Mục lục
Ốm nghén là một trong những tình trạng điển hình xuất hiện ở thời kỳ đầu của quá trình mang thai. Thực tế cho thấy có đến 80% phụ nữ mang thai trải qua tình trạng này. Tuy nhiên, cũng có nhiều bà bầu may mắn mang thai suôn sẻ mà không hề bị buồn nôn hay kén ăn, nhưng cũng có một số bà bầu kiệt sức vì ốm nghén nặng và kéo dài.
1. Ốm nghén nặng có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi?
Nghén là tình trạng rất phổ biến trong thời kỳ mang thai với các triệu chứng như: Buồn nôn, nôn ói, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, giảm cân, mất nước... Nghén thường xảy ra vào buổi sáng cho nên có tên tiếng Anh là “morning sickness”, tuy nhiên tình trạng này có thể xảy ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
Nghén thường xảy ra vào khoảng trước tuần thai thứ 9 và kết thúc trước tuần 12 - 14. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp nghén kéo dài tới vài tháng và thậm chí có thể suốt thai kỳ.
Khoảng từ 0,3 – 3% phụ nữ mang thai bị tình trạng nghén nặng (Hyperemesis gravidarum), bà bầu nôn ói nhiều làm giảm trên 5% cân nặng và có các biến chứng khác của tình trạng mất nước. Lúc này bà bầu cần được điều trị để giảm nôn ói, bồi hoàn nước và điện giải. Nếu nghén kéo dài và nặng hơn nữa thì có thể cần nhập viện điều trị. Một số yếu tố làm tăng khả năng nghén nặng:
- Mang đa thai (song thai, tam thai...)
- Thai kỳ trước cũng đã bị nghén, có thể nặng hoặc nhẹ.
- Có mẹ hoặc chị em gái cũng bị nghén nặng khi mang thai.
- Tiền sử từng bị chóng mặt khi thay đổi tư thế hoặc đau đầu migraine.
Ngoài nghén do mang thai thì triệu chứng nôn và buồn nôn còn có thể do một số nguyên nhân khác như: Viêm dạ dày - tá tràng, ngộ độc thực phẩm, bệnh tuyến giáp, bệnh túi mật... Cần báo cho bác sĩ biết để phát hiện những bệnh lý này nếu bà bầu bị nôn, buồn nôn với tính chất không giống như thông thường:
- Nôn và buồn nôn xảy ra sau tuần thứ 9.
- Nôn và buồn nôn xuất hiện kèm một trong các triệu chứng: Đau bụng, sốt, đau đầu, bướu cổ.
Các bà bầu thường lo sợ tình trạng ốm nghén có thể gây bất lợi cho sự phát triển của thai nhi. Với các biểu hiện buồn nôn hay kén ăn, mẹ bầu băn khoăn không biết thai nhi có được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng để phát triển trong suốt thai kỳ hay không.
Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng trong các trường hợp thai nghén bình thường. Điều thú vị đó chính là thai nhi sẽ tự biết cách hấp thu các chất dinh dưỡng cần thiết từ mẹ.
Nghén thường không gây ảnh hưởng đến thai nhi và không cho thấy bé bị nguy hiểm. Ngược lại nghén còn cho thấy thai đang phát triển tốt, bởi bánh nhau tăng tiết một số nội tiết tố như Beta hCG, estrogen vào máu mẹ và làm mẹ bị nghén.
Chỉ trong những trường hợp nghén nặng gây nôn mửa quá nhiều và không thể ăn uống thì mới có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Một vài nghiên cứu còn cho thấy những mẹ bị nghén trong thai kỳ có tỷ lệ sảy thai thấp hơn người không nghén. Tuy nhiên, nếu mẹ bầu bị nghén quá nhiều và bị sụt cân thì có thể làm bé bị nhẹ cân lúc sanh. Một số trường hợp mẹ bầu đang nghén bỗng đột ngột hết nghén thì bà bầu nên đi khám lại để kiểm tra tình trạng thai.
Về mặt sinh học, ốm nghén có tác dụng bảo vệ thai nhi. Mặc dù bà bầu bị nghén phải hạn chế ăn nhiều loại thực phẩm nhưng qua đó các mẹ bầu có thể tránh các nguy cơ truyền bệnh cho bé qua đường thực phẩm. Các nội tiết tố tăng cao trong giai đoạn đầu của thai kỳ được cho là để bảo vệ thai nhi khi đang còn non nớt.
