Mục lục
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Huy Toàn - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Dị ứng đạm sữa bò là tình trạng cơ thể của trẻ trở nên rất nhạy cảm với đạm trong sữa bò. Đây là loại dị ứng thực phẩm phổ biến nhất đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Dấu hiệu bé bị dị ứng đạm sữa bò là kết quả của việc cơ thể có những phản ứng lại với loại thực phẩm này, có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
1. Dị ứng đạm sữa bò là gì?
Hiện tượng dị ứng đạm sữa bò là hiện tượng xảy ra khi hệ miễn dịch của trẻ em, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh có những phản ứng quá nhạy cảm với thành phần đạm có trong sữa bò. Đây là hiện tượng dị ứng thực phẩm phổ biến nhất ở nhóm trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì sữa bò là loại thực phẩm có chứa đạm lạ đầu tiên mà nhóm trẻ này phải hấp thụ với một lượng lớn, nhất là những trẻ đã từng uống sữa bột trước đó.
Khi trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh mắc phải tình trạng dị ứng đạm sữa bò, hệ miễn dịch của trẻ sẽ nhận diện sai đạm trong sữa bò là chất có hại và sẽ có phản ứng lại với những loại đạm này và gây ra những dấu hiệu bé bị dị ứng đạm sữa bò.
2. Nguyên nhân gây dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Khi cơ thể của trẻ nhận diện sai lầm rằng những thành phần protein có mặt trong sữa bò là có hại thì sẽ tự động sản sinh ra kháng thể miễn dịch IgE làm trung hòa những protein này. Trong sữa bò có 2 loại đạm chính gây ra hiện tượng dị ứng đạm sữa bò đó là Casein trong phần sữa đông vón lại, và Whey trong phần sữa lỏng còn lại sau khi sữa đông đã vón lại.
Những lần tiếp theo khi cơ thể trẻ tiếp xúc với những loại đạm trong sữa bò này, kháng thể IgE đã được tạo ra sẽ có nhiệm vụ nhận diện và truyền tín hiệu cho hệ thống miễn dịch giải phóng ra histamin và những hóa chất trung gian gây dị ứng. Chính những chất này sẽ gây ra những dấu hiệu bé bị dị ứng đạm sữa bò.
Nguyên nhân chính xác của tình trạng dị ứng đạm sữa bò ở trẻ em hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng, nhưng theo nghiên cứu, dị ứng có tính di truyền nên trẻ em sẽ có nguy cơ cao bị dị ứng sữa nếu bố mẹ có tiền sử mắc bệnh dị ứng như sốt, ngứa hay dị ứng những loại thực phẩm.
3. Làm sao để biết bé dị ứng đạm sữa bò?
Tình trạng dị ứng đạm sữa bò có thể gây ra hàng loạt những triệu chứng khác nhau, với những mức độ nặng hay nhẹ khác nhau tùy vào bệnh và thời điểm. Dấu hiệu bé bị dị ứng đạm sữa bò thường xuất hiện trong khoảng 2 giờ hoặc sau 48 giờ kể từ lúc trẻ uống sữa bò. Những ảnh hưởng cụ thể của bệnh có thể biểu hiện lên da, hô hấp và tiêu hóa.
Dấu hiệu bé bị dị ứng đạm sữa bò bao gồm những triệu chứng tức thời và triệu chứng xuất hiện muộn sau đó.
3.1 Triệu chứng tức thời
- Khó thở;
- Sưng môi, lưỡi, mặt;
- Da phát ban, nổi mề đay, nổi mẩn đỏ, ngứa;
- Chàm là biểu hiện của tình trạng viêm da dị ứng;
- Nôn mửa sau khi bú sữa;
- Dấu hiệu tiêu chảy.
3.2 Triệu chứng muộn
- Chàm, ngứa, mẩn đỏ;
- Sổ mũi, ho kéo dài, thở khò khè;
- Quấy khóc nhiều;
- Đau quặn bụng;
- Nôn mửa, trào ngược;
- Táo bón;
- Đi cầu nhiều lần, phân lỏng có máu.
