Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Nhiễm trùng huyết là tình trạng nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao do sốc nhiễm khuẩn và suy đa tạng. Nhiễm khuẩn huyết không thể tự khỏi nếu không được điều trị. Việc điều trị nhiễm khuẩn huyết ở trẻ cần phối hợp điều trị nguyên nhân và những biến chứng để hạn chế tối đa rui ro về sức khỏe cho trẻ.
1. Nhiễm trùng đường huyết ở trẻ em
Trẻ em hệ miễn dịch chưa phát triển đầy đủ, khả năng chống đỡ lại với các tác nhân gây bệnh thấp dẫn đến nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Nhiễm trùng huyết là tình trạng có sự hiện diện của vi khuẩn trong máu kèm theo biểu hiện lâm sàng của nhiễm trùng. Ổ nhiễm khuẩn có thể từ nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể như: Da, cơ, hệ hô hấp, hệ tiết niệu, hệ tiêu hóa... Việc xác định được ổ nhiễm khuẩn ban đầu giúp định hướng sử dụng kháng sinh có hiệu quả cao.
Bệnh nhiễm trùng máu có diễn biến bệnh vô cùng phức tạp, tỷ lệ tử vong cao. Nhiễm trùng máu gây ra hàng loạt thay đổi trong cơ thể gây tổn thương các cơ quan như gan, thận và khiến sức khỏe người bệnh suy giảm nhanh.
Nhiễm trùng huyết gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng trẻ như:
- Suy hô hấp
- Suy giảm yếu tố đông máu
- Suy đa tạng
- Sốc nhiễm khuẩn: Là biến chứng nặng và hay gặp.
Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ có thể điều trị khỏi hoàn toàn, làm giảm nguy cơ tử vong nếu được phát hiện kịp thời.
2. Cách điều trị nhiễm trùng máu
2.1 Nguyên tắc điều trị
- Điều trị nguyên nhân: Diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng huyết, để xác định nguyên nhân gây bệnh cần dựa vào kết quả cận lâm sàng.
- Điều trị các biến chứng do tình trạng nhiễm trùng huyết gây ra.
- Nâng cao sức đề kháng
2.2 Điều trị nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn nên điều trị chủ yếu diệt vi khuẩn bằng các loại thuốc kháng sinh.
Nguyên tắc dùng kháng sinh
- Sử dụng kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ.
- Dùng kháng sinh liều cao
- Dùng kháng sinh đường tiêm, tốt nhất là đường tĩnh mạch trong những ngày đầu.
- Cần phối hợp kháng sinh (với vi khuẩn kháng kháng sinh và chưa rõ mầm bệnh).
- Thời gian dùng kháng sinh không dưới 2 tuần, tùy từng trường hợp cụ thể có thể phải dùng hàng tháng
- Kết hợp kháng sinh khi:
- Để điều trị bao vây khi chưa phân lập được mầm bệnh
- Mầm bệnh kháng kháng sinh hoặc nhiễm trùng do nhiều mầm bệnh gây nên
- Dự phòng và làm chậm lại sự xuất hiện chủng kháng
- Tăng khả năng ức chế và diệt khuẩn của kháng sinh
Phác đồ điều trị nhiễm khuẩn huyết được áp dụng:
- Nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn gram (+) thường kết hợp kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ I với nhóm Quinolon hoặc nhóm aminoglycosid
- Nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn gram (-) thường kết hợp kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ III với nhóm Quinolon hoặc nhóm aminoglycosid
- Trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện thường do vi khuẩn đa kháng sử dụng kháng sinh mạnh, phổ rộng trước khi có kết quả kháng sinh đồ. Loại kháng sinh được lựa chọn là Imipenem/meropenem hoặc Quinolone hoặc Ticarcillin kết hợp với clavulanic acid. hoặc Cefoperazone-Sulbactam ± Amikacin.
Sau điều trị kháng sinh 10-14 ngày đánh giá lại kết quả lâm sàng và cận lâm sàng để lựa chọn loại kháng sinh phù hợp.
2.3 Điều trị những rối loạn do nhiễm khuẩn huyết gây ra
Ngoài việc điều trị nguyên nhân gây bệnh cần điều trị những biến chứng do nhiễm khuẩn huyết gây ra:
- Khôi phục thể tích tuần hoàn, điều chỉnh rối loạn nước và điện giải, giải độc bằng các dung dịch Dextrose, Ringer lactat.
- Chống toan chuyển hóa: thường là hậu quả của sốc nên cần điều trị tích cực sốc nhiễm trùng tránh để sốc kéo dài. Trong trường hợp toan hóa máu nặng cần điều chỉnh bằng Bicarbonate.
- Rối loạn đông máu: Truyền tiểu cầu và huyết tương đông lạnh, kết tủa lạnh.
- Trợ tim mạch, hồi sức hô hấp, tim mạch.
- Lọc máu liên tục: Khi Suy thận cấp kèm huyết động học không ổn định, suy đa cơ quan. Lọc máu ngoài điều trị suy thận cấp lọc máu còn giúp loại bỏ Cytokine và các hóa chất trung gian.
2.4 Loại bỏ ổ nhiễm khuẩn
Nếu phát hiện các ổ nhiễm khuẩn cần giải quyết triệt để như:
- Phẫu thuật loại bỏ ổ nhiễm trùng.
- Rạch dẫn lưu ổ áp xe
- Lây bỏ các nguyên nhân gây nhiễm trùng như các catheter, các sonde dẫn lưu...
2.5 Nâng cao sức đề kháng
- Tăng cường sức đề kháng bằng truyền máu, đạm, sinh tố...
- Chế độ ăn uống đa dạng, tăng đạm, rau xanh hoa quả.
3. Phòng chống nhiễm khuẩn huyết
- Trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine.
- Trẻ nên bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Công tác vô trùng trong Bệnh viện nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, hay khi làm các phẫu thuật, thủ thuật...
- Điều trị triệt để các bệnh có ổ mủ và ổ apxe. Không tự nặn, trích sớm những mụn nhọt.
- Dùng kháng sinh sớm, đủ liều, có hiệu quả trong những bệnh có thể chuyển sang nhiễm khuẩn huyết (bệnh do tụ cầu, liên cầu, phế cầu, vi khuẩn đường ruột...)
- Dùng các thuốc ức chế miễn dịch cần có chế độ chặt chẽ và dùng cùng với các thuốc để tăng sức đề kháng của bệnh nhân.
Nhiễm khuẩn huyết ở trẻ là tình trạng bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng, tuy vậy nhưng bệnh hoàn toàn có thể được chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
- Các xét nghiệm chẩn đoán nhiễm trùng huyết ở trẻ
- Chỉ số PCT ( Procalcitonin) trong máu nói lên điều gì?
- Định lượng Procalcitonin đánh giá sớm tình trạng nhiễm khuẩn và nhiễm khuẩn huyết