2. Tại sao ốm nghén lại xuất hiện?
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu về tình trạng này nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra lý do thực sự cho hiện tượng nghén. Tuy nhiên cũng có một số khả năng như sau:
- Do thói quen ăn uống thất thường của bà bầu và lượng đường trong máu thấp.
- Hệ thần kinh của một số mẹ bầu khá nhạy cảm đối với các loại thực phẩm và mùi vị nhất định, gây cảm giác buồn nôn.
- Do nồng độ các nội tiết tố tăng cao trong 3 tháng đầu thai kỳ. Trong đó có hormone progesterone làm giãn các cơ của hệ tiêu hóa dẫn đến thức ăn trong dạ dày đẩy lên đến thực quản tạo cảm giác buồn nôn. Chất này còn làm cho thức ăn trong dạ dày chậm tiêu hóa hơn bình thường, từ đó gây chứng khó tiêu.
- Do di truyền.
3. Ai dễ bị ốm nghén?
- Lần đầu mang thai. Những phụ nữ đã từng mang thai thường ít bị ốm nghén hơn những người mới làm mẹ.
- Những người mang đa thai.
- Ba tháng đầu hay trong 14 tuần đầu của thai kỳ.
- Bà bầu vốn bị say tàu xe, say sóng.
- Những phụ nữ dễ bị mệt mỏi hay kiệt sức vì ốm nghén trong suốt thai kỳ. Những người này cần nghỉ ngơi khi cần thiết và không nên tạo áp lực cho bản thân.
- Phụ nữ đang làm việc trong các lĩnh vực như tổ chức sự kiện, truyền thông, hay công việc nặng như chuyển nhà khi mang bầu thường phải chịu nhiều áp lực công việc dẫn đến căng thẳng.
4. Cách trị ốm nghén hiệu quả cho bà bầu tại nhà
- Trước tiên bạn hãy kiên nhẫn vì ốm nghén chỉ kéo dài trong vài tháng đầu thai kỳ. Vượt qua được giai đoạn ốm nghén bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
- Bạn cũng đừng ép mình phải ăn những thực đơn dinh dưỡng bắt buộc. Thay vào đó hãy lựa chọn những món ăn phù hợp và yêu thích trong những thực phẩm được khuyến khích dành cho bà bầu.
- Tránh sử dụng những thực phẩm, đồ uống có hương vị mạnh như cà phê, rượu, đồ chiên rán nhiều dầu mỡ,... Bạn nên ăn những loại thức ăn đơn giản, dễ làm và dễ tiêu hóa. Các loại thực phẩm mát lạnh như sa-lát, sữa chua, trái cây hoặc súp lạnh cũng giúp ích cho hệ tiêu hóa của bạn trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra còn có bánh mì, mỳ ý, khoai tây, hoặc ngũ cốc ăn kèm sữa ít béo.
- Bạn nên chia nhỏ khẩu phần ăn và ăn thành nhiều bữa trong ngày. Tránh ăn quá nhiều một lúc khi bạn đang đói. Phải mất tới 20 phút sau để bộ não của bạn nhận biết là dạ dày của bạn đã đầy. Vì vậy bạn nên dừng ăn khi cảm thấy gần no.
- Luôn để bên cạnh giường một bình nước lọc và đồ ăn nhẹ. Uống nhiều nước mỗi sáng khi thức dậy và nhấm nháp một chút bánh quy sẽ làm giảm lượng axit trong dạ dày của bạn. Một vài viên kẹo ngọt cũng có tác dụng làm tăng lượng đường trong máu và giúp làm giảm cảm giác buồn nôn. Để đổi vị, bạn cũng có thể thử những viên kẹo gum vị trái cây.
- Đối với một số bạn,việc sử dụng các phương pháp bấm huyệt trên cổ tay có thể có tác dụng tốt. Hãy tham khảo ý kiến của các y bác sĩ về các phương pháp này nếu hữu ích.
- Gừng và chanh tươi là những phương thuốc tự nhiên tốt để giúp làm giảm tác động của ốm nghén. Uống nước pha gừng, nước chanh hoặc ăn các thực phẩm từ gừng và chanh sẽ có tác dụng giảm cảm giác buồn nôn.
- Giữ răng và lưỡi sạch: Trong trường hợp bạn cảm thấy khó chịu khi đánh răng thì hãy sử dụng nước súc miệng. Uống hay ngậm nước đá cũng có tác dụng tương tự.
