17-01-2024 10:10

Điều trị viêm âm đạo khi mang thai: Những điều cần lưu ý

Điều trị viêm âm đạo khi mang thai: Những điều cần lưu ý

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ Chuyên khoa sản - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Phụ nữ mang thai dễ bị viêm âm đạo bởi sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Bên cạnh đó, vi khuẩn, nấm men, vệ sinh cá nhân không đúng cách cũng là những nguyên nhân gây viêm phụ khoa.

1. Nguyên nhân gây viêm âm đạo khi mang thai

Những nguyên nhân chính gây viêm phụ khoa ở phụ nữ mang thai là:

1.1 Viêm âm đạo do nấm Candida

Âm đạo là nơi cư trú của nấm Candida. Chúng hoàn toàn vô hại nếu độ pH trong môi trường âm đạo ở mức cân bằng. Tuy nhiên, trong thời gian thai nghén, sự tăng giảm nội tiết tố đột ngột trong cơ thể thai phụ làm thay đổi độ pH vùng âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm Candida phát triển và gây bệnh. Tỷ lệ phụ nữ nhiễm nấm âm đạo là khoảng 10 – 75%. Người bệnh thường có biểu hiện ngứa, đau, nóng rát, kích ứng âm hộ và thỉnh thoảng bị khó tiểu.

Việc điều trị viêm âm đạo khi mang thai do nhiễm nấm Candida rất dễ dàng nhưng bệnh dễ tái phát nhiều lần. Do đó, các bà bầu được khuyên nên kiêng cữ, điều trị bệnh dứt điểm trước khi sinh con để tránh lây nhiễm cho bé. Trường hợp mẹ vẫn mắc bệnh thì khi sinh con qua âm đạo, nấm Candida có thể dính vào niêm mạc miệng của trẻ, gây đen miệng hoặc viêm da do nấm. Nguy hiểm hơn, bé bị suy dinh dưỡng trong tử cung hoặc sinh non, sức đề kháng yếu, có thể bị viêm phổi,... do nấm Candida.

Điều trị viêm âm đạo khi mang thai: Những điều cần lưu ý
Nấm Candida là nguyên nhân chính gây viêm âm đạo

1.2 Viêm âm đạo do lậu cầu khuẩn

Lậu cầu khuẩn là nguyên nhân gây viêm phụ khoa có mức độ nguy hiểm khá cao, nhất là đối với phụ nữ mang thai. Nếu thời gian ủ bệnh lâu, người mẹ sẽ có các triệu chứng như tiểu gắt, nước tiểu đục, kèm theo mủ, ra nhiều huyết trắng nặng mùi và bị đau vùng bụng dưới. Viêm âm đạo khi mang thai do lậu cầu khuẩn nếu không được điều trị dứt điểm sẽ tác động xấu tới thai nhi: tăng nguy cơ sinh non, gây viêm màng ối, vỡ ối, suy dinh dưỡng bào thai nên trẻ sinh ra sẽ nhẹ cân,... Bên cạnh đó, khuẩn lậu còn dễ lây nhiễm cho bé trong quá trình sinh thường. Vi khuẩn lậu từ dịch tiết ở đường sinh dục có thể xâm nhập vào mắt bé, gây sung huyết, có nhiều mủ vàng, làm giảm thị lực và thậm chí dẫn tới mù lòa.

1.3 Viêm âm đạo do vi khuẩn Bacterial Vaginosis

Bệnh viêm phụ khoa do vi khuẩn Bacterial Vaginosis xảy ra khi các vi khuẩn tự nhiên sống trong âm đạo phát triển quá mức trong thai kỳ do sự thay đổi của hormone. Người nhiễm bệnh sẽ có những triệu chứng như: tiết dịch âm đạo chuyển sang màu xám, có mùi hôi tanh. Bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng thai kỳ nguy hiểm như vỡ màng ối sớm, nhiễm trùng nước ối, tăng nguy cơ sảy thai khi thai nhi lớn, tăng nguy cơ sinh non, trẻ sinh ra bị nhẹ cân, người mẹ bị viêm màng tử cung sau sinh,...

Điều trị viêm âm đạo khi mang thai: Những điều cần lưu ý
Vi khuẩn Bacterial Vaginosis gây viêm phụ khoa

2. Cách điều trị viêm âm đạo khi mang thai

Triệu chứng viêm nhiễm âm đạo khi mang thai thường không rõ ràng nên nhiều thai phụ bị nhầm lẫn với những biểu hiện bình thường của thai kỳ. Do vậy, để có kết quả tốt nhất thì bà bầu nên khám thai định kỳ, nếu có dấu hiệu bị viêm âm đạo sẽ được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.

Thông thường, các bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc bôi tại chỗ hoặc viên đặt phụ khoa để làm giảm các triệu chứng của bệnh. Các thuốc nhóm imidazol tác dụng tại chỗ là lựa chọn cho phụ nữ mang thai. Khoảng thời gian điều trị là 7- 14 ngày. Bác sĩ sẽ chỉ định, hướng dẫn bà bầu sử dụng Miconazol và Clotrimazol cho phù hợp:

Điều trị viêm âm đạo khi mang thai: Những điều cần lưu ý
Sử dụng thuốc đặt âm đạo đúng theo khuyến cáo của bác sĩ
  • Miconazol dạng đặt âm đạo ít được hấp thu qua đường toàn thân nên không gây hại cho sức khỏe của người mẹ và thai nhi ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Miconazol viên đặt âm đạo 100mg hoặc kem bôi âm đạo 2% thích hợp sử dụng cho một đợt điều trị 7 ngày ở phụ nữ mang thai.
  • Clotrimazole dạng đặt âm đạo không gây hại cho thai nhi ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Kem bôi âm đạo Clotrimazol 2% thường được chỉ định dùng trong 7 ngày cho phụ nữ mang thai. Các trường hợp viêm âm đạo tái phát có thể được điều trị trong 14 ngày.

Lưu ý: Việc sử dụng thuốc ở thời điểm khi đang mang thai khá nhạy cảm nên thai phụ không được tự ý dùng thuốc mà cần phải tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Nguyên tắc phòng tránh, hỗ trợ hiệu quả khi điều trị viêm âm đạo khi mang thai:

  • Nên vệ sinh vùng kín đúng cách, không thụt rửa quá sâu vào bên trong âm đạo.
  • Nên chọn đồ lót làm từ chất liệu thoáng mát, có khả năng thấm hút tốt.
  • Tránh dùng các loại dung dịch vệ sinh, xà phòng có hoạt tính tẩy rửa quá mạnh.
  • Hạn chế ăn nhiều đường, đồ ngọt,... vì chúng làm tăng lượng bài tiết ở âm đạo.
  • Ăn nhiều sữa chua vì loại thực phẩm này có công dụng ngăn ngừa viêm phụ khoa hiệu quả.
  • Khi bị viêm phụ khoa nên tránh quan hệ vợ chồng.

Nếu được phát hiện, điều trị kịp thời, viêm âm đạo khi mang thai sẽ không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và bé. Vì vậy, nếu có biểu hiện đau, ngứa rát,... vùng âm đạo, nghi ngờ viêm nhiễm phụ khoa, phụ nữ nên đi khám để được chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời.

XEM THÊM:
  • Viêm âm đạo có bị ảnh hưởng đến thai nhi không?
  • Nấm âm đạo khi mang thai điều trị như thế nào?
  • Ngứa âm đạo kèm ra huyết trắng vón như bã đậu biểu hiện bệnh gì?

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan