Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Niêm mạc âm đạo bình thường có khả năng tự bảo vệ trước vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh trong điều kiện pH cân bằng (nghĩa là pH đạt ở mức sinh lý).
1. Thế nào là pH cân bằng?
Âm đạo là một ống cơ trơn nối từ âm hộ đến cổ tử cung, nằm giữa niệu đạo, bàng quang phía trước và trực tràng phía sau. Niêm mạc âm đạo là biểu mô rất nhạy cảm với estrogen (nội tiết tố sinh dục nữ). Tầng tế bào trung gian và tế bào bề mặt chứa glycogen của niêm mạc âm đạo phát triển dày lên dưới tác dụng của estrogen.
Hệ vi sinh vật tại âm đạo rất phong phú, gồm cả vi khuẩn có lợi và có hại chung sống hòa bình, không gây bệnh, trong đó Lactobacillus sp (chiếm khoảng 50 - 80%) chuyển hóa glycogen thành acid lactic làm cho môi trường âm đạo có tính acid, duy trì giá trị pH cân bằng (3,8 - 4,5) - gọi là pH sinh lý của âm đạo.
Với sự cân bằng của hệ vi sinh vật thường trú tại âm đạo cùng pH sinh lý của âm đạo sẽ có tác dụng tạo nên cơ chế bảo vệ tự nhiên của hệ sinh dục nữ, có khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh tại chỗ cũng như các tác nhân xâm nhập từ bên ngoài vào.
2. Nguyên nhân nào gây mất cân bằng pH âm đạo?
Có khá nhiều nguyên nhân khiến pH âm đạo mất cân bằng, như:
- Sử dụng kháng sinh, thuốc điều trị nấm, corticoid liều cao hoặc kéo dài.
- Thói quen thụt rửa âm đạo khi vệ sinh sinh dục.
- Sử dụng thuốc tránh thai hoặc điều trị thuốc nội tiết.
- Thay đổi nội tiết tố do tuổi tác.
- Bị bệnh lý mạn tính: đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,...
- Bị polyp, khối u trong âm đạo.
- Điều trị tia xạ.
- Đặt dụng cụ tránh thai, màng ngăn tránh thai, thuốc diệt tinh trùng,...
3. Điều gì xảy ra khi pH âm đạo mất cân bằng?
Sự cân bằng của hệ vi sinh vật thường trú tại âm đạo và sự duy trì pH sinh lý tại âm đạo có tác dụng tạo nên hàng rào bảo vệ tự nhiên của hệ sinh dục nữ chống lại các tác nhân gây bệnh.
Vì một nguyên nhân nào đó khiến pH âm đạo mất cân bằng, hàng rào bảo vệ của cơ thể kém hiệu quả hoặc mất đi, là điều kiện thuận lợi để vi sinh vật có hại (ở tại chỗ và từ bên ngoài xâm nhập vào) phát triển gây viêm nhiễm. Đồng thời viêm nhiễm phụ khoa lại tiếp tục khiến cho pH âm đạo mất cân bằng hơn, tạo điều kiện cho viêm nhiễm ngày càng nặng hơn, hình thành vòng xoắn bệnh lý.
Bên cạnh đó, pH âm đạo mất cân bằng còn gây ra bất lợi đối với quá trình thụ thai, bởi khi pH âm đạo bị mất cân bằng, tinh trùng sẽ bị cản trở trên đường đi vào gặp trứng để thụ thai, hoặc tệ hơn ở pH đó không thích hợp với tinh trùng, lượng tinh trùng sẽ bị diệt bớt khi vừa mới vào tới âm đạo, gây khó thụ thai ở rất nhiều trường hợp.
4. Nên làm gì để giữ pH âm đạo được cân bằng?
Để duy trì pH âm đạo cân bằng có thể thực hiện theo một số phương pháp sau:
- Giữ vệ sinh khu vực sinh dục đúng cách:
- Lau khô vùng sinh dục sau khi đi vệ sinh.
- Khi rửa chỉ rửa phía bên ngoài, tránh thói quen thụt rửa vào trong âm đạo, lau khô khi rửa xong.
- Tránh để ẩm ướt vùng sinh dục (như mồ hôi, thường xuyên ngâm mình trong nước, không lau khô sau khi rửa, mặc quần lót khi còn đang ẩm ướt,...).
- Thay quần lót sạch sau khi đi bơi hoặc tắm rửa, thay băng vệ sinh thường xuyên (sau mỗi 3 - 4 giờ nên thay một lần).
- Tránh mặc quần lót quá chật, tránh các loại vải quần không có tính thấm cao, nên mặc rộng rãi thoáng mát và nên chọn chất liệu cotton có tính thấm hút mồ hôi cao.
- Khi có dấu hiệu viêm nhiễm âm đạo (cũng như viêm nhiễm phụ khoa nói chung) nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt, không tự ý đặt thuốc hay sử dụng bất kì loại thuốc điều trị nào, để tránh những bất tiện, khó chịu do căn bệnh mang lại cũng như những biến chứng phức tạp của bệnh (như viêm tử cung, viêm buồng trứng, viêm lan tỏa vùng chậu,... với phụ nữ đang mang thai có thể gây sảy thai, thai ngoài tử cung, nhiễm trùng ối, sinh non,...).
- Âm hộ là gì? Làm thế nào để biết âm hộ bình thường hay bất thường?
- Hướng dẫn vệ sinh vùng kín cho bé gái sơ sinh
- Dấu hiệu nhận biết các bệnh phụ khoa