Mục lục
Giai đoạn đầu khi trẻ bắt đầu ăn dặm có thể sẽ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa từ đó thay đổi thói quen đại tiện của trẻ. Khi bắt đầu được ăn dặm, phân của trẻ sẽ từ phân lỏng sang phân sệt và phân rắn hơn, cuối cùng sẽ đóng khuôn và có hình dạng tương tự như phân của người lớn. Tần suất đại tiện cũng sẽ thay đổi. Điều này khiến bố mẹ dễ hiểu lầm rằng trẻ đang bị táo bón trong khi thực tế không phải vậy. Theo dõi thói quen ăn uống và tính chất phân để nhanh chóng nhận ra các dấu hiệu táo bón ở trẻ ăn dặm là việc mà các bậc cha mẹ nên làm.
1. Dấu hiệu trẻ ăn dặm bị táo bón là gì?
Một em bé khỏe mạnh có thể đại tiện với tần suất khoảng vài ngày một lần đến 6 lần một ngày. Khi thay đổi chế độ ăn bắt đầu ăn dặm, phân của trẻ cũng sẽ thay đổi, do đó, trẻ có thể đi nhiều hơn hoặc ít hơn và bản thân phân của con cũng thay đổi để giống với phân của người trưởng thành. Một số trẻ sơ sinh có thể bị táo bón khi ruột của chúng chưa thích nghi với việc xử lý các loại thức ăn mới. Điều quan trọng bố mẹ cần hiểu là mỗi em bé là một cá thể khác nhau.
Nếu con bạn đột nhiên trẻ khóc và cố gắng tiết ra một lượng nhỏ phân khô cứng và trẻ đại tiện ít thường xuyên hơn bình thường, thì rất có thể trẻ đã bị táo bón.
Phân của trẻ có thể khác nhau về màu sắc và độ đặc tùy ngày. Khi trẻ được cai sữa và bắt đầu ăn dặm với nhiều loại thức ăn đặc hơn, phân của chúng sẽ thay đổi về màu sắc và mùi như trở nên đặc hơn, sẫm màu hơn và có mùi tanh hơn. Bạn sẽ nhận thấy rằng phân của trẻ sẽ thay đổi tùy thuộc vào các loại thức ăn mà bạn đã cho trẻ ăn. Những thay đổi này sẽ lại được quan sát thấy trong quá trình lớn lên của trẻ, bước vào tuổi chập chững biết đi và sau đó là lứa tuổi mẫu giáo, bố mẹ có thể thấy những thay đổi hơn nữa về tần suất đại tiện và tính chất của phân, luôn phụ thuộc vào những gì trẻ đang ăn.
Dưới đây là một số biểu hiện táo bón ở trẻ ăn dặm mà bố mẹ nên ghi nhớ:
- Trẻ gắng sức rặn và đỏ mặt trong hơn 10 phút khi đại tiện - trẻ bị táo bón thường gặp phải nhiều khó khăn khi đại tiện. Nếu bé đại tiện với một khuôn mặt đỏ bừng và thời gian đại tiên kéo dài trên 10 phút, rất có thể bé đã bị táo bón.
- Khóc ré và đau khi cố gắng đại tiện - Phân của những đứa trẻ bị táo bón thường nhỏ và cứng, vì thế sẽ khiến trẻ đau đớn khi đại tiện, đặc biệt là nếu trẻ chưa đại tiện trong nhiều ngày trước đó. Trẻ ăn dặm bị táo bón cũng có thể cảm thấy đau bụng do chứng co thắt ruột khi táo bón.
- Phân cứng, khô và có dạng viên tròn - Trẻ bị táo bón thường đi ngoài ra phân dạng viên, tròn nhỏ và khô. Điều này là do thức ăn di chuyển chậm và ở lại lâu hơn ở ruột già, nơi nước được tái hấp thu vào cơ thể, tạo ra phân cứng hơn bình thường.
Một số biểu hiện khác gợi ý tình trạng táo bón ở trẻ ăn dặm như:
- Đôi khi có máu trong tã do nứt da hậu môn. Đây là hậu quả có thể gặp phải khi phân của trẻ quá cứng và khô.
- Số lần đi đại tiện và lượng phân ít hơn bình thường
- Chán ăn
- Bụng cứng hoặc sờ thấy u phân
- Thay đổi hành vi, chẳng hạn như cáu kỉnh hơn
2. Tại sao trẻ ăn dặm dễ bị táo bón?
Trong 6 tháng đầu đời của trẻ, chúng đã quen với sữa mẹ hoặc sữa công thức. Và trong 6 tháng này, hệ tiêu hóa của trẻ đã phát triển, hoàn thiện hơn để chuẩn bị bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của con bạn sẽ không sản xuất đủ enzym để tiêu hóa tinh bột cho đến khoảng 6 tháng. Trong khoảng thời gian từ 6 đến 9 tháng, việc sản xuất muối mật và lipase (quan trọng cho quá trình tiêu hóa chất béo) sẽ đạt đến độ trưởng thành cần thiết. Vì vậy, hãy ghi nhớ rằng cột mốc quan trọng để bắt đầu cho trẻ ăn dặm là kim chỉ nam để bảo vệ sức khỏe của trẻ và đảm bảo sự phát triển điều độ.
