Mục lục
- 1. 1. Đau khi quan hệ là bệnh gì?
- 2. 2. Nguyên nhân gây ra đau khi quan hệ?
- 3. 3. Đau khi quan hệ thường xảy ra ở bộ phận nào trên cơ thể?
- 4. 4. Những yếu tố có thể làm bạn bị đau khi quan hệ
- 5. 5. Những bệnh lý gây đau khi quan hệ
- 6. 6. Chẩn đoán nguyên nhân gây đau khi quan hệ
- 7. 7. Cách giảm đau khi quan hệ
- 8. Đánh giá
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng ThS, Bs.Trịnh Thị Thanh Huyền - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Đau rát khi quan hệ thường bắt nguồn từ các nguyên nhân liên quan đến âm đạo, âm hộ, tử cung hoặc đơn thuần do đến tuổi mãn kinh. Đau khi quan hệ tình dục không chỉ ảnh hưởng lớn đến cuộc yêu, mà lâu dần sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm như giảm ham muốn tình dục, làm rạn nứt tình cảm lứa đôi.
1. Đau khi quan hệ là bệnh gì?
Đau rát khi quan hệ là bệnh lý rất phổ biến, thường xảy ra ở phụ nữ khi cảm thấy bị đau rát khi quan hệ tình dục với bạn tình. Gần như 3 trong số 4 phụ nữ sẽ bị đau ít nhiều khi giao hợp tại một số thời điểm khác nhau trong cuộc đời của họ. Đối với một số chị em, những cơn đau như vậy chỉ là vấn đề tạm thời. Tuy nhiên, nhiều nữ giới lại cảm thấy rất mệt mỏi vì tình trạng đau khi quan hệ xảy ra thường xuyên, kéo dài, ảnh hưởng lớn đến cuộc yêu.
2. Nguyên nhân gây ra đau khi quan hệ?
Đau khi quan hệ tình dục có thể là dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa, chẳng hạn như u nang buồng trứng hoặc lạc nội mạc tử cung. Đau tử cung khi quan hệ cũng có thể gây ra bởi các vấn đề liên quan đến tình dục, chẳng hạn như thiếu ham muốn (chưa có cảm giác muốn ân ái) hoặc thiếu kích thích tình dục (những hành động thường gọi là “dạo đầu” trước khi bắt đầu quan hệ).
3. Đau khi quan hệ thường xảy ra ở bộ phận nào trên cơ thể?
Chị em khi “lâm trận” có thể cảm thấy đau ở âm hộ, ở khu vực xung quanh lỗ âm đạo hoặc trong âm đạo. Một vị trí phổ biến thường bị đau khi quan hệ là vùng đáy chậu. Ngoài ra, khu vực lưng dưới, vùng xương chậu, tử cung hoặc bàng quang cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nếu bạn bị đau dữ dội và xảy ra thường xuyên khi quan hệ tình dục, bạn nên đi khám bác sĩ sản phụ khoa để chẩn đoán chính xác nguyên nhân.
4. Những yếu tố có thể làm bạn bị đau khi quan hệ
Những lý do sau đây cũng có khả năng dẫn đến đau rát khi quan hệ:
- Trạng thái tâm trí: Những cảm xúc như sợ hãi, cảm giác tội lỗi, xấu hổ, bối rối hoặc lúng túng khi quan hệ tình dục có thể khiến bạn khó thư giãn. Khi bạn không thoải mái, thì cảm giác thích thú rất khó xảy ra, khiến cho bạn bị đau khi quan hệ. Chưa hết, sự căng thẳng và cơ thể mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của bạn.
- Các vấn đề với bạn tình: Khác nhau về mức độ ham muốn tình dục có thể khiến một bên “hăng say” quá mức, trong khi bạn còn chưa “mặn mà”. Và điều này gây ra cảm giác đau khi quan hệ.
- Thuốc điều trị bệnh: Nhiều loại thuốc có tác dụng phụ làm giảm ham muốn tình dục, điển hình như một số thuốc tránh thai, các loại thuốc giảm đau cũng có thể làm giảm ham muốn tình dục.
- Bệnh lý và phẫu thuật: Một số bệnh lý có thể gián tiếp gây ra vấn đề, chẳng hạn như bệnh viêm khớp, tiểu đường, ung thư và rối loạn tuyến giáp. Một vài phụ nữ cho rằng phẫu thuật làm ảnh hưởng đến hình tượng cơ thể của họ, điều này làm giảm ham muốn tình dục và gây ra đau khi quan hệ.
Chưa dừng lại ở đó, những bệnh lý về tình dục ở bạn tình cũng có thể ảnh hưởng đến bạn. Nếu “người ấy” đang dùng thuốc điều trị rối loạn cương dương, anh ta có thể bị trì hoãn cơn cực khoái, dẫn đến kéo dài thời gian giao hợp. Hậu quả khiến cho bạn mệt mỏi, xuống sức, khi đó đau đớn chắc chắn sẽ xảy ra.
