tự như những phụ nữ được sử dụng giả dược. Sau khi mãn kinh, tỉ lệ trầm cảm ở nữ giới giảm xuống mức tương tự như ở nam giới cùng độ tuổi.
Nguồn tham khảo: webmd.com
- Dư thừa hormone tăng trưởng GH
- Đau vú khi uống thuốc tránh thai
- Bị nám chân sâu có nên uống các thuốc bổ sung estrogen không?