Mục lục
Rối loạn cương dương (erectile dysfunction) là tình trạng nam giới không thể hoặc không giữ được sự cương cứng đủ để quan hệ tình dục. Thường xuyên bị rối loạn cương dương có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe cần được điều trị. Vậy có những phương pháp nào để điều trị rối loạn cương dương?
1. Rối loạn cương dương là gì?
Rối loạn cương dương (Erectile dysfunction) là tình trạng nam giới không thể hoặc không giữ được sự cương cứng đủ lâu để quan hệ tình dục. Đôi khi, nó được gọi là bất lực, tuy nhiên thuật ngữ này hiện nay ít được sử dụng.
Thỉnh thoảng rối loạn cương dương có thể xảy ra ở nam giới, đặc biệt là khi bị căng thẳng quá mức, tuy nhiên, nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên thì cần phải được điều trị.
Khi một người đàn ông bị kích thích tình dục, các cơ ở dương vật sẽ giãn ra cho phép tăng lưu lượng máu qua các động mạch dương vật, lấp đầy các khoang bên trong dương vật. Khi các khoang đầy máu, dương vật sẽ cương cứng và điều này sẽ kết thúc khi các cơ co lại. Lúc đó, máu tích tụ có thể chảy ra ngoài qua các tĩnh mạch dương vật.
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra rối loạn cương dương, có thể bao gồm cả cảm xúc và thể chất. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Bệnh tim mạch
- Bệnh tiểu đường
- Tăng huyết áp
- Cholesterol máu cao
- Béo phì
- Nồng độ testosterone thấp hoặc mất cân bằng các hormone sinh dục
- Bệnh thận
- Căng thẳng, lo âu, phiền muộn
- Vấn đề tâm lý tình cảm
- Một số loại thuốc theo đơn như các thuốc điều trị tăng huyết áp hoặc trầm cảm
- Rối loạn giấc ngủ
- Sử dụng ma túy hoặc uống quá nhiều rượu, bia, thuốc lá
- Một số bệnh lý như bệnh Parkinson hoặc bệnh đa xơ cứng
- Bị tổn thương ở vùng chậu sau chấn thương hoặc phẫu thuật
- Bệnh Peyronie (dương vật cong) - gây ra mô sẹo bên trong dương vật.
2. Các phương pháp nào để điều trị rối loạn cương dương?
Có nhiều phương pháp điều trị rối loạn cương dương phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ có thể dụng kết hợp nhiều phương pháp điều trị, bao gồm cả dùng thuốc hoặc điều trị tâm lý. Một số phương pháp điều trị rối loạn cương dương phổ biến hiện nay là:
- Thuốc: sildenafil (Viagra) và tadalafil (Cialis).
- Thay đổi lối sống: bỏ thuốc lá, thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục đầy đủ có thể giúp chống lại rối loạn cương dương.
- Tư vấn: nếu các vấn đề tâm lý, chẳng hạn như lo lắng, căng thẳng hoặc các vấn đề trong mối quan hệ gây ra rối loạn cương dương, thì việc trao đổi với bác sĩ trị liệu tâm lý có thể hữu ích.
- Điều trị các tình trạng sức khỏe tiềm ẩn: các tình trạng sức khỏe như bệnh tim, huyết áp cao và tiểu đường có thể góp phần vào rối loạn cương dương.
- Điều trị bằng sóng xung kích.
Xem thêm: Các tác dụng phụ của thuốc Viagra
3. Phương pháp điều trị bằng sóng xung kích là gì?
Có nhiều lựa chọn để điều trị rối loạn cương dương và liệu pháp sóng xung kích là một trong nhiều lựa chọn đó. Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả của phương pháp này.
3.1. Liệu pháp sóng xung kích là gì?
Liệu pháp sóng xung kích với các mức năng lượng khác nhau đã được sử dụng từ lâu trong chỉnh hình để giúp chữa lành xương bị gãy, dây chằng bị thương và gân bị thương cũng như để cải thiện quá trình chữa lành vết thương. Trong thời gian trở lại đây, sóng xung kích năng lượng thấp (low intensity shock wave - LISW) được ứng dụng để điều trị rối loạn cương dương. Theo đó, các xung động kích hoạt cải thiện lưu lượng máu và tái tạo mô trong dương vật dương vật cương cứng đủ để quan hệ tình dục.
