17-01-2024 23:14

Đau vùng kín - Chuyện không chỉ của phụ nữ

Đau vùng kín - Chuyện không chỉ của phụ nữ

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Bùi Hạnh Tâm - Khoa Gây mê giảm đau, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Đau vùng kín có thể là đau cấp tính do viêm nhiễm cấp tính liên quan đến cơ quan sinh dục, tiết niệu và cần được điều trị ngay lập tức. Bài viết này muốn đề cập đến một bức tranh đầy đủ hơn về hiện tượng đau vùng kín dai dẳng hoặc mạn tính ở cả nam và nữ.

Lâu nay, khi nói đến đau hay cảm giác khó chịu ở vùng kín, người ta thường nghĩ đây là vấn đề sức khỏe của phụ nữ, cũng như khi người ta đề cập đến sức khỏe sinh sản thì phụ nữ được nghĩ đến và được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên đau vùng kín không chỉ là chuyện của phụ nữ, mà còn là “nỗi lòng không biết tỏ cùng ai” của đấng mày râu. Nội dung bài viết dưới đây có thể giúp một nửa thế giới còn lại cũng có cơ hội được quan tâm đến vấn đề: Đau nguyên nhân thần kinh ở vùng kín hay đau thần kinh thẹn.

1. Đau thần kinh thẹn là gì?

Vùng kín được giới hạn ở giữa bộ phận sinh dục và hậu môn hay gọi là vùng đáy chậu. Đau vùng kín ít được phàn nàn, kêu ca hay chia sẻ do chứng đau ở vùng này như thế này đã đủ làm cho người bệnh ngần ngại hay trì hoãn việc gặp bác sỹ (Pudendal nerve: được gán với tiếng việt là thẹn, ngại ngùng).

Hầu hết, đau thần kinh thẹn được phát hiện ra khi đã chuyển sang giai đoạn đau mạn tính, có nghĩa là người bệnh đã phải chịu đựng cơn đau này lâu hơn 3 tháng, thậm chí nhiều năm đến mức đã không thể làm bất kỳ việc gì khác ngoài việc âm thầm đi tìm thầy thuốc để chữa.

Cảm giác đau vùng kín được mô tả bằng các từ: tê bì, đau như kim châm, kiến đốt, đau nhói như dao đâm, đau như điện giật, đau như súng bắn từng hồi, đôi khi là cảm giác bỏng rát hay cảm giác vùng kín bị phù nề lên.

Đau có thể ở một bên hay cả hai bên, ở vùng mép bẹn, đau quanh cơ quan sinh dục, hậu môn, đau có thể lan xuống mông và mặt sau chân. Vùng này trở nên vô cùng nhạy cảm với bất kỳ tác động bình thường nào như sờ chạm, xối nước, vệ sinh cá nhân, mặc quần áo...

Cảm giác đau này trở nên nặng nề hơn khi ngồi xuống, mang vật nặng, hay đi lại.

Ngoài ra, đau có thể xuất hiện và biến mất từng đợt trong ngày đặc biệt là khi ngủ. Đau khiến người bệnh muốn đi vệ sinh liên tục và đau tăng khi quan hệ. Với đàn ông, đau tăng lên khi cương cứng làm ngăn cản hoạt động tình dục.

Người bệnh đau thần kinh thẹn mạn tính thường gây giảm chất lượng sống từ hoạt động thể lực đến học tập, ngủ nghỉ và các mối quan hệ xã hội, gia đình thậm chí gây trầm cảm.

Phụ nữ
Người bệnh đau thần kinh thẹn mạn tính thường gây giảm chất lượng sống, công việc

2. Nguồn cơn của đau mạn tính vùng kín

Dây thần kinh thẹn được hợp bởi các rễ thần kinh đi từ vùng xương cùng (đốt 2, 3,4) chạy từ phía sau, chui giữa 2 dây chằng tương ứng từ xương cùng cụt đến sàn chậu gần gần gốc dương vật hoặc âm đạo. Dây thần kinh thẹn đi trong một cái ống gọi là ống bịt do nó nằm trong cân của cơ bịt. Trước khi chui vào ống bịt, thần kinh chia nhánh chi phối vùng âm vật của phụ nữ và vùng dương vật ở nam giới. Tại ống bịt, dây thần kinh thẹn chia ra các nhánh nhỏ hơn cho phối cho các vùng sàn chậu và vùng thấp trực tràng. Đây là nơi nó gửi tín hiệu đau đớn đến não từ bộ phận sinh dục, hậu môn và các bộ phận cơ thể khác xung quanh đó. Thần kinh thẹn kiểm soát các cơ vòng mở và đóng hậu môn, cơ thắt vùng chậu khi đi vệ sinh hoặc động tác gây áp lực như rặn hoặc nín tiểu, nín đi cầu.

Đau thần kinh thẹn có thể xảy người bệnh có tổn thương liên quan đến mốc giải phẫu xung quanh thần kinh thẹn: các phẫu thuật vùng hậu môn (phẫu thuật trực tràng, phẫu thuật trĩ, phẫu thuật chích rạch áp xe vùng hậu môn), sau sinh thường có hoặc không cắt tầng sinh môn, sau té ngã có sang chấn vùng chậu.

Một khối u lành tính hoặc tình trạng nhiễm trùng vùng chậu thậm chí tình trạng táo bón kinh niên có thể chèn ép hoặc kích thích viêm dây thần kinh thẹn gây nên tình trạng đau dai dẳng - đau kháng trị (refractory pain) nếu như tình trạng nhiễm trùng hay chèn ép không được giải quyết triệt để.