- Tránh các sản phẩm có mùi nồng như là nước hoa, chất khử mùi, chất tẩy rửa, nước xịt phòng. Hãy mở cửa sổ để cho phòng thông thoáng và tránh nơi ngột ngạt. Thỉnh thoảng bạn nên đi bộ và hít thở không khí trong lành.
- Thuốc bổ sung sắt có thể gây kích thích dạ dày và tăng cảm giác buồn nôn. Do đó mẹ bầu có thể ngưng sắt trong giai đoạn ốm nghén nặng và bắt đầu uống lại khi nghén giảm đi. Đừng quên vẫn tiếp tục bổ sung acid folic đơn thuần trong giai đoạn này.
- Một số nghiên cứu cho thấy uống vitamin trong 3 tháng trước thụ thai có thể làm giảm tần suất và độ nặng của nghén.
Trong trường hợp bạn bị kiệt sức vì ốm nghén, nôn mửa quá nhiều và không thể ăn bất cứ loại thực phẩm nào, bạn cần tới gặp bác sĩ. Nếu tình trạng ốm nghén nặng hơn như mất nước và hạ huyết áp, bạn cần nhập viện để có thể truyền các dinh dưỡng cần thiết.
Chỉ có khoảng 1-3% phụ nữ sẽ gặp phải chứng thai nghén nghiêm trọng. Trong nhiều trường hợp bác sĩ cần phải kê đơn các loại thuốc chống nôn. Tuy nhiên, nên tránh sử dụng thuốc nếu không cần thiết, đặc biệt trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ. Mặc dù các loại thuốc này đã được kiểm tra chặt chẽ nhưng nó vẫn tiềm ẩn các tác dụng phụ nguy hiểm có thể xảy ra đối với cả mẹ bầu và thai nhi.
5. Điều trị ốm nghén nặng bằng thuốc
Nếu sau khi bạn đã thay đổi sinh hoạt và chế độ ăn uống mà vẫn không cải thiện tình trạng nghén và sau khi loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra nôn, buồn nôn thì bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc giúp điều trị ốm nghén:
- Vitamin B6 và doxylamine: Vitamin B6 là loại thuốc an toàn, không cần kê đơn để giảm buồn nôn nhưng tác dụng khá yếu. Nếu không cải thiện, bạn có thể kết hợp thêm doxylamine. Loại viên phối hợp 2 loại thuốc này không gây nguy hiểm đến thai nhi và đã được FDA công nhận sử dụng tại Mỹ từ năm 2013 cho điều trị nôn và buồn nôn trong thai kỳ.
- Thuốc chống nôn: Nếu vitamin B6 và doxylamine không giúp cải thiện tình trạng ốm nghén của bạn, thì bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc chống nôn. Một số loại thuốc chống nôn có thể dùng an toàn trong thai kỳ nhưng cũng có nhiều loại khác cần cân nhắc, chỉ sử dụng khi lợi ích lớn hơn nguy cơ gây ra các tác dụng không mong muốn. Do đó bạn nên đi khám bác sĩ chứ không nên tự mua thuốc về nhà uống.
6. Điều trị kiệt sức vì ốm nghén nặng, kéo dài bằng Y Học Cổ Truyền
Theo Y Học Cổ Truyền, ốm nghén phần nhiều do vị hư can khí nghịch lên gây ra, ngoài ra còn có thể do ngoại tà. Phép trị chứng ốm nghén chủ yếu kiện tỳ vị, dưỡng can huyết. Dưới đây là 3 bài cổ phương gia giảm sẽ giúp thai phụ hết ốm nghén, tăng cường sức khỏe.
Trường hợp có thai ốm nghén do vị hư can khí nghịch:
- Ba tháng đầu thai nghén, bà bầu mệt mỏi, ăn vào là ói mửa không muốn ăn, dùng bài Thuận can ích khí thang gia giảm, bao gồm các vị thuốc sau: Đảng sâm 14g, bạch truật sao 12g, phục linh 12g, đương quy 16g, thục địa 20g, bạch thược sao 12g, mạch môn bỏ lõi 12g, trần bì 12g, sa nhân 6g, thần khúc 6g, tô tử sao 8g. Sắc uống từ 3-5 thang, ốm nghén nặng có thể dùng nhiều hơn.
