Mục lục
Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Minh Đức - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Đau và yếu cơ có thể xảy ra ở bệnh nhân có tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp). Nhìn chung, các vấn đề về cơ liên quan đến các bệnh lý tuyến giáp thường nhẹ và giảm bớt khi được điều trị kịp thời. Trong một số tình huống ít gặp, bệnh cơ liên quan đến bệnh tuyến giáp có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng chức năng của cơ thể.
Hiểu rõ về các triệu chứng cơ liên quan đến các bệnh lý tuyến giáp sẽ giúp bạn sẽ dễ dàng nhận biết hơn khi gặp phải.
1. Bệnh cơ liên quan đến các bệnh lý tuyến giáp
Bệnh cơ có thể gặp trong suy giáp gồm:
- Yếu các cơ gần giữa cơ thể (đùi, vai);
- Chuột rút;
- Tăng creatinine;
- Phì đại cơ (hội chứng Hoffman);
- Hiếm khi có sự phân hủy mô cơ (tiêu cơ vân).
Bệnh cơ có thể gặp trong cường giáp gồm:
- Yếu cơ;
- Ảnh hưởng tới các cơ liên quan đến nuốt và thở (hiếm gặp);
- Chuột rút (không phổ biến);
- Mức creatinine có xu hướng bình thường.
2. Đau yếu cơ ở bệnh nhân suy giáp
2.1 Triệu chứng cảnh báo
Mặc dù đau, yếu cơ liên quan đến các bệnh lý tuyến giáp có thể gặp ở toàn thân, nhưng phổ biến nhất vẫn là ở các gốc chi, chẳng hạn như đùi hoặc vai. Tình trạng này khiến người bệnh gặp phải khó khăn khi leo cầu thang hoặc chải đầu.
Ngoài các triệu chứng về cơ, người bệnh suy giáp có thể bị tăng creatinin, được xác định bằng xét nghiệm máu. Creatinine kinase là 1 loại enzyme, tăng lên khi bị chấn thương cơ. Tuy nhiên, mức độ creatinin kinase không nhất thiết liên quan đến sự nghiêm trọng của cơn đau cơ ở người bệnh suy giáp.
Hiếm khi, suy giáp có thể gây ra các triệu chứng cơ nghiêm trọng hơn như: Hội chứng Hoffman, phì đại cơ lan tỏa (cơ bắp to ra) dẫn đến cứng cơ, yếu và đau đớn.
Tiêu cơ vân (cơ bị phá vỡ nhanh chóng) cũng là một biểu hiện cơ hiếm gặp khác của suy giáp. Tiêu cơ vân thường được kích hoạt khi người bệnh tham gia vào các bài tập thể dục mạnh mẽ hoặc dùng statin (một loại thuốc giảm mỡ máu).
2.2 Nguyên nhân đau yếu cơ ở người bệnh suy giáp
Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây đau yếu cơ do suy giáp vẫn chưa rõ ràng,. Một số chuyên gia suy đoán rằng sự thiếu hụt thyroxine (T4) trong bệnh suy giáp dẫn đến chuyển hóa oxy hóa bất thường, cuối cùng gây ra chấn thương cơ và suy giảm chức năng cơ.
2.3 Chẩn đoán đau yếu cơ ở người bệnh suy giáp
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của người bệnh và khám lâm sàng. Xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để đo creatinin kinase.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị các xét nghiệm khác, chẳng hạn như đo điện cơ (xét nghiệm sử dụng điện cực để phát hiện, ghi lại các tín hiệu điện trong cơ và tế bào thần kinh của người bệnh khi chúng hoạt động và nghỉ ngơi) hoặc sinh thiết cơ để loại trừ các tình trạng khác.
2.4 Điều trị đau yếu cơ ở người bệnh suy giáp
Điều trị đau yếu cơ ở người bệnh suy giáp bằng thuốc thay thế hormone tuyến giáp Synthroid (levothyroxine) thường có thể cải thiện các triệu chứng cơ như chuột rút và cứng khớp. Quá trình cải thiện có thể mất vài tuần, trường hợp yếu cơ thường mất vài tháng mới ổn định.
3. Bệnh cơ gặp ở bệnh nhân cường giáp
Yếu cơ là triệu chứng đặc trưng ở những người bị cường giáp. Mặc dù chuột rút và đau nhức cơ có thể xảy ra nhưng chúng không phổ biến như trong bệnh cơ liên quan đến suy giáp.
3.1 Các triệu chứng
Khi bị yếu cơ do cường giáp, người bệnh có thể gặp khó khăn khi leo cầu thang, đứng lên khỏi ghế, cầm/ nắm chặt đồ vật hoặc vươn tay qua đầu. Hiếm khi bệnh cơ do cường giáp có thể làm ảnh hưởng đến các cơ điều khiển chức năng nuốt và thở của cơ thể.Khi bị cường giáp, mức độ creatinin kinase trong máu nói chung là bình thường, mặc dù thực tế là có tổn thương cơ. Giống như trong bệnh cơ do suy giáp, mức độ tăng creatinin kinase không tương quan với sự nghiêm trọng của các triệu chứng cơ ở người bệnh.
3.2 Nguyên nhân
Giống như suy giáp, cơ chế gây bệnh cơ trong cường giáp cũng không rõ ràng. Có khả năng là mức độ tăng cao của hormone tuyến giáp trong cơ thể là nguyên nhân trực tiếp. Cụ thể hơn, nồng độ hormone tuyến giáp cao này có thể dẫn đến tăng sự giáng hóa protein cơ và sử dụng năng lượng của cơ.
3.3 Chẩn đoán
Đối với bệnh cơ trong cường giáp, bác sỹ sẽ khám lâm sàng và hỏi người bệnh những câu liên quan đến các triệu chứng cơ gặp phải. Bác sỹ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm máu và đề nghị đo điện cơ.
3.4 Điều trị
Nếu điều trị tình trạng cường giáp hoàn toàn thì cũng sẽ chữa khỏi được bệnh cơ. Tuy nhiên, có thể mất thời gian để phục hồi lên đến vài tháng, ngay cả khi tuyến giáp trở lại trạng thái bình thường.
Các chiến lược đối phó để giảm đau cơ do các bệnh lý tuyến giáp có thể hữu ích trong thời gian chờ đợi. Ví như xoa bóp, tắm nước ấm và tập thể dục nhẹ nhàng. Bổ sung magiê cũng có thể giúp cơ bắp bị chuột rút. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh phải đến gặp bác sỹ khi nhận thấy tình trạng cơ đau, yếu trở nên nghiêm trọng.
Tài liệu tham khảo: Muscle Pain and Weakness in Thyroid Disease. By Mary Shomon Medically reviewed by Danielle Weiss, MD. On September 06, 2020)
- Chánh niệm & Thiền định đối với bệnh Hashimoto
- Suy giáp và thai kỳ: Những điều cần biết
- Các trường hợp cần xét nghiệm hormon tuyến cận giáp PTH