Mục lục
- 1. 1. Sắt giúp trẻ phát triển toàn diện
- 2. 2. Vai trò của Axit béo omega-3 trong phát triển trí não
- 3. 3. Chất đạm trong sự phát triển thể chất của trẻ
- 4. 4. Vitamin D giúp trẻ phát triển chiều cao
- 5. 5. Kẽm và chức năng của hệ miễn dịch
- 6. 6. Vai trò của các vitamin và khoáng chất khác giúp trẻ phát triển toàn diện
- 7. Đánh giá
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng để giúp trẻ luôn khỏe mạnh và phát triển toàn diện. Đặc biệt, nền dinh dưỡng khoa học xây dựng từ những năm đầu đời cũng có thể giúp trẻ thiết lập một thói quen ăn uống lành mạnh sau này. Dưới đây là những chất dinh dưỡng thiết yếu giúp trẻ phát triển toàn diện.
1. Sắt giúp trẻ phát triển toàn diện
Sắt là chất dinh dưỡng cần thiết cho sự sống, một phần của hemoglobin (thành phần được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu), giúp máu mang oxy đi khắp cơ thể.
Trong 4-6 tháng đầu tiên, trẻ sơ sinh sẽ có một lượng sắt dự trữ đầy đủ, được tích tụ trong những ngày còn trong tử cung của mẹ. Sau 4-6 tháng đó, nguồn dự trữ sắt dần trở nên cạn kiệt. Lúc này, sữa mẹ và sữa công thức tăng cường chất sắt sẽ giúp cung cấp sắt cho trẻ nhưng có lẽ sẽ không đủ với sự phát triển của trẻ trong giai đoạn này.
Chính vì thế, từ sau 6 tháng, trẻ cần được tập ăn dặm. Đồng thời, cha mẹ cũng cần biết nhu cầu về chất sắt ở trẻ để tìm các loại thực phẩm giàu chất sắt, giúp con hấp thu tốt 11 miligam sắt mỗi ngày từ thức ăn, phòng tránh nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ nhỏ, đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện.
Các nguồn cung cấp chất sắt tốt cho trẻ là thịt đỏ, thịt gia cầm và trứng cũng như các nguồn thực phẩm từ đạm thực vật như đậu, ngũ cốc tăng cường chất sắt, ngũ cốc nguyên hạt, rau bina, bông cải xanh, mơ, mận khô và nho khô.
2. Vai trò của Axit béo omega-3 trong phát triển trí não
Ở con người, bán cầu não phải và bán cầu não trái thực hiện các chức năng khác nhau và 2 bên giao tiếp thông qua các kết nối của mỗi bên. Trong giai đoạn từ khi sinh đến khi trẻ được 3 tuổi, kích thước não bộ sẽ không ngừng phát triển. Do đó, chế độ dinh dưỡng hằng ngày để giúp trẻ phát triển não phải và trái là rất quan trọng.
DHA và EPA, các loại axit béo omega 3 cần thiết cho sự sống nhưng cơ thể con người không thể sản xuất chúng. Điều đó có nghĩa là cơ thể chỉ tiêu thụ chất dinh dưỡng này thông qua chế độ ăn.
Cha mẹ có thể bắt đầu cho trẻ ăn cá nhiều dầu như cá hồi, một nguồn cung cấp chất béo không bão hòa dồi dào từ khi trẻ biết ăn dặm. Trong khi có nhiều loại cá dầu có chứa axit béo omega 3, chúng cũng chứa hàm lượng thủy ngân cao. Đó là lý do tại sao các bác sĩ khuyên dùng cá hồi hơn là các loại cá biển sâu khác do có ít thủy ngân.
Ngoài ra, nguồn axit béo omega 3 để cung cấp cho trẻ phát triển não phải và trái có thể lấy từ trứng gia cầm. Loại thực phẩm này vô cùng phổ biến cũng như dễ chế biến thành nhiều món thơm ngon mà mọi trẻ em đều vô cùng thích thú.
3. Chất đạm trong sự phát triển thể chất của trẻ
Thực phẩm giúp trẻ phát triển chiều cao và cân nặng chính là các loại chứa nhiều chất đạm hay protein. Bởi vì đây thực sự là một phần của mọi tế bào trong cơ thể sử dụng không ngừng để xây dựng, duy trì và sửa chữa các mô cơ thể.
Protein được tạo thành từ các axit amin, đơn vị cấu trúc và chức năng của protein. Một số axit amin này là "thiết yếu", có nghĩa là cơ thể không thể tạo ra chúng. Điều đó có nghĩa là bé cần hấp thụ chúng từ thức ăn, nhu cầu ngày càng tăng lên khi bé vào tuổi tập ăn dặm. Lúc này, có rất nhiều thực phẩm giàu protein mà cha mẹ có thể sử dụng để chế biến bữa ăn cho bé là thịt gia súc, thịt gia cầm, cá, trứng và sữa.
Ngoài ra, bé cũng nên nhận được protein từ các nguồn không phải động vật như các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, cũng như một số loại trái cây và rau quả. Một số túi đựng thức ăn cho trẻ em tập ăn dặm thậm chí còn cung cấp trái cây và ngũ cốc có bổ sung chất đạm, giúp đảm bảo rằng em bé không ngừng được nhận protein từ nhiều nguồn khác nhau, giữ vững vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của bé.
