17-01-2024 11:44

Điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng: Không vội vã

Điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng: Không vội vã

Dinh dưỡng là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của trẻ. Trẻ em bị suy dinh dưỡng sẽ không thể phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ. Điều trị suy dinh dưỡng là quá trình lâu dài, không nên vội vã mà cần kiên nhẫn để cải thiện nguồn dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ.

1. Hậu quả của tình trạng suy dinh dưỡng đối với trẻ em

Suy dinh dưỡng trẻ em là tình trạng trẻ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển, làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, sức đề kháng và các hoạt động bình thường của cơ thể.

Thông thường, trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ có biểu hiện gầy ốm, nhẹ cân, tầm vóc nhỏ bé hơn nhiều so với các trẻ khác và có chiều cao cũng như cân nặng đều ở dưới mức tiêu chuẩn theo từng độ tuổi. Ngoài ra, trẻ em bị suy dinh dưỡng còn có một số dấu hiệu như da nhợt nhạt kém hồng hào, tóc mọc thưa, lớp mỡ dưới da giảm, trẻ chậm chạp. Bên cạnh đó, đi kèm với tình trạng suy dinh dưỡng thì trẻ cũng thường hay biếng ăn, rối loạn tiêu hoá, kém hấp thu chất dinh dưỡng, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa và đường hô hấp.

Nếu không được nhận biết và kịp thời điều trị suy dinh dưỡng, sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến các vấn đề sức khỏe về thể chất, tinh thần, trí tuệ cũng như các chức năng khác của cơ thể. Cụ thể:

  • Suy dinh dưỡng ảnh hưởng đến hệ miễn dịch

Thiếu các chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt, kẽm và vitamin gây nên tình trạng suy dinh dưỡng làm cho hệ miễn dịch của trẻ suy yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng đường ruột. Thậm chí, suy giảm miễn dịch do suy dinh dưỡng ở trẻ em còn gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, đe dọa đến tính mạng của trẻ.

  • Ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng

Trẻ suy dinh dưỡng dễ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, khiến cơ thể không hấp thu được các chất dinh dưỡng. Do đó, trẻ càng thiếu các chất dinh dưỡng hơn nữa, làm chậm quá trình tăng trưởng của trẻ.

  • Gây ra những vấn đề sức khỏe khác

Thiếu một số dưỡng chất quan trọng, đặc biệt là vi chất dinh dưỡng có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Ví dụ, thiếu sắt sẽ làm cho trẻ bị thiếu máu thiếu sắt, thiếu kẽm và magie khiến trẻ ngày càng biếng ăn. Thiếu canxi làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xương, răng. Thiếu protein gây sưng phù, chậm lành vết thương và gây ra các vấn đề sức khỏe lâu dài. Chế độ ăn thiếu chất béo làm giảm hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A và D. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chức năng thị giác của trẻ.

  • Ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan trong cơ thể

Suy dinh dưỡng làm cho hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bị rối loạn. Tim gan, thận là các cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

  • Ảnh hưởng đến tinh thần và sự phát triển trí não

Trẻ em bị suy dinh dưỡng kéo dài có thể ảnh hưởng đến tinh thần và sự phát triển trí não. Các tình trạng có thể gặp như: Chậm phát triển trí não giảm IQ, thiểu năng trí tuệ, giảm khả năng chú ý, trí nhớ kém không có khả năng đưa ra cách giải quyết vấn đề, gặp vấn đề về ngôn ngữ ảnh hưởng đến thần kinh, ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội như kỹ năng giao tiếp và hòa nhập cộng đồng.

Điều trị suy dinh dưỡng cần thực hiện kiên trì bằng cách cải thiện chế độ dinh dưỡng
Điều trị suy dinh dưỡng cần thực hiện kiên trì bằng cách cải thiện chế độ dinh dưỡng

2. Điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em

Chữa suy dinh dưỡng ở trẻ em là quá trình lâu dài, không nên vội vã mà cần kiên nhẫn để cải thiện nguồn dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ. Điều quan trọng là phải biết được nguyên nhân làm cho trẻ bị suy dinh dưỡng mới có thể điều trị suy dinh dưỡng hiệu quả. Nhìn chung, cách điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng cần dựa trên một số nguyên tắc sau:

2.1. Lưu ý đến chế độ ăn hằng ngày của trẻ để có phương pháp điều chỉnh

Mục đích chính của việc quan tâm đến chế độ ăn hằng ngày nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển. Ngoài ra, điều này còn giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch.