Khi bắt đầu ăn dặm, có thể cần mất một khoảng thời gian để hệ tiêu hóa thích nghi với cách ăn mới này. Và trong thời gian điều chỉnh này, bố mẹ thường thấy con mình bị táo bón và khó đi tiêu. Ngoài ra, các thực phẩm đầu tiên mà người lớn cho trẻ ăn thường bao gồm các loại ít chất xơ, như gạo trẻ em hoặc ngũ cốc trẻ em. Chúng ta biết rằng thiếu chất xơ trong chế độ ăn uống có thể khiến táo bón xuất hiện. Điều này cũng đúng với cơ thể của trẻ.
3. Bố mẹ nên làm gì khi nhận ra biểu hiện táo bón ở trẻ ăn dặm?
Một số phương pháp hiệu quả dễ thực hiện ở nhà mà bố mẹ có thể áp dụng để giải quyết tình trạng táo bón ở trẻ ăn dặm bao gồm:
- Trái cây: đảm bảo rằng em bé của bạn đang ăn nhiều loại trái cây và rau quả khác nhau, chẳng hạn như táo, mơ, lê và nho. Chúng có thể được ăn dưới dạng xay nhuyễn hoặc cắt nhỏ và ăn thêm vào các bữa ăn phụ.
- Rau xanh – tương tự như người lớn, trẻ em ở lứa tuổi ăn dặm nên được ăn nhiều loại rau xanh. Tuy nhiên, không cần thiết phải cho trẻ ăn rau còn nguyên vỏ vì điều này có thể sẽ cung cấp quá nhiều chất xơ cho dạ dày nhỏ của trẻ và sẽ khiến trẻ no lâu.
- Nước - giữ cho cơ thể em bé được cung cấp đủ nước. Cho trẻ uống một ít nước giữa các cữ bú, nhưng đừng pha loãng sữa công thức nếu trẻ đang bú bình.
- Không nên cho trẻ ăn quá nhiều gạo dành cho trẻ em - người ta cho rằng gạo trẻ em có thể khiến tình trạng táo bón nặng hơn, vì vậy hãy hạn chế tối đa gạo dành cho trẻ em trong thời gian trẻ bị táo bón.
- Nước hoa quả pha loãng - một số em bé có thể đỡ đau hơn khi uống nước hoa quả pha loãng như nước cam pha loãng với nước. Sau khi khắc phục được tình trạng táo bón, trẻ vẫn nên được ưu tiên bổ sung nước lọc. Không nên chọn mua các loại nước hoa quả đóng hộp vì những sản phẩm này chứa nhiều đường, không thích hợp với hệ tiêu hóa của trẻ.
- Mát-xa cho em bé - có thể làm giảm táo bón và giúp trẻ thoải mái. Nhẹ nhàng di chuyển chân của trẻ theo chuyển động đạp xe để giúp phân cứng di chuyển dọc theo ruột của trẻ. Có thể dùng tay mát xa bụng của trẻ theo chuyển động tròn cùng chiều kim đồng hồ từ phải sang trái để mang lại hiệu quả tương tự.
Tóm lại, táo bón là tình trạng mà nhiều trẻ mắc phải, nhất là trong thời kỳ trẻ bắt đầu ăn dặm. Vì thế các bậc cha mẹ cần nắm rõ các triệu chứng và có chế độ dinh dưỡng điều chỉnh phù hợp. Nếu táo bón kéo dài khiến trẻ biếng ăn và khó chịu cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị, tránh để các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Trường hợp trẻ biếng ăn kéo dài, kém hấp thu, chậm phát triển cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng. Cha mẹ có thể đồng thời áp dụng việc bổ sung chất qua đường ăn uống và các thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ tự nhiên để bé dễ hấp thụ. Điều quan trọng nhất là việc cải thiện triệu chứng cho bé thường phải diễn ra trong thời gian dài. Việc kết hợp nhiều loại thực phẩm chức năng cùng lúc hoặc thay đổi liên tục nhiều loại trong thời gian ngắn có thể khiến hệ tiêu hóa của bé không kịp thích nghi và hoàn toàn không tốt. Vì vậy cha mẹ phải thực sự kiên trì đồng hành cùng con và thường xuyên truy cập website vinmec.com để cập nhật những thông tin chăm sóc cho bé hữu ích nhé.
- Trẻ đi ngoài phân xanh do nguyên nhân nào? Có ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ không?
- Hướng dẫn cách chế biến món ăn thô cho trẻ
- Bé 4 tháng, 4 ngày đi ngoài một lần phân mềm, bú ít là bị làm sao?