Mục lục
Ngày nay, dưỡng da là một phần không thể thiếu trong thói quen hàng ngày của mọi người, kể cả nam giới. Do đó, các loại mỹ phẩm làm đẹp cũng ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Tuy nhiên không phải bất kỳ loại mỹ phẩm nào cũng có thành phần sạch và an toàn cho người dùng, đặc biệt các hương liệu tạo mùi mỹ phẩm. Vậy dùng mỹ phẩm chứa hương thơm có tốt không?
1. Dùng mỹ phẩm chứa hương thơm có tốt không?
Hương liệu tạo mùi mỹ phẩm thuộc nhóm những thành phần gây tranh cãi nhất trong mỹ phẩm. Vì thêm hương liệu tạo mùi mỹ phẩm sẽ làm tăng tính trải nghiệm cũng như che giấu đi mùi khó chịu của các hoạt chất dưỡng da có trong công thức.
Trên thực tế có 2 phương pháp để thêm hương liệu tạo mùi mỹ phẩm là sử dụng nước hoa nhân tạo (fragrance) hoặc sử dụng các loại tinh dầu (essential oil). Tuy nhiên hầu hết các thương hiệu đều sử dụng thuật ngữ fragrance (hương thơm) hiển thị trên bảng thành phần mà không tiết lộ cụ thể chất được dùng để tạo mùi hương, điều này khiến không ít người mua thận trọng về việc dùng mỹ phẩm chứa hương thơm có tốt không?
Theo Viện Da liễu Mỹ, hương liệu tạo mùi mỹ phẩm tổng hợp là nguyên nhân gây ra nhiều phản ứng dị ứng và làm trầm trọng hơn các bệnh về da như: bệnh chàm, rosacea, mụn trứng cá, viêm da tiếp xúc. Ngoài ra, hương liệu tạo mùi mỹ phẩm còn có thể gây ngứa, nổi mụn viêm đỏ, phát ban...
Tuy nhiên, việc sản xuất mỹ phẩm không có mùi thơm cũng không hề dễ dàng do một số chất, nguyên liệu thô trong công thức mỹ phẩm thường mang mùi rất khó chịu, vì vậy hương liệu tạo mùi mỹ phẩm sẽ là giải pháp mang đến sự hấp dẫn khứu giác hoặc giúp chuyển hóa mùi khó chịu thành mùi trung tính dễ ngửi hơn. Mặt khác, đối với một số hãng mỹ phẩm, mùi hương cũng là một hình thức định vị thương hiệu vô cùng hiệu quả.
Nhìn chung, nếu sở hữu làn da nhạy cảm hoặc bản thân không thích mùi thơm, người dùng nên cân nhắc trước khi sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm có mùi thơm.
2. Tác hại của hương liệu trong mỹ phẩm
Có một sự thật là chúng ta thường bị thu hút bởi mỹ phẩm có hương thơm, tuy nhiên chính mùi hương nhân tạo này có thể tác động xấu đến sức khỏe và làn da khi lạm dụng quá mức.
Theo báo cáo của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ: 95% các chất dùng để sản xuất chất tạo mùi tổng hợp có nguồn gốc từ dầu thô, bao gồm các chất có gốc benzen (có thể gây ung thư), aldehydes, toluene và rất nhiều hóa chất độc hại khác (gây ung thư, quái thai, rối loạn hệ thần kinh trung ương và nhẹ nhất dị ứng).
Hiện nay các thành phần độc hại này vẫn tồn tại nhan nhản mặt trong các sản phẩm kem dưỡng da, dầu gội, chất giặt tẩy và rất nhiều sản phẩm khác. Rất nhiều thành phần tạo mùi còn được nghi ngờ là nguyên nhân gây rối loạn nội tiết kích hoạt việc tăng cân... Một số chất tạo mùi và tác hại của chúng:
- Acetaldehyde: có khả năng gây ung thư, gây hại cho thận, hệ thần kinh và hệ hô hấp;
- Benzophenone: gây rối loạn nội tiết, liên quan đến khối u gan
- Butylated Hydroxyanisole: chất gây rối loạn nội tiết
- Butylated Hydroxytoluene: gây kích ứng da và mắt
- Benzyl Salicylate: gây dị ứng
- Benzyl Benzoate: có thể gây bỏng và kích ứng
- Butoxyethanol: gây kích ứng da, mắt, mũi, họng
- Butylphenyl Methylpropional: gây ngứa và viêm da
- Chloromethane: gây các phản ứng cấp tính và mãn tính ở hệ thần kinh, hại gan, thận và da.
- Dichloromethane: liên quan đến u vú
- Diethyl Phthalate: gây kích ứng mắt, da và hô hấp
- Formaldehyde: gây ung thư, đã bị cấm dùng trong mỹ phẩm và vệ sinh ở Nhật và Thụy Điển
- Propyl Paraben: liên quan đến ung thư vú
- Resorcinol: ảnh hưởng chức năng gan, thận, lách, gây hại cho tim mạch và thần kinh
- Styrene: độc cho hồng cầu và gan, độc cho hệ thần kinh trung ương khi hít phải
- Mùi xạ hương tổng hợp (tonalide, galaxolide, ketone xạ hương, xylene xạ hương): liên quan đến rối loạn hormone
3. Ưu tiên lựa chọn các sản phẩm không mùi
Hiện nay, trình độ hiểu biết của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao, người dùng thường có xu hướng ưu tiên chọn lựa những sản phẩm chăm sóc da không chứa hương liệu với dòng chữ “Fragrance-free” (không hương thơm), đây là một định hướng để các nhà sản xuất phát triển sản phẩm an toàn hơn, hạn chế lạm dụng hương liệu tạo mùi mỹ phẩm.
Tuy nhiên người tiêu dùng cần lưu ý, trước khi quyết định sử dụng một sản phẩm mỹ phẩm mới, ngay cả khi chúng không có mùi, chúng ta luôn luôn phải thử trước với lượng nhỏ bằng cách bôi vào bên trong cánh tay hoặc sau tai để xem da có phản ứng hay không, trước khi bôi lên mặt hoặc bôi lên diện tích da lớn trên cơ thể (với các sản phẩm dưỡng thể).
Hãy lựa chọn các sản phẩm mỹ phẩm từ các thương hiệu uy tín, được kiểm định chất lượng để chắc chắn rằng hàm lượng các chất độc hại (nếu có) sẽ được kiểm soát ở mức độ cho phép, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
- Rửa mặt bằng nước vo gạo có ăn nắng không?
- Có nên sử dụng tinh dầu đuổi muỗi?
- Có thể trị mụn bằng kem đánh răng không?