  • Đối với trẻ còn bú sữa mẹ, cần xây dựng chế độ ăn lấy sữa mẹ làm trung tâm. Trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong ít nhất 6 tháng đầu đời và kéo dài đến 2 tuổi. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng an toàn và tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, vì sữa mẹ có thành phần sữa non (colostrum) giúp tăng sức đề kháng và giúp trẻ phát triển khỏe mạnh.
  • Đối với trẻ đã cai sữa sau 1 tuổi, bên cạnh việc uống sữa nên cho trẻ ăn các bữa ăn chính với thành phần đảm bảo đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng quan trọng là chất đạm, đường bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
  • Ngoài các bữa chính, trẻ suy dinh dưỡng nên được bổ sung thêm các bữa ăn phụ như sữa chua, phô mai, váng sữa, trái cây,....
  • Đối với trẻ biếng ăn, nên chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa để trẻ dễ hấp thu cũng như không tạo áp lực cho trẻ khi bị thúc ép ăn quá nhiều.
  • Sắp xếp phân bố thời gian ăn uống hợp lý. Các bữa chính và phụ xen kẽ nhau, cách nhau khoảng 3 -4 giờ.
  • Các món ăn cần đa dạng, thường xuyên đổi món để tránh nhàm chán. Cần biết sở thích ăn uống của trẻ và trình bày món ăn bắt mắt, nhiều màu sắc để thu hút trẻ.
  • Chế biến thức ăn phù hợp với từng độ tuổi của trẻ, khả năng nhai nuốt để giúp trẻ dễ tiêu hoá và hấp thu các chất dinh dưỡng hơn.
  • Hạn chế mua thức ăn nấu sẵn, không nên cho trẻ ăn thức ăn nhanh, bánh kẹo, nước ngọt,... nhất là trước các bữa ăn.
  • Khi trẻ đến tuổi dậy thì, nhu cầu của cơ thể về năng lượng, protein và canxi tăng lên. Bố mẹ cần cung cấp cho trẻ những bữa ăn giàu năng lượng, giàu chất chất dinh dưỡng nhất là protein, các loại vitamin và khoáng chất.
  • Nếu việc thay đổi chế độ ăn không cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, bố mẹ nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng ở các bệnh viện hoặc trung tâm có chuyên khoa dinh dưỡng riêng.

2.2. Đảm bảo cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu

4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu sẽ cung cấp cho cơ thể các dưỡng chất, vi khoáng chất, năng lượng, hỗ trợ quá trình tăng trưởng và giúp tăng cường hệ miễn dịch.

  • Chất đường bột (carbohydrate) cung cấp năng lượng cho não bộ và cơ thể. Chất đường bột có trong gạo, khoai, bắp, ngũ cốc nguyên hạt,... Nếu không cung cấp đủ chất đường bột, cơ thể sẽ không thể chuyển hoá chúng thành axit béo. Điều này khiến cho cơ thể sử dụng nguồn protein dự trữ để sinh năng lượng, làm mất đi những protein cần thiết và cơ thể trẻ trở nên gầy gò. 1 gram chất đường bột cung cấp 4kcal năng lượng. Nhu cầu chất đường bột thay đổi theo từng độ tuổi.
  • Chất đạm (Protein) là chất dinh dưỡng không thể thiếu trong quá trình phát triển của cơ thể. Protein tham gia vào hình thành tế bào, hỗ trợ tổng hợp và kích thích bài tiết nhiều hormone và enzyme, giúp tăng cường hệ miễn dịch, đóng vai trò quan trọng cho sự cân bằng axit và bazơ để điều chỉnh độ pH. Giống như chất đường bột, 1 gram protein cung cấp. Năng lượng này dùng để duy trì quá trình trao đổi chất và giúp tăng cường hoạt động của thận và gan. Protein có chứa nhiều trong các thực phẩm như thịt, cá, sữa, trứng, tôm, cua, đậu
  • Chất béo là nguồn năng lượng dồi dào, 1 gram chất béo cung cấp cho cơ thể khoảng 9 kcal năng lượng. Do đó, cơ thể chỉ cần một lượng chất béo nhất định, nếu dư thừa có thể có hại cho cơ thể. Chất béo thúc đẩy sự phát triển của tế bào, duy trì nhiệt độ cơ thể, giúp da và tóc chắc khỏe. Ngoài ra, chất béo còn giúp cơ thể hấp thu các vitamin tan trong dầu như vitamin A, E, D, và K. Chất béo có thể lấy từ mỡ động vật (heo, cá,..) hoặc dầu thực vật (đậu phộng, oliu, mè).
  • Các loại vitamin và khoáng chất còn được gọi là các vi chất dinh dưỡng. Các vi dưỡng chất này giúp duy trì chức năng của các cơ quan, tạo điều kiện cho quá trình trao đổi chất diễn ra và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, nó còn giúp cho hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng và tăng cường sức đề kháng để trẻ chống lại bệnh tật. Vitamin và khoáng chất được cung cấp từ các loại rau củ quả trái cây.
Cách điều trị trẻ bị suy dinh dưỡng
Để điều trị suy dinh dưỡng hiệu quả cần tìm hiểu nguyên nhân gây suy dinh dưỡng là gì

2.3. Tiêm chủng

Cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để tăng cường hệ miễn dịch khỏe mạnh. Tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch giúp cơ thể của trẻ kích thích sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu, từ đó tăng cường sức đề kháng, phòng ngừa các bệnh nguy hiểm.

Đặc biệt, tiêm vắc-xin rất quan trọng vì nó không chỉ bảo vệ người được tiêm vắc-xin mà còn giúp ngăn ngừa bệnh không lây lan sang người khác, như thành viên trong gia đình, hàng xóm, bạn cùng lớp và các thành viên khác trong cộng đồng.

2.4. Vận động

Trẻ nên tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Tập thể dục giúp cho quá trình trao đổi chất diễn ra và bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, các hoạt động ngoài trời như bơi lội, đạp xe, đá banh, bóng rổ cũng có ích cho trẻ để cải thiện sức khỏe.

Tóm lại, điều trị suy dinh dưỡng ở trẻ em là quá trình lâu dài, không nên vội vã mà cần kiên nhẫn để cải thiện nguồn dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ. Điều quan trọng là phải điều chỉnh chế độ ăn phù hợp, cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu, tiêm chủng đầy đủ, cho bé vận động thích hợp để điều trị hiệu quả.

Bé cũng cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt cũng như ít gặp các vấn đề tiêu hóa. Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.

XEM THÊM:
  • Thế nào là suy dinh dưỡng?
  • Công dụng thuốc Marinusa
  • Kẽm: Mọi thứ bạn cần biết

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan