Mục lục
Sức đề kháng được xem là “lá chắn thép” ngăn chặn sự xâm nhập của các virus, vi khuẩn vào cơ thể con người, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Phụ huynh cần tìm hiểu những dấu hiệu sức đề kháng yếu của trẻ để có hướng chăm sóc và bảo vệ con phù hợp.
1. Tầm quan trọng của sức đề kháng đối với trẻ
Trước hết phụ huynh cần hiểu rõ tầm quan trọng của sức đề kháng đối với sức khỏe của trẻ. Sức đề kháng của trẻ là “hàng rào” ngăn cản các tác nhân gây hại như nấm, virus, vi khuẩn, ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể trẻ. Cơ thể khỏe mạnh sẽ rất khó nhiễm bệnh, nếu không may bị nhiễm sẽ nhanh chóng phục hồi.
Ngược lại, sức đề kháng yếu là khả năng chống đỡ của cơ thể bị kém đi trước các vi khuẩn gây hại. Trẻ em có sức đề kháng yếu dễ mắc bệnh và có thời gian lành bệnh lâu hơn so với những trẻ có sức đề kháng tốt.
Tình trạng phụ huynh chủ quan và ít chú ý đến việc tăng cường đề kháng cho con dẫn đến số lượng trẻ ốm yếu, ốm vặt vẫn còn nhiều.
2. Dấu hiệu sức đề kháng yếu ở trẻ nhỏ
Bố mẹ nên lưu ý và tìm các phương pháp nâng cao sức đề kháng cho bé phù hợp khi nhận thấy các dấu hiệu sau đây:
- Trẻ hay ốm vặt
Trẻ sơ sinh, trẻ nhũ nhi đang từng bước thiết lập hệ miễn dịch nên vẫn còn yếu. Hơn nữa, đây còn là đối tượng rất nhạy cảm với môi trường bên ngoài đầy khói bụi vi khuẩn.
Trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu sẽ dễ bị các tác nhân bên ngoài xâm nhập, khiến trẻ hay ốm vặt như ho và sổ mũi, nóng sốt, viêm họng,... nghiêm trọng hơn là có thể mắc các bệnh bạch hầu, uốn ván, sốt xuất huyết. Các vi khuẩn, ký sinh trùng làm cho dễ nhiễm bệnh hơn, trẻ ốm yếu, còi cọc so với các bạn đồng trang lứa.
- Trẻ bị mất nước
Tổng lượng nước chiếm khoảng 60 - 75% trong cơ thể trẻ nhỏ, giúp duy trì sự sống cho cơ thể. Cơ thể trẻ mất nước hoặc hấp thụ không đủ nước đồng nghĩa với việc trẻ có sức đề kháng yếu. Phụ huynh có thể nhận biết dấu hiệu mất nước nếu thấy môi trẻ khô nứt nẻ, dính hai bờ môi trên - dưới lại, ít khóc và khóc thì không có nước mắt, mí mắt trũng xuống, da khô, lạnh, ít đi tiểu tiện, uống nhiều nước, buồn ngủ và hay quấy khóc. Tình trạng này kéo dài lâu sẽ khiến cơ thể suy nhược, trẻ ốm yếu thường xuyên và ảnh hưởng đến sự phát triển sau này.
- Trẻ thèm đồ ngọt
Dù có vẻ không liên quan nhưng đây cũng là một trong những dấu hiệu sức đề kháng yếu quan trọng để nhận biết. Trẻ ăn nhiều đồ ngọt hay thèm đường tinh luyện là cho thấy sức khỏe đang dần bị yếu đi, đồng thời đây cũng là nguyên nhân góp phần làm suy giảm sức đề kháng. Phụ huynh nên hạn chế cho con ăn đồ ngọt nhằm tránh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé.
- Trẻ biếng ăn, lười ăn
Khi có sức đề kháng yếu, cơ thể trẻ thường sẽ ủ rũ, mệt mỏi, trẻ hay ốm vặt nên cũng cảm thấy chán ăn, không muốn ăn kể cả những món ưa thích. Nếu nhận thấy dấu hiệu sức đề kháng yếu này, mẹ nên tiếp tục theo dõi con và tìm ra hướng giải quyết thích hợp.
