Mục lục
Bài viết của Bác sĩ Hồ Thị Anh Thư - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Mục tiêu của việc điều trị trẻ chậm tăng cân là cung cấp cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng để "bắt kịp" cân nặng bình thường. Để làm được điều này cha mẹ cần thay đổi chế độ ăn uống, lịch trình cho ăn hoặc môi trường nuôi dưỡng của trẻ. Người chăm sóc và bác sĩ làm việc cùng nhau để phát triển một kế hoạch đáp ứng nhu cầu của cả trẻ và gia đình.
1. Các phương pháp điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân của việc trẻ tăng cân cân kém
Hầu hết trẻ suy dinh dưỡng từ nhẹ đến trung bình có thể được quản lý tại nhà với sự giúp đỡ của nhóm chăm sóc trẻ và trong một số trường hợp, cần phối hợp các chuyên khoa khác nhau (ví dụ: chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ, nhân viên xã hội, y tá, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia can thiệp sớm phát triển hành vi, nhân viên chăm sóc trẻ em, bác sĩ tâm thần).
Trẻ suy dinh dưỡng nặng thường cần được nhập viện. Khi ở bệnh viện, chế độ ăn uống và cân nặng của trẻ có thể được theo dõi chặt chẽ.
2. Liệu pháp dinh dưỡng
Liệu pháp dinh dưỡng là phương pháp điều trị chính cho trẻ tăng cân kém. Mục tiêu của liệu pháp dinh dưỡng là giúp trẻ “bắt kịp” tăng cân, thường gấp 2-3 lần tốc độ tăng cân bình thường ở độ tuổi của trẻ. Cách tốt nhất để tính lượng khẩu phần (đo bằng calo) phụ thuộc vào tuổi và tình trạng dinh dưỡng của trẻ, các khuyến nghị cá nhân nên được xác định bởi bác sĩ lâm sàng hoặc chuyên gia dinh dưỡng chăm sóc sức khỏe của trẻ. Một số trường hợp có thể khuyến nghị dùng một loại thuốc bổ sung vitamin tổng hợp.
Đối với trẻ sơ sinh năng lượng trong sữa mẹ có thể được tăng lên bằng cách hút sữa mẹ, pha thêm một lượng bột công thức hoặc chất lỏng cô đặc đã xác định trước. Sự kết hợp này được gọi là sữa mẹ tăng cường. Để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh, việc điều trị này nên được thực hiện với sự giám sát của bác sĩ lâm sàng hoặc chuyên gia dinh dưỡng chăm sóc sức khỏe.
Có thể tăng số lượng calo trong sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh bằng cách thêm ít nước vào bột hoặc cô đặc lỏng hoặc bằng cách thêm chất bổ sung calo, chẳng hạn như maltodextrin hoặc dầu ngô. Để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh, việc điều trị trẻ chậm tăng cân nên được thực hiện với sự giám sát của bác sĩ chăm sóc sức khỏe hoặc chuyên gia dinh dưỡng.
Sữa có nguồn gốc thực vật (ví dụ: đậu nành, hạnh nhân, gạo, dừa, v.v.) không thích hợp cho trẻ sơ sinh. Ngoại trừ sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh làm từ đậu nành, sữa có nguồn gốc thực vật bị thiếu protein, canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng khác.
Trẻ sơ sinh từ 0 đến 4 tháng cần bú thường xuyên, thường là 8 đến 12 cữ mỗi ngày, trẻ sơ sinh lớn hơn thường bú khoảng 4 đến 6 lần bú mỗi ngày. Ở trẻ lớn hơn, năng lượng khẩu phần ăn vào (đo bằng calo) có thể được tăng lên bằng cách thêm ngũ cốc gạo hoặc bột công thức vào thức ăn xay nhuyễn.
Đối với trẻ lớn hơn năng lượng khẩu phần ăn (tính bằng calo) có thể được tăng lên bằng cách thêm pho mát, bơ hoặc kem chua vào rau, hoặc bằng cách sử dụng đồ uống sữa giàu calo thay vì sữa nguyên chất.
Các lựa chọn thay thế sữa dành cho trẻ tăng cân kém không thể dung nạp sữa từ sữa (tức là sữa từ động vật, thường là bò và dê). Các lựa chọn thay thế sữa non dairy không phải là "sữa", mà là các chất chiết xuất từ các nguồn thực vật. Các loại sữa thay thế phổ biến bao gồm sữa đậu nành, hạnh nhân, gạo, dừa và cây gai dầu. Các lựa chọn thay thế các loại sữa bao gồm quinoa, yến mạch, khoai tây và sữa ngũ cốc hỗn hợp. Sữa đậu nành có thành phần dinh dưỡng gần giống sữa bò nhất. Nó thường được tăng cường canxi và vitamin D. Các loại sữa làm từ thực vật khác thường có hàm lượng protein, canxi, vitamin D và năng lượng thấp hơn sữa bò hoặc sữa đậu nành. Chúng cũng thiếu các vitamin, khoáng chất và axit béo khác có trong sữa bò. Nếu sữa thay thế là cần thiết cho trẻ tăng cân kém thì phải lựa chọn sữa thay thế phù hợp để cung cấp các chất dinh dưỡng bị thiếu.
