Mục lục
Theo công bố từ Trung tâm khám tư vấn Dinh dưỡng, trẻ còi xương đang là một tình trạng phổ biến và có xu hướng tăng trong vài năm gần đây. Không chỉ riêng trẻ ở vùng ít tiếp xúc ánh nắng mặt trời gặp tình trạng này, mà nhiều trẻ ở thành thị không được chăm sóc đúng cách cũng bị còi xương.
1. Tổng quan về còi xương ở trẻ em
Ngày xưa, bệnh còi xương ở trẻ em thường gặp nhiều ở trẻ vùng cao vì môi trường sống khá ẩm thấp, tia sáng mặt trời yếu, sương mù nhiều nên khó có cơ hội tiếp xúc với ánh nắng tốt vào sáng sớm. Tuy nhiên, không phải chỉ có trẻ em vùng cao mà các bé ở thành thị và những khu vực khác vẫn có nguy cơ mắc còi xương cao. Hiện nay hầu như con trẻ đều được ba mẹ bao bọc rất kỹ, ít khi cho ra ngoài nên việc tiếp xúc với ánh nắng để tổng hợp vitamin D cũng bị hạn chế.
Còi xương là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em tại Việt Nam, nhưng nhiều bậc phụ huynh ở nước ta vẫn còn bị nhầm lẫn giữa còi xương và suy dinh dưỡng.
- Suy dinh dưỡng xuất hiện ở những trẻ bị thiếu dinh dưỡng nặng, dẫn đến chiều cao hoặc cân nặng thua sút khi so sánh với những bé ngang tuổi.
- Còi xương thường có biểu hiện chung là loạn dưỡng xương do thiếu hụt vitamin D, ảnh hưởng đến chuyển hóa hấp thu canxi và photpho ngay trong giai đoạn phát triển xương. Còi xương gây ảnh hưởng lớn đến vóc dáng bé sau này, hạn chế phát triển cơ thể và có thể làm biến dạng xương.
2. Nguyên nhân còi xương ở trẻ em
Như đã đề cập ở trên, trẻ còi xương là do việc thiếu hụt vitamin D trong giai đoạn phát triển. Vitamin D là một dưỡng chất cần thiết cho quá trình chuyển hóa cũng như hỗ trợ hấp thụ dễ dàng canxi và photpho bên trong cơ thể, nhờ đó giúp xương chắc khỏe và duy trì sự ổn định của cấu xương ở mức phù hợp.
Theo các nghiên cứu, việc không bổ sung đủ vitamin D cho bé trong giai đoạn đầu đời thường do các nguyên nhân sau:
- Ít tiếp xúc với ánh mặt trời tự nhiên: Nhiều bậc phụ huynh lo ngại việc ở ngoài trời nắng trong thời gian dài sẽ làm bé bị choáng và đổ bệnh. Vì vậy dù có khí hậu nhiệt đới, nước ta vẫn đang nằm trong diện có nhiều trẻ còi xương do ít tiếp xúc với nắng sáng
- Chế độ ăn thiếu chất: Trong thực đơn ăn dặm hiện nay, nhiều bà mẹ vẫn chỉ quan tâm cho con ăn nhiều chất đạm, tinh bột, canxi,... mà quên rằng cần vitamin D để chuyển hóa và hấp thụ canxi, photpho cho xương, giúp xương phát triển. Chính vì thế nhiều trẻ dù bổ sung đủ canxi nhưng do thiếu vitamin D nên cơ thể tăng trưởng vẫn bị hạn chế, dẫn tới còi xương ở trẻ em
- Phụ thuộc hoàn toàn vào sữa mẹ: Sữa mẹ rất cần thiết cho trẻ trong năm đầu đời, nhưng các mẹ cũng nên biết vitamin D trong sữa mẹ rất ít và chỉ đủ cung cấp một phần so với nhu cầu trong ngày của con.