Liệu pháp sóng xung kích được thực hiện bằng cách đặt và di chuyển đầu phát sóng của thiết bị dọc theo các bộ phận của dương vật trong khoảng từ 15 đến 20 phút trong khi nó phát ra các xung động nhẹ nhàng. Riêng với công nghệ sóng xung kích tuyến tính (Linear shockwave therapy - LSWT), trong suốt quá trình điều trị, chỉ cần đặt nguồn sóng xung kích ở 4 vị trí: trái – phải ở gốc dương vật và trái – phải ở phần thân dương vật.
Ưu điểm của phương pháp là sóng xung kích tác động lên cả dương vật từ gốc đến thân nên tăng tối đa hiệu quả điều trị. Thao tác điều trị đơn giản giúp tăng cường sự thoải mái cho kỹ thuật viên, thời gian điều trị ngắn.
3.2. Hiệu quả của phương pháp
Dù mới được phát triển, nhưng hiện nay điều trị rối loạn cương bằng sóng xung kích đã được áp dụng ở hơn 70 nước. Các nước có nền y học hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật, Đức, Israel,.. đã thực hiện nhiều thử nghiệm để chứng minh hiệu quả của phương pháp này:
- Theo các nghiên cứu, liệu pháp sóng xung kích có hiệu quả cao hơn khi điều trị rối loạn cương dương do mạch máu. Cụ thể, là sự kích thích làm tăng sản xuất nitric oxide – chất có tác dụng làm giãn mạch máu, đưa máu vào dương vật nhiều hơn. Ngoài ra, sóng xung kích còn hoạt hóa con đường cascade nội bào (intracellular cascade pathways) giúp tăng giải phóng yếu tố tăng sinh mạch máu. Vì thế, dẫn tới hình thành thêm các vi mạch giúp lượng máu bơm vào dương vật tăng lên và cải thiện khả năng cương cứng của dương vật. Tuy nhiên, hiệu quả của liệu pháp sóng xung kích với các nguyên nhân khác của rối loạn cương dương vẫn còn được xem xét.
- Một nghiên cứu thí điểm năm 2010 cho thấy trong số 20 nam giới bị rối loạn cương dương do mạch máu, tất cả đều cải thiện được chức năng cương dương sau 6 tháng điều trị. Không ghi nhận bất kỳ tác dụng phụ nào đối những bệnh nhân trong nhóm nghiên cứu. Phương pháp này được đánh giá an toàn.
- Năm 2013, phương pháp điều trị bằng sóng xung kích năng lượng thấp chính thức được Hội Niệu khoa châu Âu công nhận là tiêu chuẩn vàng trong điều trị rối loạn cương. Nó cũng được đưa vào trong cuốn Hướng dẫn điều trị các bệnh rối loạn tình dục ở nam giới.
- Các nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng trên những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bằng các thuốc thông thường vẫn cho tỷ lệ đáp ứng cao. Thời gian duy trì chức năng cương dương là ít nhất một năm.
- Nghiên cứu cho thấy khi phối hợp với các liệu pháp điều trị khác cho tỷ lệ điều trị thành công cao hơn. Cụ thể, hơn 90% số bệnh nhân có cải thiện khả năng cương cứng đều duy trì được sự cải thiện cương dương ít nhất là 12 tháng.
3.3. Rủi ro và tác dụng phụ của điều trị bằng sóng xung kích?
Liệu pháp sóng xung kích không gây đau cho hầu hết các nam giới đã tham gia trị liệu. Và như đã đề cập ở trên, các nghiên cứu hiện có đã tìm thấy rất ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa điều trị bằng sóng xung kích là an toàn tuyệt đối. Điều trị bằng sóng xung kích vẫn là một liệu pháp tương đối mới và cần phải nghiên cứu thêm để xác định tác dụng phụ, biến chứng và hiệu quả lâu dài.
Như vậy, điều trị rối loạn cương dương bằng sóng xung kích là một lựa chọn hiệu quả nếu bạn bị rối loạn cương dương do mạch máu. Tuy vậy, rối loạn cương là tình trạng bệnh lý phức tạp, có sự phối hợp giữa các nguyên nhân như tâm lý, rối loạn chức năng mạch máu, vi mạch, ... Vì vậy, để điều trị rối loạn cương dương, bác sĩ sẽ thăm khám toàn diện và thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để đưa ra chiến lược điều trị cụ thể phù hợp cho từng bệnh nhân.
- Những việc bác sĩ có thể làm khi bạn bị rối loạn cương dương
- Rối loạn cương dương, testosterone thấp có thể chữa khỏi không?
- Đã mổ niệu đạo nhưng có triệu chứng của rối loạn cương dương phải điều trị thế nào?