- Tác dụng của phương thuốc này là kiện tỳ vị, dưỡng can huyết, giáng nghịch, hòa tỳ vị..., qua đó giúp thai phụ bớt mệt mỏi, ợ hơi, ợ chua khó thở, tiểu són, tiểu khó, thai chậm phát triển.
- Gia giảm: Nếu động thai xuống huyết gia thêm tục đoạn, sơn thù, hoàng cầm; nếu lạnh nhiều thì thay hoàng cầm bằng ngải diệp; nếu can uất có biểu hiện tức ngực sườn gia sài hồ. Nếu tỳ hư đi ngoài phân lỏng gia hoài sơn, liên nhục, bạch biển đậu. Nếu có ngoại cảm thì gia tô diệp, thông bạch.
- Kiêng kỵ, không được dùng bài thuốc này trong các trường hợp sau: Chứng nôn ói do ngoại tà, phát sốt, người sợ lạnh. Chứng âm hư tiểu ít, tiểu dắt.
Trường hợp có thai ốm nghén do khí hư dọa sảy thai:
- Bà bầu có thần sắc kém hay mệt, bụng đầy, nôn ói, dùng bài Kiện tỳ tư sinh hoàn gồm có các vị thuốc sau: nhân sâm 12g, bạch truật 12g, bạch linh 14g, bạch biển đậu 16g, hoài sơn 16g, liên nhục 14g, trần bì 8g, cát cánh 8g, sa nhân 4g, hoàng liên 6g, hoắc hương 12g, mạch nha 8g, khiếm thực 14g, sơn tra 12g, chích thảo 6g, ý dĩ nhân 12g. Sắc hoặc tán bột làm hoàn uống đều rất tốt.
- Tác dụng của bài thuốc này đó là: Ích khí, kiện tỳ, hóa trệ, cố thai... Bài thuốc giúp bổ tỳ vị hư, qua đó giúp giảm bớt mệt mỏi ăn ngon, tăng cường kháng thể. Chủ trị chứng có thai 3 tháng khí huyết kém không nuôi dưỡng dọa sẩy thai.
- Gia giảm của bài thuốc: Nếu vị nhiệt nóng nhiều thì gia hoàng cầm, sinh địa. Nếu can uất gia thêm sài hồ. Nếu tỳ hư hàn gia thêm diệp. Nếu có ngoại cảm thì gia thêm tô diệp, thông bạch. Nếu động thai người lạnh nhiều và ra huyết thì gia thêm a giao, ngải diệp. Nếu động thai người nóng thì gia thêm củ gai, hoàng cầm.
- Kiêng kỵ, không dùng bài thuốc này trong các trường hợp sau: Chứng nôn ói do tích trệ, bụng đầy đau, nôn mửa xong cảm thấy dễ chịu thì không dùng bài thuốc này.
Trường hợp có thai ốm nghén do vị hư đờm ẩm:
- Bà bầu có biểu hiện sắc mặt nhợt, nôn ra nhiều đờm dãi, dùng bài thuốc Bảo sinh thang gồm có các vị thuốc: Nhân sâm 12g, bạch truật 12g, hương phụ 10g, trần bì 12g, ô dược 12g, chích thảo 6g, sinh khương 12g. Sắc thang thuốc này uống ấm.
- Tác dụng của bài thuốc này là: Bổ khí kiện tỳ, hóa trệ hòa vị... Chủ trị chứng có thai bị nôn mửa, ăn ngủ kém, bài thuốc còn dùng chữa các chứng liên quan đến tỳ vị hư gây đau bụng, tiêu chảy.
- Gia giảm của bài thuốc: Nếu can uất miệng đắng, ợ chua gia thêm hoàng cầm, bạch thược, phục linh. Nếu can huyết hư gia thêm đương quy, bạch thược sao. Tỳ hư ăn kém gia thêm liên nhục, hoài sơn.
- Kiêng kỵ, không dùng bài thuốc trong các trường hợp sau: Người có chứng âm hư nội nhiệt miệng khô khát, nôn khan, có thai người gầy nóng.
Tóm lại, ốm nghén là một trong những tình trạng điển hình xuất hiện ở thời kỳ đầu của quá trình mang thai. Nếu nghén kéo dài và nặng hơn nữa thì có thể cần nhập viện điều trị.
- Thử thai tại nhà: Có thể tin tưởng vào kết quả?
- Thai trứng phải hút mấy lần?
- Trong que thử thai có gì?