Những triệu chứng này có thể làm trẻ thức giấc và quấy khóc cả đêm, mệt mỏi lúc ăn, khiến trẻ chậm tăng cân. Trường hợp bé bú mẹ bị dị ứng đạm sữa bò sẽ có biểu hiện như đau bụng, chàm bội nhiễm. Tuy nhiên, những triệu chứng trên cũng có thể xuất hiện đối với những bệnh lý khác chứ không chỉ gặp riêng đối với dị ứng đạm sữa bò nên phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi có dấu hiệu bất thường để được chẩn đoán chính xác.
4. Chăm sóc trẻ bị dị ứng đạm sữa bò
Trẻ em có những triệu chứng bất thường như trên khi đi khám sẽ được bác sĩ chỉ định làm các bài test dị ứng đạm sữa bò. Nếu kết quả chẩn đoán là mắc phải dị ứng đạm sữa bò thì cần phải cho trẻ kiêng sữa bò và những thực phẩm có nguồn gốc từ sữa bò.
Bên cạnh đó, trường hợp dị ứng đạm sữa bò ở trẻ sơ sinh, cần phải kiểm soát chặt chẽ những loại thức ăn mà cả mẹ và bé đưa vào cơ thể, xem kỹ nguồn gốc xem có sữa hay không.
Những bé bị dị ứng đạm sữa bò cũng sẽ có xu hướng dị ứng với những loại sữa của các động vật khác như sữa dê, vì đạm trong sữa dê cũng có thành phần tương tự như đạm trong sữa bò. Do đó, cần phải kiêng cả những loại sữa của những động vật khác và tốt nhất là cho con bú sữa mẹ, duy trì chế độ ăn uống khoa học hợp lý.
5. Phòng tránh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Hầu hết trẻ em khi lớn lên sẽ khỏi hẳn tình trạng bị dị ứng đạm sữa bò, trong độ tuổi từ 1 đến 4 tuổi khi hệ miễn dịch của trẻ đã trưởng thành. Tuy nhiên cần làm một số test dị ứng đạm sữa bò trước khi đưa ra kết luận bé đã khỏi hẳn và có thể ăn những thực phẩm bình thường trở lại.
Phương pháp phòng tránh dị ứng đạm sữa bò, đặc biệt là dị ứng đạm sữa bò ở trẻ sơ sinh hiện nay là nuôi con bằng sữa mẹ. Vì sữa mẹ là con đường tốt nhất để bảo vệ trẻ khỏi những khả năng bị dị ứng thức ăn, có chứa những chất đạm từ người mẹ khiến bé có thể dung nạp một cách tốt nhất, chứa những thành phần có chức năng bảo vệ cho hệ tiêu hóa chưa trưởng thành của trẻ trước những nguồn đạm lạ.
Đối với những người không có khả năng nuôi con bằng sữa mẹ và đứa bé thuộc vào nhóm có cơ địa dị ứng thì người mẹ nên cho trẻ sử dụng những loại sữa công thức có đạm thủy phân toàn phần để ngăn chặn tối đa dị ứng đạm sữa bò cho trẻ.
Khi thấy dấu hiệu bé bị dị ứng đạm sữa bò, phụ huynh phải đưa bé đến cơ sở y tế để được làm xét nghiệm và chẩn đoán xác định dị ứng đạm sữa bò, từ đó có cách đối phó với tình trạng dị ứng này của trẻ. Bên cạnh đó, việc ăn uống kiêng đạm sữa bò và bú sữa mẹ cũng góp phần quan trọng trong việc phòng tránh trẻ mắc phải dị ứng đạm sữa bò.
Khoa Nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: các bệnh về tiêu hóa, sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
- Sữa thực vật và sữa bò: Loại nào tốt cho bạn?
- So sánh: Sữa hạnh nhân, sữa bò, sữa đậu nành, sữa gạo và sữa dừa
- Bé dị ứng đạm sữa, bò mẹ nên ăn gì?