Mục lục
Bài viết của Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Nguyễn Thanh Bình - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Trong bối cảnh đại dịch toàn cầu Covid-19 đang diễn biến phức tạp và khó lường, những đối tượng có sức đề kháng yếu là “nạn nhân” hàng đầu. Khi hệ miễn dịch suy giảm, khả năng chống đỡ đối với tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm,...) cũng giảm sút, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
1. Nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng của cơ thể
Suy giảm hệ miễn dịch: đây là nguyên nhân chính gây suy giảm sức đề kháng, có thể bẩm sinh (khiếm khuyết về mặt di truyền, rối loạn sản xuất tế bào miễn dịch vô căn,...) hoặc mắc phải (nhiễm HIV/AIDS, dùng corticoid, thuốc chống thải ghép, hóa xạ trị ung thư, đái tháo đường, hội chứng thận hư, phẫu thuật cắt lách, suy dinh dưỡng, suy kiệt,...)
Ô nhiễm không khí: khi hít phải khói bụi, hơi hóa chất,... gây ức chế sản xuất các tế bào miễn dịch, dễ gây ra viêm nhiễm đường hô hấp.
Chế độ ăn uống không hợp lý: thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đóng hộp,... chứa nhiều chất bảo quản, đường, muối, chất béo bão hòa có thể làm suy chức năng của các tế bào miễn dịch, hoặc uống quá ít nước làm giảm hoạt động đào thải các yếu tố độc hại, ảnh hưởng đến chuyển hóa và nhiều chức năng của cơ thể. Suy dinh dưỡng hoặc béo phì đều làm giảm chức năng miễn dịch của cơ thể.
Nghỉ ngơi không hợp lý: nghỉ ngơi không đầy đủ, ngủ ít, thức khuya, sẽ khiến cơ thể suy nhược, ảnh hưởng nhiều chức năng của cơ thể, trong đó có hệ miễn dịch.
Stress: thường xuyên căng thẳng, lo lắng cũng làm xáo trộn nội tiết, suy giảm khả năng miễn dịch của cơ thể.
Lạm dụng kháng sinh: sử dụng kháng sinh bừa bãi không đúng chỉ định làm tăng khả năng kháng thuốc, đồng thời tiêu diệt vi khuẩn có lợi, làm suy yếu hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể.
2. Đối tượng nguy cơ giảm đề kháng
Những đối tượng có nguy cơ giảm đề kháng là những đối tượng sau đây:
2.1. Người cao tuổi
Theo tuổi tác và bệnh lý, hệ miễn dịch của những đối tượng này bị “mài mòn”, các tế bào miễn dịch trở nên yếu ớt, già nua và chậm chạp hơn trong việc chiến đấu chống lại virus như khi trẻ tuổi.
2.2. Người mắc các bệnh mãn tính
Những người mắc các bệnh mãn tính như béo phì, đái tháo đường, bệnh tim mạch, bệnh lý gan, bệnh lý thận, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư,...
2.3. Người có tiền sử cắt lách, ghép tạng
Những người có tiền sử cắt lách, ghép tạng cũng là đối tượng có nguy cơ giảm đề kháng.
2.4. Người đang sử dụng thuốc kháng sinh
Người bệnh đang sử dụng thuốc như kháng sinh, thuốc chống viêm, corticosteroids, thuốc kháng miễn dịch, thuốc điều trị ung thư..., hoặc nhiễm các độc tố,...
2.5. Trẻ nhỏ
Trẻ em 6 tháng – 3 tuổi ở giai đoạn này hệ miễn dịch của bé chưa được phát triển hoàn thiện, sức đề kháng còn yếu nên trẻ rất dễ mắc bệnh.
2.6. Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai dễ bị suy giảm sức đề kháng tạm thời, phải đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm trùng và khi mắc bệnh có thể dễ bị nặng, khó điều trị hơn so với người bình thường do hạn chế trong sử dụng thuốc.
3. Dấu hiệu suy giảm sức đề kháng
Một số dấu hiệu suy giảm sức đề kháng như sau:
- Suy nhược tinh thần: tinh thần ủ rũ, kém tập trung, suy nhược, thiếu sức sống gợi ý nhiều khả năng cơ thể đã bị giảm miễn dịch.
- Dễ cảm, cúm khi thay đổi thời tiết: Sức đề kháng kém làm giảm khả năng chống lại sự xâm nhập của virus ngay cả trong những điều kiện thay đổi thời tiết thông thường.
- Dễ mắc các bệnh nhiễm trùng: đề kháng yếu cũng dễ mắc lao, viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang, viêm mũi họng, viêm tai, nhiễm trùng ngoài da... kéo dài dai dẳng và hay tái phát.
- Vết thương lâu lành: Đây cũng là một trong dấu hiệu phản ánh giảm chức năng miễn dịch.
- Tiêu hóa kém: Hệ miễn dịch kém không chỉ khiến quá trình tiêu hóa và hấp thu kém hơn người bình thường mà còn gây chán ăn, giảm khẩu vị, rối loạn tiêu hóa, đầy bụng khó tiêu, hoặc dễ ngộ độc thức ăn.
- Dễ mệt mỏi: Người có sức đề kháng kém dễ cảm thấy mệt mỏi, cảm giác không có sức lực, đau mỏi cơ bắp...
Ngoài ra, chậm tăng trưởng ở trẻ nhỏ hoặc sút cân ở người lớn cũng là các dấu hiệu cảnh báo suy giảm đề kháng, dễ mắc các bệnh lý nguy hiểm.
Hầu hết những người dễ mắc bệnh đều là những người có sức đề kháng kém. Vì thế, trong mùa dịch Covid-19 ngoài tuân thủ nguyên tắc 5k theo Bộ Y tế, mỗi người cần duy trì chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý để tăng sức đề kháng, bảo vệ cơ thể tốt nhất.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
- Thuốc Augmentin có công dụng gì?
- Liều dùng thuốc Augmentin ở trẻ em
- Các loại hàm lượng của thuốc Augmentin