Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Định lượng Testosterone giúp xác định nồng độ Testosterone của cơ thể là thấp hay quá cao. Sự tăng hay giảm Testosterone như vậy có phải là bệnh lý hay không và ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Định lượng Testosterone giúp đánh giá khả năng sinh sản. Cũng giống như mọi loại hormone khác trong cơ thể, Testosterone thấp chắc chắn là không tốt, nhưng nếu quá cao thì cũng là một vấn đề đối với sức khỏe.
1. Lượng Testosterone bình thường ở nam giới là bao nhiêu?
Nhìn chung, phạm vi bình thường đối với mức Testosterone ở nam giới dao động trong khoảng 270 - 1070 ng/dL, trung bình thường đạt 679 ng/dL. Con số này thay đổi theo độ tuổi, bình thường đạt đỉnh điểm vào khoảng 20 tuổi, và sau đó từ từ giảm xuống. Nồng độ Testosterone trên hoặc dưới mức trung bình thì được xem là mất cân bằng. Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng những người đàn ông khỏe mạnh nhất có mức Testosterone định lượng được rơi vào khoảng 400-600 ng/dL.
2. Testosterone thấp gây ra điều gì?
Nam giới với mức Testosterone thấp có khả năng phải đối mặt với một loạt các triệu chứng khó nói sau đây:
2.1. Giảm ham muốn tình dục
Testosterone đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nên cảm giác ham muốn ở nam giới. Đó là lý do giải thích tại sao càng lớn tuổi, testosterone càng suy giảm, phái mạnh lại càng mất đi ham muốn tình dục.
2.2. Khó khăn khi cương cứng
Ngoài tác dụng kích thích ham muốn của người đàn ông, Testosterone cũng là thành phần không thể thiếu giúp đạt được và duy trì sự cương cứng. Testosterone không trực tiếp gây ra sự cương cứng, nhưng nó kích thích các thụ thể trong não sản xuất oxit nitric. Oxit nitric là một phân tử giúp kích hoạt một loạt các phản ứng hóa học cần thiết cho sự cương cứng xảy ra. Khi nồng độ Testosterone quá thấp, nam giới có thể gặp khó khăn trong việc cương cứng, cả khi quan hệ với bạn tình và khi cương cứng tự phát (ví dụ như cương cứng trong khi hay sau khi ngủ).
Tuy nhiên, Testosterone chỉ là một trong nhiều yếu tố giúp nam giới đạt tới sự cương cứng. Một nghiên cứu về vai trò của việc thay thế Testosterone trong điều trị chứng rối loạn cương dương đã cho thấy điều đó. Cụ thể, khi xem xét lợi ích của Testosterone đối với những người đàn ông gặp khó khăn khi cương cứng, gần một nửa số người thử nghiệm không có sự cải thiện khi được điều trị bằng Testosterone. Trên thực tế, rất nhiều vấn đề sức khỏe khác cũng đóng vai trò nhất định gây ra rối loạn cương dương, bao gồm:
- Bệnh tiểu đường
- Các vấn đề về tuyến giáp
- Huyết áp cao
- Cholesterol cao
- Thói quen hút thuốc
- Nghiện rượu
- Phiền muộn
- Stress, căng thẳng
- Thường xuyên lo lắng.
2.3. Giảm lượng tinh dịch
Testosterone là mắt xích không thể thiếu trong quy trình sản xuất tinh dịch, một chất lỏng màu trắng sữa hỗ trợ cho sự chuyển động và quá trình thụ tinh của tinh trùng. Người có Testosterone thấp thường nhận thấy sự suy giảm thể tích tinh dịch trong quá trình xuất tinh.
2.4. Testosterone thấp gây rụng tóc
Testosterone cũng là một nhân tố quan trọng đối với quá trình sản xuất lông và tóc. Hói đầu là một phản ứng tự nhiên của lão hóa hoặc di truyền, hoặc còn có thể do lượng Testosterone quá thấp. Bên cạnh đó, sự thiếu vắng hormone này còn khiến cho lông trên cơ thể rụng dần đi (lông chân, lông ở bộ phận sinh dục..)
2.5. Mệt mỏi
Suy giảm Testosterone là một nguyên nhân gây giảm năng lượng, khiến cho nam giới cảm thấy mệt mỏi cực độ, mất động lực làm việc. Cho dù bạn cố gắng ngủ nhiều để bù đắp, nhưng kết quả, tình trạng mệt mỏi vẫn luôn thường trực, lâu dần bạn có thể bị suy kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, công việc và gia đình.
2.6. Mất cơ do Testosterone thấp
Testosterone cũng tham gia vào sự hình thành nên cơ bắp. Do đó, quý ông nào có nồng độ Testosterone thấp có thể nhận thấy khối lượng cơ suy giảm và mất dần. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng Testosterone ảnh hưởng đến khối cơ bắp, nhưng không liên quan mật thiết đến sức mạnh hay chức năng của hệ cơ.
2.7. Gia tăng lượng mỡ trong cơ thể
Đàn ông có Testosterone thấp thường gặp phải tình trạng mỡ thừa nhiều. Đặc biệt, một số trường hợp xuất hiện hiện tượng vú to ở nam, hoặc mô vú mở rộng. Hiện tượng này xảy ra được cho là do sự mất cân bằng giữa testosterone và estrogen ở nam giới.
2.8. Giảm khối lượng xương
Loãng xương, mất xương, giảm lượng xương hoặc xương mỏng đi, là những tình trạng đa phần gặp ở phụ nữ. Tuy nhiên, đấng mày râu cũng là đối tượng gặp các triệu chứng vừa kể. Bởi Testosterone cũng góp phần vào quá trình sản xuất và củng cố sức khỏe của xương. Vì vậy, những người đàn ông có Testosterone suy giảm, đặc biệt là người lớn tuổi, có khối lượng xương thấp hơn và dễ bị gãy xương hơn.
2.9. Thay đổi tâm trạng
Cũng giống như chị em phụ nữ, các quý ông vốn mạnh mẽ nhưng đôi khi cũng tồn tại những bất ổn trong tâm trạng, nhất là khi nồng độ Testosterone giảm xuống thấp. Bởi vì hormone này có những ảnh hưởng nhất định đến tâm trạng và tinh thần. Nghiên cứu cho thấy khi cánh mày râu bị suy giảm Testosterone,nhiều khả năng phải đối mặt với trầm cảm, cáu kỉnh hoặc mất tập trung.
3. Hậu quả xảy ra khi lượng Testosterone quá cao
Testosterone cao đem đến một số lợi ích đối với sức khỏe nam giới. Tuy nhiên, Testosterone quá cao có thể gây ra một vài hậu quả, có thể kể đến như:
- Có xu hướng sử dụng đồ uống có cồn thường xuyên hơn.
- Tăng nguy cơ hút thuốc.
- Tăng khả năng bị thương.
- Theo một số nghiên cứu, mức Testosterone càng cao, nam giới càng có nhiều khả năng tham gia vào các hành vi đem đến rủi ro (liên quan đến tình dục, gây chấn thương và thậm chí là hành vi phạm tội).
Nếu bạn thực hiện định lượng Testosterone, thu được kết quả Testosterone thấp và nhận thấy các triệu chứng khó nói kể trên gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày, bạn nên thẳng thắn trình bày với bác sĩ và tiến hành điều trị bằng cách bổ sung Testosterone. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp Testosterone thấp đều phải chữa trị. Bác sĩ sẽ cân nhắc việc điều trị dựa trên những rủi ro cũng như lợi ích có thể đạt được trong tiến trình điều trị của mỗi bệnh nhân.
Nguồn tham khảo: Healthline.com; Medicinenet.com
- Triệu chứng và cách điều trị u xơ tiền liệt tuyến
- Khám hệ tiết niệu là khám những gì?
- Nội soi cắt u lành tính tuyến tiền liệt (u xơ tuyến tiền liệt)