Sữa chua là một lựa chọn bổ dưỡng để điều trị trẻ chậm tăng cân nhưng điều quan trọng là phải đọc nhãn thông tin dinh dưỡng để đảm bảo rằng nó có nhiều calo, protein và canxi. Ngày càng có nhiều sản phẩm sữa chua và thành phần dinh dưỡng rất khác nhau. Sữa chua Hy Lạp là một lựa chọn tốt vì có thể chứa gấp đôi lượng protein và calo so với sữa chua thông thường. Nên tránh sữa chua ít béo và không béo.
Trong quá trình bắt kịp tăng trưởng, lượng năng lượng (được đo bằng calo) và protein mà một đứa trẻ ăn vào quan trọng hơn so với sự đa dạng của các loại thức ăn. Ví dụ, nếu một đứa trẻ sẵn sàng ăn gà và bánh pizza, nhưng lại từ chối tất cả các loại rau, điều này có thể chấp nhận được. Vào bữa chính và bữa ăn nhẹ, nên cho trẻ ăn thức ăn đặc trước thức ăn lỏng. Nước ép trái cây nên được giới hạn dưới 120ml nước trái cây 100% không đường mỗi ngày.
Trẻ lớn hơn nên ăn thường xuyên (hai đến ba giờ một lần, nhưng không liên tục). Trẻ nên ăn ba bữa chính và ba bữa phụ theo một lịch trình nhất quán. Bữa ăn nhẹ nên được sắp xếp theo thời gian để trẻ không bị mất cảm giác thèm ăn (ví dụ: thời gian ăn nhẹ không nên diễn ra trong vòng một giờ sau bữa ăn, không nên cho trẻ ăn vặt ngay sau bữa ăn chính chưa ăn xong). Ví dụ về đồ ăn nhẹ lành mạnh bao gồm bánh quy giòn, bơ đậu phộng, pho mát, trứng luộc chín, bánh pudding, sữa chua, trái cây hoặc rau tươi hoặc bánh quy. Trong một số trường hợp, có thể khuyến nghị dùng một loại thuốc bổ sung đa sinh tố và khoáng chất.
3. Cần chú ý đến môi trường sống và cách ăn uống
Những thay đổi đối với khu vực nơi trẻ ăn có thể giúp trẻ ăn nhiều hơn. Tất cả các thành viên trong gia đình của trẻ nên nhận thức được tầm quan trọng của những thay đổi này.
- Nên đặt trẻ ngồi với tư thế giữ cổ vững và trẻ thấy thoải mái. Trẻ phải được phép tự xúc ăn (ví dụ như cầm bình hoặc ăn thức ăn bằng ngón tay) nhưng có thể cho trẻ ăn thức ăn mềm bằng thìa. Sẽ có một số sự lộn xộn nhất định khi đứa trẻ học cách tự xúc ăn.
- Nên giảm thiểu các yếu tố gây xao nhãng trong giờ ăn, chẳng hạn như tivi, điện thoại và âm nhạc.
- Thực hiện nhất quán giờ ăn, bất kể ai cho trẻ ăn.
- Giờ ăn nên thoải mái và mang tính xã hội, khuyến khích ăn uống với các thành viên khác trong gia đình và trò chuyện vui vẻ (không liên quan đến việc trẻ ăn bao nhiêu). Ăn cùng với người khác cho phép đứa trẻ quan sát cách người khác lựa chọn thực phẩm, hy vọng sẽ khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh.
- Đừng nản lòng nếu trẻ từ chối thức ăn mới. Thực phẩm mới có thể cần được cung cấp nhiều lần (thậm chí lên đến 10 hoặc nhiều hơn) trước khi chúng được chấp nhận. Đối với những trẻ bị cứng nhắc về hành vi (ví dụ như trẻ mắc chứng tự kỷ), thức ăn mới có thể cần được trình bày tới 30 lần trước khi trẻ chấp nhận ăn chúng. Giờ ăn không nên tranh giành ăn uống, người chăm sóc nên khuyến khích, nhưng không ép trẻ ăn, thực phẩm không nên xem như một hình phạt. Ngoài ra, thức ăn không nên được cung cấp như một phần thưởng.
- Nên khen trẻ khi trẻ ăn tốt nhưng không được phạt khi trẻ không ăn.
- Trong một vài trường hợp cách điều trị trẻ chậm tăng cân có thể phải cần đến việc sử dụng thuốc.
