Mục lục
- 1. 1. Mối quan hệ giữa rối loạn giấc ngủ và nguy cơ mắc tiểu đường
- 2. 2. Các nghiên cứu dịch tễ học về nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và giấc ngủ
- 3. 3. Các cơ chế sinh lý giữa mất ngủ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
- 4. 4. Các cơ chế hành vi tiềm ẩn liên quan đến việc mất ngủ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
- 5. Đánh giá
Giấc ngủ rất quan trọng để điều chỉnh nhiều chức năng sinh lý liên quan đến sự trao đổi chất. Do đó, có bằng chứng đáng kể cho thấy rối loạn giấc ngủ có liên quan đến nguy cơ mắc tiểu đường. Cụ thể, thời lượng ngủ không đủ, chất lượng giấc ngủ kém hay mất ngủ và ngưng thở khi ngủ đều có thể làm tăng khả năng bệnh tiểu đường trong tương lai.
1. Mối quan hệ giữa rối loạn giấc ngủ và nguy cơ mắc tiểu đường
Nhiều nghiên cứu trước đây đã liên kết thời gian ngủ ngắn theo thói quen với các kết quả bất lợi quan trọng về chuyển hóa tim, bao gồm tăng cân, béo phì, nguy cơ mắc tiểu đường, bệnh tim mạch và căng thẳng. Một cơ chế được đề xuất của những mối quan hệ này là thời gian ngủ không đủ gây ra rối loạn điều hòa trao đổi chất và tăng phản ứng miễn dịch, dẫn đến rối loạn điều hòa cảm giác thèm ăn và các bệnh lý tim mạch.
Trong đó, con đường liên kết giữa số giờ ngủ ngắn và bệnh tiểu đường vẫn chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu ở những người thường ngủ 8-9 giờ để thực hiện hạn chế giấc ngủ cấp tính từ 4–6 giờ trong khoảng thời gian vài ngày đến vài tuần. Kết quả ghi nhận được là thiếu ngủ có liên quan đến tình trạng kháng insulin và không dung nạp glucose, phát hiện qua theo dõi đường huyết liên tục hay xét nghiệm dung nạp đường huyết.
2. Các nghiên cứu dịch tễ học về nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và giấc ngủ
So với các yếu tố nguy cơ mắc tiểu đường truyền thống khác, chẳng hạn như thừa cân, tiền sử gia đình mắc bệnh tiểu đường và ít hoạt động thể chất, bằng chứng từ các phân tích tổng hợp chỉ ra rằng thời lượng ngủ bị cắt ngắn, chẳng hạn như <5 giờ mỗi ngày (ngủ rất ngắn) và <6 giờ thời lượng mỗi ngày (giấc ngủ ngắn), đều có khả năng dự đoán bệnh tiểu đường như nhau, với nguy cơ tương đối tương ứng là 1,48 (95% CI 1,25, 1,76) và 1,18 (95% CI 1,10, 1,26).
Bên cạnh đó, hậu quả về chuyển hóa tim của thời gian ngủ ngắn có thể mạnh hơn ở giai đoạn tiền tiểu đường, một tình trạng tiền thân của bệnh tiểu đường, đặc trưng bởi rối loạn dung nạp glucose và glucose lúc đói, và lượng đường trong máu là 5,6 và 6,9 mmol / L. Trong một nghiên cứu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người báo cáo thời gian ngủ ngắn (≤5 giờ) có tỷ lệ tiền tiểu đường cao hơn 2,06 (KTC 95% 1,00–4,22) so với những người báo cáo ngủ 7 giờ.
Mối quan hệ giữa thời gian ngủ ngắn với nguy cơ mắc tiểu đường cũng đã được thiết lập rõ ràng trên các bối cảnh khác nhau và trong các nhóm khác nhau. Trong đó, mặc dù nam giới và phụ nữ đều bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực của thời gian ngủ ngắn đối với bệnh tiểu đường, kết cục này rõ ràng hơn ở nam giới. Đồng thời, mối quan hệ giữa thời gian ngủ ngắn và bệnh tiểu đường cũng cho thấy rõ ràng hơn ở người da trắng so với người da màu.
Mặc dù mối liên hệ giả định giữa giấc ngủ ngắn và bệnh tiểu đường đã được chứng minh rõ ràng, các cơ chế nhân quả tạo nên mối liên quan này vẫn chưa được hiểu đầy đủ. Bằng chứng phân tích tổng hợp chỉ ra rằng thời gian ngủ, cụ thể là số giờ ngủ ít, có liên quan đến hemoglobin A1c (HbA1c), một dấu hiệu chuyển hóa glucose. Tóm lại, các bằng chứng nói trên khẳng định mối quan hệ giữa thời gian ngủ ngắn với bệnh tiểu đường và kết quả của bệnh tiểu đường có thể là hậu quả của mức đường huyết không tốt và đề kháng insulin.
3. Các cơ chế sinh lý giữa mất ngủ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Các giả thiết đã được đưa ra để giải thích cơ chế sinh lý giữa mất ngủ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường bao gồm:
- Tăng đề kháng insulin ở các mô ngoại biên
- Giảm leptin, hormone được tiết ra bởi các mô mỡ có liên quan đến việc truyền tín hiệu về cảm giác no, và tăng ghrelin - hormone được dạ dày tiết ra một cách linh hoạt, thường trước bữa ăn để kích thích cảm giác đói.
- Tăng kích hoạt cytokine gây viêm dẫn đến tăng đường huyết phản ứng
4. Các cơ chế hành vi tiềm ẩn liên quan đến việc mất ngủ và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Ngoài các con đường sinh lý liên quan đến mất ngủ và nguy cơ mắc tiểu đường, có một số con đường gián tiếp tiềm ẩn mà các cơ chế hành vi có thể đóng một vai trò nhất định.
Cụ thể là mất ngủ có thể dẫn đến khuynh hướng tiêu thụ nhiều calo hơn trong suốt 24 giờ, suy giảm khả năng ra quyết định có thể khiến một người đưa ra nhiều lựa chọn thực phẩm không lành mạnh hơn và tăng khả năng mắc các hành vi không lành mạnh khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, như theo lối sống ít vận động, hút thuốc lá và nghiện rượu.
Tóm lại, 1 giấc ngủ kéo dài bao lâu sẽ tùy vào từng người nhưng nếu thiếu ngủ, một người sẽ nguy cơ mắc tiểu đường. Điều này là do ngủ không đủ giấc và rối loạn giấc ngủ đã được xác định là những yếu tố nguy cơ mới và quan trọng đối với sự phát triển của bệnh tiểu đường về lâu dài. Biết được thông tin này sẽ giúp mọi người tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của giấc ngủ của chính mình cũng như hạn chế nguy cơ mắc tiểu đường trong tương lai.
Nguồn tham khảo: webmd.com
- Bị thiếu máu não uống thuốc gì?
- Mất ngủ là triệu chứng của bệnh gì?
- Mất ngủ và trầm cảm