Một số bệnh ung thư liên quan vùng sàn chậu như ung thư trực tràng, ống hậu môn, ung thư tử cung, buồng trứng, tinh hoàn, tiền liệt tuyến, dương vật đã trải qua phẫu thuật hay xạ trị vùng sàn chậu cũng có thể gây nên tình trạng đau thần kinh thẹn do tổ chức xơ là kết quả của phẫu thuật hay xạ trị gây chèn ép hoặc tia xạ làm tổn thương thần kinh thẹn gây nên đau mạn tính.

Ngoài ra, một số loại tập thể dục như xe đạp đường dài, thể dục dụng cụ, tập gym với các động tác ngồi xổm (squats) hay đua xe có thể gây ra đau thần kinh thẹn do thần kinh thẹn bị kẹt giữa các tổ chức vùng sàn chậu.

3. Có thể chẩn đoán được nguyên nhân gây đau

Khám bệnh
Phụ nữ cần phải phải được thăm khám ngay nếu bị đau vùng chậu

Nếu bạn bị đau vùng chậu, hãy tìm gặp và nói với bác sĩ, đừng ngần ngại. Việc khám và hỏi bệnh về các triệu chứng của bạn sẽ giúp định hướng chẩn đoán dựa vào vùng chi phối của thần kinh thẹn. Kể về bệnh hoặc tiền sử bệnh một cách tỉ mỉ với bộ câu hỏi chuyên biệt cùng với việc vẽ bản đồ cảm giác sẽ giúp bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xác định chi tiết về loại đau thần kinh thẹn.

Việc thăm khám lâm sàng bởi các dụng cụ đặc biệt giúp bác sĩ định hướng được nguồn gốc của đau vùng kín đồng thời phân biệt với các loại đau khác xung quanh vùng chậu.

Ngoài ra, bạn cũng có thể được kiểm tra hình ảnh bằng máy chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá được cơ quan và mô xung quanh thần kinh thẹn để định khu giải phẫu và giải thích nguyên nhân gây đau đớn cho bạn.

4. Điều trị đau thần kinh thẹn dựa vào nguyên nhân

Việc điều trị đau thần kinh thẹn mạn tính là rất khó khăn, kết quả thường không thể dự đoán được do cần theo một quy trình đặc biệt và hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá thể, thời gian bị đau, tổn thương liên quan, bệnh phối hợp và sự đáp ứng của mỗi người bệnh với phác đồ điều trị - can thiệp.

Điều trị đau thần kinh thẹn có thể dùng các thuốc uống nhưng việc điều trị đau này chỉ mang tính chất tạm thời do thuốc chỉ ức chế cảm nhận đau tại não bộ.

Tại bệnh viện Vinmec, kỹ thuật siêu âm dưới hướng dẫn của máy chuyên dụng cho tổ chức thần kinh sẽ giúp bác sĩ đưa ra được chẩn đoán xác định nguyên nhân đau vùng kín một cách chính xác và từ đó sẽ có chiến lược điều trị từng bước nhằm giảm đau với nguyên tắc chung là chặn tín hiệu đau từ vùng kín trước khi nó được truyền qua tủy sống đi đến não bộ.

Kỹ thuật gây tê thần kinh thẹn là một kỹ thuật chuyên sâu, được thực hiện dưới hướng dẫn của máy siêu âm, máy thích thích thần kinh và thuốc tê tác dụng kéo dài nhằm mục đích kép là điều trị đau thần kinh thẹn ngay lập tức, đồng thời giúp chẩn đoán xác định nhánh nào của thần kinh thẹn gây nên đau đớn nhiều nhất cho người bệnh. Từ đó, bác sĩ chuyên khoa điều trị đau mới có chiến lược tiếp theo cho mỗi người bệnh.

Vì vậy, nếu bạn hay người thân của mình mắc phải chứng đau thần kinh thẹn mạn tính bác sĩ khuyến cáo: Nếu như bị đau dai dẳng, liên tục, đau kéo dài trên 3 tháng người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa điều trị đau để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Trong thời gian điều trị, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, kiên nhẫn theo phác đồ điều trị vì đau mạn tính vẫn là thử thách đối với nền y học hiện đại không chỉ ở Việt Nam mà ở ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Pháp, Thuỵ sỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapor... Bỏ ngang liệu trình điều trị sẽ khiến bệnh tái phát trở lại sớm và có nguy cơ nặng hơn gây khó khăn cho bác sĩ trong công việc.

XEM THÊM:
  • Chọn lựa phương pháp vô cảm trong gây mê - phẫu thuật
  • Ngộ độc thuốc tê: Những điều cần biết
  • Vinmec và Hội đồng Gây tê Vùng Châu Á tổ chức Hội thảo Quốc tế về Gây tê vùng đầu tiên tại Việt Nam

Đánh giá

Bài viết cùng tác giả

misconception of time
Vườn chim Thung Nham – Vương quốc của các loài chim ở Ninh Bình
misconception of time
Nhà thờ Phát Diệm Ninh Bình – Nhà thờ đá có kiến trúc của đình, chùa Việt Nam
misconception of time
Tam Cốc – Bích Động, “vịnh Hạ Long trên cạn” ở Ninh Bình
misconception of time
Icehotel 33 - Khách sạn làm từ 500 tấn băng
misconception of time
Chùa Bích Động – Ngôi chùa hang cổ kính trong lòng di sản
misconception of time
Top 5 bảo tàng Singapore đặc sắc nhất định phải ghé thăm

Tin liên quan