- Các nguyên nhân khác: Ngoài ra, còi xương cũng có thể gặp ở những bé bị rối loạn tiêu hóa quá lâu hơn bình thường, bệnh nhiễm khuẩn, tình trạng đẻ non, tuổi tác (bé càng nhỏ nguy cơ còi xương càng cao).
3. Những dấu hiệu thường gặp ở trẻ còi xương
- Phần đầu: Tóc mọc theo kiểu vành khăn, có bướu ở đỉnh đầu và trán làm đầu to ra, phần xương có dấu hiệu mềm, thóp trước rộng, bờ mềm, có tình trạng chậm mọc răng, răng hay bị sâu, mọc không theo thứ tự
- Phần thân: Lồng ngực hơi giống với ngực gà, da xanh thiếu máu. Chân kiểu chữ C hoặc như vòng kiềng. Chậm biết đi và ngồi so với trẻ cùng tuổi
- Biểu hiện tâm lý: Bé hay trằn trọc khó ngủ, nôn, thường la khóc, ra mồ hôi trộm nhiều trong cả ngày. Mỗi bữa ăn trẻ đều có biểu hiện chán ăn
Triệu chứng trẻ còi xương, còi cọc nặng hơn từng được ghi nhận là co giật vì hạ canxi máu.
4. Trẻ còi xương cần bổ sung những gì?
“Trẻ còi cọc bổ sung gì” là vấn đề được các bậc ba mẹ quan tâm khi phát hiện con mình gặp tình trạng trên. Điều quan trọng là phụ huynh cần tỉnh táo và tham vấn ý kiến từ các bác sĩ có chuyên môn để có liệu trình chữa trị phù hợp. Có thể cung cấp vitamin D cho cơ thể trẻ bằng các cách sau:
- Tắm nắng đúng cách: Đây là cách đơn giản, miễn phí và hiệu quả đối với trẻ còi xương. Mỗi ngày mẹ chỉ cần cho con tiếp xúc với ánh nắng trước 8h00 sáng và khoảng 10 - 15 phút là đủ. Khi tắm nắng cần để bụng, lưng, tay và chân lộ ra ngoài, tiếp xúc với ánh nắng thì mới tổng hợp được vitamin D
- Bổ sung sữa đều đặn: Sữa mẹ là một trong những nguồn dinh dưỡng tốt cho trẻ vì vậy nên cho trẻ bú sữa đều mỗi ngày, nếu mẹ không đủ sữa có thể dùng thêm sữa ngoài dưới tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng
- Cho trẻ uống vitamin D và canxi: Dây cũng là một cách tốt nhưng cần phải thông qua bác sĩ để đảm bảo an toàn cho bé. Nếu mẹ không tuân theo hướng dẫn y tế mà sử dụng tùy ý sẽ dễ gây thừa vitamin D, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
- Bổ sung vitamin D từ thực phẩm: Ngoài những cách trên thì việc bổ sung vitamin D và canxi qua thực phẩm cũng được các chuyên gia y tế khuyến khích.
5. Thực phẩm chứa nhiều vitamin D cần thiết cho trẻ còi xương
Thức ăn cho trẻ còi cọc, còi xương chứa vitamin D tự nhiên cần được các mẹ ưu tiên vào giai đoạn bé ăn dặm được. Vitamin D xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm phổ biến như:
- Các loại hải sản như cá hồi, cá ngừ và cá thu
- Sữa nguyên chất, sữa đậu nành và nước cam bổ sung
- Thực vật như đậu nành, ngũ cốc
- Gan bò, lòng đỏ trứng
- Phô mai
Ngoài vitamin D, bé cũng cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt cũng như ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Để có thêm kiến thức về việc chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, bạn hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng hàng đầu khi cần tư vấn nhé.
- 6 tác dụng phụ nếu bạn bổ sung quá nhiều vitamin D
- Trẻ uống canxi rồi có cần uống thêm vitamin D không?
- Tác hại với sức khỏe khi ở trong nhà quá nhiều