- Tiêu hoá kém
Trẻ có sức đề kháng mạnh sẽ hấp thu tốt lượng thức ăn được đưa vào cơ thể và tiêu hóa khỏe mạnh. Ngược lại, trẻ có sức đề kháng yếu thường bị rối loạn tiêu hoá, nôn trớ trong hoặc ngay sau khi ăn, đi ngoài phân sống. Nếu phụ huynh không kịp thời phát hiện sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng, trẻ ốm yếu, chậm phát triển,... đồng thời bé cũng chậm chạp và ít có hứng thú khi chơi khiến tinh thần ít nhiều bị ảnh hưởng.
- Vết thương của trẻ lâu lành
Các chuyên gia y tế cho biết thời gian lành vết thương của trẻ là yếu tố đánh giá chính xác hệ miễn dịch ở trẻ. Vì vậy, phụ huynh hãy chú ý nếu trẻ bị thương, trầy xước lâu lành thì có nghĩa là sức đề kháng của bé yếu, cần nhanh chóng tăng cường đề kháng cho trẻ.
3. Cách cải thiện sức đề kháng cho trẻ
Nếu con trẻ có những dấu hiệu sức đề kháng yếu kể trên, phụ huynh cần:
- Bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng vào thực đơn của con, nhiều rau xanh, hoa quả tươi ngọt và hạn ăn các đồ ngọt, dầu mỡ, chiên,...
- Trẻ sơ sinh thì bú sữa mẹ hoàn toàn bởi trong sữa mẹ có hàm lượng chất dinh dưỡng cao và chứa một lượng lớn miễn dịch tự nhiên
- Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động thể chất phù hợp với lứa tuổi
- Khi trẻ bị ốm, không nên chủ quan tự ý cho con uống thuốc kháng sinh hay bất cứ thuốc gì khác mà hãy đưa đến bệnh viện nhờ bác sĩ thăm khám.
Tóm lại, sức đề kháng yếu sẽ khiến trẻ hay ốm vặt dẫn đến yếu ớt, còi cọc, không chịu vận động, phát triển không toàn diện về mặt thể chất lẫn trí tuệ. Vì vậy, cha mẹ hãy quan tâm và tìm ra phương pháp giải quyết phù hợp để con được phát triển an toàn và lành mạnh nhất.
Bên cạnh đó, bé cần bổ sung thêm các vi chất cần thiết như: Kẽm, selen, Crom, Vitamin B1 và B6, Gừng, chiết xuất quả sơ ri (vitamin C),... để cải thiện vị giác, ăn ngon, đạt chiều cao và cân nặng đúng chuẩn và vượt chuẩn, hệ miễn dịch tốt, tăng cường đề kháng để ít ốm vặt và ít gặp các vấn đề tiêu hóa.
Việc cải thiện triệu chứng có thể diễn ra trong thời gian dài nên khuyến cáo cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì khi bổ sung chất cho bé kể cả qua đường ăn uống hay các thực phẩm chức năng. Đặc biệt việc dùng thực phẩm chức năng nên chọn các loại có nguồn gốc tự nhiên dễ hấp thụ, không cho còn dùng đồng thời nhiều loại hoặc thay đổi liên tục các loại thực phẩm chức năng.
Để có thêm kiến thức dinh dưỡng và chăm sóc trẻ theo từng độ tuổi, cha mẹ hãy thường xuyên truy cập website vinmec.com và đặt hẹn với các bác sĩ, chuyên gia Nhi - Dinh dưỡng hàng đầu của Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec khi cần tư vấn về sức khỏe của trẻ.
- Tháng nào trẻ cũng ốm, vì sao?
- Có nên dùng thuốc bổ cho trẻ hay ốm vặt không?
- Bé hơn 1 tuổi đi phân xám, hay ốm vặt có phải thiếu chất không?