Mục lục
Trầm cảm là một rối loạn gây ra sự thay đổi khí sắc, những người mắc bệnh thường có khí sắc trầm như hay buồn, chán, suy nghĩ tiêu cực, không thích vận động,... Ngoài việc điều trị bằng các thuốc chống trầm cảm thì kết hợp với thuốc chỉnh khí sắc có thể mang lại hiệu quả cao hơn.
1. Tổng quan về bệnh trầm cảm
Trầm cảm là một loại rối loạn khí sắc phổ biến, có thể gặp ở cả hai giới và ở nhiều độ tuổi khác nhau, nhưng phổ biến nhất là độ tuổi trên 40. Tỷ lệ mắc bệnh ở nữ cao gấp 3 lần so với nam giới.
Nguyên nhân gây ra trầm cảm:
- Chất dẫn truyền thần kinh: Trầm cảm gây ra là do giảm nồng độ serotonin ở khe synap của vỏ não. Nồng độ serotonin của bệnh nhân có thể chỉ còn bằng 30% so với người bình thường.
- Gen di truyền: Đây là yếu tố được coi là đóng vai trò rất quan trọng trong bệnh sinh của trầm cảm. Chính các rối loạn về gen di truyền đã khiến cho việc sản xuất serotonin ở trong não bị giảm sút, từ đó gây ra trầm cảm.
- Vai trò của chấn thương tâm lý: Đây là là yếu tố thuận lợi cho việc khởi phát và tái phát lần thứ nhất của trầm cảm.
Biểu hiện bệnh trầm cảm: Bệnh đặc trưng bởi một số dấu hiệu và các dấu hiệu đó phải kéo dài ít nhất 2 tuần.
- Khí sắc trầm: Được hiểu là nét mặt đơn điệu, buồn bã, bi quan, mất hy vọng.
- Cảm giác mất hứng thú: Người bệnh cảm thấy mất hứng thú trong hầu hết mọi hoạt động và mất hầu hết các sở thích vốn có. Tất cả các sở thích trước đây của bệnh nhân đều bị ảnh hưởng.
- Rối loạn giấc ngủ: Trong trầm cảm, có thể có gặp cả tình trạng mất ngủ và ngủ quá nhiều. Mất ngủ là triệu chứng hay gặp, chiếm tới 95% số trường hợp bệnh nhân trầm cảm và được coi là mất ngủ khi ngủ ít hơn so với bình thường trên 2 giờ mỗi ngày. Còn lại có khoảng 5% số bệnh nhân trầm cảm có biểu hiện ngủ nhiều, ngủ mỗi ngày trên 10 giờ.
- Mất cảm giác ngon miệng, sụt cân: Sự ngon miệng thường bị giảm sút, có cảm giác rằng họ bị ép phải ăn. Họ thường ăn rất ít, thậm chí trong các trường hợp nặng bệnh nhân nhịn ăn hoàn toàn. Vì vậy, bệnh nhân thường sụt cân nhanh chóng. Nhưng ngược lại với mất cảm giác ngon miệng, có khoảng 5% số bệnh nhân trầm cảm lại có tăng cảm giác ngon miệng và có thể muốn ăn nhiều hơn bình thường và gây tăng cân rất nhanh, trở thành béo phì.
- Rối loạn vận động: Thường nói chậm, vận động chậm, nói ít, nói nhỏ,... ở người cao tuổi có thể thấy họ nằm trên giường cả ngày mà không hoạt động gỡ.
- Giảm sút năng lượng: Cảm thấy năng lượng giảm sút, kiệt sức. Một người có thể cảm thấy mệt mỏi mà không có một nguyên nhân cơ thể nào. Cảm giác mệt mỏi thường tăng lên vào buổi sáng và thường giảm đi một chút vào buổi chiều.
- Cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi: Thường có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi điều này rất hay gặp trong giai đoạn trầm cảm chủ yếu. Họ luôn nghĩ mình đã làm hỏng mọi việc, trở thành gánh nặng cho gia đình và cho xã hội, thậm chí bệnh nhân có mặc cảm tội lỗi liên quan đến các sai lầm nhỏ trước đây.
- Khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định: Họ thường giảm sự tập trung, suy nghĩ và khó khăn khi đưa ra một kết luận nào đó.
- Có ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát: Hầu hết, bệnh nhân trầm cảm đều có ý nghĩ về cái chết, nặng hơn thì họ có thể có ý định tự sát hoặc hành vi tự sát. Các ý nghĩ tự sát này biến thành niềm tin rằng những người trong gia đình, xã hội,... họ sẽ đỡ khổ hơn khi mình chết.
Điều trị trầm cảm thường cần dùng các thuốc chống trầm cảm gồm: Thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống trầm cảm đa vòng và ức chế chọn lọc serotonin (SSRI). Tùy từng mức độ và biểu hiện mà bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp cho bạn.
2. Dùng thuốc chỉnh khí sắc cho bệnh nhân trầm cảm
2.1. Lựa chọn dùng thuốc điều chỉnh khí sắc
Thuốc chỉnh khí sắc là một loại thuốc được dùng để điều chỉnh cả ở những bệnh nhân hưng cảm, trầm cảm hay hỗn hợp. Giúp giảm thiểu tình trạng tái phát những rối loạn khí sắc này..
Thuốc chỉnh khí sắc là một loại thuốc được khuyến khích dùng cùng với các loại thuốc chống trầm cảm, giúp tăng hiệu quả điều trị. Một số lựa chọn dùng các thuốc chỉnh khí sắc bao gồm:
- Lithium carbonat
Thuốc được bắt đầu ở liều 300mg đường uống từ 2 lần hoặc 3 lần/ ngày và được chuẩn độ, dựa trên nồng độ ổn định thuốc ở trong máu khoảng từ 0.8 đến 1.2 mEq/L (0.8 đến 1.2 mmol/L). Nồng độ thuốc mục tiêu để duy trì thấp hơn, khoảng 0.6 đến 0.7 mEq/L (0.6 đến 0.7 mmol/L). Với thanh thiếu niên, nhóm tuổi có có chức năng thận tốt, cần liều cao hơn; những bệnh nhân lớn tuổi cần liều lượng thấp hơn.
Tác dụng phụ của Lithium: Lithium có thể gây suy giảm nhận thức trực tiếp hoặc gián tiếp và thường nặng thêm mụn trứng cá và bệnh vảy nến. Các tác dụng phụ cấp tính, nhẹ thường gặp nhất là run rẩy, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, tiểu nhiều, khát nhiều và tăng cân. Những tác động này thường thoáng qua và thường phản ứng với việc giảm liều từ từ, chia liều thành nhiều lần hoặc sử dụng các dạng phóng thích chậm.
Ngộ độc Lithium cấp tính: Khi dùng với liều cao bệnh nhân có thể bị ngộ độc được biểu hiện ban đầu bởi tình trạng run toàn thân, tăng phản xạ gân, đau đầu kéo dài, nôn mửa, lú lẫn và có thể tiến triển trở nên sững sờ, co giật và loạn nhịp.
Tác dụng phụ lâu dài của Lithium bao gồm: Cường giáp, tổn thương thận liên quan tới ống thận xa. Do đó, nên kiểm tra mức độ TSH khi bắt đầu điều trị bằng lithium và thường niên vào những năm sau đó. BUN và creatinin nên được đo lúc trước sử dụng, sau đo 2 hoặc 3 lần trong vòng 6 tháng đầu, rồi một hoặc hai lần một năm.
- Lamotrigin
Lamotrigin cũng là thuốc chỉnh khí sắc có thể được dùng cho bệnh nhân trầm cảm.
Thuốc được bắt đầu ở liều 25mg đường uống một lần/ ngày trong vòng 2 tuần. Sau đó tăng lên 50mg một lần/ ngày trong 2 tuần. Tiếp sau đó 100mg/ ngày trong 1 tuần, và sau đó có thể tăng 50mg mỗi tuần khi đạt đến 200mg một lần/ ngày.
Tác dụng phụ: Lamotrigin có thể gây nổi ban và Hội chứng Stevens-Johnson đe doạ tính mạng, đặc biệt nếu liều lượng tăng lên nhanh hơn mức khuyến cáo.
- Carbamazepin:
Liều dùng của Carbamazepin là 20mg/ kg trọng lượng cơ thể, chia ra 2 lần mỗi ngày (sáng, tối).
Tác dụng phụ chủ yếu của thuốc Carbamazepin là nhìn mờ, thất điều vận động, mệt mỏi, buồn ngủ và buồn nôn. Thuốc có thể gây dị ứng chậm (sau từ 2 - 3 tuần dùng thuốc) và có thể gây dị ứng rất nặng như hội chứng Stevens – Johnson. Ngoài ra, thuốc Carbamazepin còn gây hạ bạch cầu hạt, giảm natri huyết.
2.2 Những lưu ý khi dùng thuốc điều chỉnh khí sắc
- Khi dùng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ, người bệnh cần theo dõi bất thường và tái khám định kỳ.
- Thận trọng khi dùng thuốc điều chỉnh khí sắc cho phụ nữ mang thai: Lithium sử dụng trong thời kỳ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ dị dạng tim mạch, nhưng nguy cơ của dị dạng này là khá thấp. Dùng Lithium trong thời kỳ mang thai dường như làm tăng nguy cơ bất thường bẩm sinh khoảng 2 lần, tương tự với nguy cơ dị tật bẩm sinh liên quan đến việc sử dụng Carbamazepin hoặc Lamotrigin.
- Dùng thuốc đúng theo chỉ định và không tự ý ngưng dùng thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
- Thực hiện các biện pháp phòng tái phát: Bạn hãy cố gắng tự tìm hiểu để hiểu rõ về bệnh của mình, điều này sẽ giúp bạn hợp tác trong quá trình điều trị hơn; Tăng cường hoạt động thể chất; Tăng cường các mối quan hệ xã hội tích cực; tránh các chất kích thích và gây nghiện như rượu, thuốc lá, ma túy,...
Một số trường hợp bác sĩ kết hợp các thuốc chỉnh khí sắc trong cùng với đơn điều trị trầm cảm. Điều này có thể giúp duy trì sự ổn định kéo dài và hạn chế nguy cơ tái phát bệnh. Các thuốc được dùng dưới sự chỉ định của bác sĩ, cho nên người bệnh không tự ý dùng.
- Công dụng thuốc Kauskas 100
- Công dụng thuốc Olangim 10mg
- Công dụng thuốc Olanxol