Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Vũ Tấn Phúc - Khoa Khám bệnh & nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc .
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng không hiếm gặp ở phụ nữ mang thai, gây đến nhiều phiền toái, khó chịu và ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi. Điều trị trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai chủ yếu là thay đổi thói quen sống và ăn uống khoa học.
1. Điều trị bằng thay đổi lối sống
Phương pháp chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai bằng thay đổi lối sống luôn được ưu tiên sử dụng để làm giảm triệu chứng khó chịu của bệnh, đồng thời không gây ảnh hưởng xấu, tác động đến sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, việc thay đổi lối sống này cần thực hiện kiên trì, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời thường xuyên báo cáo triệu chứng bệnh để kịp thời có can thiệp nếu cần thiết.
Thay đổi lối sống theo các bước sau:
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, không ăn quá no.
- Ăn chậm, nhai kỹ.
- Tránh ăn các đồ chiên, cay nóng, giàu chất béo, trái cây chứa nhiều vitamin C, thuốc lá, rượu bia... hoặc bất cứ thực phẩm nào có thể làm giãn cơ thắt thực quản dưới, tăng nguy cơ ợ nóng.
- Uống ít nước trong khi ăn, nên uống nước vào giữa các bữa ăn.
- Giữ tư thế đứng ít nhất 3 tiếng sau ăn.
- Đi bộ giúp mẹ bầu vận động và có thể tiêu hóa tốt hơn.
- Chỉ nằm sau khi ăn được hơn 2 giờ, nằm cao đầu hoặc đặt gối dưới vai để ngăn chặn acid dạ dày trào ngược. Ngoài ra, nằm nghiêng sang bên trái cũng giúp thực quản cao hơn dạ dày, giúp hạn chế được chứng trào ngược.
- Mặc quần áo rộng, thoải mái vì quần áo bó sát có thể làm tăng áp lực lên dạ dày.
- Duy trì cân nặng phù hợp trong thai kỳ.
- Nên ăn sữa chua hoặc uống một ly sữa để giảm triệu chứng trào ngược tức thì, ngoài ra uống một ít mật ong pha với trà hoa cúc cũng có hiệu quả tương tự.
- Ăn nhiều rau giúp tránh táo bón.
2. Các phương pháp điều trị khác
Nếu trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai có triệu chứng nặng, bác sĩ có thể chỉ định cho phép sử dụng các thuốc điều trị giảm triệu chứng trào ngược. Các thuốc này có thể giúp sản phụ hạn chế tình trạng trào ngược, tuy nhiên cần đảm bảo không gây tác dụng phụ tới thai nhi hoặc có thể kiểm soát.
Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị trào ngược dạ dày thực quản không được tự ý sử dụng thuốc điều trị bệnh hoặc dùng thuốc dân gian theo lời mách bảo. Sử dụng thuốc điều trị trong giai đoạn mang thai cần hết sức cẩn trọng vì có thể gây nguy hiểm đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi.
Ngoài ra, cũng có một số lựa chọn khác cho chữa bệnh trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai như châm cứu, tập yoga hay phẫu thuật để cải thiện tình trạng bệnh. Trước khi lựa chọn phương pháp điều trị nào, sản phụ cũng cần nên trao đổi với bác sĩ khám bệnh để có tư vấn phù hợp.
Trào ngược dạ dày thực quản ở phụ nữ mang thai dù không quá nguy hiểm song gây nhiều khó chịu, ảnh hưởng sức khỏe của mẹ và thai nhi. Do đó, khi có dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản, sản phụ nên sớm đến cơ sở y tế uy tín để được tư vấn điều trị.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của nhiều người trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản nhờ hệ thống trang thiết bị hiện đại, chất lượng phục vụ chuyên nghiệp, đặc biệt là có đội ngũ bác sĩ, chuyên gia y tế chuyên môn cao. Trong đó, Thạc sĩ. Bác sĩ Vũ Tấn Phúc là bác sĩ tiêu hóa giỏi tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, có kinh nghiệm thực hiện điều trị cho nhiều đối tượng mắc bệnh trào ngược dạ dày – thực quản, trong đó có cả phụ nữ mang thai.
Bác sĩ Vũ Tấn Phúc không chỉ được biết đến nhờ tay nghề chuyên môn cao, kinh nghiệm dày dặn với gần 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nội soi - Nội tiêu hóa – Gan mật tụy, mà còn nhờ sự tận tâm, hết lòng vì bệnh nhân trong quá trình khám chữa bệnh.
>>Xem thêm: Ho kéo dài – Coi chừng nguyên nhân do trào ngược dạ dày thực quản – Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
- Ợ nóng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Sự bài tiết và hoạt động của axit dạ dày
- Bị bệnh xơ cứng bì nên ăn gì?