4. Vitamin D giúp trẻ phát triển chiều cao
Mọi cha mẹ đều biết trẻ sơ sinh cần canxi cho sức khỏe của xương nhưng không phải ai cũng biết trẻ cũng cần vitamin D để giúp xương phát triển đúng cách. Hơn nữa, vitamin D cũng rất quan trọng đối với quá trình khoáng hóa xương cũng như khả năng miễn dịch.
Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng nhi khoa luôn khuyến nghị trẻ nên bổ sung 400 IU vitamin D mỗi ngày. Theo đó, trẻ bú sữa mẹ hoặc bú một phần cần bổ sung vitamin D trong khi trẻ bú sữa công thức nhận đủ lượng vitamin D trong sữa công thức. Để có thêm vitamin D bổ sung, bác sĩ nhi khoa có thể chỉ định cho trẻ uống dạng lỏng không kê đơn. Ngoài ra, ánh nắng vẫn luôn là một yếu tố giúp kích thích cơ thể tổng hợp vitamin D trong suốt cuộc đời, vốn đã có tự nhiên trong da trở nên dạng hoạt động trong cơ thể. Tuy vậy, cha mẹ nhớ đừng cho trẻ phơi nắng quá lâu mà không được bảo vệ bằng kem chống nắng.
Đến khi trẻ biết ăn dặm, các loại thực phẩm giúp trẻ phát triển chiều cao do giàu vitamin D cần được cung cấp cho trẻ là các loại cá nhiều dầu, như cá hồi, cá mòi, cá trích và cá thu, thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng, các loại ngũ cốc.
5. Kẽm và chức năng của hệ miễn dịch
Kẽm là một khoáng chất quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của bé vì nó cần thiết để tạo ra protein cũng như DNA. Từ đó, vai trò của kẽm cũng rất quan trọng trong việc duy trì chức năng miễn dịch. Vì vậy, những trẻ thiếu kẽm có thể bị suy giảm tăng trưởng và tăng tính nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng, như viêm đường hô hấp, tiêu chảy tái đi tái lại.
Trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi cần 2 mg kẽm mỗi ngày và trẻ 7 tháng đến 3 tuổi cần khoảng 3 mg kẽm mỗi ngày. Sữa công thức sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu kẽm của trẻ sơ sinh cho đến khi trẻ được 1 tuổi. Tuy nhiên, sau 6 tháng tuổi, điều quan trọng là trẻ bú sữa mẹ phải được làm quen với thực phẩm giàu kẽm để đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Một cách dễ dàng để đảm bảo cung cấp đủ kẽm khuyến nghị cho trẻ là nên bổ sung 2 thìa ngũ cốc tăng cường kẽm hai lần một ngày cùng với thịt xay nhuyễn để chế biến thành bữa ăn cho trẻ.
6. Vai trò của các vitamin và khoáng chất khác giúp trẻ phát triển toàn diện
Vitamin A rất quan trọng cho trẻ để có làn da khỏe mạnh và sự phát triển bình thường, đồng thời nó cũng giúp đảm bảo thị lực cho trẻ, phòng tránh các bệnh về mắt do thiếu vitamin A. Vitamin A có thể được tìm thấy với số lượng phong phú trong các loại rau màu vàng và cam, các sản phẩm từ sữa và gan.
Vitamin B giúp cơ thể sản xuất hồng cầu và hỗ trợ các hoạt động trao đổi chất. Vitamin B có nhiều trong thịt, gia cầm, cá, đậu nành, sữa, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì và ngũ cốc nên sẽ đảm bảo nhu cầu cho trẻ nhỏ nếu được nuôi dưỡng đa dạng các loại thực phẩm.
Vitamin C là sinh tố hỗ trợ cơ thể chữa lành và chống lại nhiễm trùng, đồng thời cũng tăng cường sức mạnh cho mô, cơ và da. Để có liều lượng vitamin C lành mạnh, hãy cho trẻ ăn các loại trái cây họ cam quýt, dâu tây, cà chua, khoai tây, cải bruxen, rau bina và bông cải xanh.
Canxi rất quan trọng cho quá trình mọc răng, sự phát triển cũng như duy trì xương, răng khỏe mạnh. Việc tiêu thụ không đủ lượng canxi trong thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Đồng thời, trẻ cũng đối diện với nguy cơ xương yếu, dễ gãy hay bệnh loãng xương sau này. Do đó, cha mẹ cần chú ý cung cấp đầy đủ lượng canxi cho con đến tuổi dậy thì, được tìm thấy trong sữa ít béo, cá mòi, sữa chua và pho mát hay trong các loại rau như bông cải xanh.
Tóm lại, bên cạnh sữa mẹ hay sữa công thức, thức ăn cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng mà mọi đứa trẻ đều cần để trẻ phát triển toàn diện. Thông thường, trẻ luôn sẵn sàng chuyển sang ăn thức ăn đặc khi được khoảng 6 tháng tuổi. Do đó, với các gợi ý trên đây, cha mẹ có thể lựa chọn các thực phẩm đảm bảo đầy đủ và cân bằng nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo cho trẻ sự tăng trưởng toàn vẹn về thể chất lẫn tinh thần phù hợp theo từng lứa tuổi.
Bên cạnh đó, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
- Zinc Gluconate: Công dụng và liều dùng
- Tác hại của việc tự ý bổ sung kẽm cho trẻ
- Thực phẩm tốt tăng cường năng lượng cho bà mẹ sau sinh