Trẻ em có bệnh lý tiềm ẩn hạn chế tăng cân thường được quản lý bởi bác sĩ lâm sàng (ví dụ: bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gia đình). Đôi khi, bác sĩ chuyên khoa có thể cần được tư vấn (ví dụ: bác sĩ dị ứng / bác sĩ miễn dịch cho trẻ bị dị ứng thực phẩm, bác sĩ tiêu hóa cho trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn dinh dưỡng). Các bác sĩ chuyên khoa này có thể cung cấp hướng dẫn về sự cần thiết phải loại bỏ một số loại thực phẩm bị dị ứng. Không nên loại bỏ các loại thực phẩm và nhóm thực phẩm (ví dụ, các sản phẩm từ sữa) mà không có lời khuyên của bác sĩ vì điều này có thể làm tăng thêm nguy cơ suy dinh dưỡng của trẻ.
Trẻ em bị suy dinh dưỡng có nguy cơ bị các biến chứng, bao gồm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng thông thường. Các phương pháp phòng ngừa lây nhiễm thông thường, chẳng hạn như rửa tay và tránh tiếp xúc với bạn bè hoặc gia đình bị bệnh, được khuyến khích. Tuy nhiên, thông thường không cần thiết phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa bổ sung (ví dụ, bằng cách ngăn cản đứa trẻ đi học). Trẻ cần tiếp tục tiêm chủng đúng lịch.
4. Điều trị hành vi và phát triển ở trẻ
Các vấn đề về phát triển và hành vi có thể làm tăng nguy cơ nhẹ cân của trẻ. Ví dụ, trẻ em gặp khó khăn khi nhai hoặc nuốt thức ăn có thể không tiêu thụ đủ lượng thức ăn. Tại Hoa Kỳ, các chương trình can thiệp sớm có thể cung cấp sự kích thích phát triển khi cần thiết. Một số trẻ em cũng được lợi khi gặp bác sĩ nhi khoa phát triển hành vi hoặc nhà tâm lý học hành vi để được hỗ trợ thêm. Các bác sĩ lâm sàng này được đào tạo chuyên môn về các khía cạnh y tế, tâm lý và xã hội của các vấn đề về hành vi và phát triển ở trẻ em.
Các vấn đề tâm lý xã hội, trong một số tình huống, việc trẻ tăng cân kém có liên quan đến các vấn đề trong gia đình, chẳng hạn như không có đủ lượng thức ăn trong nhà, lo ngại của người chăm sóc về việc cho trẻ ăn một số loại thức ăn (ví dụ: thức ăn có chất béo), hoặc các vấn đề y tế hoặc tâm thần ở những người chăm sóc (ví dụ: lạm dụng rượu / ma túy).
Trong những tình huống này, điều trị bao gồm các biện pháp cải thiện điều kiện tại nhằm, đảm bảo rằng có đủ thức ăn cho tất cả các thành viên trong gia đình và giáo dục những người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đầy đủ.
Trẻ nhẹ cân thường được bác sĩ khám định kỳ sau khi bắt đầu điều trị, tần suất thăm khám (hàng tuần đến hàng tháng) tùy thuộc vào tình trạng mỗi bé. Trong những lần thăm khám này, trẻ sẽ được cân và đo, và bác sĩ lâm sàng sẽ nói chuyện với người chăm sóc (và đứa trẻ, nếu có) về bất kỳ câu hỏi hoặc mối quan tâm. Những lần thăm khám thường xuyên này thường được tiếp tục cho đến khi cân nặng của trẻ gần bình thường và tăng đều đặn. Nếu trẻ có thể hấp thụ đủ lượng calo, quá trình tăng cân bắt kịp thường hoàn tất trong vòng ba đến sáu tháng.
Nhiều người chăm sóc trẻ thắc mắc rằng tình trạng tăng cân kém sẽ ảnh hưởng đến chiều cao và cân nặng của trẻ khi trưởng thành. Kích thước của một đứa trẻ khi trưởng thành phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm di truyền, độ tuổi mà đứa trẻ bị nhẹ cân (ví dụ: khi còn nhỏ nặng hơn so với trẻ mới biết đi), mức độ nghiêm trọng và thời gian suy dinh dưỡng, bệnh lý kèm theo và mức tăng trưởng cân nặng sau can thiệp.
Khi đã biết cách điều trị chậm tăng cân, cha mẹ có thể tham khảo và cân nhắc để điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, lối sống để trẻ được phát triển một cách toàn diện nhất.
- Vì sao trẻ vẫn có thể mắc bệnh dù đã tiêm vắc-xin?
- Trẻ tiêm thừa 1 mũi vắc-xin 5in1 có sao không?
- Trẻ sau khi bị sốt co giật có tiêm lại được vaccine không?