5. Những bệnh lý gây đau khi quan hệ
Đau khi quan hệ tình dục có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý về phụ khoa. Nếu không được điều trị, một số bệnh lý có khả năng tiến triển thành bệnh khác gây nguy hiểm hơn:
- Rối loạn về da: Một số rối loạn ở da dẫn đến loét hoặc nứt da ở âm hộ. Viêm da tiếp xúc là một rối loạn về da phổ biến có ảnh hưởng đến âm hộ. Đây là một phản ứng của cơ thể để đáp ứng lại với chất gây kích thích, chẳng hạn như xà phòng thơm, chất thụt rửa hoặc chất bôi trơn. Hậu quả khiến cho chị em bị ngứa, rát và đau.
- Đau âm hộ mãn tính: Xảy ra khi cơn đau tập trung ở khu vực xung quanh lỗ âm đạo. Có rất nhiều phương pháp điều trị đau âm hộ, bao gồm các biện pháp không dùng thuốc, dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
- Thay đổi nội tiết tố: Trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, sự giảm nội tiết tố nữ estrogen có thể gây khô âm đạo và gây ra đau khi quan hệ. Liệu pháp hormon là một lựa chọn để cân bằng lại nội tiết tố. Sử dụng chất bôi trơn khi quan hệ tình dục hoặc kem dưỡng ẩm âm đạo cũng sẽ giúp ích phần nào.
- Viêm âm đạo: Gây tăng tiết dịch, ngứa, rát ở âm đạo và âm hộ. Viêm âm đạo có thể được điều trị bằng thuốc.
- Sự co thắt âm đạo: Là phản xạ co lại (thắt chặt) của các cơ ở lỗ âm đạo. Âm đạo co thắt có dẫn đến đau rát khi quan hệ tình dục. Tình trạng co thắt âm đạo có thể được điều trị bằng các hình thức trị liệu khác nhau.
- Vấn đề liên quan đến sinh đẻ: Phụ nữ đã cắt tầng sinh môn hoặc mổ vùng đáy chậu khi sinh con có nguy cơ bị đau khi quan hệ và tình trạng này có thể kéo dài đến vài tháng. Để khắc phục, bác sĩ thường cho dùng vật lý trị liệu, thuốc hoặc phẫu thuật.
- Các nguyên nhân khác: Bệnh viêm vùng chậu, lạc nội mạc tử cung đều là các bệnh lý liên quan đến đau tử cung khi quan hệ.
6. Chẩn đoán nguyên nhân gây đau khi quan hệ
Tiền sử bệnh và các vấn đề về tình dục cùng các dấu hiệu lâm sàng và kết quả kiểm tra thể chất là những yếu tố quan trọng giúp xác định chính xác nguyên nhân gây đau khi giao hợp. Đôi khi cần phải thực hiện các xét nghiệm cần thiết để tìm ra nguyên nhân. Trong đó, việc kiểm tra vùng chậu và siêu âm thường giúp xác định một số nguyên nhân gây ra đau. Để đánh giá kỹ hơn, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân làm nội soi.
7. Cách giảm đau khi quan hệ
Một số biện pháp sau đây sẽ giúp bạn giảm đau khi quan hệ, mặc dù có thể là không điều trị từ nguyên nhân, nhưng hoàn toàn có khả năng giảm bớt triệu chứng phần nào:
- Sử dụng chất bôi trơn: Chất bôi trơn dạng lỏng là một lựa chọn tối ưu nếu âm đạo của bạn bị khô hoặc quá nhạy cảm với kích thích. Chất bôi trơn gốc silicon sẽ tồn tại lâu hơn và thường trơn hơn so với chất bôi trơn tan trong nước. Tuy nhiên, cần phải lưu ý khi sử dụng chất bôi trơn chung với bao cao su vì chúng có khả năng hòa tan mủ và khiến bao cao su bị rách ngoài ý muốn.
- Dành thời gian sinh hoạt tình dục: Hãy dành riêng một khoảng thời gian để cả bạn lẫn bạn tình đều cảm thấy thoải mái và sẵn sàng để thăng hoa.
- Nói chuyện với bạn tình: Tâm sự với bạn tình về tình trạng đau khi quan hệ mà bạn đang phải chịu đựng. Đau ở đâu, đau khi nào, và anh ta có thể làm gì để quan hệ không gây đau.
- Thử cách quan hệ không gây đau: Hãy thay đổi không khí hoặc ưu tiên quan hệ tình dục bằng miệng hoặc thủ dâm cho nhau nếu như giao hợp trực tiếp gây ra nhiều đau đớn.
- Thực hiện các động tác không liên quan đến tình dục: Bạn có thể đem lại cảm giác thú vị, gợi tình mà không liên quan đến tình dục, chẳng hạn như massage, vuốt ve bạn tình.
- Giảm đau trước khi quan hệ: Đi tiểu để thư giãn bàng quang, tắm nước ấm hoặc uống thuốc giảm đau trước khi giao hợp.
- Giảm đau rát sau khi giao hợp: Chườm đá vào âm hộ có thể giải tỏa phần nào cơn đơn.
Đau khi quan hệ không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc yêu mà còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý phụ khoa. Khi cảm thấy bị đau rát khi quan hệ, tốt nhất là chị em nên thẳng thắn trao đổi với bác sĩ để được thăm khám và điều trị phù hợp nhất.
Nguồn tham khảo: Acog.org
- Đau bụng dưới âm ỉ ở nữ là bệnh gì?
- Cách giữ cho âm đạo khỏe mạnh ở độ tuổi 20, 30, 40 và 50
- Các phương pháp điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc với bệnh nhân suy giảm chức năng tình dục